Đừng xét đoán theo dáng vẻ bên ngoài

Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu răn dạy chúng ta “đừng xét đoán theo bề ngoài, nhưng hãy xét đoán cho công minh” (Ga 7,24). Nói cách khác, Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng xét đoán sự việc chỉ dựa vào cái nhìn bên ngoài hoặc từ những gì mắt thấy tai nghe, nhưng hãy xét đoán hoặc đưa ra quyết định dựa vào việc nhận thức rõ đâu là điều thực sự đúng đắn dựa trên những tiêu chuẩn đúng mực. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể làm được như thế khi chúng ta kết hợp mật thiết với Đấng xét xử công minh – Đức Chúa, vị thẩm phán công minh. Để kết hợp mật thiết với Ngài, chúng ta cần sự trợ giúp của Ngài và tìm kiếm cách nhìn của Ngài.

Tôi thường thất bại trong việc đưa ra những xét đoán công minh nếu tôi không kết hiệp với Chúa và chú tâm vào Lời của Ngài để biết được cách nhìn của Ngài đối với sự việc. Đôi khi, tôi đối diện với những thiếu sót của bản thân khi nghe ai đó thất bại hoặc thành công trong việc xét đoán. Nếu họ thất bại, tôi nhìn thấy điều đáng buồn ấy và quyết tâm làm tốt hơn. Nếu họ thành công, tôi nhìn thấy những gì mình còn phải làm và tôi cũng quyết tâm làm tốt hơn.

Có một câu chuyện làm tôi đánh giá lại cách thức xét đoán của mình. Tony Campolo đã kể lại kinh nghiệm của một người bạn của bà, và những gì xảy ra đã khiến bà nhìn mọi người khác đi.

Vào dịp Giáng Sinh, bạn tôi đến Nordstrom – khu thương xá nổi tiếng và cao cấp của Mỹ. Cô ấy không mua sắm ở đây, chỉ thích đi ngắm như hầu hết những phụ nữ khác thường làm.

Khi đang đứng ngắm một trong những cửa hàng bán đầm dạ hội đẹp nhất và đắt tiền nhất, cô để ý thấy một người phụ nữ nghèo bước ra khỏi thang máy. Quần áo của cô ấy dơ bẩn, đôi vớ dài tuột xuống mắt cá. Cô ấy đeo một chiếc túi thể thao. Rõ ràng đây là một người vô gia cư và cô ấy chắc chắn không thể mua bất cứ thứ gì ở đây. Hầu hết những chiếc đầm ở đây có giá hàng ngàn đôla, và người phụ nữ này không giống như người có số tiền lớn ấy.

Người bạn của Tony nghĩ rằng bảo vệ sẽ đến và dẫn người phụ nữ vô gia cư kia ra khỏi thương xá, nhưng thay vào đó, một nữ nhân viên bán hàng lịch thiệp bước đến và hỏi:

Thưa cô, tôi có thể giúp gì cho cô không?

Người phụ nữ vô gia cư nói: “Vâng, tôi muốn mua một chiếc đầm dạ hội”.

Chiếc đầm kiểu thế nào, thưa cô?” – người bán hàng hỏi một cách lễ phép và tôn trọng.

Một chiếc đầm dạ tiệc”.

Cô đã đến đúng nơi. Xin mời theo tôi. Tôi nghĩ chúng tôi có những chiếc đầm dạ hội đẹp nhất”.

Người bán hàng dành thời gian 10 phút ướm thử những chiếc áo đầm nào phù hợp với màu mắt của người phụ nữ và giúp xác định cái nào hợp nhất với màu da và được ưa chuộng. Sau khi chọn được 3 chiếc mà cả hai quyết định là sự lựa chọn tốt nhất, người bán hàng dẫn người phụ nữ đến phòng thử.

Người bạn của Tony quan sát hai người với vẻ ngạc nhiên, và cũng đi vào phòng thử kế bên, áp tai vào tường để nghe những gì đang diễn ra.

Sau khoảng 10 phút thử áo cùng với sự giúp đỡ của người bán hàng, người phụ nữ bất ngờ nói: “Tôi thay đổi ý định. Hôm nay, tôi không định mua áo”.

