Ga 4,4. Tại sao Đức Giê-su phải băng qua Samari?

Samari - Ga 4,4. Tại sao Đức Giê-su phải băng qua Samari?


Nội dung

I. Dẫn nhập

II. Đi ngang qua Samari và đi dọc theo thung lũng Giođan

1. Tươngquan giữa người Do Thái và người Samari

2. Lý do khiến Đức Giê-su đi ngang qua Samari

III. Cách dùng động từ “dei” (phải) trong Tin Mừng Gio-an

1. Sự cần thiết dành cho thính giả và độc giả

2. Động từ “dei” (phải) mô tả căn tính của Đức Giê-su

3. Sự cần thiết liên quan đến sứ vụ

IV. Kết luận

I. Dẫn nhập

Bài viết trước đã bàn đến “Nơi chốn trong Ga 4,1-43. Samari, Sychar, giếng Giacóp, núi Gerizim”, bài viết này sẽ tập trung vào Ga 4,4: “Người [Đức Giê-su] phải băng qua Sa-ma-ri.” Tại sao Đức Giê-su phải băng qua Samari? Trả lời câu hỏi này có thể giúp hiểu ý nghĩa toàn bộ trình thuật Ga 4,1-43. Trong bài viết này chúng tôi dùng cách viết tên riêng như trong bài viết trước (không dùng gạch ngang).

Dựa trên địa dư vùng đất Palestin và tương quan giữa người Do Thái và người Samari, phần nội dung sẽ trình bày hai cách để đi từ Giuđê đến Galilê và ngược lại: (1) Đi ngang qua Samari, hay (2) Đi dọc theo thung lũng sông Giođan (xem bản đồ Palestine trong bài viết trước). Kế đến bài viết sẽ trình bày cách dùng động từ Hy Lạp “dei” (phải) trong Tin Mừng Gio-an. Động từ này có thể có nghĩa thần học, và ở Ga 4,4 người thuật chuyện có thể diễn tả sự cần thiết (phải) liên quan đến sứ vụ của Đức Giê-su tại Samari. Các trích dẫn Tin Mừng Gio-an lấy trong: Bản văn Gio-an,Tin Mừng và Ba thư Hy Lạp – Việt. Một số trích dẫn Cựu Ước lấy trong bản dịch của NPD/CGKPV, ấn bản 2011.

II. Đi ngang qua Samari và đi dọc theo thung lũng Giođan

Vào thời Đức Giê-su, tình trạng vùng Samari ảnh hưởng đến việc đi lại của người Do Thái từ Giuđê đến Galilê và ngược lại. Mục này sẽ trình bày hai ý: (1) Tương quan giữa người Do Thái và người Samari. (2) Tìm hiểu lý do khiến Đức Giê-su lựa chọn đi ngang qua Samari.

1. Tươngquan giữa người Do Thái và người Samari

Vào thời Đức Giê-su, người Do Thái sống ở Giuđê và Galilê thường tránh đi vào vùng đất Samari, bởi vì tương quan giữa người Do Thái và người Samari không mấy tốt đẹp. Các sách Tin Mừng cũng cho thấy bầu khí nghi kỵ, chống đối, và đôi lúc xảy ra xung đột. Chẳng hạn, Tin Mừng Lu-ca thuật lại câu chuyện Đức Giê-su và các môn đệ từ Galilê đi lên Giêrusalem qua ngã Samari, nhưng dân làng Samari đã không tiếp đón. Người thuật chuyện kể ở Lc 9,51-53: “51 Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem. 52 Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Người đến. 53 Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giê-ru-sa-lem.”

