Gia Đình Chúa Giêsu theo tường thuật của các Tin Mừng

“Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.” (3, 31-35)

1/ Đức Giêsu là thành phần của một gia đình

Đây là xác quyết quan trọng từ các sách Tin Mừng khi tất cả đề cập đến “gia đình của Chúa Giêsu”. Mỗi sách đều có những điểm nhấn riêng, nhưng tựu trung, theo các thánh sử, Chúa Giêsu thuộc về một gia đình. Như Kinh Tin Kính Nicê xác tín, Chúa Giêsu không chỉ là “Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật”, nhưng Người còn “nhập thể…và đã làm người…Người chịu khổ hình và mai táng,” Người đã “nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria.”  Người đã được sinh ra bởi một người nữ, và sinh trong một bối cảnh nhất định. Thật không thể đọc Tin Mừng cách trọn vẹn khi bỏ qua thực tại này. Chúa Giêsu không chỉ chia sẻ máu thịt của con người, nhưng cả chiều kích xã hội của con người nữa. Tóm lại, để là một con người thực sự, Đức Giêsu phải có chiều kích xã hội. Kinh Tin Kính, là diễn tả của những xác tín bắt nguồn từ Kinh Thánh, tuyên xưng Đức Giêsu đã nhập thể – Người đã có máu thịt như chúng ta –  đã làm người. Cách viết đối ngẫu này nhắc đến chiều kích sinh học của Đức Giêsu và rồi công bố nhân tính thực và trọn vẹn của Người. Nó cũng diễn tả cách nhìn của Kitô giáo về một con người: để là người phải sống với người khác trong một nơi chốn và thời gian nhất định.

Quan niệm nền tảng cho rằng Chúa Kitô là thành phần của một gia đình không luôn luôn được coi trọng. Đôi lúc quan niệm này bị che mờ đi bởi những lối suy tư thuần “sinh học” khi ai đó thắc mắc hai chữ “anh em” của Chúa được viết trong Mátthêu 12:46; Máccô 3:31, và Luca 8:19 có nghĩa là anh em ruột  thịt hay anh em họ của Chúa không? Đôi lúc quan niệm trên lại bị che mờ bởi lối suy tư thuần Kitô học chỉ muốn làm nổi bật căn tính của Đức Giêsu như Con Thiên Chúa và Đấng Cứu Thế, hay bởi những lối suy nghĩ giáo điều coi Ngài chỉ như một người Thầy dậy, và thậm chí đẩy Ngài qua một bên để chỉ chú trọng đến “sứ điệp”. Đặc biệt trong hai thế kỷ vừa qua, chúng ta đã suy tư nhiều về Chúa như một cá nhân trong một hoàn cảnh xã hội và văn hóa rất riêng. Người ta thường ít khi nói tới những quan hệ cơ bản của Chúa Giêsu. Halvor Moxnes nhận xét rằng, người ta ít nói tới chuyện đó, không phải vì có ít tài liệu tham cứu nhưng vì người ta ‘không quan tâm nhiều đến mối liên hệ giữa Ngài với gia đình và quê quán của Ngài khi bàn về căn tính của Ngài’.[1]

2/ Gia Đình Hôm Nay: Khả Năng và Lời Hứa

Tâm lý xã hội học hiện đại định nghĩa gia đình như một “không gian được trao tặng”, nơi căn tính con người phát triển và đạt đến sự trưởng thành. Thực tại chính yếu của gia đình là không gian nối kết người với người. Nhà tâm lý học mục vụ Christoph Jacobs nhận định rằng, trong thời đại mà hầu như mọi thứ gắn liền với thành tích và “sự cố gắng”, gia đình là nơi mà các thành viên có thể gặp gỡ nhau diện đối diện, và vui hưởng bầu không khí đầm ấm thật sự. Gia đình giúp chúng ta vượt lên trên những điều tẻ nhạt trần tục. Gia đình cũng là nơi mà chúng ta sống chân thực, không cần phải che dấu và e dè gì cả. Thế nhưng, có thể nói thêm rằng gia đình cũng là nơi hủy diệt và chất chứa đầy dẫy những khó khăn, nơi làm chúng ta thất vọng, bối rối và là nơi của phản bội, áp bức, và lạm dụng.

