Hỏi: Xin cha vui lòng giải thích tại sao ca viên không nên hát Alleluia trước Tin Mừng tại giảng đài? – L. C., Fortaleza, Brazil
Đáp: Chủ đề giảng đài và Alleluia, vốn là một lời tung hô chúc tụng Thiên Chúa phát xuất từ từ tiếng Do Thái, được giải đáp trong nhiều tài liệu. Đáng chú ý nhất là Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (GIRM) và Phần dẫn nhập cho sách Bài đọc:
Trong Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (GIRM):
“309. Phẩm giá Lời Chúa đòi phải có một nơi thích hợp trong nhà thờ, để Lời Chúa được loan báo và giáo dân tự nhiên hướng về đó trong phần phụng vụ Lời Chúa.
Tại giảng đài sẽ đọc các bài đọc, thánh vịnh đáp ca và bài công bố Tin Mừng Phục Sinh. Cũng tại đó có thể giảng và đọc các lời nguyện cho mọi người, tức là lời nguyện giáo dân. Phẩm giá của giảng đài đòi chỉ có thừa tác viên lời đi lên đó.
62. Sau bài đọc đi liền trước bài Tin Mừng thì hát Alleluia, hay bài hát khác, theo luật chữ đỏ, như mùa phụng vụ đòi hỏi. Lời tung hô này được thực hiện ở tư thế đứng, vì cộng đoàn tín hữu chào đón Chúa sẽ nói với mình trong Tin Mừng và biểu lộ đức tin bằng bài ca. Mọi người đứng cùng hát, được ca đoàn hoặc một ca viên khởi xướng, hoặc lặp lại câu ca đoàn hay một ca viên đã hát.
a. Alleluia được hát trong các mùa ngoài Mùa Chay. Câu thì lấy ở sách Bài Ðọc, hay sách Graduale.
b. Trong Mùa Chay, thì thay vì Alleluia, hát câu trước Tin Mừng ghi trong sách Bài Ðọc. Cũng có thể hát một thánh vịnh khác cũng gọi là ca liên tục (tractus), như có trong sách hát Graduale.
63. Khi chỉ có một bài đọc trước Tin Mừng thì:
a. Trong mùa phải hát Alleluia, có thể hát hoặc bài thánh vịnh có chữ Alleluia, hoặc thánh vịnh và Alleluia với câu tung hô.
b. Trong mùa không phải đọc Alleluia, có thể hát thánh vịnh với câu trước Tin Mừng, hoặc chỉ thánh vịnh thôi;
c. Alleluia hay câu trước Tin Mừng, nếu không hát thì có thể bỏ.
64. Ca tiếp liên, ngoài lễ Phục Sinh và lễ Hiện Xuống thì được tùy ý, và được hát sau Alleluia”. (Bản dịch Việt ngữ của linh mục P.X. Nguyễn Chí Cần, giáo phận Nha Trang)
Và từ “Phần dẫn nhập cho sách Bài đọc”:
“56. Ca viên Thánh vịnh chịu trách nhiệm hát, theo cách hát xướng đáp hoặc cách trực tiếp, bài hát giữa các bài đọc – đó là Thánh vịnh hoặc một bài ca Kinh thánh khác, ca tiếp liên và Alleluia, hoặc bài ca khác. Tùy theo dịp đòi hỏi, ca viên thánh vịnh có thể xướng Alleluia và câu Kinh thánh”.
Từ các tài liệu này, chúng tôi có thể lấy các yếu tố sau đây để trả lời câu hỏi của độc giả.
Không có quy định nào nói không có thể hát Alleluia tại giảng đài. Đúng là việc này không bao gồm trong các tình huống nêu ra trong GIRM 309, nhưng cũng tốt là Alleluia có thể được hát tại một nơi khác, trong khi các bài đọc phải được công bố tại giảng đài.
“Phần dẫn nhập cho sách bài đọc” ngụ ý khả năng này, bằng cách dự báo rằng ca viên Thánh Vịnh có thể xướng Alleluia và câu Kinh thánh. Trong Thánh Lễ với một bài đọc, sẽ là vô lý khi ca viên Thánh Vịnh rời khỏi giảng đài để xướng Alleluia.
Cũng cần nhớ rằng câu hát Alleluia được bao gồm trong sách bài đọc, và các sách phụng vụ không đoán chừng rằng mọi người đều có sách lễ trong tay hoặc một bản sao các bài đọc ngày ấy. Một lần nữa, luận lý phụng vụ cho thấy rằng Alleluia có thể được hát tại giảng đài.
Vì vậy, chúng tôi có thể nói rằng phụng vụ, chứ không phải là sự cấm sử dụng giảng đài, tiên liệu nhiều vị trí khác và cách thức khác để hát Alleluia, như đã thấy trong số 62 trên đây. Ca viên Thánh Vịnh hay một ca viên khác có thể xướng Alleluia và câu Kinh thánh từ giảng đài, hoặc tại một vị trí thích hợp.
Cuối cùng, mặc dù việc hát Alleluia được xem như có liên quan đến toàn cộng đoàn, tôi xin có ý kiến rằng, vào những dịp đặc biệt, người ta có thể sử dụng một số bài Alleluia theo nhạc Bình ca (Gregorian) cho các ngày lễ trọng, mặc dù hầu hết các bài này đòi hỏi ca đoàn phải tập hát kỹ càng trước khi thể hiện đúng và hay, trong nhà thờ.