Gặp Chúa giữa đời thường

Chiều hôm ấy, khi cơn mưa vừa dứt, tôi ghé vào nghỉ chân ở công viên 30-4, bên hông Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sài Gòn. Tại đây, tôi chứng kiến những hình ảnh đời thường thật cảm động. Hình ảnh của những con người vất vả bươn chải với cơm áo gạo tiền. Những hình ảnh này đã đọng lại trong tôi nhiều suy nghĩ về cuộc đời, về con người và về Thiên Chúa trong mùa Chay Thánh 2012.

Đời thường luôn có những câu chuyện đáng thương? Vậy đó là những câu chuyện gì?

Trước hết, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi hôm ấy đó chính là một đôi vợ chồng trẻ đang ngồi ăn chung một miếng bánh tráng không có thịt, không có tôm, không có một gia vị gì kèm theo. Họ chỉ ăn một miếng bánh “ba không” như thế để hy vọng có sức bán hết một đôi gánh bánh tráng cuốn khi cơn mưa vừa tạnh. Tôi cảm nhận nơi Anh Chị xa lạ này một sự chắt chiu, tiết kiệm, để có tiền nuôi sống gia đình. Khi cơn mưa vừa tạnh thì nhịp sống Sài Gòn trở nên sôi động, nhộn nhịp, dập dìu xe cộ, và dòng người tấp nập lưu thông. Thế nhưng, hình ảnh của đôi vợ chồng trẻ nghèo khổ này thử hỏi có mấy ai để ý tới?

Chưa hết, hình ảnh thứ hai mà tôi bắt gặp hôm ấy đó chính là một anh thanh niên đẩy xe đi bán bắp xào khu vực công viên 30-4. Cơn mưa vừa dứt hạt, anh đẩy xe ra khu vực công viên. Anh tranh thủ lót dạ với một tí bắp xào, để có sức bán tới khuya. Tôi thấy người thanh niên này to con, mập mạp và chân chất thật thà. Công việc kiếm kế sinh nhai của anh bình thường như thế đó. Anh đi bán bắp xào giữa biết bao dòng người qua lại. Chẳng mấy ai quan tâm đến nhau và chẳng mấy ai quan tâm đến anh thanh niên này. Chuyện gì xảy ra sau đó? Khi anh vừa bán được hai hộp bắp xào cho hai cô sinh viên thì mấy người công an trật tự đường phố bất ngờ xuất hiện. Anh đang vi phạm trật tự đường phố. Thế là, họ bắt anh phải dẫn xe nạp cho đội trật tự. Vậy đó, hôm nay anh chỉ bán được có hai hộp bắp xào. Tôi chạy xe ngang qua anh và lòng thầm nghĩ: Thật tội nghiệp cho anh… Rồi tôi cũng nghĩ tới cảnh đôi vợ chồng kia phải chạy vô tận sâu trong công viên để núp, vì sợ số phận cũng giống như người thanh niên đáng thương này.

Chúng ta rút ra được những bài học gì từ những hình ảnh và biến cố của đời thường?

Bạn thân mến, khi trở về nhà lòng tôi cứ luôn khắc khoải về những hình ảnh của những con người đáng thương ấy. Tôi cầu nguyện cho họ. Lúc này, động lực làm linh mục để giúp người nghèo khổ bỗng trở nên rất mạnh mẽ trong tôi. Không biết hôm ấy có mấy người để ý và cảm thông cho những số phận nghèo khổ vất vả như thế? Bởi vậy, một tác giả đã viết như sau: “Người ta thường để ý tới những ngày lễ hội, những ngày kỉ niệm, những biến cố quan trọng. Ít ai quan tâm đến đời thường. Thế nhưng đời thường mới làm nên cuộc sống. Đời thường mới quan trọng cho cuộc sống con người. Chẳng hạn như chúng ta ít quan tâm tới không khí. Nhưng không khí thật là quan trọng cho đời sống chúng ta… Chúng ta coi thường cơm tẻ. Nhưng thiếu cơm tẻ vài ngày, chúng ta không chịu nổi. Chúng ta ít chú ý tới các cha giáo dạy dỗ chúng ta. Nhưng thiếu các cha giáo, chủng viện này không tồn tại được. Chúng ta ít chú ý đến các chị bếp. Nhưng không có các chị, sinh hoạt chủng viện không trôi chảy được. Chúng ta ít ý thức sự quan phòng của Chúa. Nhưng một giây thôi nếu bàn tay Chúa không nâng đỡ, chúng ta sẽ trở thành tro bụi ngay”. Thật vậy, cuộc sống Sài Gòn đô thị hôm nay làm cho phần đông người ta ít để ý và quan tâm đến nhau. Họ sống sát vách nhau nhưng hoàn toàn như người xa lạ. Vậy thì, đó có phải là cung cách sống phù hợp với Tin Mừng Chúa dạy chúng ta?

