Gia đình dưới ánh sáng của Lời Chúa

gia dinh duoi anh sang cua loi chua - Gia đình dưới ánh sáng của Lời Chúa

Năm 2018-2019, Hội đồng Giám mục Việt Nam định hướng mục vụ cách riêng cho các gia đình gặp khó khăn. Thư Mục vụ năm 2018 đặc biệt thể hiện sự quan tâm và đồng hành với các gia đình di dân, những cặp hôn nhân khác đạo, những gia đình bị đổ vỡ. Thật vậy, chính những gia đình này đang phải đối diện với không ít những khó khăn trong đời sống đức tin của mình. Tâm thư của HĐGMVN gởi các gia đình Công giáo năm 2016 cũng mời gọi các gia đình biết kiến tạo trở thành một Hội Thánh tại gia, nghĩa là một ngôi nhà thờ phượng và cầu nguyện, một mái ấm tình yêu và lòng thương xót, một ngôi trường giáo dục đầu tiên và căn bản.

Giữa những thách đố và những phương thế được gợi mở, Lời Chúa đóng một vai trò quan trọng và then chốt giúp soi sáng cho các gia đình, nhất là các gia đình khó khăn hôm nay, để họ có thể tìm được điểm tựa cho đời sống đức tin của mình.

Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn Niềm Vui Yêu Thương, số 22, đã làm toát lên ý nghĩa thâm sâu của Lời Chúa trong đời sống gia đình: “Lời Chúa không phải là một loạt các ý nghĩa trừu tượng, mà đúng hơn là nguồn an ủi và sự đồng hành đối với mọi gia đình đang kinh qua khủng hoảng hay đau khổ, và Lời Chúa chỉ cho họ thấy mục tiêu cuộc hành trình của họ, khi Thiên Chúa “lau khô mọi nước mắt khỏi mắt họ, và chết chóc không còn nữa, cũng không còn tang chế, khóc than hay đau đớn nữa” (Kh 21:4)”.

Quả vậy, gia đình Nazaret là một minh chứng cho sự đón nhận thánh ý của Thiên Chúa trước những bối cảnh khó khăn và thách đố. Chính bởi Lời Chúa, qua lời sứ thần trong biến cố truyền tin, đã thôi thúc tâm hồn Đức Maria và thánh Giuse từ bỏ ý riêng của mình để đáp tiếng xin vâng trọn vẹn theo thánh ý Chúa; chính bởi Lời Chúa, các Ngài đã không quản ngại thực hiện cuộc hành trình đầy khó khăn đến tận Bêlem và sinh hạ Hài Nhi nơi hang đá nhỏ nghèo hèn để ứng nghiệm lời Kinh Thánh; chính bởi Lời Chúa, các Ngài đã vất vả lên đường lánh sang Ai Cập, sống kiếp tha hương; và cũng chính bởi Lời Chúa, các Ngài đã mang Hài Nhi trở về quê hương Nazarét sống đời bình dị của một gia đình đạo đức thánh thiện và tràn đầy ân sủng của Thiên Chúa.

Như thế, gia đình Nazaret đã dạy chúng ta rằng, Lời Chúa không chỉ đơn thuần là những chân lý tôn giáo hay một bài giáo lý về những hành xử luân lý, nhưng là một mối tương giao sống động, thâm sâu với Thiên Chúa để Người trở nên lịch sử của của mọi gia đình Kitô hữu. Bởi lẽ, từ nơi gia đình Nazaret, ta thấy nguồn cội sản sinh ra Lời Chí Thánh chính là từ gia đình. Vì thế, Lời Chúa đã trao ban cho mỗi gia đình sự khôn ngoan và ánh sáng cần thiết để có thể đọc được mọi biến cố của mình, dù to hay nhỏ, trong ánh sáng đức tin. Điều này đã được thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhắc nhở trong số 39 của Tông thư Khởi đầu Thiên niên kỷ mới: “Anh chị em thân mến, sự phát triển này cần được củng cố và đào sâu, cũng bằng cách bảo đảm cho mỗi gia đình có một quyển Kinh Thánh. Đặc biệt cần thiết là việc nghe Lời Chúa phải trở nên một sự gặp gỡ ban sự sống, theo truyền thống xa xưa và luôn vững chắc về việc đọc Sách Thánh (Lectio Divina), cho phép rút ra từ bản văn Kinh Thánh Lời hằng sống, là lời chất vấn, hướng dẫn và hình thành cuộc sống chúng ta ”.

