Được đặt tượng thánh bổn mạng giáo xứ lên tường phía trên nhà tạm không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.


Hỏi: Được đặt tượng thánh bổn mạng giáo xứ lên tường phía trên nhà tạm không? – P. S., Montreal, Canada.

Đáp: Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải thừa nhận rằng các văn kiện của Hội Thánh, ít nhất là ở cấp độ tổng quát, thường đưa ra các nguyên tắc, nhưng không phải các quy chế chi tiết, liên quan đến các vấn đề như vậy.

Do đó, Công đồng đầu tiên giải quyết cách minh nhiên chủ đề này, là Công đồng Nicaea II, vào năm 787, đã bảo vệ việc sử dụng theo truyền thống các ảnh tượng trong các nhà thờ, vì một số người đã công kích việc này trong khi thiết lập nền tảng cho việc họ sử dụng ảnh tượng trong tương lai. Các Nghị phụ của Công đồng Nicaea xem thấy nền tảng cho việc sử dụng các ảnh tượng trong mầu nhiệm nhập thể của Chúa Kitô, “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Côlôxê 1:15): “Sự nhập thể của Con Thiên Chúa đã khởi xướng một ‘nhiệm cục’ mới của ảnh tượng”:

“Chúng tôi ra lệnh với sự nghiêm khắc và chính xác rằng, giống như các ảnh tượng của Thánh giá quý giá và sống động của việc cứu chuộc chúng ta, các ảnh tượng thánh được sử dụng để tôn kính, phải được miêu tả trong tranh khảm hoặc bất kỳ vật liệu nào phù hợp, và được trưng trong các nhà thờ của Thiên Chúa, trên các trang trí, lễ phục, trên tường nhà thờ, cũng như trong nhà của các tín hữu và trên các đường phố, phải là ảnh tượng của Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu Chuộc chúng ta, hay của Đức Maria Vô Nhiễm, Thân mẫu của Chúa, hay của các thiên thần, các thánh và người công chính.

“Các ảnh tượng càng được nhìn thấy trong nghệ thuật trình bày, càng thu hút nhiều người đến để tưởng niệm và kính nhớ các vị đã phục vụ như là các khuôn mẫu, và dâng cho các ảnh tượng này sự tôn vinh bằng lời chào kính và sự tôn trọng phải lẽ. Chắc chắn, đây không phải là sự tôn thờ trọn vẹn (latria) theo đức tin của chúng ta, vốn chỉ dành cho Thiên Chúa, nhưng nó giống với sự kính trọng vốn dành cho Thánh giá được tôn vinh và ban sự sống, cũng như đối với các sách Tin Mừng và các vật dụng phượng tự khác. Hơn nữa, người ta được lôi kéo đến để tôn vinh các ảnh tượng này bằng việc dâng hương và thắp nến, như đã được thiết lập một cách khôn ngoan bởi phong tục cổ xưa. Thật vậy, sự tôn vinh được dành cho ảnh tượng đi xuyên qua nó, đến với mẫu gương, và những ai tôn kính ảnh tượng là tôn kính đấng được trình bày trong ảnh tượng ấy.

“Vì vậy, giáo huấn của các nghị phụ của chúng tôi được củng cố, đó là truyền thống của Hội Thánh Công Giáo vốn đã tiếp nhận Tin Mừng từ đầu này đến đầu kia của Trái đất. Do đó, chúng tôi thực sự đi theo Thánh Phaolô, Đấng đã nói trong Chúa Kitô, và toàn thể nhóm tông đồ của Chúa và sự thánh thiện của các nghị phụ, bám lấy nhanh vào truyền thống mà chúng tôi nhận được. Vì vậy, chúng tôi ca vang với các ngôn sứ các bài thánh thi chiến thắng của Hội thánh: ‘Hỡi thiếu nữ Sion, hãy vui sướng reo hò, hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy hân hoan và hãy nhảy mừng hết tâm hồn! Chúa đã rút lại lời kết án ngươi, và đã đẩy lui quân thù của ngươi. Vua Israel là Chúa ở giữa ngươi, ngươi không còn sợ khổ cực nữa’ (Xp 3: 14-15).

