Giảng thuyết: Một nghệ thuật

Thực vậy, “Khi cử hành thánh lễ, đặc biệt là thánh lễ Chúa Nhật, linh mục có nhiệm vụ sửa soạn cho giáo dân hai bàn tiệc: bàn tiệc Thánh Thể và bàn tiệc Lời Chúa. Cả hai bàn tiệc đều quan trọng, và có quan hệ mật thiết. Bàn tiệc Lời Chúa vừa nuôi sống, vừa chuẩn bị cho người Kitô hữu hiệp thông mật thiết với Đức Kitô trong bí tích. Chúng ta dừng lại ở bàn tiệc Lời Chúa, cách đặc biệt ở bài giảng lễ, vì đây là một nhiệm vụ vừa quan trọng, vừa vô cùng khó khăn. Giảng lễ còn là một nghệ thuật cần phải không ngừng trau dồi, vừa có hiệu năng nhờ ân sủng siêu nhiên. Hai yếu tố tự nhiên và siêu nhiên trong việc giảng lễ có tương quan hữu cơ với nhau. Yếu tố này tùy thuộc và phát huy sức mạnh nhờ yếu tố kia” (Đức cố TGM Phao-lô Bùi Văn Đọc, bài “Canh tân việc giảng Lời Chúa trong thánh lễ”, nguồn tinvuixuanloc.vn).

Trên tòa giảng, giảng thuyết viên, tức diễn giả sẽ phải đối diện với một cử tọa nào đó, sẽ sử dụng những kỹ năng truyền thông thích hợp để trình bày một vấn đề, sẽ phải đầu tư cho bài giảng của mình sao cho có được chất lượng cao cả về bố cục hình thức lẫn nội dung chia sẻ, cũng sẽ phải vận dụng những công cụ, phương tiện cần thiết nhằm hỗ trợ cho việc truyền thông đạt hiệu quả cao nhất có thể…Ngoài ra, diễn giả cũng quan tâm đến việc phải làm sao cho cộng đoàn thông hiểu, cảm nhận được những gì mình nói ra. Nhất là cố gắng lôi cuốn hấp dẫn người nghe bằng những kỹ năng truyền thông thích hợp, nhờ đó họ cảm thấy thoải mái, thích thú đi vào lộ trình suy tư do mình hướng dẫn.

Nói đến nghệ thuật là nói đến cái đẹp, nét hài hòa, tính thẩm mỹ, sự thuyết phục, hiệu quả phục vụ, sức mạnh lôi cuốn, khả năng làm thay đổi, gây ấn tượng tốt, kích thích sự ham mê và tinh thần hướng thượng vv. Trong cuộc sống hằng ngày, người ta quan tâm nghiên cứu, học hỏi, bàn luận, trao đổi về nhiều loại hình nghệ thuật. Chẳng hạn, trong truyền thông người ta nói đến nghệ thuật hùng biện, nghệ thuật nói trước công chúng, nghệ thuật giao tiếp. Trong tôn giáo có mỹ thuật tôn giáo, ảnh tượng, điêu khắc, hội họa tôn giáo. Trong cuộc sống, về những mối tương quan xã hội, người ta nói đến nghệ thuật sống khỏe sống vui, nghệ thuật lãnh đạo, nghệ thuật làm vợ/ làm chồng, nghệ thuật chinh phục đám đông, nghệ thuật nói chuyện, vấn đề đắc nhân tâm vv…

Tóm lại, có cả trăm ngàn thứ nghệ thuật. Và tất cả đều có chung một mục tiêu, đó là nghệ thuật vị nhân sinh. Tất cả vì con người, cho con người, để đem lại lợi ích cho con người. Doriac và Dugaston đã quả quyết rằng: “Hùng biện là nghệ thuật, là tài nói hay, thuyết giỏi, làm cảm động, làm tín phục và chinh phục”. Giảng thuyết cũng có đủ các yếu tố liên quan đến hùng biện nên có thể được coi là một nghệ thuật.

