Đừng vì ham lợi mà loại bỏ viên đá góc

LoiChua - Đừng vì ham lợi mà loại bỏ viên đá góc

Trang Tin Mừng hôm nay thuộc phần II của Chủ đề lớn nói về Mầu Nhiệm Con Người. Phần II này có tựa đề là “Phán xét Giêrusalem” vì Đoạn Mc 12,1-12 nói về dụ ngôn những tá điền sát nhân, như một tiếng chuông vang thức tỉnh lòng những ai xem thường hoặc sống lơ là, đã làm những việc mà phải trả lẽ trong ngày cánh chung khi ra trước toà Chúa phán xét.

Vườn nho cũ là Israel đã được Thiên Chúa chọn làm dân riêng, nhưng những kẻ có trách nhiệm chăm sóc vườn nho ấy đã không chu toàn bổn phận của mình; còn vườn nho mới chính là Israel mới, tức Giáo Hội đã được Chúa Giêsu thiết lập và trao cho những tá điền mới. Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn các vị lãnh đạo Do thái thời đó hiểu rằng giai đoạn mới trong lịch sử cứu độ đã bắt đầu và không còn ngược lại được nữa; lòng độc ác của những tá điền không thể phá hủy chương trình hành động của Thiên Chúa, Ðấng nhân từ, kiên nhẫn, nhưng cũng rất công bằng và đòi hỏi sự cộng tác của con người.

Dụ ngôn vườn nho gợi lên những giai đoạn của lịch sử cứu độ Thiên Chúa thực hiện cho nhân loại. Cái chết của người con của ông chủ vườn nho thoạt xem ra là kết quả của lòng thù ghét của con người đối với Thiên Chúa. Như những tá điền muốn giết người con được sai đến để cướp vườn nho khỏi tay ông chủ, những kẻ thù nghịch Thiên Chúa cũng muốn loại bỏ Chúa Giêsu, Con Một Thiên Chúa, để tự do làm chủ vận mệnh nhân loại.

Qua và với hình ảnh tảng đá xây đã trở nên đá tảng góc tường, Chúa Giêsu mở ra chìa khóa để con người có thể hiểu được ý nghĩa sâu xa liên hệ đến việc cứu chuộc của Ngài.

Mở đầu chương 12, tác giả cho thấy Chúa Giêsu miêu tả về một người chủ vườn nho. Ông ta có vẻ quí mến và quan tâm khá nhiều đến vườn nho của ông. “Ông rào giậu, đào bồn đạp nho và xây tháp canh…. rồi cho tá điền canh tác….” ( c.1). Trước khi đi xa, ông chủ đã bố trí, sắp dặt mọi công việc đến nỗi ông tin tưởng giao vườn nho cho các tá điền trong thời gian ông vắng mặt.

Vì công việc bận rôn nơi phương xa, và không thể về để thu hoạch hoa lợi,nên ông phái đầy tớ của ông đến, thay mặt ông thu góp mùa màng (x.c.2). Ở đây chúng ta thấy rõ 2 thái cực đối lập. Ông chủ đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ và các tá điền chỉ việc chăm sóc, thu hoạch không vất vả. Giậu đã rào. Bồn đã xây và có cả tháp canh để trông chừng kẻ cướp. Các tá điền chỉ việc tưới bón, cắt tỉa… đến mùa hái nho cho vào bồn đạp nho.

Vậy mà các tá điền không thu hoa lợi cho chủ. Họ muốn chiếm đoạt cho họ phần hoa lơị này và cả vườn nho nữa. Họ đánh đập những đầy tớ đến thu hoa lợi, đuổi họ ra về tay không. Ông chủ không nản lòng. Ông vẫn tin tưởng họ nên sai đầy tớ khác đến, vì chorằng : có lẽ đầy tớ trước không biết cách thu hoa lợi chăng ? Càng ngày ông càng sai nhiều nhóm đầy tớ khác nhau đến, nhưng kết quả “ tay trắng vẫn hoàn trắng tay”.

Hơn nữa họ còn bị đánh đập, bị hạ nhục và bị giết chết ( c.3-5). đến nỗi ông không còn đầy tớ để sai đi nữa ( có lẽ một phần bị giết hại, một phần vì quá sợ… nên không ai dám làm việc cho chủ nữa). Cuối cùng, ông chỉ còn một người nữa oà người con yêu dấu. Ông quyết định cử cậu con trai yêu quí của mình đến gặp họ để giải quyết vấn đề vì nghĩ rằng : Ít ra chúng sẽ tôn trọng con trai ta ( c.6)

Đến đây, chúng ta thấy tình thương của ông chủ lên đến đỉnh điểm. Lòng nhân hậu của ông khiến ông mù quáng đến độ sai con mình đến gặp bọn “ác ôn”. Ông tin vào tình yêu, ông tin vào con người.