“Vì vậy, tất cả những ai dám nghĩ hoặc dạy một điều gì khác, hoặc đi theo các người dị giáo bị nguyền rủa trong việc khước từ các truyền thống của Hội Thánh, hoặc những ai sáng tạo điều mới hoặc những người làm bất cứ sự gì đã được ủy thác cho nhà thờ (cho dù đó là Tin Mừng, hay tượng Thánh giá hay bất kỳ mẫu gương nào của nghệ thuật trưng bày, hay bất kỳ di tích thánh nào của thánh tử đạo), hoặc những ai chế tác các định kiến lầm lạc và ác độc để chống lại sự yêu mến bất kỳ truyền thống hợp pháp nào của Hội Thánh Công Giáo, hoặc những ai thế tục hóa các đồ thánh và các tu viện thánh thiện, chúng tôi ra lệnh rằng họ phải bị huyền chức, nếu họ là giám mục hoặc giáo sĩ, và bị vạ tuyệt thông nếu họ là tu sĩ hay giáo dân”.

Công đồng Trentô, khi muốn trả lời cho đạo Tin Lành, đã nói như sau về các nguyên tắc chung:

“Thánh Công đồng truyền lệnh rằng các ảnh tượng của Đức Kitô, Mẹ Đồng trinh của Thiên Chúa, và các thánh khác phải được lưu giữ đặc biệt trong các nhà thờ, xứng với sự tôn vinh và tôn kính phải lẽ (debitum honorem et venerationem) được dành cho, không vì tính thần linh hoặc uy lực được nghĩ là có trong các ảnh tượng ấy, mà nhờ đó được sùng kính, hoặc vì bất cứ điều gì có thể được xin, hoặc vì bất cứ niềm tin nào có thể được đặt trong ảnh tượng, như đã được thực hiện bởi dân ngoại khi họ đặt tin tưởng vào các ngẫu tượng của họ [Tv 134: 15 tt], nhưng vì sự tôn vinh được dành cho ảnh tượng được quy chiếu đến các nguyên mẫu mà ảnh tượng đại diện, để qua việc hôn kính, khám phá, quỳ gối trước ảnh tượng, chúng ta thật sự thờ lạy Chúa Kitô và tôn vinh các thánh, mà ảnh tượtng mang hình dáng của các ngài (Denzinger, số 986)”.

Đi xa hơn, Đức Giáo Hoàng Piô XII, trong Thông điệp Mediator Dei (Đấng Trung gian của Thiên Chúa), giải thích ngắn gọn vấn đề ảnh tượng thánh như sau:

“189. Chúng tôi muốn khen ngợi và thúc giục việc trang trí các nhà thờ và bàn thờ. Mỗi người hãy để cho mình cảm thấy thúc bách bởi lời linh hứng, “vì nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” [Tv 68,10; Ga 2,17], và phấn đấu đưa lời này vào trong mọi sự của nhà thờ, bao gồm các lễ phục và đồ dùng phụng vụ, mặc dù chúng không sang trọng và không lộng lẫy, nhưng hoàn toàn sạch sẽ và xứng hợp, vì tất cả đều được dâng lên Thiên Chúa uy nghi. Nếu trước đây chúng tôi đã không chấp nhận lỗi của những người muốn loại trừ các ảnh tượng ra khỏi nhà thờ, theo lời cầu xin khôi phục lại một truyền thống cổ xưa, giờ đây chúng tôi cho rằng Nhiệm vụ của chúng tôi là phê bình sự nhiệt tình không khôn ngoan của những người đề nghị tôn kính trong các nhà thờ và trên bàn thờ, mà không có lý do chính đáng, vô số các ảnh tượng, cũng như những người trưng bày các thánh tích không được phép, những người nhấn mạnh các tập tục đặc biệt và không ý nghĩa, bỏ qua các tục cần thiết và thiết yếu. Do đó họ đưa tôn giáo ra chế giễu và làm giảm đi phẩm giá của sự thờ phượng”.

Gần đây hơn, Quy chế Tổng Quát của Sách Lễ Rôma (GIRM) đưa ra các nguyên tắc như sau:

“291. Ðể xây dựng, sửa chữa, sắp xếp cho đúng các thánh đường, mọi người có liên quan cần tham khảo ý kiến của Ủy Ban giáo phận về Phụng Vụ và Nghệ Thuật thánh. Giám Mục giáo phận dựa trên ý kiến và sự trợ giúp của Ủy Ban này khi đưa ra các quy tắc về thiết kế thánh đường, hoặc khi chấp thuận hoạ đồ thánh đường mới, hoặc khi phải giải quyết một vài vấn đề khá quan trọng […]

“318. Trong Phụng vụ trần gian, Hội Thánh tham dự, nếm trước Phụng vụ trên trời, được cử hành trong thánh đô Giê-ru-sa-lem, nơi Hội Thánh là lữ khách đang tiến về, ở đó Chúa Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa, và khi kính nhớ các Thánh, Hội Thánh hy vọng được thông phần và đoàn tụ với các ngài.