Chúng ta sẽ bàn về các yếu tố khẳng định tính nghệ thuật trong giảng thuyết như sau:

. Xét về mục tiêu và bản chất công việc

Giảng thuyết vốn là một trong những công việc mục vụ quan trọng trong đời sống của mục tử. Công việc ấy trước tiên nhắm đến việc phục vụ. Như tài liệu “Đào tạo linh mục ngày nay”, đề tài của THĐGMTG năm 1990 đã nêu rõ: “Phục vụ Giáo hội mầu nhiệm, Giáo hội hiệp thông, Giáo hội truyền giáo, qua cầu nguyện, giảng dạy, cử hành bí tích, hướng dẫn Dân Chúa, nhằm tìm ơn cứu độ hơn là tư lợi…”.

ĐGM GB. Bùi Tuần, Gp Long Xuyên, khi chia sẻ về lý do phục vụ của linh mục đã viết như sau: “Mọi người chúng ta không trừ một ai, phải cố gắng phục vụ, nếu không thể bằng những việc có tầm cỡ, thì cũng hãy bằng những việc bé nhỏ, đơn sơ âm thầm. Lý do là vì càng phục vụ tốt, ta càng giống hình ảnh Thiên Chúa. Càng phục vụ tốt, ta càng đạt được lý tưởng linh mục của ta…” (Bài ‘Truyền giáo”, Tĩnh tâm LM TGp Saigon năm 1990).

Rất có thể trong thực tế, khi đứng ở giảng đài, nhiều người có trách nhiệm phục vụ mà không nghĩ mình đang phục vụ. Từ thực tế này đã có nhiều vị giảng thuyết viên đã bỏ lỡ nhiều cơ hội phục vụ của mình một cách uổng phí! Có lẽ phải ngồi ở hàng ghế thính giả, người ta mới cảm nhận được điều này. Bài giảng khi được trình bày không những có lợi cho bản thân vị mục tử mà nhất là nhắm tới ích lợi cho và vì cộng đoàn. Tác giả LM Thomas V. Liske trong cuốn “Thành công trên tòa giảng” (ĐCV thánh Quý Cần Thơ 1995), đã viết như sau: “Bài giảng không phải là công việc đơn phương. Nó không phải là độc thoại mà là việc diễn giảng trước công chúng có tính đại chúng nhất. Bài giảng là một cố gắng nghiêm túc để truyền đạt những ý niệm của các chân lý quan trọng nhất đời sang các các tâm trí và tâm hồn mà ta gọi là giáo đoàn hay cử tọa”.

Như đã nói ở trên, trong mỗi thánh lễ, linh mục sửa soạn cho cộng đoàn hai bàn tiệc, Thánh Thể và Lời Chúa. Trong bàn tiệc Lời Chúa có bài giảng lễ mà bất kỳ vị linh mục nào cũng cần quan tâm chuẩn bị với nhiều thời gian và công sức. Bởi vì đó là một công việc vừa quan trọng, vừa khó khăn lại khá phức tạp. Công việc ấy có thể sánh với công việc của một bà nội trợ. Để có những món ăn ngon phục vụ thực khách, bà ta phải dùng khối óc, kiến thức, kinh nghiệm và bàn tay khéo léo để chế biến các món ăn sao cho vừa ngon miệng, vừa lạ miệng, lại đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, sắp xếp gọn ghẽ đẹp mắt, trông hấp dẫn…

Qua việc giảng lễ, linh mục sẽ phục vụ tín hữu không phải bằng những món ăn vật chất nhưng là những món ăn tinh thần, là Lời Chúa, là những giáo huấn đạo đức, là những chia sẻ về đức tin, đức ái, về sống đạo, sống Tin Mừng. Tất nhiên, việc này không đơn giản, dễ dàng. Bởi đó là một nghệ thuật. Hay nói cách rộng hơn, đó là một công việc mang tính nghệ thuật. Chính vì vậy, ta sẽ thấy rằng, việc này sẽ khó hơn nhiều so với công việc của bà nội trợ. Công việc giảng thuyết luôn đòi hỏi vị mục tử một tâm hồn đạo đức, sự nhạy bén và thông minh của một diễn giả chuyên nghiệp, sự thông thạo kỹ năng chuyên môn về truyền thông, có vốn liếng kiến thức cần thiết và sự đam mê cần đủ để có thể chu toàn nhiệm vụ giảng dạy của mình một cách tốt đẹp. Về vai trò phục vụ của mục tử, ĐGM GB. Bùi Tuần đã chia sẻ như sau: “Để phục vụ trong mục vụ được hữu hiệu, thiết tưởng giáo sĩ chúng ta vừa phải có lòng đạo đức, vừa có tinh thần khoa học. Phục vụ với tâm hồn đạo đức, nhưng một cách khoa học. Phục vụ với tinh thần khoa học, nhưng một cách đạo đức” (Nguồn đã dẫn trên).

