Đường Yêu Thương

Chúa Kitô vác thập giá là để nhân loại chúng ta được hạnh phúc, vậy cớ sao Người lại khẳng định rằng ai muốn theo Người thì phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo? (Mc 8,34). Vác thập giá nghĩa là chấp nhận hy sinh, bỏ mình, chấp nhận cả những bất công, nhục hình.

Để tìm lời giải đáp cho vấn nạn nêu trên, không gì hơn là tập chú vào cuộc đời và những lời giảng dạy của Chúa Giêsu Kitô, cho dù biết rằng trong kiếp lữ hành này chúng ta không thể nào đến với sự thật toàn vẹn, vì mấy ai dám chắc chắn là mình đã mở hết lòng để đón nhận Thần Chân Lý. Trước hết, cần khẳng định rằng khi mời gọi chúng ta, mời gọi dân chúng hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo, Chúa Giêsu không hề và không bao giờ muốn chúng ta cúi mình cam chịu cảnh khổ, chịu cảnh bất công cách tiêu cực. Việc tìm sự sung sướng hay hạnh phúc trong chính sự đau khổ là điều lệch lạc mà ngày nay người ta gọi đó là một dạng tâm bệnh. Một điều chắc chắn không kém: nếu là người cha thực sự thì không bao giờ muốn con cái phải khổ đau. Chúa Giêsu đã từng nói rằng dù chỉ là người cha trần thế với nhiều khiếm khuyết, thế mà sự thường khi con cái xin bánh thì chẳng ai lại ném cho chúng hòn đá. Thiên Chúa là người Cha trên mọi người cha, là Đấng trọn hảo nên Người chỉ muốn và làm điều tốt lành cho con cái (x.Lc 11,9-13; 12,32). Vậy lý giải thế nào về sự hiện hữu của thập giá mà Chúa Giêsu đã gánh trên vai và Người đã minh nhiên mời gọi chúng ta vác lấy để đi theo Người?

duc%20tin%20cong%20giao - Đường Yêu Thương

Đường yêu thương, con đường làm người chính là chìa khóa giải đáp cho vấn nạn này. “Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4,8). Đây không phải là một tình yêu quy ngã nhưng là tình yêu hướng tha từ trong bản thể của cộng đoàn Thiên Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa đã thông chia tình yêu này cho các loài thụ tạo, đặc biệt cho loài người. Rất nhiều triết gia đã đồng thuận về một ý nghĩa của sự hiện hữu là “hiện hữu cho” nơi các loài. Chẳng hạn đất đai khoáng sản có ra là cho thảo mộc cỏ cây; cỏ cây thảo mộc có ra là cho động vật… Yêu thương đích thực thì không sống cho chính mình mà sống cho ai đó và vì ai đó. Chính khi hướng đến tha thể là lúc ta mới thực sự là mình. Chúa Cha thực sự là mình trong tương quan với Chúa Con, trao ban tất cả cho Chúa Con. Ngược lại, Chúa Con thực sự là mình khi luôn hướng về Chúa Cha, tìm kiếm và thực hiện ý Chúa Cha, trao ban lại tất cả cho Chúa Cha. Và Chúa Thánh Thần chỉ thực sự là Tình Yêu Ngôi Vị giữa Chúa Cha và Chúa Con khi luôn tìm vinh danh hai Ngôi cực trọng ấy.

Sống trong tương quan liên vị và ra khỏi chính mình là động thái từ bỏ mà Chúa Giêsu đã nhấn mạnh khi khẳng định: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8,35). Như thế thập giá hay những hy sinh, từ bỏ không phải là sự khổ đau mà chúng ta đành phải trả giá theo nghĩa tiêu cực, nhưng chính là dữ kiện và có thể nói là điều kiện mà chúng ta phải vượt qua trong tiến trình sống yêu thương, tiến trình thể hiện bản thân mình, vốn là hình ảnh và là họa ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu.

“Đức tin không có hành động, thì quả là đức tin chết” (Gc 2, 17). Một trong những hành động để làm sống đức tin theo thánh Giacôbê tông đồ chỉ dạy, đó là yêu thương tha nhân cách cụ thể và toàn diện, cả linh hồn lẫn thể xác. Để sống yêu thương thì chuyện vác thập giá là chuyện đương nhiên phải có. Tuy nhiên, cần ý thức rằng chúng ta vác thập giá là vì tha nhân, nghĩa là để cho tha nhân được hạnh phúc, cho người nghèo khỏi cảnh khổ, cho người bị áp bức được tự do, cho người tội lỗi biết sám hối ăn năn, cho người gian ác biết quay gót trở về… Hiểu được điều này thì hy vọng chúng ta sẽ biết cách thế vác thập giá như thế nào để thực sự là theo Chúa Giêsu Kitô, chứ không phải là làm cớ cho sự dữ thống trị, làm cớ cho kẻ gian ác thích chí, cười khì.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Exit mobile version