Facebook và quyền tự do cá nhân

“Bật khóc” khi vô tình nhìn thấy hình ảnh của Chị Tổng Phụ Trách của một hội dòng kia cùng chị thư ký của Hội Dòng “chui” lên mạng nằm ngay dù khi chưa tàn … tiệc.

Thì ra là hôm ấy, kỷ niệm Kim Khánh linh mục của cha già mến yêu để rồi những người gần gũi với cha già trong đó có một số nữ tu và linh mục và cả giám mục nữa đến gia đình để chia vui. Có lẽ vì vui quá và không để ý nên hình ảnh “bay” lên mạng ngay tức khắc và trong đó cả vị Giám Mục hiền lành khả kính cũng “bay” theo dù Ngài là người luôn trầm lắng và chẳng phút chốc khoe khoang.

Lẽ ra, những tấm hình xem ra rất riêng tư đó họ chỉ giữ lại làm kỷ niệm cho riêng mình hay người thân quen nhưng đáng tiếc rằng hôm ấy từ Đức Cha, Chị Tổng và thư ký của chị và cả thư ký của Tòa Giám Mục của Đức Cha cũng … liên lụy. Chẳng biết nên buồn hay nên vui khi người ta đưa những tấm hình chung nhưng xem ra rất riêng lên mạng hay không ? Hay có được phép của những người bị đưa lên đó hay không ?

Cũng thế ! Lần kia, chương trình Thánh Ca của một giáo xứ nọ. Một linh mục trầm lắng hiện diện để hiệp thông. Ẩn thân trong một khán giả bình thường nhưng rồi có vài giáo dân nhận ra “anh ấy” là linh mục. Vài ngày sau đó, linh mục đó được người quen cho biết rằng “anh đã được đưa lên mạng”.

Không khó tìm vì khu vực ấy ngày hôm đó khuôn mặt đó cầm máy chỉa vào linh mục đó. Và rồi từ manh mối thân quen, linh mục đó đã tìm ra chính chủ của tấm hình và “thành thật cúi đầu xin lỗi Cô, xin Cô thương gỡ ngay những tấm hình đó. Xin Cô thương hiểu cho nguyên tắc của truyền thông nghĩa là không đưa hình cá nhân của ai đó lên mạng xã hội khi người đó chưa cho phép cũng như trong trạng thái chụp lén”.

Chẳng vui gì khi thấy những tấm hình chụp lén hay không xin phép để đưa lên mạng làm trò vui cho thiên hạ.

Tệ hại hơn nữa là không lén nhưng không có đạo đức truyền thông và cũng chả có đạo đức con người trong đó.

Một cha phó nọ cùng với đoàn của xứ mình đi thăm trại … tâm thần.

Chưa ra khỏi trại thì thật bất ngờ, hình ảnh của những con người không may mắn đó nằm ngay trước mắt dù rằng người xem ảnh ở nơi … xa lắm.

Người chụp, người đưa, người chia sẻ có hiểu và có bao giờ cảm rằng trong những bệnh nhân tâm thần đó gia đình họ cũng có xài facebook và họ thấy hình ảnh của con cháu họ, anh em họ được công khai đưa lên mạng một cách vô tư như thế thì họ nghĩ sao ?

Có lẽ mình thì mình không nghĩ gì nhưng đặt mình là họ thì chắc có lẽ nỗi đau sẵn có càng đau hơn.

Có lần, một cô bé vô tư đưa hình ảnh một chị bị tâm thần lên trang mạng và không ngần ngại ghi chú : “Người đẹp xóm em”.

Cũng có lần, đi uống cà phê, thấy 1 anh chàng dị tật đi bán và vui vẻ cho ngay lên mạng.

Sau nhiều giờ trao đổi, năn nỉ thì hình ảnh đó được gỡ xuống. Tôi phải nhấn mạnh rằng “nếu gia đình anh có ai nào đó bị dị tật như vậy anh có đồng ý cho lên hay không ?” thì khi ấy mới yên chuyện.

Thật ra, hình chơi với bệnh nhân sida hay những người tâm thần đó bản thân tôi không hề thiếu. Nhưng, chỉ giữ làm kỷ niệm và thêm lời cầu nguyện chứ không bao giờ được đưa họ lên mạng.

Những người nghèo khó, đau khổ, khuyết tật … mình cho họ được gì mà mình lại dùng hình ảnh của họ như là để đánh bóng tên tuổi của mình. Hóa ra họ chỉ là cái bàn đạp cho danh vọng và quyền lợi của mình khi mình cho họ chút gì đó chăng ? Còn lại, nỗi đau và nỗi tủi nhục cả kiếp người không may mắn của họ ai sẽ lo đây ?

Phương tiện di chuyển của tôi là những chuyến xe đò ngang dọc. Trên những chuyến xe đó tôi vẫn ghi lại hình ảnh của những người buôn gánh bán bưng, của những trẻ nghèo trên tay cầm tờ vé số xin người khác mua dùm “vận may” nhưng cũng chỉ là để kỷ niệm chứ không hề dám tung lên. Bởi đơn giản, đâu đó cha mẹ hay gia đình của con mình được người ta đưa lên mạng thì đau lòng biết mấy ! Chẳng ai muốn rơi vào cuộc đời lam lũ như vậy để rồi người khác lại mua vui.

Dĩ nhiên, nhiều người sẽ phản ứng kịch liệt bài viết này rằng : “Tôi có quyền tự do của tôi”, “xía vào chuyện của tôi làm chi ?” …

Và cũng hết sức dĩ nhiên, ai ai cũng biết mỗi người đều có quyền tự do của mình nhưng chuyện hết sức quan trọng là mình sử dụng quyền tự do của mình như thế nào ? Quyền mà mình dùng đó thật sự có đúng luật và đúng quyền hay không ? Hay không khéo quyền mà mình tự cho là tự do đó lại là vi phạm nghiêm trọng quyền tự do và riêng tư của người khác.

Thật đau lòng mà nói, có những người tạm gọi là hiểu biết hơn người, sống hơn người nhưng khi đụng và facebook hay tự do cá nhân thì y như rằng nó tự nhiên gây phản cảm nhất là cho những người ngoài Công Giáo.

Thật thế, như đã nói, ai ai cũng có quyền tự do cá nhân cũng như quyền trên chiếc facebook mà mình sử dụng. Thế nhưng, cũng hết sức cân nhắc và cẩn trọng khi cho lên đó điều gì đó đụng chạm đến quyền riêng tư hay nỗi đau của người khác. Hãy trân trọng và quý mến nhau để người trân trọng cũng như quý mến bản thân mình.

Người Giồng Trôm

Exit mobile version