Hỏi: Thiên Chúa lập mấy giao ước với Áp-ra-ham?
Đáp: Thực ra chỉ có một giao ước, với Áp-ra-ham và con cháu ông mà thôi. Tôi nghĩ rằng câu hỏi của bạn là do hai chương giống nhau, chương 15 và chương 17 của sách Sáng thế (St), và từ ngữ giao ước (berith) xuất hiện 13 lần trong chương 17. Chương 15 nói về lời hứa, vốn tất nhiên thuộc về tương quan giao ước sẽ được ký trong chương 17. Từ ngữ “giao ước” chỉ một thỏa thuận hoặc một giao kèo giữa hai bên, hoặc chính trị hoặc tôn giáo. Do mục đích của chúng ta, chúng ta ghi nhận hai loại: giao ước lời hứa của Chúa (Chúa tự ràng buộc), và giao ước của nghĩa vụ con người (chẳng hạn, các nghĩa vụ của giao ước Môsê). Chương 15 mô tả hai lời hứa: lời hứa về hậu duệ và lời hứa về đất đai, và cả hai trở về với các lời đầu tiên của Chúa nói với Áp-ram (Abram) trong 12, 1-3. Áp-ram than phiền rằng mình vẫn chưa có con cái, và triển vọng tương lai dường như sẽ thuộc về gia nhân của ông, Ê-li-e-de (Eliezer) người Đa-mát (Damascus), người sẽ là thừa tự của ông. Chúa trả lời bằng cách bảo đảm với ông rằng, người thừa tự sẽ là người do vợ chồng ông sinh ra, và dòng dõi ông sẽ đông như sao trên trời. Áp-ram chịu thua kế hoạch của Chúa; đổi lại, Chúa xem lòng tin và sự tín thác của ông như là sự công chính. Sự công chính được diễn tả như sau: là một quan hệ, một sự cởi mở tâm hồn với Chúa, vốn ghi dấu thái độ của Áp-ram; ông chỉ tin vào lời Chúa mà thôi. Câu 6 (“Ông tin Ðức Chúa, và vì thế, Ðức Chúa kể ông là người công chính”) là một trong các câu nổi tiếng được trích dẫn nhiều nhất, bởi vì nó được thánh Phaolô nhắc lại trong Rm 4, 9.22, và mở rộng cho niềm tin vào Đấng Duy Nhất đã cho Chúa Giêsu sống lại từ kẻ chết. Trong 15, 7-21, chủ đề của lời hứa là “đất này”, vùng đất phì nhiêu hình lưỡi liềm từ sông Ai Cập (wadi El-Arish, miền nam Gaza) đến sông Cả, tức sông Êu-phơ-rát (Euphrates). Áp-ram xin Chúa một dấu chỉ (15, 8), và trong một nghi thức tỉ mỉ và bí nhiệm, Đức Chúa “lập giao ước” (câu 18) với Áp-ram, như thế thực hiện nghĩa vụ chu toàn lời hứa về đất đai.
Trong chương 17, thường được gán cho nguồn tài liệu Tư tế, chúng ta có một sự mô tả khác của giao ước, và cũng là sự xuất hiện việc đổi tên mới. Đức Chúa hiện ra với Áp-ra-ham như là “Thiên Chúa Toàn Năng” (El Shaddai, nghĩa đen có lẽ là “Thiên Chúa, Đấng Duy Nhất của Núi”) và thay đổi tên của Áp-ram. Tên này có nghĩa là “Ab (cha) là cao cả”. Còn tên Áp-ra-ham được giải nghĩa là “cha của vô số dân tộc”. Tên vợ của Áp-ram là Xa-rai (Sarai) cũng được đổi thành Xa-ra (Sarah, “công chúa”, câu 15). Giao ước bắt đầu với lời hứa về một dòng dõi, và trở thành một giao ước “muôn đời” cho họ: họ sẽ chiếm được miền đất hứa. Dấu hiệu của giao ước là việc cắt bì, một tập tục được biết đến trong thế giới cổ (nhưng không phải mọi dân đều chọn tập tục này). Chỉ trong thời hậu lưu đày mà việc cắt bì trở thành một dấu hiệu có tầm quan trọng của giao ước; theo nguồn tài liệu Tư tế, việc cắt bì được thực hiện cho tất cả người nam, kể cả “người cha” của dân tộc. Sự phản ứng của Áp-ra-ham đối với việc chúc phúc (về việc bà Xa-ra sẽ thụ thai và sinh con trai) là khá ngạc nhiên lúc ban đầu: trong khi ông vâng phục, ông vẫn cười trước ý tưởng vợ ông mang thai trong tuổi già. Thay cho kế hoạch của Đức Chúa, ông đề nghị chọn Ít-ma-ên (Ishmael) làm con của lời hứa (con trai của bà Ha-ga ‘Hagar’, chứ không phải con của bà Xa-ra), nhưng vô ích; chương trình của Chúa sẽ được thực hiện. Ít-ma-ên không được đưa vào kế họach này, nhưng ông không bị loại trừ khỏi sự quan tâm của Chúa. Ông cũng được chúc phúc với một dòng dõi. Nhưng giao ước phải được chuyển qua cho I-xa-ác (Isaac).
