Ngày còn nhỏ, tôi nghe Phương Thảo và Ngọc Lễ râm ran với tiếng đệm đàn Mandolin thật hay :
Ba là cây nến hồng
Mẹ là cây nến xanh
Con là cây nến hồng
Ba ngọn nến lung linh
A à á a a … Thắp sáng một gia đình
Dẫu bây giờ đã lớn và dẫu rằng chưa qua khỏi mức khôn ngoan và khù khờ như ngày xưa ấy nhưng ít ra tôi cũng hiểu được 2 tiếng gia đình thật thiêng liêng.
Dần dần tôi mới khám phá ra rằng Mẹ – Cha và gia đình quả là điều thiêng liêng nhất của đời người bởi đơn giản rằng Mẹ và Cha tôi đến với nhau như sự xếp đặt của Thiên Chúa và rồi cả hai đã chung sống với nhau trọn nghĩa vẹn tình tuy gia đình không thuộc hàng giàu có hay có thể nói là thiếu trước hụt sau. “Mình nghèo mà lòng biết mến thương nhau” quả là đúng và rất đúng với gia đình nhỏ bé của chúng tôi.
Và, cũng chả hiểu sao 2 tiếng gia đình nó cứ in trí vào tâm khảm của tôi để rồi tôi sợ hay nói đúng hơn là chả thích gì khi nghe ai nào đó phải đứng trước bờ vực của sự chia ly. Và, không thèm nói đến nhất là những trường hợp rất thân thương.
Đi đâu cũng thế và ngày xưa cũng vậy, khi có cơ hội tiếp cận với các bạn trẻ chuẩn bị tiến và đời sống hôn nhân hay đã kết hôn rồi, tôi luôn nhắc nhở họ làm gì làm xin nhớ “gia đình là số 1” nhé !
Thế nhưng rồi cuộc đời không như mình tưởng và cũng chả như mình mong. Lâu lâu lại nghe nói đến sự bất đồng này, không đồng ý kia của đôi vợ chồng nọ. Và khi ấy “máu anh hùng” nổi lên và “nhảy” vào can thiệp ngay bất cứ lúc nào. Tỷ lệ thành công cũng thuộc dạng “không phải dạng vừa” nhưng tình trạng ly hôn sau khi năn nỉ hết sức cũng làm cho đau nhói.
Suy cho kỹ, xét cho cùng thì con người hoàn toàn khác con vật ở tình cảm và lý trí hay nói đúng hơn là con vật không có lý trí và tình cảm như con người. Con vật thì không có suy nghĩ và đến với nhau chỉ là để “làm chuyện đó với nhau”. Con người thì ngược lại, khi 2 con tim rung nhịp và kèm theo đó là “lý trí cũng cân đo đong đếm” thì mới đi đến quyết định tiến đến hôn nhân. Chả có đôi hôn nhân nào đến với nhau do sự xúi giục của người khác hay đến với nhau cho vui (ngoại trừ những người tâm thần hay những người lớn không qua con trẻ thì không nói đến).
Nghĩ cho kỹ và xét cho cùng, khi hai vợ chồng “ở” với nhau nó thật sự thiêng liêng lắm ! Còn nếu “ở” theo kiểu tiền trao cháo múc thì miễn bàn và hành vi ấy không khác gì …
Khi đã là vợ là chồng, sinh con đẻ cái rồi thì quả là một sự thiêng liêng tột đỉnh và chẳng có gì qua được gia đình.
Chuyện tình nào, cuộc hôn nhân nào cũng được không ít thì nhiều hai họ chứng kiến. Với hôn nhân Công Giáo thì còn lớn hơn nữa bởi sự cam kết yêu nhau của đôi hôn nhân được Hội Thánh chứng nhận và Thiên Chúa chúc phúc cho tình yêu của họ.
Đáng tiếc thay, ngày hôm nay, gia đình đang đứng ở bờ vực của sự ai oán kêu than vì lẽ tỷ lệ ly hôn không còn 50 – 50 nữa mà con số ấy lại nặng hơn về tan vỡ sau những đôi đã cưới. Ngày xưa cũng có chuyện ly hôn nhưng có lẽ không nhiều và không đáng lo lắng như bây giờ.
