|
Sau đó, vua tôi cùng “bàn việc thông sứ với nước Thanh” (Trung Quốc). Gia Long nói: “nước ta tuy cũ nhưng mệnh đã đổi mới. Nghĩa lớn phục thù, người Thanh còn chưa hiểu rõ. Gần đây thủy binh ta bị bão, người Thanh hậu đãi cho về, ta chưa có dịp đáp lại. Nay bắt được ấn sách của Tây Sơn do nhà Thanh phong cho, lại bắt được giặc biển, cũng là giặc trốn của nhà Thanh, ta cỏ thể sai người đưa sang trả trước và đem việc Bắc phạt báo cho họ, đợi khi bình định được Bắc Hà sẽ nối lại việc bang giao cũ mà khéo hơn”. Đình thần tán đồng ý kiến và đề cử ba người đi sứ là Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tĩnh và Hoàng Ngọc Ẩn (cả ba đều là học trò của Võ Trường Toản trước kia ở Chí Hòa, Gia Định) .
Gia Long bèn “lấy Trịnh Hoài Đức làm Thượng thư bộ Hộ sung chánh sứ sang nước Thanh, Ngô Nhơn Tĩnh làm hữu tham tri bộ Binh. Hoàng Ngọc Ẩn làm hữu tham tri bộ Hình, cũng sung chức phó sứ, đem quốc thư và phẩm vật, lại đem cả ấn sách đã bắt được do người Thanh phong cho Tây Sơn, cùng bọn giặc biển Tề Ngôi là Mạc Quang Phù, Lương Văn Cảnh, Phan Văn Tài, cỡi hai thuyền Bạch Yến và Hoàng Hạc, vượt biển đến cửa Hổ Môn tỉnh Quảng Đông để nộp. Tổng đốc Giác La Cát Khánh đem việc ấy chuyển đạt. Vua Thanh vốn ghét Tây Sơn vô đạo (?), lại chiêu nạp bọn Mạc Quang Phù cho cướp bóc ở ngoài biển, đã lâu ngăn trở đường biển, đến nay được tin báo, rất vui lòng. Hạ lệnh cho Quảng Đông nhận lấy bọn Quang Phù… đem giết, mà lưu bọn Hoài Đức ở lại tỉnh thành, cung cấp rất hậu”.
Ngày Canh Dần (cùng năm tháng), Gia Long đem quân ra Bắc. Ngày Canh Thân (20-7-1802), Gia Long vào thành Thăng Long. Ít lâu sau, Gia Long “cho rằng Tây Sơn đã bị diệt, sai gửi thư sang tổng đốc Lưỡng Quảng nước Thanh hỏi về việc bang giao nên làm thế nào; sai thiêm sự Lại bộ là Lê Chính Lộ, thiêm sự Binh bộ là Trần Minh Nghĩa đợi mệnh ở (ải) Nam Quan. Lại cho rằng nước nhà mới dựng, muốn tiếp sứ nhà Thanh ở cửa ải, để làm lễ tuyên phong cho đỡ phiền phí, đem việc ấy hỏi Ngô Thì Nhậm và Phan Huy ích, họ đều nói như thế từ trước chưa nghe bao giờ. Bèn thôi”.
Tháng 10 năm Nhâm Tuất (1802), Gia Long sai Thượng thư bộ Binh là Lê Quang Định (cũng là học trò cũ Võ Trường Toản) sung chánh sứ sang nước Thanh, thiêm sự bộ Lại là Lê Chính Lộ và Đông các học sĩ là Nguyên Gia Cát sung giáp ất phó sứ. Trước đó, khi đã lấy lại Bắc thành Gia Long gửi thư cho Tổng đốc Lưỡng Quảng đem việc ấy chuyển đạt lên vua Thanh, vua Thanh sai phúc thư nói nước ta đã vỗ yên được toàn cõi An Nam thì nên làm biểu sai sứ xin phong. Còn sứ bộ trước là bọn Trịnh Hoài Đức thì cho chuyển đến Quảng Tây, đợi sứ bộ xin phong đến thì đều tiến tới Yên Kinh đợi lệnh. Bọn Chính Lộ đem việc tâu lên. Gia Long ra lệnh cho bọn Quang Định đem quốc thư và phẩm vật. . . đi xin phong và xin đổi quốc hiệu là Nam Việt.