3/ Gia Đình Giúp Chúa Giêsu Lớn Lên: Gia đình Chúa Giêsu trong chiều kích Tâm Lý Xã Hội

Nhìn qua lăng kính tâm lý xã hội, gia đình của Chúa Giêsu đóng một vai trò quan trọng giúp Ngài học cách liên hệ với người khác và cách thức nền tảng để liên hệ với Cha trên trời (hãy đọc Mátthêu 12,50) Những mối liên hệ rõ ràng và không thể tách biệt này là nền tảng của sứ vụ Chúa Giêsu. Chúng mời gọi chúng ta vượt lên trên lối suy nghĩ nhị nguyên cho rằng nhân tính của Chúa dần phát triển trong khung cảnh gia đình nhưng Tin Mừng của Ngài lại phát xuất trực tiếp (và độc lập) từ Thiên Chúa.

Các sách Tin Mừng minh nhiên gọi thánh Giuse là “Cha của Chúa Giêsu” cũng như gọi Mẹ Maria là Mẹ Chúa Giêsu hay Mẹ của Chúa (Mátthêu 1, 18). Nơi đền thờ, ông già Simêon chúc tụng Thiên Chúa với một ca vịnh khi ông gặp con trẻ Giêsu, và thánh sử Luca thuật rằng: “Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-ôn vừa nói về Người. Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi…” (Luca 2, 33-34; và Gioan 6, 42 – đề cập đến lời Chúa Giêsu nói về chiều kích thần linh của Cha Ngài để trả lời cho những xầm xì của dân Do Thái). Khi viết về Mẹ Maria và thánh Giuse, thánh sử Matthêu và Luca đã ghi lại những thách đố xảy đến cho những người tự dưng gặp chuyện bất ngờ. Thánh sử Matthêu tập chú vào thánh Giuse và thuật lại cảnh ngài đáp trả lại sáng kiến của Chúa trong một hoàn cảnh vượt quá hiểu biết của mình về sự công chính (đọc Mátthêu 1, 18-25; 2 13-15). Thánh Giuse cho thấy ngài đã hoàn toàn tiếp nhận nhân vật mà ngài yêu thương, và tấm lòng của ngài hướng về Thiên Chúa của Israel. Còn về Maria, Mẹ là nhân vật được thánh sử Luca đề cập đến khá nhiều: với phẩm tính và lòng can đảm như một tiên tri thời Cựu Ước, Mẹ đã đi theo ”con đường” Chúa đã vạch ra. Mẹ chất vấn sứ thần Gabriel (Luca 1, 34), chấp nhận lời mời gọi của Chúa và sứ vụ được giao (Luca 1, 38), ghi nhớ trong lòng những điều nghịch lý và rối như tơ vò (Luca 2, 51), giúp đỡ người cần sự trợ giúp (Luca 1, 39-40) và biểu lộ nỗi bực tức cũng như nỗi lo âu (Luca 2, 48). Thật là thiếu sót nếu nói về chuyện xảy ra trong gia đình Chúa Giêsu mà chỉ đề cập đến việc Chúa học nơi thánh Giuse và mẹ Maria nghề thợ mộc và chuyện ăn uống sao cho phải phép. Chúa Giêsu đã trở nên người tại nơi chốn đó. Tuy nhiên các độc giả không nên dùng mô thức gia đình kiểu Tây phương thời hiện đại để hiểu về thế giới mà Chúa Giêsu đã sống và thi hành sứ vụ.