. Xét về đối tượng phục vụ

Có thể nói, bất kỳ loại hình nghệ thuật nào cũng nhắm đến việc phục vụ con người là chính yếu. Vì thế, người ta thường nói “Nghệ thuật vị nhân sinh”. Con người là đối tượng để phục vụ. Khi giảng, linh mục không nói một mình, nhưng là đối thoại với cộng đoàn tín hữu được Chúa và Hội thánh trao phó để giảng dạy. Qua chức năng này, công việc giảng thuyết của mục tử luôn nhắm đến đối tượng riêng của mình, đó là “những tâm hồn và tâm trí mà ta gọi là giáo đoàn hay cử tọa” (Thomas V. Liske).

Quả vậy, cử tọa của linh mục giảng thuyết không phải là những thánh nhân hay những tượng gỗ, trái lại họ là những con người cụ thể luôn có những thao thức, những lo âu, những bức xúc, những nhu cầu tâm linh, tôn giáo cần được biết đến và được giúp giải quyết. Khi nghe giảng lễ, cộng đoàn luôn mong ước được chia sẻ sự ngọt ngào của Lời Chúa, sự phong nhiêu của các chân lý, sự hấp dẫn của Tin Mừng, sự đầm ấm của tình yêu hiệp thông, sự tự tin của người-được-phục-vụ để sẵn sàng dấn thân, sự thoải mái của con cái Chúa để có thể dễ dàng hướng tâm hồn lên với Chúa.

Vì vậy, nội dung bài giảng của các ngài không nên là “một chuỗi dài lập đi lập lại những lời khuyên răn đạo đức” (ĐGM GB. Bùi Tuần), mà trái lại cần chất chứa những tư tưởng sáng đẹp về Thiên Chúa, về Chúa Ki-tô, về ơn cứu rỗi, về Hội thánh, về tình huynh đệ cộng đoàn, về công cuộc truyền giáo, về sự thăng tiến cuộc sống đạo-đời vv. Tất cả những vẻ đẹp ấy, nếu được chuyển tải một cách tinh tế, nghiêm túc và khoa học thì thính giả sẽ dễ dàng cảm thụ, dễ dàng đón nhận, dễ dàng mộ mến, dễ dàng cảm phục, nhờ đó họ sẽ được biến đổi một cách tích cực.

Nghệ thuật vốn nhằm tôn vinh vẻ đẹp, tính thẩm mỹ, sự hòa điệu của tất cả những gì liên quan đến con người và cuộc sống nhân sinh. Những vẻ đẹp ấy của nghệ thuật luôn có mục đích phục vụ con người, đem lại lợi ích cho con người, thăng hoa, kiến tạo và duy trì mối quan hệ tốt đẹp người-người, gia tăng sự cảm thông gắn bó yêu thương giữa con người với nhau. Do đó, việc giảng thuyết nếu được hiểu là một nghệ thuật thánh, được thực hiện một cách nghiêm túc, được đầu tư chuẩn bị kỹ lưỡng, được dàn dựng công phu, khoa học, thì chắc chắn sẽ góp phần rất lớn vào việc phục vụ tín hữu, qua việc tôn tạo vẻ đẹp linh thánh tuyệt vời nơi nghi lễ và bầu khí phụng vụ.

