Bẵng đến ngày 50, một người biết tôi ở cùng địa danh nhà quê với người mà người đó nhặt được bóp nên rất đỗi vui mừng. Người đó đã đăng tin nhiều lần nhưng vẫn không thấy “khổ nhân” nên buồn lắm.
Khi nhận dạng hình trong giấy tờ mà người bị mất bóp gần nhà nên tôi xin hẹn một ngày nào đó về nơi phồn hoa đô thị để nhận lại của đã mất.
Khi “khổ nhân” mở ra thì được một cái là giấy tờ còn nguyên trong bao nilon bịt kín. Mở ra thì trong đó có một số tiền không hề nhỏ với người nghèo bị … móc bóp.
Thì ra là lợi dụng đám đông đi hành hương, kẻ xấu đã tranh thủ tìm mọi cách để móc được chiếc ví. Bên ngoài có hơn 1 triệu đồng tiêu dùng đi đường còn bên trong là xấp giấy tờ tùy thân của “khổ chủ”. Kẻ xấu vội lấy tiền và vất lại chiếc ví ở bồn hoa trong khuôn viên hành hương Tắc Sậy và rồi người kia nhận được.
Về đến nhà, người nhặt mở ra để xem thì thấy bên trong còn giấy tờ và số tiền không hề nhỏ nên tìm mọi cách để trao lại. Nhờ lời chuyển cầu của Cha Bửu Diệp để rồi hôm nay, chiếc ví tội nghiệp kia đã về đến tay người mất.
Chuyện xảy ra như thế để ta thấy rằng đường đời lắm nẻo chua cay. Có những kẻ ăn không ngồi rồi và ngồi nghiên cứu để đi … móc túi. Có người vô tình nhặt được bóp rơi, dẫu biết trong đó có một số tiền không nhỏ để rồi tìm đủ mọi cách để trao trả cho người bị mất.
Vẫn là thái độ sống của con người. Có thể người tham họ sẽ lấy luôn số tiền còn lại trong bóp và thiêu hủy giấy tờ. Thế nhưng, với người ngay thì họ giữ cái bóp đó trong lòng thấp thỏm. Chỉ khi trả lại với người mất thì họ mới an lòng.
Quay xe đi sau khi nhận bóp, người nhặt bóp dặn kẻ trung gian rằng : “Nói với cô ấy không cần phải cảm ơn con đâu nhé ! Chuyện này Chúa biết”.
Xã hội vẫn có người này kẻ kia, chỉ mong sao kẻ xấu ngày một ít đi và người tốt dẫy tràn để mọi người được hưởng niềm vui trọn vẹn trong cuộc sống.
Người Giồng Trôm