4/ Gia Đình Vào Thời Chúa Giêsu

Gia đình ở các xứ ven Địa Trung Hải thời xưa rất khác với gia đình trong xã hội Tây Phương hiện tại, một xã hội được toàn cầu hóa, kỹ nghệ hóa, và kỹ thuật hóa. Khi chúng ta nói “gia đình”, chúng ta nghĩ về cha mẹ và con cái cách riêng rẽ. Sự khác biệt giữa gia đình thời xưa và thời nay là ở sự “riêng rẽ” này. Những gia đình thời xưa cởi mở và ít cô lập hơn, đồng thời cũng nắm giữ những vai trò trọng yếu hơn. Trong tất cả các nền văn hóa thời xưa, gia đình là đơn vị cơ bản của xã hội và là điểm quy chiếu chính cho mỗi cá nhân. Mỗi cá nhân được nối kết với xã hội qua gia đình như người môi giới mang lại tài sản vật chất, địa vị xã hội, và tôn giáo. Các cá nhân không sở hữu đất đai; nhưng đất đai thuộc về gia đình. Cũng vậy, danh dự của gia đình có thể được nâng cao hay bị tổn thương bởi hành động của một cá nhân. “Xã hội Is-ra-el và gia đình Do Thái thời xưa được hình thành, được hợp pháp hóa, và được uỷ quyền bởi những truyền thống và tập tục tôn giáo” [2]. Đối với dân Do Thái và dân Ngoại, tôn giáo là một việc riêng của gia đình.

Các gia đình thời xưa bao gồm các thành viên thuộc nhiều thế hệ và hiện diện dưới nhiều hình thức khác nhau: (1) những gia đình lớn có thế lực của những người có địa vị cao (chẳng hạn như những gia đình có mặt tại tiệc sinh nhật của vua Hêrốt (Máccô 6, 21); (2) những gia đình có số người vừa phải sống trong những căn hộ bao quanh một sân chung (ví dụ như gia đình của những người thu thuế, người có địa vị, người cấp thấp trong hàng tư tế, binh sĩ, hay ngư dân); (3) những gia đình nhỏ có ít người sống trong những căn nhà xây bằng bùn – gạch, nơi ở của những người có sức khoẻ kém và dễ chết sớm (chúng ta có thể gọi họ là những người nghèo; đa số các gia đình sống tại Galilê thuộc về nhóm này), (4) cuối cùng là nhóm gia đình “sống tản mát” (bao gồm những người sống lang thang ngoài lề xã hội chẳng hạn như những kẻ ăn xin, dơ bẩn, vô sản… phải chạy ăn từng bữa).[3]

Trình thuật trong các Tin Mừng đặt Chúa Giêsu vào một gia đình cỡ vừa: “Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” (Máccô 6,3). Chúa Giêsu được mô tả như là một thành phần của một gia đình mở rộng và gia đình đó lại thuộc về một hệ thống rộng lớn hơn: những cuộc tiếp xúc của Chúa Giêsu diễn ra “nơi xã hội và không gian Ngài đang sống: nhà, sân, và làng. Đây cũng là nơi Chúa Giêsu lớn lên – Ngài là một thành phần của một gia đình, một làng, một nhóm người cùng họ”(Moxnes, trang 32). Cái gia đình mở rộng và có nhiều tầng lớp này đã góp phần hun đúc nên con người Đức Giêsu. Tuy nhiên, con người Đức Giêsu không được xác định bởi gia đình đã nuôi dưỡng Ngài lớn lên, vì những mâu thuẫn nảy sinh tại Nazarét, quê hương của Ngài, đã chỉ cho thấy điều đó.

5/ Gia Đình Chúa Tạo Lập – “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? “(Máccô 3, 33)

Nơi chương thứ ba Tin Mừng theo thánh Máccô, Chúa Giêsu đang ở “nhà” (3,19) khi “Mẹ và anh em Đức Giê-su đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra. Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy! ” Nhưng Người đáp lại: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? “Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.” (3, 31-35)

Vào thời xưa, khi người ta thường coi gia đình là số một và ra sức xây dựng, tôn trọng và bảo vệ nó thì việc làm của Chúa Giêsu trông thật chướng tai gai mắt. Ngài đã định nghĩa lại “gia đình của Ngài”.  Vào một thời điểm nào đó khi Ngài đang thi hành sứ vụ, Ngài đã tạo lập một gia đình của riêng Ngài. Đây là gia đình thứ hai của Chúa Giêsu, bao gồm những người “thi hành ý muốn của Thiên Chúa”(Máccô 3,35). Trình thuật Tin Mừng theo thánh Máccô có ý nghĩa thần học.  Trình thuật này tìm cách hòa giải những hậu quả từ những xung khắc giữa các giá trị từ lâu được tôn trọng và giữ gìn. Santiago Guijarro Oporto đã xem xét sự xung khắc nảy sinh giữa những đòi hỏi phải trung thành với gia đình mở rộng của mình và những đòi hỏi của sứ vụ mà Chúa đã trao phó cho các môn đệ: “việc Chúa Giêsu tái định nghĩa gia đình trong Phúc Âm nhất lãm cho thấy rằng, sự căng thẳng giữa việc trung thành với gia đình riêng của mình và với gia đình được Chúa Giêsu thành lập là một vấn đề nhức nhối mà hai thế hệ Kitô hữu tiên khởi đã gặp phải [4].