Hỏi: Đâu là vai trò của ông Lót (Lot) trong câu chuyện Áp-ra-ham?
Đáp: Tôi cần phải nói rằng vai trò của ông Lót (Lot) là vượt ra ngoải tỉ lệ cho tầm quan trọng của ông. Chúng ta nên nhắc lại rằng ông Lót là cháu của ông Áp-ra-ham (St 11, 31) và đi đến Canaan với ông. Khi có cuộc tranh chấp xảy ra giữa các người chăn súc vật của ông Áp-ra-ham và người chăn súc vật của ông Lót (chương 13), Áp-ra-ham giải quyết vấn đề một cách rộng lượng nhất. Lót có thể ra đi và ở đâu tùy ý. Ông chọn vùng Gio-đan (Jordan) trù phú. Còn Áp-ra-ham đi đến Khép-rôn (Hebron). Áp-ra-ham đến cứu ông Lót khi ông Lót bị các người xâm lăng vùng đất bắt giữ (chương 14), và Áp-ra-ham đã giải thoát ông. Người ta có cảm tưởng rằng ông Lót là như một người trái ngược với ông Ap-ra-ham cao thượng và hào hiệp. Sau khi ông Lót đã định cư “trong các thành Vùng sông Gio-đan” (St 13, 12), cuộc đời ông xuống dốc. Câu chuyện người Xơ-đôm (Sodom) tìm cách làm nhục hai người khách của ông (hai thiên thần, 19, 1), khi hai vị đến nhà ông và được ông tiếp đải thật tử tế. Ông Lót phải đưa cho người Xơ-đôm hai con gái thay cho hai vị khách, và sau đó hai thiên thần này đã cứu ông khỏi bị bắt đi, và hai thiên thần kháng cự không cho họ vào nhà, cùng đánh bại họ. Việc hủy diệt thành Xơ-đôm được loan báo, và ông Lót được khuyên hãy cảnh báo cho các con rể của ông, vì họ hình như cũng thiếu khôn ngoan như ông. Cuối cùng, các thiên thần đưa ông Lót, vợ ông và hai con gái của họ – đây là một gia đình chậm chạp lề mề – và thúc giục họ chạy trốn lên núi. Ngay cả lúc cấp bách như thế, ông Lót còn xin chạy trốn vào một “thành nhỏ” (ý nghĩa của tên thành Xô-a ‘Zoar’), chứ không chạy lên núi. Ông được cứu, nhưng như bạn còn nhớ, vợ ông “ngoái lại đằng sau và hoá thành cột muối” (St 19, 26). Câu chuyện của gia đình này có một chương xấu xa khác: sự việc ông Lót bị hai con gái chuốc rượu đến say, rồi ăn nằm với họ để sinh ra Moab (Mô-áp) và Ammon (Am-mon), là hai ông tổ của người Mô-áp và người Am-mon.