Tiếp đến, khởi đi từ những dòng suy tư trên đây, chúng ta liên hệ tới biết bao mảnh đời nghèo khổ và túng thiếu trong cuộc sống đời thường hôm nay. Được biết mới đây, một cô gái đang học lớp 12, con nhà nghèo ở quê nhưng học giỏi, bị phát hiện đang mang chứng bệnh nan y trong người. Tương lai của bạn ấy sẽ như thế nào? Gia đình của bạn ấy chắc là phải lo lắng và đau khổ biết chừng nào? Rồi mới đây, được biết có một người quen của tôi đang lo lắng mất ngủ vì nhà của gia đình thầy sắp sửa bị người ta hoá giá. Sáng nay, một người bạn than thở với tôi rằng: “Khổ quá ông ơi, chị hai của tôi đã mấy lần sinh con không được, ngày mai phải tiếp tục phẫu thuật. Chị Năm của tôi trên đường đi thăm chị Hai thì bị người ta móc túi, mất tiền, mất điện thoại. Cha tôi ở nhà thì chân đi không vững…”

Gặp Chúa giữa đời thường. Điều này nghĩa là gì?

Bạn thân mến, khi chứng kiến và lắng nghe những hoản cảnh đau thương của những mảnh đời bất hạnh như thế, có lẽ chúng ta không khỏi xé lòng xót xa. Quả thật, ai trong chúng ta cũng đều có nỗi khổ riêng. Người nào cũng khổ, nhà nào cũng khổ. Mỗi người, mỗi nhà khổ một cách khác nhau. Vì thế, Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: “Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34). Vậy thì, từ trong đau khổ chúng ta học được điều gì? Phải chăng mỗi người chúng ta thấy mình còn giới hạn, bất lực trước những nghịch cảnh của cuộc đời xảy đến với chúng ta, với gia đình, người thân của chúng ta? Phải chăng, từ trong đau khổ chúng ta thấy mình cần đến tình yêu Thiên Chúa chữa lành, nâng đỡ và giúp sức cho chúng ta như lời Chúa Giêsu đã nói năm xưa: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28)?

Vì thế, vấn đề là đức tin của chúng ta có đủ mạnh hay không mà thôi: chúng ta có dám tin tưởng vào sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa? Một tác giả đã cảm nghiệm như sau: “Chúa chính là điều bình thường nhất vì Chúa ở mọi nơi mọi chỗ trong cuộc đời chúng ta. Chúa chính là cuộc sống của chúng ta. Hôm nay, Chúa hiện diện trong đời sống bình thường của các môn đệ. Chúa ở ngay bên những thất bại để an ủi các ông. Chúa ở ngay bên những nhu cầu tối thiểu để chăm sóc các ông: một bếp lửa, một mâm cơm. Chúa làm cho cuộc sống bình thường trở nên ý nghĩa. Chúa làm cho cuộc sống bình thường trở nên phong phú như mẻ lưới được đầy cá ngon”. Ước gì, chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa trong nghịch cảnh và khổ đau. Ước gì, chúng ta gặp được Chúa giữa biết bao con người, biết bao biến cố giữa đời thường!


Tâm Thương

Exit mobile version