Khi đọc dụ ngôn này, chúng ta có cảm tưởng ông chủ vườn nho xem ra khờ khạo đến nhu nhược khi để bọn tá điền lộng hành, tự tung tự tác thực hiện những hành động tàn nhẫn đối với những đầy tớ được ông sai đi và một âm mưu độc ác cả với đứa con độc nhất của ông nữa.

Phải chăng ông là người bất lực nên không thể làm gì trước dã tâm muốn chiếm đoạt vườn nho của bọn họ hay sao? Thiết nghĩ, ông không muốn dùng quyền lực để áp bức họ. Ông chờ đợi trong hy vọng rằng những người tá điền này sẽ nhớ lại sự tín nhiệm của ông khi trao cho họ vườn nho quý giá của mình. Ông tin tưởng họ là những tá điền trung tín và sẽ làm việc mang lại hoa lợi cho ông. Thế nhưng, đáp lại niềm hy vọng của ông lại là sự bất tín và lòng phản bội của họ. Chính lòng tham không đáy đã làm lu mờ đi đôi mắt lương tri của họ. Họ đã quá “tham” thì sẽ phải chịu “thâm”. Đó là sự trừng phạt của ông chủ: “Ông sẽ đến tiêu diệt các tá điền, rồi giao vườn nho cho người khác” (Mc 12, 9).

Và niềm tin của ông đã được đáp trả tương xứng nhưng theo chiều nghịch . Ông càng thương, càng cố gắng thuyết phục thì họ càng ganh ghét, càng muốn chiếm đoạt bằng mọi giá “Đứa thừa tự đây rồi, nào ta giết nó đi và gia tài sẽ về tay ta”.(c.7). Thế là họ cùng nhau thực hiện mưu đồ điên dại của họ. Họ nghĩ , làm như vậy là họ sẽ làm chủ vườn nho ( c.8). Họ quên rằng vẫn còn mộtngười có quyền trên họ, có quyền giết chết hoặc để họ sống, đó là ông chủ. Và Chúa Giêsu kết luận, đưa ra kết quả của dụ ngôn này là : Ông sẽ tiêu diệt các tá điền và giao vườn nho cho người khác

( c.9).

Công trình của Thiên Chúa khác hẳn với dự tính của chúng ta. Thiên Chúa đã dùng chính tảng đá mà thợ xây loại bỏ. Tảng đá đó là Đức Giêsu. Ngài là Con Một yêu dấu của Chúa Cha đã bị các thượng tế, kinh sư loại bỏ và giết chết. Tảng đá này Thiên Chúa đã xử dụng làm tảng đá góc, nối kết các dân ngoại tôn thờ Thiên Chúa với dân Do Thái( người tin vào Đức Giêsu). Nhờ Đức Giêsu mà hai bức tường này đựơc liên kết dính liền với nhau, do đó bảo đảm sự vững chắc của chúng.

Cũng chỉ vì tham một tí “tiền”, một tí “tình”, một tí “quyền”, một tí “danh”, một tí “lợi” má có những con người sẵn sàng đánh đổi đi tình thương gia đình, tình nghĩa phu thuê, tình thân bằng hữu và trên hết là tình người. Đến lúc nhận ra rằng mình được quá ít mà mất đi quá nhiều thì đã quá muộn màng. Chính vì vậy, để khỏi phải cay đắng thốt lên hai chữ “giá như…” thì chúng ta hãy thử hỏi lòng mình xem đâu là cùng đích của đời tôi? Nó có đáng để tôi đánh đổi mọi thứ hay không? Và nó có giúp tôi đi đến “hạnh phúc” thật sự hay không?

Lời của Chúa hôm nay cảnh tỉnh chúng ta trước trách nhiệm phải làm sao để dung mạo của Chúa được chiếu tỏa trong đời sống chúng ta và trong Giáo Hội. Chúa Giêsu là Ðá Tảng góc tường, là nền tảng và là sức sống cho cuộc đời chúng ta, xin cho chúng ta đừng bao giờ lìa xa Chúa.

Huệ Minh

Exit mobile version