(CN XXXII TN – NĂM B – Mc 12,38-44)
“ … Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc” (Mc 12, 38-39).
Giả hình là việc phô trương bên ngoài nhằm che dấu thực tại bên trong. Thánh Kinh kết án sự giả hình, nhất là trong những việc liên quan tới niềm tin. Các tín hữu có thể bày tỏ sự cam kết của họ với Thiên Chúa trong lời nói, việc làm cũng như trong trong động lực nội tâm của họ. Nguồn gốc của sự giả hình là chính tấm lòng: “Không gì nham hiểm và bất trị như lòng người, ai dò thấu được?” (Gr 17,9; x. Hs 10,2; Mc 7, 21-22 // Mt 15,19).
Sự giả hình bày tỏ :
– Những động lực thiếu trung thực : “Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống như bọn đạo đức giả thường biểu diễn …” (Mt 6,2; x. Mt 6,5.16; 15,7-9; 22,18; 23,5-7).
– Khi việc làm không đi đôi với lời nói như Thiên Chúa khiển trách: “Dân này chỉ đến gần Ta bằng miệng, tôn vinh Ta bằng môi, còn lòng chúng thì xa Ta lắm” (Is 29,13; x. Mt 15,7-8 // Mc 7,6; Cn 26,24-26; Gr 9,8; 12,2; Ed 33,31; Mt 23,28; Rm 2,17-24; Gc 2,14-26).
– Khuynh hướng đoán xét người khác: “Hỡi kẻ đạo đức giả! Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em” (Mt 7,5 // Lc 6,41; x. Rm 2,1).
Sửa lại việc giả hình: “Chúng ta hãy tiến lại gần Thiên Chúa với một lòng chân thành và một đức tin trọn vẹn, vì trong lòng thì đã được tẩy sạch mọi vết nhơ của lương tâm, còn ngoài xác thịt thì đã được tắm rửa bằng nước tinh luyện” (Dt 10,22; x. Tv 24,3-4; 26,4; 32,2; Gc 3,17; 4,8; 1Pr 2,1-3).
Các nhà lãnh đạo không được giả hình, như vua Đavít dặn dò Salômon: “Hãy nhân biết Thiên Chúa … vì Đức Chúa dò xét mọi tâm can và thấu suốt mọi tư tưởng đang hình thành …” (1Sb 28,8-9). Các tư tế: “miệng nó nói lời lẽ chân thật và môi nó không nói lời gian ác” (Ml 2,6; x. 1Cr 4,1-5; 1Tm 3,8; Tt 1,8; Gc 3,1).
Tiêu biểu của những giả hình:
– Các nhà lãnh đạo Israel: “Vì người lớn cũng như trẻ nhỏ, tất cả đều gian tham bớt xén. Ngôn sứ cũng như tư tế, tất cả là một lũ gian phi” (Gr 6,13; x. Gr 8,8)
– Các kinh sư, những người Pharisêu (Mc 12,38-40; Mt 23,1-32; Lc 12,1-2.56)
– Ông Phêrô và ông Barnaba: “Thật vậy, ông thường dùng bữa với các người gốc dân ngoại trước khi có những người của ông Giacôbê đến … khiến cả ông Barnaba cũng bị lôi cuốn mà giả hình như họ” (Gl 2,12-13).
– Các thầy dạy giả hiệu, như thánh Phaolô khuyên nhủ anh em hãy coi chừng những kẻ gây chia rẽ và làm cớ vấp ngã, vì đi ngược với đạo lý anh em đã học hỏi, anh em hãy xa lánh họ” (Rm 16,17-18; x, Pl 1,17; 1Tm 4,2; 2Tm 3,5; Gđ 16).
Điển hình của những người không giả hình:
– Chúa Giêsu Kitô: “Người không hề phạm tội, chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối” (1Pr 2,21-22; Is 53,9; Ga 8,44-46).
– Thánh Phaolô và các bạn của Ngài: “Điều khiến chúng tôi tự hào là lương tâm chúng tôi làm chứng rằng: chúng tôi lấy sự thánh thiện và chân thành Thiên Chúa ban mà cư xử với người ta ở đời, đặc biệt là với anh em. Chúng tôi không cư xử theo lẽ khôn ngoan người đời, nhưng theo ân sủng của Thiên Chúa” (2Cr 1,12; x. 2Cr 2,17; 1Tx 2,3-10).
LM. Phạm Quốc Túy – Giáo phận Phú Cường