Giám mục làm đồng tế trong Thánh lễ có linh mục là chủ tế được không?

Hỏi: Tôi tự hỏi liệu cha có tài liệu nào nói về vịệc một Giám mục làm đồng tế trong Thánh lễ có linh mục là chủ tế không? Sách Lễ Nghi Giám mục (CB) nêu ra khả năng của một Giám mục “chủ trì”, nhưng nói cách chặt chẽ, không đồng tế trong một Thánh lễ có linh mục làm chủ tế. Hình như điều này tạo ra các khó khăn thần học khi một Giám mục là một vị đồng tế giữa nhiều vị khác trong lúc một linh mục là vị chủ tế. Tuy nhiên, trong thực tế, tình trạng này xảy ra thường xuyên. Thí dụ, một Giám mục tu sĩ đã nghỉ hưu, trở về lại dòng tu của mình và muốn tham dự Thánh lễ tu viện. Sẽ là một gánh nặng quá đáng cho cả ngài và cộng đoàn nếu ngài phải làm chủ tế mỗi lần ngài dâng lễ đồng tế. – T. P., Washington, D.C., Mỹ.

Đáp: Thực ra, có một thông báo gần đây về điểm này. Một “Responsa ad dubia proposita” (Trả lời cho một điều nghi ngờ) chính thức đã được công bố trong tờ báo chính thức của Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ luật Bí tích là tờ Notitiae (số 46 [2009] trang 170).

Câu hỏi được đề xuất, trong một bản dịch không chính thức, là: “Liệu một Giám mục được phép đồng tế trong Thánh lễ mừng Ngân khánh hoặc Kim khánh của một linh mục, nhưng ngài chỉ đứng chung với các linh mục, và dành vị thế chủ tế Thánh lễ cho vị linh mục mừng lễ đặc biệt của mình không?”.

Thánh bộ trong truyền thống ngắn gọn của các tài liệu như thế đã trả lời: “Không”.

Tiếp đến, Thánh bộ tiến hành giải thích lý luận của mình rằng qui định phụng vụ vẫn còn hiệu lực. Qui định này, vốn bắt nguồn từ các nguyên tắc thần học và sự khôn ngoan của các Giáo Phụ, nói rằng Giám mục hoặc chủ tế Thánh lễ hoặc không tham gia.

Rồi Thánh bộ trích dẫn số 18 của Sách Lễ nghi giám mục: “Trong mỗi cộng đồng của bàn thờ tụ tập chung quanh vị Giám mục, như là thừa tác viên thánh, biểu tượng của đức ái và sự hiệp nhất này của Nhiệm Thể, mà nếu không có Nhiệm thể thì không thể có sự cứu rỗi, được tỏ hiện rõ ràng. Do đó, điều thích hợp nhất là khi Giám mục có mặt tại một buổi cử hành phụng vụ đặc biệt, nơi có các tín hữu quy tụ, thì ngài với tư cách là người mang sự viên mãn của Bí tích Truyền chức thánh, sẽ chủ sự tại buổi lễ. Điều này là không nhằm tăng thêm sự long trọng bề ngoài của nghi lễ, nhưng để diễn tả mầu nhiệm Giáo Hội trong một ánh sáng sống động hơn. Cũng là phù hợp khi Giám Mục cùng liên kết với các linh mục trong buổi lễ. Tuy nhiên, nếu Giám mục là chủ sự mà không cử hành Thánh Thể, ngài vẫn phụ trách phần phụng vụ Lời Chúa và kết thúc Thánh lễ với phần ban phép lành và nghi thức giải tán”.

Các nghi thức được nhắc đến trong đoạn cuối được mô tả trong Sách nghi lễ ở các số 176-186.

Cần lưu ý rằng câu trả lời chính thức này không giải quyết trường hợp chính xác được mô tả bởi độc giả trên đây của chúng tôi. Sách Lễ nghi Giám mục, số 18, rõ ràng đề cập đến một Thánh lễ, mà trong đó một cộng đoàn tham gia, và điều này không nhất thiết là trường hợp trong một Thánh Lễ tu viện, mặc dù nó gần như chắc chắn là trường hợp cho một dịp mừng đặc biệt của linh mục.

Cùng lúc đó, Giám mục là vị có chức thánh linh mục sung mãn, và thực tại này phải được phản ảnh trong vai trò của ngài tại bất kỳ Thánh lễ nào. Cũng là đúng rằng ngài luôn có sự chọn lựa để cử hành Thánh lễ ngoài Thánh lễ cộng đoàn. Vì vậy việc ngài đồng tế ở đây không bao giờ là một sự cần thiết.

Tuy nhiên, một tình huống có thể phát sinh, khi một Giám mục sức yếu và cao tuổi không thể cử hành Thánh lễ hoặc chủ sự cho Thánh lễ cộng đoàn mỗi ngày. Tôi xin nói rằng lúc ấy cần có sự chọn lựa giữa việc đồng tế mà không chủ trì, hoặc không cử hành Thánh lễ, trong đó sự chọn lựa thứ nhất (đồng tế mà không chủ trì) là vừa thích hợp vừa ưa thích hơn về tinh thần.

Ngoài ra, do tầm quan trọng của thánh lễ tu viện, khả năng vẫn mở cho một Giám mục tu sĩ đã nghỉ hưu, để làm đơn xin phép Tòa Thánh miễn cho khỏi luật chung nhằm được khỏi chủ trì ở mọi thánh lễ.

