Giảm đôi co với trẻ

Những quy tắc và những mong đợi

Trẻ con cần những giới hạn, và chúng ta phải lập ra những giới hạn và áp dụng chúng. Lẽ dĩ nhiên điều ấy rất khó!

Hãy lập ra những nguyên tắc và những mong đợi hợp lý và phù hợp với khả năng, sự trưởng thành và độ tuổi của trẻ. Nếu con trẻ không làm theo những chuẩn mực của bạn, hãy hỏi ý kiến những bậc cha mẹ khác và cầu nguyện với Chúa xem liệu những chuẩn mực bạn đặt ra có hợp lý không.

Chỉ nên đặt ra những nguyên tắc mà bạn có thời gian và nỗ lực thực hiện một cách kiên trì. Việc dạy dỗ con cái chỉ bằng cách nói suông là không hiệu quả. Hét to và cằn nhằn chỉ làm cho mọi người khó chịu. Trẻ con tin những gì bạn làm, chứ không phải những gì bạn nói bạn sẽ làm.

Hãy trò chuyện với trẻ về những mong đợi của bạn. Hãy nói phù hợp với mức độ hiểu biết của trẻ. Để kiểm tra xem trẻ có hiểu không, chứ đừng hỏi: “Con có hiểu không?” Con trẻ sẽ luôn trả lời là “có”. Thay vào đó, hãy yêu cầu trẻ giải thích lại cho bạn nghe những gì bạn mong đợi ở trẻ.

Hãy đưa ra những giới hạn lựa chọn cho trẻ thay vì hỏi “Con muốn gì?”, trừ khi những trường hợp việc tự do lựa chọn là có thể chấp nhận được. Tránh trường hợp nếu-thì. Thay vào đó hãy thử “khi con làm việc này, con có thể làm điều kia”.

Hãy nói “được” mọi lúc có thể; để dành nói “không” cho những lúc cần thiết.

Đừng lập ra nguyên tắc hoặc lời đe doạ không thể thực hiện được.
Chuẩn bị tinh thần rằng trẻ sẽ thử mọi nguyên tắc. Đừng ngạc nhiên! Hãy cho trẻ biết những hình phạt trước khi trẻ thử các nguyên tắc.

Tránh những vấn đề


Thời gian cần để tránh một vấn đề luôn ít hơn thời gian cần để giải quyết vấn đề.

Hãy làm rõ những mong đợi của bạn và thường xuyên nhắc lại. Nếu trẻ không thể giải thích lại bằng lời hoặc thể hiện bằng hành động những gì chúng được mong đợi, hãy thử lại. Trẻ con là những người mới bắt đầu học. Chúng cần thời gian và rất nhiều sự kiên nhẫn.

Lường trước những khó khăn có thể xuất hiện và hành động: giảm thiểu sự nhàm chán, lên kế hoạch cho thời gian chuyển đổi khi sự thay đổi trong hoạt động là cần thiết, và chuẩn bị cho những tình huống mới.

Hãy chú ý đến những hành động mà bạn muốn phát triển nơi trẻ: hãy nhìn thấy trẻ làm điều tốt. Bất cứ hành động nào nhận được sự chú ý dưới bất kỳ hình thức nào đều sẽ được lặp lại.

Đừng đòi hỏi ở trẻ nhiều hơn những gì bạn đòi hỏi ở bản thân.

Đừng phản ứng như thể trẻ cố tình khi có sự cố xảy ra. Xấu hổ và bị làm bẽ mặt không làm giảm đi những sự cố.

Lắng nghe những cảm nhận của trẻ. Những cảm nhận của trẻ quan trọng hơn cả những sự kiện và những hoàn cảnh dẫn đến những cảm nhận ấy.

Tin tưởng trẻ sẽ giải quyết vấn đề của chúng và học được từ sai lầm của chúng. Những bài học như thế sẽ nhanh hơn và kết quả mang lại có ảnh hưởng suốt đời.

Nói về những sai lầm

Lời nói được dùng để dạy dỗ có thể gây khó khăn. Nếu chúng ta có thể thay đổi phản ứng đầu tiên của chúng ta, chúng ta có thể thực hiện việc nuôi dạy con cái tốt hợn.

Đừng hỏi trẻ liệu có phải trẻ đã làm điều gì sai không khi thực tế bạn đã biết. Điều này khuyến khích trẻ nói dối. Hãy thực hiện ngay biện pháp kỷ luật cần thiết.

Đừng hỏi một đứa trẻ: “Tại sao con lại làm thế?” hoặc “Chuyện gì đã xảy ra?” khi vấn đề nảy sinh. Những câu hỏi như thế không cần thiết. Trẻ con không biết và cũng không thay đổi được gì nếu chúng biết. Hãy bình tĩnh và làm những gì cần phải làm.

Chỉ trích không giúp trẻ biết hành động tốt hơn. Nhắm những lời phê bình mang tính xây dựng vào hành động của trẻ, chứ không phải tính cách của trẻ. Lời phê bình mang tính xây dựng bao gồm việc lặp lại những mong đợi ban đầu và kiểm tra lại xem trẻ có hiểu không.


Thiên Ân

Exit mobile version