Ngược lại, người Do Thái xem người Samari là dân không còn dòng máu Do Thái chính thống nữa, nguồn gốc của người Samari là do pha trộn giữa dân Ítraen và dân ngoại. Trình trạng này xảy ra sau khi thành Samari, thủ đô vương quốc Ítraen ở niềm Bắc, bị sụp đổ năm 722 BCE (Before the Common Era, Before the Current Era hay Before the Christian Era). Một số dân cư thành Samari và các vùng lân cận bị Sargon II, vua đế quốc Assyri, đưa đi lưu đày. Những người dân Ítraen còn lại phải sống chung với các dân ngoại từ các nơi khác, do Sargon II mang đến. Bởi vì lúc ấy vùng đất Samari đã trở thành thuộc địa của Assyri. Dần dần người Ítraen ở lại Samari pha trộn với dân ngoại, chịu ảnh hưởng tập tục và tôn giáo của họ, nên không thuần chủng là dân Ítraen nữa.

Sách Các Vua quyển thứ hai thuật lại tình trạng vương quốc Ítraen và lý do vương quốc này sụp đổ ở 2V 17,22-25a: “22 Con cái Ít-ra-en đã bắt chước vua mà phạm mọi tội vua đã phạm, họ không dứt bỏ các tội đó, 23 đến nỗi ĐỨC CHÚA đẩy Ít-ra-en đi cho khuất nhan Người, như Người đã dùng mọi ngôn sứ, tôi trung của Người, mà phán. Ít-ra-en đã bị đày biệt xứ sang Át-sua cho đến ngày nay. 24 Vua Át-sua đã đưa người từ Ba-by-lon, Cu-tha, A-va, Kha-mát và Xơ-phác-va-gim đến định cư ở các thành xứ Sa-ma-ri, thế vào chỗ con cái Ít-ra-en. Họ chiếm Sa-ma-ri và ở trong các thành của xứ này. 25 Ban đầu, khi mới định cư ở đó, họ không kính sợ ĐỨC CHÚA.

Sự kỳ thị và xung đột giữa người Do Thái và Samari trở nên mạnh mẽ hơn khi thời lưu đày chấm dứt (538 BCE). Sau thời lưu đày, Những người Do Thái hồi hương về Giêrusalem tổ chức xây lại tường thành và Đền Thờ Giêrusalem (520-515 BCE). Người Samari muốn góp phần xây lại Giêrusalem nhưng không được người Do Thái chấp nhận. Để đáp trả, người Samari đã tìm cơ hội để tố cáo người Do Thái trước các vua Ba Tư. Người Samari đã xây đền thờ trên núi Gerizim để thờ phượng Đức Chúa. Điều này đào sâu thêm sự chia rẽ giữa người Samari và người Do Thái.

Ét-ra thuật lại xung đột giữa dân địa phương và người Do Thái hồi hương về việc xây dựng lại Đền Thờ ở Er 4,1-5: “1 Khi nghe tin là các người lưu đày trở về đang xây một Đền Thờ kính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Ít-ra-en, 2 thì những kẻ thù của Giu-đa và Ben-gia-min đến gặp ông Dơ-rúp-ba-ven, và những người đứng đầu các gia tộc, mà nói : ‘Chúng tôi muốn được cùng xây với các ông, bởi cũng như các ông, chúng tôi tìm kiếm Thiên Chúa của các ông, và dâng lễ tế kính Người, từ ngày Ê-xa-khát-đôn, vua Át-sua, đem chúng tôi lên đây.’ 3 Ông Dơ-rúp-ba-ven, ông Giê-su-a và những người khác, là những người đứng đầu các gia tộc Ít-ra-en, bảo họ : ‘Việc xây Nhà cho Thiên Chúa chúng tôi không phải là việc chung của các ông và chúng tôi, vì chỉ có chúng tôi sẽ xây cho ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Ít-ra-en, theo lệnh vua Ky-rô, vua Ba-tư, đã ban cho chúng tôi.’ 4 Khi đó, dân trong xứ bắt đầu làm cho dân Giu-đa bủn rủn tay chân và sợ hãi, để họ không xây cất nữa. 5 Chúng mua chuộc các cố vấn, để làm hỏng ý định của dân Giu-đa trong suốt thời vua Ky-rô, vua Ba-tư, mãi cho đến triều vua Đa-ri-ô, vua Ba-tư.” Trong câu chuyện xung đột trên, các cụm từ “kẻ thù của Giu-đa và Ben-gia-min” (Er 4,1) và “dân trong xứ” (Er 4,4) là những người sống trên đất Palestin khi dân Giuđa bị đưa đi lưu đày, trong số đó có người Samari.