Không sao” – người bán hàng nói nhỏ nhẹ – “nhưng đây là danh thiếp của tôi. Nếu cô có dịp trở lại Nordstrom, tôi hy vọng cô sẽ tìm tôi. Tôi cảm thấy vinh hạnh được gặp lại cô”.


Campolo nêu ra một minh hoạ tuyệt vời – đây chính là cách Chúa Giêsu hành động nếu Ngài là người bán hàng ở Nordstrom. Tôi hoàn toàn đồng ý. Nhưng câu hỏi đặt ra cho bản thân chính là: Tôi sẽ hành động thế nào nếu tôi là nữ nhân viên bán hàng đó? Tôi làm tốt đến đâu trong việc không xét đoán dựa vào vẻ bề ngoài hoặc không đối xử thiên vị với ai đó do chỉ dựa vào dáng vẻ bên ngoài hoặc cách hành động của họ? Tôi dựa vào đâu để quyết định khi phải lựa chọn nói về Chúa với một người, hoặc ai cần đến lời cầu nguyện của tôi? Tôi có xét đoán dựa vào việc họ trông giàu có và đáng sợ không? Hoặc họ nghèo, không có những điều kiện vật chất tốt không? Hoặc họ trông quá lạnh lùng hay trung dung, hoặc quá hoài nghi hoặc ngờ vực không? Hoặc có thể họ trông có vẻ hạnh phúc và dường như họ không cần bất cứ điều gì.

Tôi không biết bạn thế nào, nhưng tôi thường dễ xét đoán dựa vào những dáng vẻ bên ngoài. Tôi vô cùng khâm phục nữ nhân viên bán hàng ấy, người có được điều quan trong nhất trong các tiêu chuẩn về sự chuyên nghiệp: thực hiện công việc theo cách tốt nhất, không để cho vẻ bề ngoài của khách hàng ảnh hưởng đến thái độ làm việc của cô.

Nó làm tôi suy nghĩ: Nếu những người trong lĩnh vực nghề nghiệp thể hiện được sự chuyên nghiệp và tử tế như thế đối với người khác, thì tại sao chúng ta, những người Kitô hữu, lại không thể hiện theo cách ấy trong sứ vụ làm chứng tá đức tin và mang Chúa Giêsu đến với mọi người? Chúa Giêsu yêu thương mỗi một người trong chúng ta, ngay cả khi chúng ta tồi tệ nhất và có thái độ “đáng ghét” nhất. Ngài đến và nói lời yêu thương với mọi tâm hồn. Chúng ta không thể đặt giới hạn cho Chúa và cho rằng mình biết rõ cuộc sống của người khác khi quyết định có giao tiếp với họ hay nói với họ về tình yêu của Ngài hay không. Ai đó đã từng nói: “Sự trưởng thành về mặt tâm linh không được đánh giá bởi việc chúng ta biết nhiều đến đâu mà bởi những người chúng ta yêu thương”.

Người phụ nữ vô gia cư xứng đáng nhận được sự tôn trọng như bất cứ ai khác. Cô ấy được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa như bao người khác. Khi ai đó không hành động hoặc không trông giống như cách chúng ta nghĩ họ nên như thế, thì không có nghĩa là họ không có giá trị và không quan trọng trong mắt Thiên Chúa. Hãy suy xét về việc tự cho mình là công chính, giận dữ, ghen ghét của những người Pharisêu.

Tôi còn bị ấn tượng bởi việc nữ nhân viên bán hàng hoàn thành nhiệm vụ của mình bằng thái độ nhã nhặn chân thành và đầy quan tâm khi mời người phụ nữ ấy quay trở lại vào lần sau. Cô ấy đã mở sẵn cánh cửa cho mối giao tiếp trong tương lai.

Chúa Giêsu muốn chúng ta có thái độ như thế khi nhìn người khác. Chúng ta đừng bao giờ tẩy chay ai đó chỉ vì ngày hôm ấy họ không đón nhận tình cảm của chúng ta. Ngay cả khi họ tỏ vẻ bất cần hay không quan tâm, thì họ cũng đều cần đến Chúa Giêsu; chỉ là thời gian sớm hay muộn mà thôi.

The Bag Lady

Thiên Ân
dịch

Exit mobile version