|
Trong khi người ta xem phá thai như một chiến thắng chinh phục, thì bà Gualdani lại âm thầm lặng lẽ cứu vớt các sự sống con người. Trong khi thế giới phấn khích trước viên thuốc ngừa thai thì bà Gualdani đã cảm nhận trước rằng vấn đề sinh sản sẽ là trọng tâm của làn sóng bất hạnh to lớn tràn ngập cuộc sống của nhiều người ở phương Tây. Trong khi các phụ nữ hân hoan vì những điều lừa dối mà họ tin đó là quyền lợi, thì bà Gualdani lại chăm sóc cho các vết thương được giữ kín, ôm lấy những người đã phá thai bằng cách giúp cho họ đặt một cái tên, một cái tên thật sự, trong sự đau khổ của họ.
“Nhà Bêlem”
Bà Gualdani đã thành lập “Nhà Bêlem” tại Arezzo, nước Ý, để đón nhận và chăm sóc các bé sơ sinh bị bỏ rơi vì người mẹ muốn phá thai. Sau nhiều thập kỷ hoạt động âm thầm, tổ chức “Nhà Belem” đã được Đức Hồng y Bassetti phát hiện và vào năm 2005, ngài muốn quảng bá nó như một hiệp hội công của các tín hữu.
Trước đó, khi đi du lịch vòng quanh thế giới, bà Flora Gualdani rất buồn khi gặp những người phụ nữ đi ra nước ngoài để phá thai. Bà cảm thấy rằng phải nhanh chóng làm điều gì đó cho cuộc sống và bà đã cố gắng nói về việc bảo vệ sự sống. Nhưng thời điểm đó chưa phải là thời gian tốt để người ta đón nhận ý tưởng của bà nên bà bắt đầu cuộc hành trình bảo vệ sự sống một mình.
Năm 1964, ở Palestine, bên trong một hang động ở Bêlem, bà Gualdani bị choáng ngợp bởi trực giác về tương lai của vấn đề về sinh sản. Trong khoa sản, bà gặp một bà mẹ đang trong tình trạng hiểm nguy: đó là một bệnh nhân ung thư nhưng không có ý định phá thai, ngay cả trước hội đồng bác sĩ. Bà đã đứng cạnh người mẹ này và một bé gái được sinh ra, bà đã chăm sóc cháu bé cho đến khi người mẹ từ từ hồi phục.
Đứa trẻ đó trở thành đứa trẻ đầu tiên trong một chuỗi dài các cháu bé được bà Gualdani đón nhận. Sau đó các bà mẹ trẻ thuộc mọi sắc tộc bắt đầu gõ cửa ngôi nhà của bà. Ngôi nhà trở nên chật hẹp, thế là bà đã xin cha bà chia gia tài và bà đã xây dựng, với sự hy sinh, những ngôi nhà được bao quanh bởi một công viên. Hàng trăm trẻ em được cứu sống từ các vụ phá thai và đồng thời nhiều bà mẹ đã được tự do không phá thai. Không có phụ nữ nào trở lại nói với bà rằng họ đã hối tiếc khi đón nhận sự sống. Trong khi đó, bà tiếp tục công việc của mình để “làm mẹ không biên giới” ở giữa các cuộc chiến tranh và giữa những người nghèo trên trái đất.
Nhà Bêlem – trung tâm đào tạo và truyền bá văn hóa sinh học
Đức Giám mục Bangkok nài nỉ bà Gualdani mở một căn nhà ở đó, nhưng bà biết rằng nhiệm vụ của bà là ở phương Tây, nơi người ta đang tuyệt vọng. Nhìn thấy sự cần thiết về giáo dục, bà rời khỏi ngành y tế, dấn thân cho việc tông đồ lưu động. Bà đã theo học các trường đại học Công giáo nơi bà gặp các giáo viên, những người khổng lồ về khoa học và đức tin: trên tất cả là thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, với giáo huấn về tình yêu và cuộc sống con người. Bà Gualdani trình bày lại các bài học trong giáo phận và khắp nước Ý. Nhà Bêlem trở thành một trung tâm đào tạo truyền bá văn hóa sinh học, thần học về thân thể và quy luật tự nhiên về sinh sản.
Quy tắc “Cầu nguyện, học hành và làm việc”
Ưu tiên của bà Gualdani là chuẩn bị các giáo dân biết làm thế nào để trở thành “tông đồ thông minh”, phù hợp với thời hiện đại. Quy tắc là “Cầu nguyện, học hành và làm việc”. Giáo lý của bà đánh thức lương tâm khi quyến rũ cả người trẻ và người già. Chúng bắt đầu từ niềm tin rằng con người có thể được giáo dục vì được cứu chuộc nhờ Đức Kitô, và rằng tất cả chúng ta có trong trái tim của chúng ta, “nỗi nhớ của cái tốt và cái đẹp.” Chúng truyền đạt sự hài hòa giữa sự khắt khe về khoa học và chiều sâu của tâm linh. Một đặc tính khác trong phong cách của bà Gualdani là sự nghèo khó thanh bần, một sự lựa chọn điên rồ nhưng lại đảm bảo tự do vàtính xác thực.
Mọi thứ bắt đầu từ cầu nguyện
Điều đặc biệt nơi bà Gualdani là mọi thứ đối với bà bắt đầu từ chuồng trại trong vùng đất của bà, nơi bà đã biến thành một nhà nguyện. Mọi thứ bắt đầu từ đầu gối, từ lời cầu nguyện, từ mối quan hệ hàng ngày của bà với Chúa. Bà quỳ trên giường cũi của bà, ở Bêlem, nơi bà đã cảm thấy được Đấng là sự sống mời gọi đi vào cuộc phiêu lưu bảo vệ sự sống.
Hồng Thủy
(VaticanNews 20.11.2018)