Vào thời Đức Giê-su, khi người Do Thái muốn đi từ Giuđê về Galilê hay từ Galilê lên Giêrusalem họ thường không đi ngang qua vùng Samari mà đi vòng dọc theo thung lũng sông Giođan, rồi từ Giêricô đi lên Giêrusalem (xem bản đồ ở trên). “Phải cộng thêm khoảng 25 dặm (40 km) vào hành trình, nhưng đáng làm, nếu muốn tránh đi ngang qua Samari” (WALKER, In the Steps of Jesus, 2006, p. 82). Josephus cũng cho biết con đường ngắn nhất để đi từ Giuđê đến Galilê là đi ngang qua Samari. Josephus viết: “Đó là điều thực sự cần thiết cho những ai muốn đi nhanh [tới Giêrusalem] thì đi ngang qua vùng đấy đó [Samari], bởi vì đi theo đường này, bạn có thể mất ba ngày đi đường từ Galilê tới Giêrusalem” (Josephus Life, 52:269). Trong thực tế, người Do Thái thường tránh đi qua miền Samari.

2. Lý do khiến Đức Giê-su đi ngang qua Samari

Khi người thuật chuyện cho biết: Đức Giê-su phải qua ngang qua Samari (Ga 4,4) để đến Galilê, phải chăng Đức Giê-su đã đi theo con đường ngắn hơn? Hay Đức Giê-su vội vàng đi Galilê nên phải chọn đi ngang qua Samari? Có hai chi tiết trong câu chuyện cho thấy Đức Giê-su không vội về Galilê, và lựa chọn đi Galilê bằng cách băng qua Samari không phải là con đường ngắn, nếu Đức Giê-su đang ở gần sông Giođan.

Trước hết, Đức Giê-su không vội đến Galilê, bởi vì khi những người Samari xin Đức Giê-su ở lại với họ, thì Người đã ở lại thành Sychar hai ngày (4,40). Chi tiết thứ hai trong bối cảnh văn chương cho thấy Đức Giê-su đang ở gần nơi Gio-an Tẩy Giả làm phép rửa. Thực vậy, người thuật chuyện cho biết ở 3,22-23: “22 Sau những điều đó, Đức Giê-su và các môn đệ của Người đi vào miền đất Giu-đê, Người ở lại nơi ấy với các ông và làm phép rửa. 23 Còn Gio-an cũng đang làm phép rửa ở Ê-nôn, gần Sa-lim, vì ở đó có nhiều nước, và người ta tuôn đến chịu phép rửa.” Việc các môn đệ Đức Giê-su làm phép rửa được thuật lại đầu chương 4: “1 Vậy khi Đức Giê-su biết những người Pha-ri-sêu nghe rằng: Đức Giê-su thâu nạp nhiều môn đệ và làm phép rửa nhiều hơn Gio-an 2 – thực ra, chính Đức Giê-su không làm phép rửa, nhưng là các môn đệ của Người –, 3 Người rời bỏ Giu-đê và lại đi đến Ga-li-lê” (4,1-3). Như thế, theo mạch văn Đức Giê-su đang ở Giuđê và gần sông Giođan. Từ thung lũng sông Giođan, con đường ngắn nhất để đi Galilê là dọc theo sông Giođan đi về phía Bắc ngang qua Bethshan. Trong trường hợp này, đi Galilê qua ngã Samari là đi đường vòng và xa hơn con đường đi theo hướng Bethshan để đến Galilê (xem các địa danh trên đây nơi các bản đồ trong bài viết “Nơi chốn trong Ga 4,1-43”). Phần quan sát cách dùng động từ Hy Lạp “dei” (phải) trong phần tiếp theo có thể giúp độc giả hiểu tại sao Đức Giê-su phải đi qua Samari (4,4).