ĐGM GB. Bùi Tuần trong tập “Hành trình Phục sinh – Nói với gián dân”, LX tháng 4-1997 đã viết như sau: “Có những vẻ đẹp của văn hóa khoa học trong đó các hệ thống âm thanh, ánh sáng, nhất là trong cách tổ chức lễ, có trật tự, có ăn khớp, có chính xác. Có những vẻ đẹp của văn hóa nhân văn ở bầu khí lịch sự, tế nhị, bác ái, trong đó mỗi người đều được kính trọng, và mỗi người đều biết tự trọng, tự thức, tự hiểu trách nhiệm của mình đối với cuộc lễ. Có những nét đẹp của văn hóa Thánh kinh, ở thái độ cộng đoàn tập trung cầu nguyện, tạ ơn, trân trọng lắng nghe Lời Chúa, thinh lặng suy gẫm Lời Chúa và sốt sắng hiệp thông với Hội thánh…Đây là một đức tin được biểu lộ qua những vẻ đẹp của các loại hình văn hóa, nơi con người, nơi cộng đoàn, nơi môi trường, nơi nghi lễ và bầu khí phụng vụ. Thiết tưởng đức tin này sẽ được dễ hiểu như một tin mừng có nhiều khả năng thăng tiến con người về nhiều mặt, nhất là về mặt tâm linh ” (trang 26-27).

. Xét về cách thế phục vụ

Chắc chắn bất kỳ một mục tử nào, trước khi bước lên giảng đài, cũng sẽ tự hỏi: “Hôm nay tôi sẽ nói gì? Cử tọa là những ai? Tôi sẽ phải nói như thế nào cho thích hợp và hiệu quả? Khung cảnh buổi lễ đòi hỏi bài giảng sẽ được chuẩn bị ra sao? vv…”. Trừ trường hợp đột xuất, phải nói cách tự phát, ứng khẩu, kỳ dư vị giảng thuyết sẽ tranh thủ thời gian và điều kiện cần đủ để suy nghĩ, tham khảo, tịnh tâm, chu đáo chuẩn bị những gì cần thiết cho một buổi giảng lễ.

Mọi sự chuẩn bị nào đó của vị giảng thuyết viên sẽ không thừa, bởi vì công việc giảng lễ rất quan trọng và cần nhắm đến hiệu quả nơi cộng đoàn. Do vậy, cách thế phục vụ cũng không kém phần quan trọng như nội dung phục vụ. Tính nghệ thuật trong cách phục vụ bắt nguồn từ ý thức về bản chất công việc, về nhiệm vụ cao cả, đồng thời cũng xuất phát từ sự quan tâm và kính trọng đối tượng thính giả của mình. Họ hiện diện không chỉ để nghe bằng tai, mà còn chờ đợi để được truyền thông sức mạnh của tình liên đới, được chia sẻ sự đồng cảm, được thông chia cảm nghiệm đức tin, được khích lệ lòng yêu mến và cậy trông, được cung cấp những giải đáp tích cực về những mối ưu tư, lo lắng trong cuộc sống.

Về việc chuẩn bị cho một bài giảng có chất lượng, ĐGM GB. Bùi Tuần, Gp Long Xuyên, đã gợi ý như sau: “Một bài giảng được dàn dựng một cách khoa học với các tư tưởng đã được chọn lựa về Thiên Chúa và về con người sẽ làm cho người nghe cảm thấy dễ chịu vì thính giả thấy mình được kính trọng do được phục vụ bởi những tư tưởng có chất lượng và cách sắp xếp có khoa học” (Tập “Truyền giáo”, tĩnh tâm LM TGp Saigon năm 1990).

Sự chuẩn bị bài giảng kỹ lưỡng, công phu, sự thể hiện việc giảng giải một cách nghiêm túc, khoa học, cùng với việc sắp xếp khung cảnh, tạo bầu khí thích hợp sẽ giúp cho bài giảng và công việc giảng thuyết của mục tử đạt hiệu quả cao và nhất là cử tọa sẽ cảm thấy thoải mái, dễ chịu.
Linh mục Christopher Chatteris S.J, trong cuốn “Làm thế nào để bài giảng sống động hơn” đã kể về ĐGM Kenneth Untener, từng cai quản Gp Saginaw, Michigan, HK như sau:

“Ngài là một mục tử hết lòng với việc nghệ thuật rao giảng Lời Chúa. Trong tác phẩm ‘Giảng Tốt Hơn’, do nhà xuất bản Paulist ấn hành, ngài viết, ‘Khi chúng ta soạn bài giảng có nghĩa là chúng ta tham dự vào cùng một công việc của Chúa Thánh Thần, Đấng đã hình thành chính bản văn Kinh Thánh’. Ngài cũng nhắc nhở cho người đọc rằng, soạn bài giảng là một phần thiết yếu không thể thiếu trong cử hành phụng vụ, và khi một linh mục rao giảng tức là vị ấy đang ‘ở cùng vị trí với Thiên Chúa’ ”.

