Gắn kết với Lời Chúa

LoiChua - Gắn kết với Lời Chúa

Khi bước vào trần gian với sứ mạng là Đấng Cứu Thế, Chúa Giêsu đã làm đảo lộn suy nghĩ và cách sống của con người bằng chính cuộc sống vâng ý Cha trên trời của Ngài. Thật vậy, nhờ vâng phục Chúa Cha, Ngài đã hoàn toàn phó thác đời mình cho chúng ta đến nỗi “bằng lòng chết và chết trên thập giá.” (Pl 2,8).

Lời Chúa nói và những việc Ngài làm trong suốt thời gian tại thế là những gì Ngài muốn chúng ta suy niệm và noi theo, để cùng Ngài chu toàn thánh ý Chúa Cha trong khả năng và trách nhiệm của mình. Thiên Chúa chính là Sự Sống nên Lời Ngài là Lời đem lại sự sống cho con người. Vì thế, ta phải ghi nhớ, suy niệm và vâng giữ Lời ban sự sống ấy trong cuộc sống hằng ngày của mình. Thánh Gioan luôn nói đến mối tương quan mật thiết giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha.

Tin mừng hôm nay cũng vậy, thánh Gioan cho biết: Chúa Giêsu quả quyết Ngài biết Thiên Chúa Cha, nhưng những người khác thì không biết. Chính Chúa Cha sai Ngài đến trần gian. Những lời Ngài dạy bảo là Lời của Chúa Cha. Chúa Giêsu không hề tìm vinh danh cho chính mình mà chỉ tìm vinh danh cho Đấng đã sai mình. Vì thế mà Ngài được Chúa Cha tôn vinh.

Khi Chúa Giêsu nói với người Do Thái về thế giới của Thiên Chúa, họ đã chế nhạo Người, cho rằng Người bị quỉ ám nên mới ăn nói lung tung như thế. Chúa Giêsu vẫn không nản lòng, và vẫn tiếp tục nói về nguồn gốc thần linh của mình, một lần nữa. Người dùng danh xưng Hằng Hữu để khẳng định rằng mình từ Thiên Chúa mà đến. Câu nói ấy đã khiến người Do Thái phẫn nộ và định ném đá Người.

Với lời quả quyết thật chắc chắn của Đức Giêsu: “Đấng tôn vinh tôi chính là Cha tôi, Đấng mà các ông gọi là Thiên Chúa của các ông… Các ông không biết Người, còn tôi, tôi biết Người và tuân giữ lời Người ? Vì là những người kém lòng tin và thiếu sự nhận biết về Thiên Chúa, nên khi nghe những lời ấy họ cho rằng Đức Giêsu mà người bị quỷ ám, hay là một người dân ngoại xứ Samaria nào đó.

Bởi hình ảnh về một Thiên Chúa đầy quyền lực và thật cao sang đã ăn sâu vào não trạng của họ nên họ không thể chấp nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa bằng xương bằng thịt như thế được. Cái quan niệm hạn hẹp về sự sống của họ cũng chỉ được giới hạn trên cái thân xác mỏng giòn mà thôi. Nhưng đối với những người có lòng tin và lòng khao khát thực sự thì khi được nghe những lời ấy của Đức Giêsu càng giúp chúng ta thêm xác tín rằng: ĐỨC GIÊSU KITÔ chính là CON THIÊN CHÚA.

Ngài đến từ Chúa Cha, biết rõ về Chúa cha, nói những lời của Chúa Cha. Mà Lời của Chúa Cha chính là “Lời ban sự sống đời đời”, vì thế Chúa Giêsu cho biết: “ Nếu ai tuân giữ Lời Ngài, thì sẽ không bao giờ phải chết”.

Người Do Thái tự hào là con cháu Abraham nên họ xứng đáng thừa hưởng lời chúc phúc mà Chúa đã hứa với tổ phụ Abraham trước đây.

Nhưng Chúa Giêsu cho họ biết là con cháu Abraham thôi chưa đủ điều kiện, nhưng phải là con cháu có đức tin giống như Abraham mới xứng đáng thừa hưởng gia nghiệp nước trời.

Tin Chúa nên Abraham đã nghe Lời chỉ dạy của Chúa mà sẵn sàng ra đi, dù không biết đi đâu. Như thế tin Chúa thì phải nghe lời Chúa.