III. Cách dùng động từ “dei” (phải) trong Tin Mừng Gio-an

Trong Tin Mừng thứ tư, người thuật chuyện dùng 10 lần động từ Hy Lạp “dei” (phải) ở các nơi: 3,7.14.30; 4,4.20.24; 9,4; 10,16; 12,34; 20,9. Ý nghĩa của động từ này có thể xếp thành ba nhóm. (1) Động từ “dei” (phải) mô tả sự cần thiết dành cho thính giả và độc giả (4 lần: 3,7.30; 4,20.24); (2) Động từ “dei” (phải) trình bày căn tính của Đức Giê-su (3 lần: 3,14; 12,34; 20,9); (3) Động từ “dei” (phải) diễn tả sự cần thiết liên quan đến sứ vụ của Đức Giê-su và của các môn đệ (3 lần: 4,4; 9,4; 10,16). Dưới đây là chi tiết cách dùng động từ “dei” trong ba nhóm trên.

1. Sự cần thiết dành cho thính giả và độc giả

Có hai cấp độ thính giả trong bản văn. Cấp độ thứ nhất là các nhân vật trong câu chuyện. Chẳng hạn, những người nghe Đức Giê-su trong trình thuật Ga 4,1-43 là người phụ nữ Samari, các môn đệ và dân thành Sychar. Cấp độ thính giả thứ hai là độc giả sách Tin Mừng qua mọi thời đại, bởi vì sách Tin Mừng nói với tất cả những ai đọc bản văn. Nghĩa là người thuật chuyện kể những câu chuyện trong sách Tin Mừng cho độc giả, và muốn nói với độc giả điều gì đó qua câu chuyện.

Ở cấp độ thứ nhất (nhân vật trong câu chuyện), Đức Giê-su nói với Nicôđêmô: “Ông đừng ngạc nhiên vì Tôi đã nói với ông: ‘Các ông cần phải (dei) được sinh ra một lần nữa’” (3,7). “Được sinh ra một lần nữa”, hay “được sinh ra bởi trên” là điều cần thiết phải xảy ra để có thể “thấy” hay “vào” vương quốc Thiên Chúa (3,3.5). Ở Ga 4,20, người phụ nữ Samari nói với Đức Giê-su: “Cha ông chúng tôi đã thờ phượng ở núi này; còn các ông, các ông nói rằng: ở Giê-ru-sa-lem mới là nơi phải (dei) thờ phượng” (4,20). Đức Giê-su trả lời chị ấy: “Thiên Chúa Thần Khí, và những kẻ thờ phượng Người phải (dei) thờ phượng trong thần khí và sự thật” (4,24). Động từ “dei” (phải) ở 4,20.24 diễn tả sự cần thiết tâm linh và thần học trong cách thức thờ phượng Chúa Cha. Đối với Gioan Tẩy Giả, nguyên tắc sống của ông ấy là “Đấng ấy [Đức Giê-su] phải lớn lên, còn thầy phải suy giảm” (3,30).