Trong bối cảnh này, cũng cần nhắc lại tinh thần Thư Mục vụ của HĐGMVN năm 2005, với chủ đề: Sống Lời Chúa, trong đó, các vị chủ chăn của chúng ta cũng đã đưa ra những phương thế cụ thể và đầy thiết thực để giúp cho từng nhà, từng gia đình, từng người Kitô hữu có thể tiếp cận đến Lời Chúa để làm linh dược cho cuộc sống đức tin của mình.

Trong số những phương thế đề ra, “canh tân đời sống trong ánh sáng Lời Chúa” vẫn còn là vấn đề cấp thiết và hữu ích cho gia đình chúng ta hôm nay. Bản văn đó viết: “Chúng tôi mời gọi anh chị em trở lại với dụ ngôn người gieo giống trong Tin Mừng Thánh Luca để ý thức rằng mỗi Kitô hữu vừa là người gieo giống vừa là thửa đất để đón nhận Lời Chúa (x. Lc 8,5-15). Đối với Lời Chúa, anh chị em hãy sửa soạn tâm hồn để trở thành mảnh đất màu mỡ. Đối với tha nhân, anh chị em hãy trở nên người gieo giống cần cù, kiên nhẫn tin tưởng không quản ngại chông gai sỏi đá. Đây là một sứ mạng đòi hỏi nhiều hy sinh và cố gắng để khắc phục mọi nghịch cảnh.

Cuộc sống hôm nay đặt ra những thách đố lớn lao, nhiều lúc khiến anh chị em chao đảo, thất vọng. Trong những hoàn cảnh như thế, hãy nhớ đến Chúa Giêsu trong câu chuyện hai môn đệ làng Emmaus (x. Lc 24,13-35). Khi đồng hành với hai môn đệ đang bi quan chán nản, Người đã đem lại cho các ông niềm vui và sức mạnh qua việc diễn giải Thánh Kinh. Người cũng sẵn sàng hiện diện để nâng đỡ, nếu anh chị em biết mở rộng tâm hồn để lắng nghe Lời Người.” (Thư Mục vụ  HĐGMVN 2005, số 9).

Cầu chúc trong năm mục vụ 2018-2019 này, như bối của Gia đình Nazaret năm xưa, khi lâm vào những hoàn cảnh đầy thách đố, các gia đình Kitô hữu, đặc biệt là các gia đình đang gặp khó khăn, biết tìm đến Chúa và Lời của Người như là phương dược của đời mình, để qua đó, tìm thấy được phương thế hữu hiệu trước những nghịch cảnh, hướng tới một đời sống đức tin đầy ân sủng và hoa trái như lời của tác giả Thánh vịnh 119: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường cho con đi”.

Cũng ước mong rằng trước những thách đố liên quan đến đời sống đức tin và những khó khăn, khủng hoảng của các gia đình Công giáo, mỗi người chúng ta, như Người Đồng Hành với hai môn đệ trên đường Emmaus, biết dùng tâm tình của Lời Chúa như là phương dược dịu ngọt để chữa lành, để đồng hành và thông cảm, giúp các gia đình đang gặp khó khăn khám phá ra khuôn mặt đầy yêu thương và thương xót của Thiên Chúa như là Cha chúng ta, thay vì như một Đấng luôn muốn Phán Xét con cái mình. Đây cũng chính là tâm tình các vị chủ chăn đã khẳng định đối với những gia đình đổ vỡ: “Dựa vào giáo huấn của Chúa, Hội Thánh luôn mong muốn các đôi vợ chồng chung thủy với nhau đến trọn đời. Tuy vậy, trong thực tế, nhiều cặp hôn nhân rơi vào tình trạng mâu thuẫn không thể hòa giải và dẫn tới đổ vỡ. Một số người Công giáo rơi vào tình trạng này vì hoàn cảnh chứ không hoàn toàn do lỗi riêng của họ. Vì thế, thay vì lên án và loại trừ, chúng ta cần cảm thông và giúp đỡ họ nơi cộng đoàn đức tin cũng như trong đời sống hằng ngày. Đối với những người đã li dị và tái hôn, họ vẫn được Hội Thánh yêu thương và quan tâm chăm sóc với tình mẫu tử” (Thư Mục vụ 2018, số 2).

Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh của thời đại hôm nay, xin cho các gia đình Kitô hữu luôn biết noi gương gia đình Nazaret, là mẫu gương và là trường học của họ trong việc đón nhận và lắng nghe Lời Chúa, để giúp mỗi gia đình chúng ta trở nên nhân chứng sống động về tình yêu thương và lòng thương xót của Thiên Chúa cho mọi người.

Lm Giuse Phan Trọng Quang – dòng Thừa sai Ðức tin Việt Nam

Exit mobile version