Trong việc giảng lễ, có thể nói bài giảng chiếm một vị trí rất quan trọng. Đó được coi như bộ xương khung của công việc rao giảng. Bài giảng chính là chất liệu nuôi dưỡng thính giả. Đức cha Kenneth Untener cũng đã nhận xét rằng, khoảng cách giữa những bài giảng xoàng xĩnh và tuyệt tác là do biết trau chuốt kỹ lưỡng bài giảng của mình. Ngài viết: “Sự buồn tẻ là kẻ thù lớn nhất của việc rao giảng. Điều đáng tiếc là thường chính các vị giảng thuyết tạo ra kẻ thù cho chính họ. Trách nhiệm của người giảng thuyết là làm thế nào để duy trì được sự chú ý của cử tọa, không thể biện minh đâu phải lỗi của tôi. Ngài phê bình nghiêm khắc: ‘Giảng mà người ta không chịu nghe nữa có nghĩa là bài giảng đã quá dài’ “.

Triết gia Pháp La Rochefoucauld đã nói: “Hùng biện chân chính căn cứ vào chỗ nói hết điều phải nói và chỉ nói điều phải nói thôi”. Điều đó có nghĩa là bài giảng phải có trọng tâm, có chủ đích, chủ điểm. Giảng dài luôn là “thảm họa” đối với đa số giáo dân, nhất là trẻ em thiếu nhi. Nhà hùng biện, linh mục Thomas V. Liske cũng đã viết: “Khi giảng, diễn giả phải đạt được một điều gì đó; Cố đạt được một điều gì đó trong mỗi bài giảng” (Nguồn: Sđd).

Để bài giảng được ngắn gọn, Đức cha Kenneth Untener cũng khuyên chỉ nên khai triển một ý chủ đạo hay một “điểm son nào đó”, “một viên ngọc quý”, tức là sự sống của bài, thay vì theo đuổi nhiều ý tưởng phụ thuộc. Thật là vô lý nếu biết rằng càng nói nhiều người ta càng không nghe mà lại cứ nói thêm. Điều quan trọng là trình bày một điểm chính thật kỹ càng, một điểm thôi nhưng có chiều sâu. Giảng thuyết là công việc lao động thực sự, một lao động của tình yêu, của học hỏi, của cầu nguyện, của thảo luận, và của suy tư.

Nghe linh mục giảng, giáo đoàn có thể dễ dàng nhận ra đâu là bài giảng được chăm chút kỹ lưỡng, được chuẩn bị chu đáo, được đầu tư cẩn thận. Diễn giả, nhà hùng biện Mirabeau có nói: “Tất cả bí quyết của nghệ thuật hùng biện là đam mê”. Linh mục tuy không phải là “nhà hùng biện” nhưng nghề của ngài là nói và khi thi hành sứ vụ ngài phải nói. Thực vậy, “Không có nghề nào phải nói nhiều hơn nghề linh mục. Ta có thể nói không ngoa chút nào rằng linh mục ‘sống’ để nói. Bên cạnh ảnh hưởng mạnh mẽ của gương sống và kinh nghiệm, lời giảng thuyết của linh mục là sức mạnh, hay phương thế chủ yếu giúp cho sứ vụ của ngài được thành công…Nếu mỗi linh mục đều ý thức giảng thuyết là một phần trong nghề nghiệp của mình, tất chúng ta sẽ chẳng có những bài giảng thiếu chuẩn bị, nghèo nàn” (Thomas V. Liske, sđd pg 7-8)./.

Aug. Trần Cao Khải

Exit mobile version