Ở cấp độ thứ hai (tác giả – độc giả), những lời mặc khải của Đức Giê-su trong trình thuật cũng là những lời người thuật chuyện nhắn gửi đến người đọc. Bản văn Tin Mừng mời gọi người môn đệ qua mọi thời đại, đón nhận và sống giáo huấn của Đức Giê-su trong Tin Mừng, bằng cách dùng động từ “dei” (phải). Trình thuật đối thoại giữa Đức Giê-su và Nicôđêmô mời gọi độc giả “sinh ra bởi trên”, “sinh ra một lần nữa” (3,3.7), “sinh ra bởi nước và Thần Khí” (3,5). Tương tự như thế, trình thuật Đức Giê-su gặp gỡ người phụ nữ Samari đề nghị với độc giả một cách thức thờ phượng Thiên Chúa mới mẻ, đó là “Thờ phượng Cha trong thần khí và sự thật” (4,23). Cũng giống như Gio-an Tẩy Giả, người thuật chuyện mời gọi độc giả lựa chọn cho mình nguyên tắc sống: “Đấng ấy [Đức Giê-su] phải lớn lên, còn tôi phải suy giảm” (3,30). Tóm lại, có 4 lần trong Tin Mừng Gio-an (3,7.30; 4,20.24) động từ “dei” (phải) trình bày những điều cần thiết cho thính giả thời Đức Giê-su và đó cũng là những điều cần thiết cho độc giả qua mọi thời đại.

2. Động từ “dei” (phải) mô tả căn tính của Đức Giê-su

Nhóm thứ hai trong cách dùng động từ “dei” (phải) trình bày căn tính identity) của Đức Giê-su. Đức Giê-su nói với Nicôđêmô ở 3,14-15: “14 Như Mô-sê đã giương cao con rắn trong hoang mạc, Con Người phải (dei) được giương cao như vậy, 15 để mọi kẻ tin thì có sự sống đời đời trong Người.” Đức Giê-su đồng hoá mình với “Con Người” (the Son of Man) và Người sẽ kết thúc cuộc đời giống như con rắn trong hoang mạc, được nói đến trong sách Dân Số (Ds 21,4-9). Như con rắn được gương cao trong hoang mạc để những ai bị rắn cắn, nhìn lên đó thì được sống, Đức Giê-su cũng sẽ được giương cao trên thập giá, qua đó Người ban sự sống đời đời cho người tin. Đây là điều nghịch lý và là mầu nhiệm cao cả. Thực vậy, tại sao phải chết để ban sự sống đời đời? Tại sao người chết lại có thể ban sự sống? Ở 12,34, đám đông đã không biết Đức Giê-su là ai, vì thế họ đã hỏi Người: “Chúng tôi đã nghe trong sách Luật rằng: ‘Đấng Ki-tô ở lại mãi mãi’, thế sao Ông lại nói: ‘Con Người phải (dei) được giương cao?’ Con Người đó là ai?” Hai lần động từ “dei” (phải) trên đây trình bày sự nghịch lý và mầu nhiệm về căn tính của Đức Giê-su: Người phải được giương cao trên thập giá để nhân loại được sống.

Trong Tin Mừng Gio-an, động từ “dei” (phải) còn mô tả sự sống lại của Đức Giê-su. Trước khi thấy Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, người thuật chuyện nói về sự không biết của các môn đệ như sau: “Thực ra, các ông chưa hiểu theo Kinh Thánh là Người phải (dei) trỗi dậy từ giữa những kẻ chết” (20,9). Trong câu này, động từ “dei” (phải) khẳng định thần tính của Đức Giê-su. Người sẽ chết và Người sẽ sống lại từ cõi chết. Với biến cố nền tảng: Thương Khó – Phục Sinh của Đức Giê-su, Tôma đã tuyên xưng lòng tin đích thực vào Đức Giê-su Phục Sinh: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (20,28). Đây là những danh xưng của Thiên Chúa được áp dụng cho Đức Giê-su, và đây cũng là lời tuyên xưng đức tin của Hội Thánh.