Lời Chúa thì mang lại sự sống đời đời, nên ai tuân giữ Lời Chúa thì không chết bao giờ. Giống như cành nho gắn liền với thân nho, cành nho được sống vì tiếp nhận nhựa sống từ thân nho nuôi dưỡng.

Chúa Giêsu nói với người Do Thái rằng nếu họ tuân giữ Lời Người dạy bảo thì họ sẽ khỏi phải chết, họ lại chế nhạo Người là bị quỉ ám. Nếu xét thêm mặt ngoài của sự kiện thì quả thật họ là người có lý. Họ lý luận như sau: “Bây giờ chúng tôi biết chắc là ông bị quỉ ám. Ông Abraham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy. Thế mà ông lại nói: ai tuân giữ lời tôi thì sẽ không bao giờ phải chết. Chẳng lẽ ông lại cao trọng hơn cha chúng tôi là ông Abraham hay sao?” Họ lý luận rất chặt chẽ, nhưng chính cái chặt chẽ ấy lại là một sợi xích cột chặt họ lại khiến họ không thể cất cánh bay cao.

Họ có lý nhưng tổ phụ Abraham ngày xưa đã chẳng lý luận gì khi nghe theo lời Giavê Thiên Chúa kêu gọi mà từ bỏ quê cha đất tổ để ra đi. Những người Do Thái có lý nhưng theo lối lý luận của con người. Thiên Chúa thì không dựa theo lý lẽ của con người để thực hiện công việc của mình, Thiên Chúa làm theo cách của Ngài. Những ai muốn nhận ra chương trình của Thiên Chúa thì cũng phải tập nhìn mọi sự theo cách nhìn của Ngài.

Những người Do Thái không muốn nhìn như thế, họ nhìn vào Chúa Giêsu và họ chỉ thấy đó là một con người tuổi chưa đầy năm mươi mà dám khoác lác nói rằng mình đã thấy tổ phụ Abraham, lại còn dám xưng mình ngang hàng với Thiên Chúa nữa. Họ không thể chấp nhận thái độ cao ngạo và phạm thượng ấy. Họ phải ném đá kẻ ngông cuồng này. Quả đúng như lời mở đầu Tin Mừng theo thánh Gioan: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian và thế gian đã nhờ Người mà có nhưng lại không nhận biết Người. Người đến nhà mình nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1, 9-11).

Cũng như tình yêu, đức tin không dựa trên lý lẽ. Lý trí có thể đưa chúng ta đến bên bờ của đức tin, rồi để mặc chúng ta ở đấy. Không phải lý trí bỏ rơi chúng ta nhưng lý trí không thể giúp chúng ta vượt qua được mép bờ huyền nhiệm của đức tin. Ðứng trên mép bờ huyền nhiệm ấy, tác động thích hợp duy nhất là yêu mến và phó thác. Tổ phụ Abraham đã yêu mến Thiên Chúa và đã phó thác mọi sự cho Ngài và đã được toại nguyện. Ðức Maria cũng đã khẳng định tương tự. Các thánh cũng hành động như thế

Ai được Thần khí Thiên Chúa ở cùng, thì dù có chết, đó cũng chỉ là giấc ngủ. Chúng ta còn nhớ sự kiện con gái ông Giairô được cứu sống: Chúa Giêsu thấy người ta thổi kèn, đánh trống, khóc lóc thì Ngài lên tiếng bảo: “Con bé đâu có chết, nó ngủ đó thôi” (Mc 5,39). Hay sự kiện Lazarô đã được an táng trong mộ, Chúa Giêsu cũng nói “La-da-rô, bạn của chúng ta, đang yên giấc ; tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây.” (Ga 11,11). Hay thánh Phaolô cũng xác tín: “Lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta, là cái chết; còn ân huệ Thiên Chúa ban không, là sự sống đời đời trong Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.” (Rm 6,23). Như vậy, nơi đâu có Thần khí Thiên Chúa, nơi đâu có Thiên Chúa, nơi đó có sự sống đời đời, vì Thiên Chúa là Chủ của sự sống, là nguồn sự sống.

Gắn kết với Lời Chúa ta sẽ được Chúa thông truyền sự sống. Mà Chúa là sự sống vĩnh cửu, nên ta sẽ được tham dự vào sự sống đời đời của Chúa.

Huệ Minh



Exit mobile version