“Do đó, theo truyền thống rất cổ kính trong Hội Thánh, được phép đặt các ảnh tượng Chúa, Ðức Trinh Nữ Maria, và các Thánh trong các thánh đường để tín hữu tôn kính. Các ảnh tượng ấy phải được bố trí trong thánh đường sao cho các tín hữu được dẫn dắt đến các mầu nhiệm đức tin được cử hành ở đấy. Nhưng phải liệu sao cho các ảnh tượng đó đừng nhiều quá và được bố trí thế nào để tín hữu khỏi chia trí khi tham dự những lễ nghi. Mỗi vị thánh chỉ nên có cùng một ảnh tượng. Cách chung, trong việc trang trí và sắp xếp thánh đường, việc đặt các ảnh tượng phải lưu tâm đến lòng đạo đức của toàn thể cộng đoàn và vẻ đẹ? cùng giá trị của các ảnh tượng” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

Hướng dẫn năm 2002 về “Lòng Đạo đức Bình dân và Phụng vụ” cũng nhấn mạnh đến chủ đề ảnh tượng thánh:

“239. Sự tôn kính các ảnh tượng, dù là tranh vẽ, tượng, hình nổi hay các kiểu trưng bày khác, ngoài một hiện tượng phụng vụ, là một khía cạnh quan trọng của lòng đạo đức bình dân: các tín hữu cầu nguyện trước các ảnh tượng thánh, cả trong nhà thờ lẫn nhà của họ. Họ trang trí ảnh tượng với hoa, đèn và đồ trang sức; họ tôn kính ảnh tượng bằng nhiều cách khác nhau, như đi rước kiệu, treo các bảng tạ ơn gần đó để tỏ lòng biết ơn; họ đặt tượng trong đền thờ trên đồng ruộng và dọc đường đi.

“Sự tôn kính các ảnh tượng đòi hỏi sự hướng dẫn thần học, nếu nó cần tránh được các lạm dụng nào đó. Do vậy, các tín hữu cần phải trung thành với giáo huấn của Giáo hội về sự tôn kính các ảnh tượng, được nói rõ trong các Công đồng chung, và trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo.

“240. Theo giáo huấn của Hội thánh, các ảnh tượng thánh là:

“- các bản sao chép hình tượng của sứ điệp Tin Mừng, mà trong đó hình ảnh và lời mặc khải cùng được làm sáng tỏ; truyền thống Hội Thánh đòi hỏi rằng các ảnh tượng phải phù hợp với ‘chữ của sứ điệp Tin Mừng’;

“- các dấu chỉ thánh, cùng với mọi dấu chỉ phụng vụ, phải qui cuối cùng đến Chúa Kitô; hình ảnh các thánh “biểu thị Đức Kitô Đấng được tôn vinh trong họ’;

“- việc tưởng nhớ các anh em của chúng ta, các ngài là Thánh, và các ngài “tiếp tục tham gia vào sự cứu rỗi thế giới, và chúng ta hiệp nhất với các ngài, nhất là trong mọi cử hành bí tích”;

“- sự trợ giúp trong cầu nguyện: sự chiêm ngắm các ảnh tượng tạo điều kiện cho sự cầu khẩn, và nhắc nhở chúng ta tôn vinh Thiên Chúa về các điều kỳ diệu, được thực hiện bởi ân sủng của Ngài đang hoạt động nơi các Thánh;

“- một kích thích để bắt chước các ngài, bởi vì ‘mắt càng nhìn ngắm ảnh tượng, sự hồi tưởng về các đấng mà ảnh tượng mô tả càng phát triển mạnh mẽ nơi người chiêm ngắm’; các tín hữu có khuynh hướng ghi dấu trong lòng họ những gì mà họ đã chiêm ngắm bằng mắt: “một hình ảnh thực sự của con người mới” được biến đổi trong Chúa Kitô, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, và trung thành với ơn gọi riêng của con người ấy;

“- Và là một hình thức dạy giáo lý, bởi vì “qua lịch sử của các mầu nhiệm của sự cứu chuộc chúng ta, được bày tỏ trong các hình ảnh và các phương tiện truyền thông khác, các tín hữu được giáo dục và xác tín trong đức tin, vì họ được dành cho các phương tiện suy niệm liên tục về các tín điều của đức tin”.