Có những cuộc ra đi xem ra lặng lẽ nhưng rồi đáng tiếc thay có những cuộc ra đi để lại bao cay đắng cho cuộc đời cũng như hay chỉ để làm trò cười cho thiên hạ.
Những ngày này, dường như điểm nóng mà có kẻ thích người không ưa cũng phải thấy đó là chuyện chia tay của gia đình đại gia nọ.
Chuyện gia đình họ, họ tự giải quyết, tôi chả bảo bên này đúng bên nọ sai. Chỉ có điều những chuyện thầm kín, những chuyện thiêng liêng nhất chỉ có gia đình biết nay lại phơ ra cho cả làng biết.
Thật sự là đắng lòng chứ chả phải là chuyện vui. Nhiều gia đình khác nữa cũng đang đứng trên bờ vực của chia ly nhưng tại hôn nhân của họ không còn tài sản hay tay sản của họ chả đáng là bao nên tự xử chứ không nại đến cơ quan điều tra.
Sao trong những lúc nóng giận không nghĩ đến những lúc mặn nồng bên nhau và thiêng liêng lắm. Không hiểu những lúc đó có cân đo đong đếm rằng anh góp bao nhiêu vốn hay em bỏ bao nhiêu vào không ?
Hãy bỏ cái tôi của mình xuống để trân trọng đời sống hôn nhân của mình và hãy gìn giữ cho cuộc hôn nhân của mình luôn đẹp mãi như ngày đầu.
Theo kiểu người đời thì sau khi ly hôn người ta cho là khỏe và thậm chí có người mạnh miệng tuyên bố sẽ đi thêm bước nữa để dằn mặt bên kia. Nhưng, suy cho kỹ, xét cho cùng, họ có bình an và hạnh phúc hay không khi đàn con của họ bơ vơ vất vưởng vì thiếu bóng cha hay mất bóng mẹ ngay khi cha mẹ chưa hề chết.
Thử làm cuộc khảo sát để xem hậu quả của những đứa con sống trong cảnh gia đình chia cắt thì thấy nỗi đau đến mức nào chứ đừng nói kiểu cho sướng cái cửa miệng : “Thích ly thì ly”. Đau lòng lắm khi nhìn những đứa trẻ bơ vơ nhìn cha mẹ nó vô tâm đi tìm hạnh phúc mới.
Có lẽ vì họ mềm yếu, họ không nhận ra sự thiêng liêng của gia đình để rồi họ phải rơi vào cám cảnh như ngày hôm nay. Nên nhớ cho rằng :
Gia đình gia đình, ôm ấp ta những ngày thơ
Cho ta bao nhiêu niềm thương mến
Gia đình gia đình
Bên nhau khi đớn đau
Bên nhau đến suốt đời
Chả ai bên mình suốt đời bằng vợ mình, chồng mình và con cái mình đâu. Đừng có đứng núi này và trông núi nọ để rồi có khi chả còn núi nào để mà trông.
Và, đồng hành với Giáo Hội – không chỉ đồng hành thôi mà còn cầu nguyện nữa – cho những gia đình đang gặp khó khăn trong năm Phụng Vụ này.
Trong lời thầm nguyện, ta lại cùng hát lên :
Lung linh lung linh tình mẹ tình cha
Lung linh lung linh cùng một mái nhà
Lung linh lung linh cùng buồn cùng vui
Lung linh hai tiếng gia đình
Lung linh hai tiếng gia đình
Theo tôi nghĩ, đến giờ này những ai đang măm me chuyện ly hôn hay chia cắt vẫn còn tỉnh ngộ để đừng làm chuyện không hay của con người và đánh mất đi ý nghĩa thiêng liêng mà họ chọn thuở ban đầu. Xin cho những ai đã đến với nhau, đã là vợ là chồng của nhau xin đừng bao giờ nghĩ đến chuyện ly hôn, đơn giản rằng : “Ly hôn tội lắm người ơi !”
Người Giồng Trôm