Như được gia đình của mình uốn nắn, Chúa Giêsu cũng làm như thế với gia đình Ngài thành lập: trong đó, anh chị em của Ngài là những người thực hành thánh ý. Hay nói cách khác, họ là những người làm điều Chúa làm – bởi vì Ngài là người hoàn toàn tuân theo thánh ý Thiên Chúa. Gia đình của Chúa bao gồm những người làm giống như Chúa khi tiếp xúc người phong hủi (Máccô 1, 41), chạnh lòng thương đám đông (Máccô 8,2) trả về Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa (Máccô 12, 17), và kêu cầu Thiên Chúa khi thiếu thốn, bối rối, thất vọng, quẫn bách (Máccô 15, 33-34); vì vinh quang họ được hưởng sẽ tương thích với cách thức họ sống theo gương mẫu Chúa đã sống. Ở cuối Tin Mừng theo thánh Gioan, Chúa Giêsu lập nên một gia đình khác: Ngài nói với Mẹ Ngài “Thưa Bà, đây là con của Bà” và rồi Ngài nói với môn đệ được yêu mến “Đây là mẹ của anh.” (Gioan 19, 26-27). Giống như Tin Mừng Máccô, trình thuật này chứa đựng nhiều ý nghĩa thần học. Tin Mừng thứ tư diễn tả Chúa Giêsu như con Thiên Chúa trong mối tương quan không thể tách rời khỏi Chúa Cha. Trước khi Ngài hoàn thành sứ vụ, Ngài đã thành lập một gia đình khác. Gia đình này sẽ tiếp tục phát triển với những anh chị em mới, cũng như gia đình ruột của Ngài đã giúp Ngài lớn lên.

Chúa Giêsu được sinh ra trong một thế giới nơi sự khác biệt giữa Do Thái và Hy Lạp, nam và nữ, nô lệ và tự do (Galát 3, 28) chiếm một vai trò quan trọng trong cuộc sống của những tín hữu. Gia đình nơi Ngài đã sinh ra và lớn lên giúp Ngài hiểu thấu đáo rằng những khác biệt đó sẽ không là vấn đề trong vương quốc Thiên Chúa. Gia đình của Chúa Giêsu, cũng như các gia đình khác, vừa cung ứng sự hỗ trợ nhưng cũng vừa đưa ra những đòi hỏi cho những thành viên của gia đình. Một gia đình thực thụ là một gia đình có những thành viên đôi lúc phạm phải sai lầm, như Phêrô đã liên tiếp chối Chúa (Máccô 14, 30). Một gia đình thực thụ cũng là một gia đình nơi Giêsu là Chúa (dominus trong tiếng Latinh), là thủ lãnh, và là người lãnh đạo gia đình, một gia đình tràn đầy lòng thương xót. “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? “(Matthêu 18, 21). Đó chính là gia đình của Chúa Giêsu theo Phúc Âm và xa hơn thế.

Lm. Séamus O’Connell
Luca Khổng Kim Quang chuyển ngữ

(WGP.Qui Nhơn 11.03.2015)

——————————————————-
[1] Halvor Moxnes, Putting Jesus in His Place, Louisville, 2003, trang 24.
[2] Leo G. Perdue, Families in Ancient Israel, Louisville, 1997, trang 203.
[3] Halvor Moxnes, ed. Constructing Early Christian Families, London and New York, 1997, trang 58.
[4] Santiago Guijarro Oport, Fidelidades en Conflicto, Salamanca, 1998, trang 4

Exit mobile version