1.
Chiều Chúa nhật đầu Mùa Vọng vừa rồi (02.12.2018), đài Truyền hình Việt Nam có truyền đi hình ảnh một cây thông đặc biệt, mới được dựng lên tại thủ đô nước Brasil để đón mừng lễ Noel sắp tới.
Cây thông đón mừng lễ Noel bao giờ cũng giăng đèn sáng, với nhiều ngôi sao, và lời chúc bình an.
Tại Việt Nam, những cây thông như thế cũng đang được dựng lên, tại nhiều nơi công và tư, với nhiều khổ lớn nhỏ.
2.
Những cây thông đó đang nói nhỏ với tôi điều này: Đón mừng lễ Noel một cách tốt đẹp nhất là hãy tìm gặp gỡ Chúa Giáng Sinh.
Tôi đã làm như thế từ nhiều năm. Năm nay tôi vẫn tiếp tục làm như vậy, nhưng với tâm tình tha thiết hơn. Xin phép được chia sẻ những riêng tư đó, như một món quà bé mọn.
3.
Nói chung, tôi gặp gỡ Chúa Giêsu Giáng Sinh bằng nhiều cách, trong đó có hai cách này: Một là đón nhận những tình thương khiêm nhường của Chúa, cho dù rất nhỏ và kín đáo. Hai là chia sẻnhững tình thương khiêm nhường của Chúa bằng những việc bé nhỏ, âm thầm, riêng tư.
4.
Đề cập đến những việc đón nhận những tình thương của Chúa, tôi để ý nhiều những mảnh tình thương của Chúa mang nặng tính cách khiêm nhường được thực hiện qua những việc bé nhỏ kín đáo.
Thực vậy, rất nhiều lần tôi đã nhận được tình thương khiêm nhường của Chúa từ những người không biết làm dấu thánh giá. Họ là những trẻ nhỏ, những người không Công giáo, những người mà thế gian loại trừ. Họ được Chúa sai đến, để âm thầm nâng đỡ tôi, lúc tôi gặp khó.
Việc họ làm cho tôi thực rất bé nhỏ, nhưng đã làm cho đức tin của tôi thêm mạnh, vì thấy Chúa là Cha giàu lòng thương xót đã dùng những dụng cụ bé mọn, để cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa. Họ là những kẻ bé mọn. Tôi cũng là kẻ hèn mọn. Nhưng chúng tôi đã được Chúa yêu thương một cách rất khiêm nhường.
5.
Rất nhiều lần, tôi đã nhận được tình thương của Chúa qua những người đau yếu, nhất là qua những kẻ nghèo khó. Họ nói ít lắm. Nhưng thái độ của họ, đôi khi chỉ với một cái nhìn của họ, cũng đã gởi tới tôi một nhắn nhủ thân thương về trách nhiệm phải có với Chúa hiện diện trong những kẻ khổ đau.
6.
Từ những người tôi vừa kể trên, tôi có thể nói là tôi đã nhận được rất nhiều, như lời chúc bình an của Chúa, ngôi sao của Chúa, ánh sáng hy vọng của Chúa.
7.
Bây giờ, xin nói về việc thứ hai là cho đi, là chia sẻ tình thương, tôi để ý đến những việc nhỏ, âm thầm, riêng tư.
8.
Thú thực là những việc lớn lao thì tôi không có khả năng. Tôi chọn những việc nhỏ, như của trẻ nhỏ và như của con người yếu đuối, thì thấy dễ an tâm.
9.
Dầu vậy, biết bao lần tôi vẫn phải sám hối mà nói như thánh Phaolô xưa: “Sự tốt tôi muốn thì tôi không làm, còn sự xấu tôi không muốn thì tôi lại cứ làm” (Rm 7, 18-20). “Tôi thực là một người khốn nạn” (Rm 7, 24).
10.
Qua những kinh nghiệm vừa kể, tôi mới học được một bài học cực kỳ quan trọng, đó là khiêm nhường.
Khiêm nhường, khiêm nhường, và khiêm nhường, đó là con đường để gặp được Chúa Giáng Sinh.
11.
Với tôi, từ khi gặp được Chúa Giêsu Giáng Sinh, tôi đã được Chúa dạy ngay bài học về yêu thương trong khiêm nhường.
12.
Nhờ vậy, tôi hiểu vì sao thánh Phêrô tông đồ đã quả quyết: “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1Pr 5, 5).
13.
Chúa ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Kẻ khiêm nhường cũng là kẻ biết đau cái đau của người khổ cực, nghèo túng. Dửng dưng trước sự khổ đau của họ chính là một bằng chứng về sự kiêu ngạo.
14.
Trên thế giới hiện nay, phong trào yêu thương trong khiêm nhường, và biết đau cái đau của những kẻ nghèo túng, bệnh tật, bế tắc, đang là một Mùa Vọng, mang lại mùa Xuân cho lễ Giáng Sinh.
Tại Việt Nam cũng đang thấy xuất hiện phong trào đạo đức đó.
15.
Nhưng, theo Đức Phanxicô, thì đó cũng là đối tượng mà phong trào Pharisêu giả hình đang chống phá dữ tợn.
16.
Còn Đức Bênêđictô XVI thì quả quyết: “Hội Thánh chia sẻ số phận của dòng tộc Lêvi nói trong Cựu Ước. Họ là dòng tộc duy nhất không chủ trương giữ cho mình của cải đất đai, mà chỉ coi một Thiên Chúa là gia nghiệp của mình mà thôi. Với dòng tộc Lêvi đó, Hội Thánh luôn chia sẻ nhu cầu cần một sự nghèo khó, tự nguyện tách rời mình khỏi những dây ràng buộc vật chất, nhờ vậy mà việc truyền giáo được dễ tin hơn (Bài giảng tại Fribourg, tháng 9, năm 2011).
17.
Tới đây, tối thấy sự gặp gỡ Chúa Giáng Sinh tại quê hương Việt Nam hôm nay đang đặt ra cho tôi và cho các môn đệ Chúa một cái nhìn mới. Yêu thương trong khiêm nhường, yêu thương trong liên đới với kẻ nghèo khó, yêu thương trong nghèo khó.
Sống vui với Tin Mừng đó, chính là cây thông Noel của tôi.