Sau câu trả lời trên đây của tôi, ngày 18-5-2010, một chuyên viên Giáo luật ở Canada gửi một điều làm sáng tỏ như sau: “Tôi xin làm sáng tỏ thêm. Câu trả lời như trên của Thánh bộ Phụng Tự và Kỷ luật Bí tích là không phải sự giải thích xác thực của luật. Sự giải thích xác thực của luật được nói ở điều 16 của Bộ Giáo luật 1983. Điều phân biệt giữa một giải thích xác thực của luật và một thư trả lời riêng là như sau: “(1) Luật được giải thích cách chính thức do nhà lập pháp hoặc do người nào được nhà lập pháp ủy thác quyền giải thích chính thức. (2) Sự giải thích chính thức theo thể thức của một luật thì có uy lực như chính luật, và cần được ban hành; nếu nó chỉ tuyên bố lời lẽ của bản luật tự nó đã chắc chắn thì có hiệu lực hồi tố; còn nếu nó thu hẹp hay mở rộng hoặc quyết đoán một điểm hoài nghi, thì không có hiệu lực hồi tố. (3) Còn sự giải thích theo thể thức của một bản án hoặc một hành vi hành chánh trong một trường hợp riêng biệt thì không có uy lực của luật, nhưng chỉ ràng buộc người nào hay chi phối sự việc nào mà nó nhắm tới” (Bản dịch Việt ngữ của các Linh Mục Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh).

“Nhà lập pháp đã không, theo như tôi biết, ủy thác cho Thánh bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích quyền giải thích luật cách chính thức. Việc giải thích được dànn riêng cho Hội đồng Giáo hoàng về văn bản lập pháp (Pastor bonus, khoản 154-155). Những gì được công bố trong tờ thông tin Notitiae có hiệu quả là một giải thích trong hình thức của một luật hành chính trong một vấn đề cụ thể. Danh tánh và việc cụ thể đã được gỡ bỏ trước khi công bố lời đáp. Do đó, nó không có hiệu lực của luật và nó chỉ ràng buộc người nào hay chi phối sự việc nào mà nó nhắm tới (điều 16, §3). Câu trả lời cho một điều nghi ngờ không nên được miễn khỏi sự giải thích của sự phân biệt này. Khi công bố câu trả lời trong Notitiae, Thánh bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích thực hiện praxis Curiae (‘dựa theo án lệ và thông lệ của giáo triều Roma’, x. điều 19, ) và gợi ý rằng câu trả lời có một lợi ích chung và sự áp dụng chung. Tuy nhiên, nó không là một giải thích chính thức về luật”.

Thưa cha, tôi rất biết ơn về lưu ý này của cha. Như tôi đã nói trong nhiều dịp khác, tôi không phải là một chuyên viên giáo luật được đào tạo có bài bản, nên có thể dễ dàng sai lầm đối với ý nghĩa kỹ thuật của từ ngữ.

Tuy nhiên, tôi cũng nghi ngờ về điều cho rằng Thánh bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích không có thẩm quyền để giải thích luật phụng vụ. Lý luận của tôi là như sau:

-Điều 2 Bộ Giáo luật nói rõ: “Nói chung, Bộ Luật này không quy định các nghi thức phải tuân giữ trong khi cử hành việc phụng vụ; bởi vậy các luật phụng vụ còn hiện hành đến nay thì vẫn duy trì hiệu lực của chúng, trừ khi có chỗ nào tương phản với các điều của Bô Luật này” (bản dịch, như trên).

Điều luật này khẳng định sự tồn tại của một cơ quan thực sự về luật nằm bên ngoài qui định của bộ Giáo luật. Cơ quan này là vừa hạn hẹp trong phạm vi vừa rộng rãi hơn trong khối lượng so với qui định của Bộ Giáo luật. Cơ quan này vẫn còn được tìm thấy trong nhiều nguồn và không được soạn thảo chính thức.

-Có vẻ lạ lùng rằng một cơ quan về luật lại không có thẩm quyền giải thích chính thức. Hội đồng Giáo hoàng về văn bản lập pháp dường như không phải là cơ quan thích hợp. Mặc dù Hội đồng đã thực hiện một số giải thích chính thức liên quan đến các vấn đề phụng vụ, tất cả các vấn đề đều qui chiếu đến Bộ giáo luật. Cho đến nay Hội đồng không bao giờ đưa ra một giải thích về các vấn đề phụng vụ không được tìm thấy trong Bộ Giáo luật.

-Bởi vì Thánh bộ Phụng tự chính thức đưa ra hầu hết luật phụng vụ, Thánh bộ là cơ quan gần như chính thức nhất cho việc giải thích luật. Sẽ là một cái gì đó bất thường khi Thánh bộ không thể giải thích luật riêng của mình.

– Khi Thánh bộ giải thích luật phụng vụ, Thánh bộ làm theo nhiều cách thức. Đôi khi Thánh bộ đưa ra câu trả lời riêng mà không nêu danh tánh, và điều này chắc chắn là một thí dụ về hoạt động hành chính và praxis curiae, được cha nhắc đến ở trên. Mặt khác, khi Thánh bộ công bố câu “Trả lời cho một điều nghi ngờ”, Thánh bộ chọn dạng thức ngôn ngữ Latinh kỹ thuật, tương tự như được sử dụng bởi Hội đồng Giáo hoàng về văn bản lập pháp, khi cơ quan này công bố sự giải thích xác thực. Ít nhất có sự xuất hiện ý muốn của nhà lập pháp khi Thánh bộ ban bố một giải thích cuối cùng cho một nghi ngờ của luật phụng vụ.

Vì các lý do này, mặc dù có lẽ cụm từ “sự giải thích xác thực” là không đúng, tôi tin rằng Thánh bộ Phụng tự có thẩm quyền để giải thích các luật phụng vụ không được tìm thấy trong bộ Giáo luật.

(Nguyễn Trọng Đa, Zenit.org 4-5-2010)

Exit mobile version