“241. Người tín hữu cần phải hiểu bản chất tương đối của việc thờ tượng ảnh. Tượng ảnh không được tôn kính tự nó. Đúng hơn, những gì nó thể hiện mới được tôn kính. Do đó, ảnh tượng thánh “được tôn trọng và tôn kính cách phải lẽ, không phải vì tượng ảnh được người ta tìn là có chứa tính thần tính nào đó, hoặc có quyền lực biện minh cho sự sùng kính đó, cũng không phải vì một cái gì đó phải được yêu cầu từ ảnh tượng, cũng không phải bởi vì sự tin tưởng được giữ trong đó, như người ngoại giáo thường làm với ngẫu tượng của họ, nhưng bởi vì sự tôn vinh dành cho ảnh tượng là dành cho các nguyên mẫu, mà ảnh tượng đại diện.

“242. Dưới ánh sáng của những điều đã nói ở trên, các tín hữu nên cẩn thận đừng rơi vào sai lầm của việc nâng ảnh tượng lên cấp độ của những người hoàn hảo. Sự việc rằng một số ảnh tượng là đối tượng của lòng sùng mộ như vậy, đến nỗi các ảnh tượng ấy đã trở thành biểu hiện của văn hoá tôn giáo của các quốc gia, hoặc các thành phố, hoặc các nhóm đặc biệt, nên được giải thích dưới ánh sáng của ân sủng, vốn là nền tảng của sự tôn sùng được gán cho ảnh tượng, và của các hoàn cảnh lịch sử và xã hội của lịch sử xung quanh họ. Thật là tốt khi một dân tộc nên nhớ lại các sự kiện như vậy, để củng cố đức tin của mình, tôn vinh Thiên Chúa, bảo tồn bản sắc văn hóa của mình, và cầu nguyện không ngừng với niềm tin vào Chúa, Đấng mà theo lời Ngài (xem Mt 7, 7; Lc 11, 9, Mc 11,24) luôn sẵn sàng để nghe họ; nhờ vậy, làm tăng thêm lòng bác ái và cậy trông, và sự tăng trưởng của đời sống thiêng liêng của Kitô hữu.

“243. Theo bản chất riêng, ảnh tượng thuộc về lĩnh vực các dấu hiệu thiêng liêng và lĩnh vực nghệ thuật. Đây ‘thường là các tác phẩm nghệ thuật được truyền cảm tính tôn giáo bẩm sinh, và gần như phản ánh vẻ đẹp đến từ Thiên Chúa và dẫn đến Thiên Chúa’. Tuy nhiên, chức năng chính của ảnh tượng không phải là để chứng tỏ sự hoan hỉ thẩm mỹ, mà là để hướng đến Huyền nhiệm. Đôi khi, các khía cạnh nghệ thuật của một ảnh tượng có thể mang một tầm quan trọng không cân xứng, xem ảnh tượng như một chủ đề “nghệ thuật”, thay vì đưa ra một thông điệp tinh thần.

“Việc sản xuất các ảnh tượng ở phương Tây không bị chi phối bởi các quy tắc khắt khe, vốn đã được áp dụng từ nhiều thế kỷ, như trường hợp của Giáo hội Đông phương. Điều này không có nghĩa rằng Giáo Hội Latinh đã bỏ qua hoặc lơ là việc giám sát các ảnh tượng: các triển lãm ảnh tượng trái với đức tin, hoặc hình ảnh khiếm nhã, hoặc hình ảnh có khả năng dẫn các tín hữu đến lầm lạc, hoặc hình ảnh bắt nguồn từ một sự trừu tượng lìa khỏi xác, hoặc làm mất nhân tính hình ảnh, đã bị cấm trong nhiều dịp. Một số hình ảnh là thí dụ về chủ nghĩa nhân bản quy nhân luận, hơn là phản ánh về một linh đạo đặc biệt. Xu hướng loại bỏ các ảnh tượng khỏi các nơi thánh cần phải được lên án nghiêm túc, vì điều này gây nguy hại cho lòng đạo đức của Kitô hữu.