Nguyên nước ta từ thời Đinh Tiên Hoàng (968-979) đã tự xưng hoàng đế và đặt tên nước là Đại Cồ Việt. Nhưng vua Tống chỉ phong cho làm Giao Chỉ quận vương. Nghĩa là vua ta chỉ mới được tước vương và nước ta chỉ là quận Giao Chỉ. Mãi đến năm 1164, sau khi nhà Tống thấy Lý Thường Kiệt đã lừng lẫy thắng Tống Bình Chiêm, thì mới chịu đổi Giao Chỉ quận thành An Nam quốc và phong cho Lý Anh Tông làm An Nam quốc vương, mặc dù vua Lý Thánh Tông đã đổi quốc hiệu nước ta là Đại Việt từ năm 1045.
Suốt từ đó (1164) trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê tới Nguyễn Quang Trung (l789), Cảnh Thịnh (l792), các vua ta chỉ được phong là An Nam quốc vương và quốc hiệu nước ta là An Nam quốc[2]. Cho nên trong phúc thư của vua Thanh cũng chỉ nhắc lại danh hiệu An Nam mà thôi. Nay Gia Long xin đôi quốc hiệu làm Nam Việt, biện giải là: “Các đời trước mở mang cõi viêm bang, mỗi ngày mỗi rộng, bao gồm cả các nước Việt Thường Chân Lạp dựng quốc hiệu là Nam Việt, truyền ngôi hơn 200 năm (kể từ trước 1600, Nguyễn Hoàng vào cai quản Thuận Hóa). Nay đã quét sạch miền Nam, vô yên toàn cõi Việt nên xin khôi phục lại hiệu cũ để chính danh thôi”.
Lúc đầu, vua Thanh không chịu, ý muốn vẫn giữ danh xưng An Nam, “cho rằng chữ Nam Việt giống chữ Đông Tây Việt nên không thuận”. Gia Long phải “hai ba lần phúc thư để biện giải, lại nói nếu vua Thanh không cho thì không chịu phong” . Vua Thanh sợ mất lòng nước ta, mới dùng chữ Việt Nam để đặt tên nước, gửi thư sang nói: “Khi trước mới có Việt Thường (Trung bộ nước ta nay – TG) đã xưng là Nam Việt, nay lại được toàn cõi An Nam (từ đèo Ngang ra Bắc – TG), theo tên mà xét thực thì nên tóm cả đất đai mở mang trước sau, đặt cho nên tốt, định lấy chữ Việt để tỏ rõ rằng nước ta nhân đất cũ mà nối được tiếng thơm đời trước, lấy chữ Nam đặt ở dưới tỏ rằng nước ta mở cõi Nam giao mà chịu mệnh mới, tên xưng chính đại, chữ nghĩa tốt lành, mà đối với tên gọi cũ của Lưỡng Việt ở nội địa (Trung Quốc) lại phân biệt hẳn”. Sau cùng, Gia Long chấp nhận tên nước Việt Nam.
Cuối năm 1803, bọn Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức mới từ nước Thanh trở về, vì vấn đề tranh biện giữa các quốc hiệu An Nam, Nam Việt và Việt Nam làm mất nhiều thì giờ chờ đợi tại Yên Kinh .
Tháng Giêng năm Giáp Tý (1804), Gia Long ra Thăng Long để nhận phong là Việt Nam quốc vương do sứ nhà Thanh là Án sát Quảng Tây tên Tề Bồ Sam tiến hành nghi lễ tại điện Kính Thiên. Từ đó, Trung Quốc gọi nước ta là Việt Nam, chứ không dùng các tên Giao Chỉ hoặc An Nam nữa. Tuy nhiên, đối nội cũng như đối ngoại (không kể Trung Quốc), ta vẫn tự xưng là Đại Việt, Đại Nam Việt hay Đại Việt Nam.
Năm Mậu Tuất (1838), ngày 3 tháng 2, Minh Mệnh ban chiếu đổi tên nước là Đại Nam hay Đại Việt Nam[3].
Như vậy, dẫu có những lúc thăng trầm hay đổi thay đôi chút, quốc hiệu Việt Nam đã tồn tại trên 200 năm qua và để chỉ một quốc gia dân tộc ở Đông Nam á này.
………………………………………..
[1] Quốc sử quán – Đại nam thực lục, T.2, Chính biên, Nxb Sử học, Hả Nội 1963 . Từ trang 29, các đoạn ghi trong ngoặc kép đều trích từ sách này ngoại trừ những chỗ có chú thích khác.
[2] Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, in lần thứ 6, Nxb Tân Việt, Sài Gòn, 1958, tr.102-112.
[3] Bửu Cần – Quốc hiệu nước ta. Tủ sách Sử học Sải Gòn, 1969, tr. 119.