3. Sự cần thiết liên quan đến sứ vụ

Cách dùng thứ ba của động từ “dei” (phải) liên hệ đến sứ vụ của Đức Giê-su và sứ vụ của các môn đệ. Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 9,4: “Chúng ta phải (dei) làm công việc của Đấng đã sai Thầy khi còn là ngày; đêm đến thì không ai có thể làm việc được.” Đức Giê-su và các môn đệ cần phải “làm công việc của Thiên Chúa” là Đấng đã sai Đức Giê-su đến thế gian. Trong chương tiếp theo, ch. 10, Đức Giê-su tuyên bố trong dụ ngôn người mục tử tốt như sau: “Tôi còn có những chiên khác, chúng không thuộc ràn này. Tôi cũng phải dẫn dắt chúng và chúng sẽ nghe tiếng Tôi. Và sẽ làm thành một đàn chiên, một mục tử” (10,16).

Ở 4,1-43, toàn bộ câu chuyện nói về sứ vụ của Đức Giê-su ở Samari. Đức Giê-su nói với các môn đệ về tương quan giữa “người gieo” và “kẻ gặt” qua hình ảnh mùa gặt ở 4,35-38: “35 Chẳng phải anh em nói rằng: ‘Còn bốn tháng nữa thì mùa gặt sẽ đến hay sao?’ Này, Thầy nói cho anh em: Hãy ngước mắt anh em lên và nhìn xem những cánh đồng, chúng chín vàng cho mùa gặt. Rồi kìa, 36 người gặt lãnh nhận tiền công và thu hoa lợi cho sự sống đời đời, để người gieo lẫn kẻ gặt đều vui mừng. 37 Về điều ấy, lời này là đúng: ‘Kẻ này là người gieo, kẻ khác là người gặt.’ 38 Chính Thầy sai anh em đi gặt điều chính anh em đã không vất vả làm ra. Người khác đã vất vả, còn anh em, anh em được hưởng sự vất vả của họ.” Thực vậy, “những cánh đồng đã chín vàng cho mùa gặt” bởi vì cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su với những người Samari đã nẩy sinh lòng tin. Những người Samari đã sẵn sàng tin vào Đức Giê-su nhờ lời mặc khải của Người.

Người thuật chuyện kể về kết quả cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và người phụ nữ Samari ở cuối trình thuật: “Trong thành đó [Xy-kha], nhiều người Sa-ma-ri đã tin vào Người, nhờ lời người phụ nữ làm chứng rằng: ‘Ông ấy nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm’” (4,39). Người phụ nữ Samari được nói đến ở 4,39 như người đi truyền giáo. Ý tưởng tin vào Đức Giê-su nhờ lời hay nhờ lời chứng của người khác, nối kết với lời can thiệp của Đức Giê-su với Cha của Người ở 17,20. Trong câu này, Đức Giê-su ngỏ lời với Cha của Người về sứ vụ của các môn đệ: “Con không chỉ can thiệp cho những người này, nhưng còn cho những người tin vào Con nhờ lời của họ” (17,20). Cụm từ “những người này” ở 17,20 là các môn đệ thuộc thế hệ thứ nhất, họ đang nghe Đức Đức Giê-su ngỏ lời với Cha trong Ga 17. Cụm từ “những người tin vào Con nhờ lời của họ” là tất cả các môn đệ, từ thế hệ thứ hai cho đến nay. Họ là những người tin vào Đức Giê-su nhờ lời rao giảng và lời chứng của các môn đệ khác. Nói cách khác, họ tin nhờ lời rao giảng và lời chứng của Hội Thánh.

Phần kết thúc trình thuật 4,1-43 lại đề cao và nhấn mạnh đề tài “tin” như là kết quả của sứ vụ. Người thuật chuyện kể ở 4,40-41: “40 Vậy khi những người Sa-ma-ri đến với Người, Họ xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. 41 và nhiều người hơn nữa đã tin, nhờ lời của Người.” Từ nhận định “NHIỀU NGƯỜI đã tin” ở 4,39 đến “NHIỀU NGƯỜI HƠN NỮA đã tin” ở 4,41, người thuật chuyện cho thấy sự thành công của sứ vụ mà Đức Giê-su đã thực hiện tại Samari. Trong viễn cảnh này, kiểu nói “Đức Giê-su phải băng qua Samari” diễn tả sự cần thiết liên quan đến việc thi hành sứ vụ của Người ở Samari.