“Lòng đạo đức bình dân khuyến khích các ảnh tượng, vốn phản ánh đặc điểm của các nền văn hoá đặc thù; các biểu hiện thực tế mà trong đó các thánh được nhận dạng rõ ràng, hoặc chúng rõ ràng mô tả các mối liên hệ cụ thể trong đời sống con người: sinh, bệnh, cưới, làm, tử. Tuy nhiên, cần có các nỗ lực để đảm bảo rằng nghệ thuật tôn giáo bình dân không bị suy thoái thành thuật in tranh dầu (oleography): trong phụng vụ, có một mối tương quan giữa hình tượng và nghệ thuật, và nghệ thuật Kitô giáo của các thời đại văn hoá cụ thể.

“244. Hội Thánh chúc lành cho các ảnh tượng do ý nghĩa văn hoá của ảnh tượng. Điều này là đặc biệt đúng với ảnh tượng của các Thánh, vốn được nhằm cho sự tôn kính công khai, khi Hội Thánh cầu nguyện rằng, được hướng dẫn bởi một vị Thánh đặc biệt, ‘chúng ta có thể tiến đi theo dấu chân của Chúa Kitô, để cho con người hoàn hảo có thể được hình thành trong chúng ta theo thước đo đầy đủ của Chúa Kitô’. Hội Thánh đã công bố các quy định cho việc trưng bày các ảnh tượng trong nhà thờ và các nơi thánh, vốn phải được tuân giữ cẩn thận. Không ảnh tượng nào được trưng bày trên bàn thờ. Không thánh tích của các Thánh được trưng bày trên bàn thờ. Ðấng Bản quyền địa phương cần đảm bảo rằng các ảnh tượng không phù hợp hoặc các ảnh tượng dẫn đến lầm lạc hoặc mê tín dị đoan, không được trưng bày cho tín hữu tôn kính”.

Cuối cùng, mặc dù chỉ đề cập cho Hoa Kỳ, tài liệu hướng dẫn do Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ công bố “Dựng xây từ những viên đá sống động, Built of Living Stones” đưa ra một số gợi ý hữu ích về tượng ảnh thánh:

“Phản ánh nhận thức về sự hiệp thông của các Thánh, tập tục đưa biểu tượng của Chúa Ba Ngôi, ảnh tượng Đức Kitô, Mẹ Thiên Chúa, các thiên thần, và các thánh vào trong việc thiết kế một nhà thờ, sẽ tạo ra nguồn sùng mộ và cầu nguyện cho một cộng đoàn giáo xứ, và phải là một phần của thiết kế nhà thờ. Các ảnh tượng có thể được tìm thấy trong các cửa sổ kính màu, bích họa và bức tranh tường, và tượng và tượng thánh. Thường các ảnh tượng này miêu tả các cảnh trong Kinh thánh hoặc từ hạnh các thánh, và có thể là một nguồn giáo lý, huấn giáo cũng như lòng đạo đức. Bởi vì Bí Tích Thánh Thể kết hiệp Thân Thể Chúa Kitô, bao gồm cả những người không có mặt thực sự tại chỗ, việc sử dụng ảnh tượng trong nhà thờ nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta liên kết với tất cả những ai đã đi trước chúng ta, cũng như những người hiện đang ở chung quanh chúng ta.

“Trong việc lựa chọn ảnh tượng và nghệ thuật cho lòng sùng kính, các giáo xứ nên tôn trọng hình tượng truyền thống, khi nói đến cách thức các ảnh tượng được nhìn nhận và tôn kính bởi tín hữu. Tuy nhiên, họ cũng nên lưu ý rằng truyền thống không giới hạn ở các ảnh tượng theo nghĩa đen. Trong khi Đức Maria là Thân mẫu của Chúa Giêsu, Ngài cũng là một biểu tượng của Giáo Hội, một môn đệ của Chúa, một người phụ nữ được giải phóng và giải phóng. Ngài là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, thánh Bổn mạng của Hoa Kỳ, và Đức Bà Guadalupe, là thánh Bổn mạng của toàn Châu Mỹ. Các biểu tượng khác như thánh giá, tượng thánh, hoặc ảnh tượng của các thánh bổn mạng được miêu tả bằng nhiều cách khác nhau, cũng có thể đưa chúng ta vào các thực tại sâu sắc hơn của đức tin và đức cậy, khi ảnh tượng nối chúng ta với các câu chuyện đằng sau ảnh tượng”.