Hỏi: Người ta phải hiểu thế nào về bữa ăn của Áp-ra-ham với ba vị khách bí mật? (St 18)
Đáp: Đây là một câu chuyện quan trọng. Người ta nên đọc cẩn thận sự mô tả ông Áp-ra-ham như một người chủ nhà rộng lượng và dễ thương, lo toan nhu cầu của khách, chọn thức ăn, phục vụ khách và đứng chờ khách dưới bóng cây. Một trong ba vị khách được nhận dạng là Đức Chúa (yhwh, câu 1), và vai trò của Ngài là đưa tin rằng bà Xa-ra (Sarah) sẽ sinh con “độ rày sang năm”. Lại một chuyện cười nữa! Nghe trộm câu chuyện này, bà Xa-ra cười thầm. I-xa-ác (Isaac) có nghĩa là “Chúa làm cho cười” (xem 21, 6). Bà cố gắng phủ nhận là mình cười, và việc Đức Chúa (yhwh) khẳng định điều này là một cú chủ lực trong trình thuật. Bữa ăn kết thúc, và Áp-ra-ham tiễn các vị lên đường. “Hai người kia bỏ nơi đó mà đi về phía Xơ-đôm (Sodom), nhưng Ðức Chúa còn đứng lại với ông Áp-ra-ham” (18, 22). Và đây là một dịp cho cuộc đàm thoại thân tình giữa Đức Chúa và Áp-ra-ham (18, 17-33) diễn ra.
“Ta có nên giấu Áp-ra-ham điều Ta sắp làm chăng? (18, 16). Câu hỏi đáng chú ý này và độc thoại của Chúa chứng minh tầm cở của Áp-ra-ham và công tác mà ông sẽ làm – chứng tỏ cho hậu thế thấy rằng họ cần đi theo Chúa “trong sự công minh chính trực” (18, 19). Sự chính trực ư! Gần như là đọc được ý nghĩ của Chúa, Áp-ra-ham nêu lên vấn đề khi Chúa đang tìm cách xác định tình trạng luân lý cùa các thành Xơ-đôm và Gô-mô-ra (Gomorrah) (một công tác đã được giao cho hai vị khách kia). Sự mặc cả nổi tiếng của Áp-ra-ham và Chúa bắt đầu, và vấn đề là sự chính trực của việc Chúa hành động. “Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao?” (18, 23), Giả thiết trong cuộc đối thoại này là quyền của người vô tội, người lành. Sự hiện diện của họ, một khi được chu toàn, có thể cứu được kẻ dữ – điều tốt hơn là Chúa tha cho người dữ hơn là làm hại người lành. Cảm thức này về trách nhiệm cá nhân và tập thể hình như xa lạ với chúng ta. Nhưng quyền lợi của người chính trực để cứu cộng đồng được Áp-ra-ham nêu ra, và cũng được Chúa chấp nhận. Khi cuộc nói chuyện tiếp tục, số người chính trực thực sự gây dồn ép lên Áp-ra-ham, và con số này giảm từ 50 xuống 10 người chính trực. “Ðấng xét xử cả trần gian lại không xét xử công minh sao?” (18, 25). Kết cục cuộc đối thoại được viết khá bí mật trong câu 33 (“Sau khi phán với ông Áp-ra-ham, Ðức Chúa đi, còn ông Áp-ra-ham thì trở về nhà”). Chính Thiên Chúa rời đi một cách đột ngột nào đó. Vấn đề đã xuống đến 10 người, và Áp-ra-ham không có thêm cơ hội nào để nói nữa. Tuy nhiên, có một loạt việc tiếp diễn sau đó nữa. Sau khi hai thành phố này bị hủy diệt, chúng ta đọc trong 19, 27-28 rằng “sáng hôm sau ông Áp-ra-ham dậy sớm, đến chỗ ông đã đứng trước mặt Ðức Chúa, nhìn xuống phía Xơ-đôm, Gô-mô-ra và cả Vùng, ông thấy khói từ đất bốc lên như khói một lò lửa!”. Nếu ông có thể xin con số dưới 10 người thì sao! Trình thuật không chỉ là đáng chú ý vì tính sống động của nó và sự can đảm của Áp-ra-ham; nó còn nhấn mạnh một vấn đề trung tâm của tư tưởng Kinh Thánh: sự công minh của Chúa. Ở cấp độ cá nhân, chủ đề này xuất hiện trong hình thức thống khổ nhất trong sách Gióp (G) và trong nhiều Thánh vịnh. Ở cấp độ tập thể, nó được nêu lên bởi ngôn sứ Kha-ba-cúc (Habakkuk, Kb) và các vị khác (xem Ed 14, 12-20), và cân nhắc hình ảnh trong sách Đệ nhị luật (Đnl) của việc Chúa hành động trong lịch sử). Đây vẫn là một mầu nhiệm.
Nguyễn Trọng Đa chuyển ngữ
Theo “Responses to 101 questions on the Biblical Torah”,
Manila, St Pauls, 1999, trang 22-25.