IV. Kết luận

Những phân tích trên cho thấy cách dùng động từ “dei” (phải) trong Tin Mừng Gio-an trình bày sự cần thiết theo nghĩa thần học. Đối với mọi người, cách duy nhất để vào vương quốc Thiên Chúa là “phải được sinh ra một lần nữa” (3,7), sau đó người tin “phải thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật” (4,34). Đối với Đức Giê-su, Người “phải được giương cao” trên thập giá (3,14) và Người “phải trỗi dậy từ giữa những kẻ chết” (20,9). Đối với sứ vụ, Đức Giê-su và các môn đệ “phải làm công việc của Thiên Chúa” (9:4). Qua hình ảnh “người mục tử tốt” và “đàn chiên”, Đức Giê-su còn có những con chiên khác không thuộc ràn này, Người phải dẫn đắt chúng về để làm thành một đàn chiên một mục tử (10,16). Trong viễn cảnh thần học này, động từ “dei” (phải) trong câu: “Người [Đức Giê-su] phải băng qua Sa-ma-ri” (4,4) diễn tả sự cần thiết liên quan đến việc thi hành sứ vụ ở Samari. Từ thung lũng sông Giođan, Đức Giê-su đã chọn đi theo con đường dài hơn để đến Galilê, đó là băng qua Samari, thay vì đi con đường ngắn, theo hướng Bethshan để đến Galilê. Đức Giê-su phải làm như thế để thi hành sứ vụ của Người ở Samari.

Trên bình diện thần học, Đức Giê-su phải đi qua Samari (4,4) để mang những con chiên khác vào đàn chiên của Người (10,16a). Cách hiểu này phù hợp với nội dung trình thuật Ga 4,1-43. Thực vậy, việc Đức Giê-su gặp gỡ và mặc khải cho người phụ nữ Samari, cũng như việc Đức Giê-su ở lại với những người Samari là một phần sứ vụ của Người. Người phải làm công việc của Thiên Chúa (9,4). Cụ thể trong trình thuật 4,1-43, trước hết Đức Giê-su mặc khải về quà tặng “nước sự sống”. Người nói với người phụ nữ Samari: “Ai uống nước mà chính Tôi sẽ ban cho kẻ ấy, đời đời sẽ không khát” (4,14a). Kế đến, Đức Giê-su mặc khải về cách thờ phượng đích thực: “Thờ phượng Cha trong thần khí và sự thật” (4,23a). Nhờ những lời mặc khải và sự ở lại của Đức Giê-su với những người Samari, họ đã nhận biết Đức Giê-su là ai: “Người thật là Đấng cứu độ thế gian” (4,42). Kết quả sứ vụ của Đức Giê-su là hiển nhiên và được nhấn mạnh trong bản văn: Khởi đầu là “nhiều người” (4,39) rồi đến “nhiều người hơn nữa” (4,41) đã tin vào Đức Giê-su. Hoa trái của sứ vụ được so sánh với cánh đồng lúa chín vàng sẵn sáng cho mùa gặt (4,35). Như thế, phù hợp với bối cảnh chung của Tin Mừng Gio-an và bối cảnh riêng của đoạn văn 4,1-43, chúng ta có thể kết luận rằng, động từ “dei” (phải) ở Ga 4,4 diễn tả sự cần thiết theo nghĩa thần học. Vì sứ vụ, Đức Giê-su phải đi qua Samari, và một cách hàm ẩn, bản văn nói đến sự cần thiết thi hành sứ vụ của các môn đệ trong thế gian./.


Ngày 23 tháng 09 năm 2012

Giuse LÊ MINH THÔNG, O.P.

(leminhthongtinmunggioan.blogspot.com)

Exit mobile version