“Việc đặt các ảnh tượng có thể là một thách thức, đặc biệt khi một số truyền thống văn hóa là một phần của một cộng đồng giáo xứ, và mỗi truyền thống có cuộc sống đạo riêng và các sự thực hành riêng. Việc hạn chế về số lượng và sự nổi bật của các ảnh tượng là được khuyến khích, để giúp mọi người tập trung vào hành động phụng vụ được cử hành trong nhà thờ. Các hốc tường riêng cho các di tích và ảnh tượng có thể trưng bày nhiều kiểu ảnh tượng quanh năm. Một số giáo xứ dành một khu vực, như đền thờ cho một ảnh tượng được tôn kính vào một ngày nhất định hoặc cho một khoảng thời gian, chẳng hạn ảnh tượng của một vị thánh vào ngày lễ của Ngài.

“Điều quan trọng là các ảnh tượng trong nhà thờ mô tả các thánh mà sự sùng mộ đang hiện hữu trong giáo xứ. Thật đặc biệt mong muốn rằng một ảnh tượng lớn của vị bổn mạng nhà thờ được trưng bày một cách thích hợp, cũng như ảnh tượng Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, như là một sự sùng kính thích hợp cho vai trò duy nhất của Mẹ trong chương trình cứu độ. Khi thời gian trôi qua và kết quả thống kê thay đổi, các vị thánh từng là đối tượng của sự sùng kính bởi nhiều giáo hữu, có thể ở một thời điểm khác được tôn kính bởi chỉ một ít giáo hữu mà thôi. Khi điều này xảy ra, các ảnh tượng này có thể được cất đi, miễn là độ nhạy cảm được thể hiện đối với lòng đạo đức của các tín hữu và sự tác động vào nhà thờ”.

Sau khi đọc tất cả các điều trên, chúng ta có thể trả lời câu hỏi của độc giả: “Được đặt tượng thánh bổn mạng giáo xứ lên tường phía trên nhà tạm không?”

Ý kiến của tôi là rằng đây thường không phải là sự lựa chọn tốt nhất, với ngoại lệ có thể cho một nhà thờ cung hiến cho một thánh hiệu của Chúa, chẳng hạn như Thánh Tâm Chúa hay Chúa Kitô Phục Sinh.

Điều này không phải bởi vì có luật đặc biệt nào, nhưng bởi vì nhà thờ hiện hữu trước tiên cho việc cử hành Thánh lễ, và việc đặt các ảnh tượng trong nhà thờ giúp cho nhà thờ trở nên hình ảnh chân thật về chính Chúa Giêsu, hiện diện và hoạt động trong thế giới với Thân Thể của Ngài là Hội Thánh; muôn loài, “được qui tụ” trong Ðức Ki-tô, đều tham dự vào việc ca tụng Thiên Chúa và chu toàn Thánh Ý Người (xem sách Giáo lý số 1136-1139).

Việc đặt tượng thánh bổn mạng ở vị trí trung tâm phía trên nhà tạm không có vẻ gì củng cố khái niệm tòa nhà thờ cả.

Thứ hai, việc đặt tượng thánh phía trên nhà tạm hình như không là cách thức tốt nhất để đẩy mạnh lòng sùng mộ vị thánh, vì vị trí ấy nhất thiết sẽ tạo ra khoảng cách giữa tượng thánh và tín hữu.

Sau khi nói như thế, ở đây tôi đề cập đến tượng của một vị thánh mà thôi. Có thể quan niệm được rằng trong hậu cung nhà thờ có thể là một bức tranh bằng tranh vẽ hoặc tranh khảm, mà trên đó thánh bổn mạng có thể được vẽ nổi bật giữa các hình tượng khác và biểu tượng khác.

Tuy nhiên, tôi không biết tòa nhà như vậy, nên ý của tôi cũng chỉ là một ý kiến và, như đã đề cập ở trên trong Quy chế Tổng Quát Lễ Rôma (GIRM) số 291, tốt nhất là chúng ta cần tham khảo ý kiến với Ủy Ban giáo phận về Phụng Vụ và Nghệ Thuật thánh.

Nguyễn Trọng Đa 

Exit mobile version