May mắn hay là một mối duyên để Cha Cố về với Mến Thánh Giá Thủ Thiêm. Trải qua biết bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời, tình cha – tình con gắn kết với nhau trong công việc mục vụ, chia sẻ đời sống để rồi ngày Cha nằm xuống cả Hội Dòng quấn quýt bên Cha và muốn làm điều gì đó có thể cho Cha trước khi Cha trở về lòng đất Mẹ chờ ngày phục sinh.
Những câu chuyện, những ký ức về Cha cứ lặng lẽ truyền cho nhau bởi đơn giản Cha Cố thuộc tuýp người không bóng bẩy phô trương.
19 năm về trước, khi Cha còn ở Phaolô 3. Nữ tu kia về dự Lễ cưới của em mình. Biết được gia cảnh, Cha lặng lẽ gửi 300 ngàn (thời ấy lớn lắm) để về mua bánh cho chị em trong dòng ăn cho vui.
Đến ngày lớp cũng như người chị em này được vĩnh khấn, sau Thánh Lễ, chị ngỏ lời với Cha : « Cha ơi ! Tụi con ước ao được đi ra viếng Mẹ La Vang nhưng chúng con không có thể … ». Nghe xong, Cha âmthầm và thu xếp để rồi Cha cùng với 2 cha nữa và chị em lên đường đi thăm Mẹ.
Sơ kể lại rằng trên chiếc xe 16 chỗ năm đó khá chật hẹp nhưng lại là một kỷ niệm để đời giữa cha và con. Cha biết quý dì không thể nào đi được ra đất Mẹ La Vang để rồi Cha thu xếp.
Không dừng ở chỗ đó, khi qua Nhà Dòng để dâng lễ an táng cho một nữ tu của Hội Dòng, nhìn thấy chiếc quan tài mà Hội Dòng quàn cho người chị em mà Cha não lòng. Từ ngày đó, Cha nói với Hội Dòng rằng từ nay trở đi khi nhà dòng có chị nào mất thì Cha và Giáo Xứ sẽ góp thêm nữa để cho chiếc quan tài được đẹp hơn một chút chứ nhìn sao mà thương quá.
Với Cha, cả đời người ta đã tận hiến đời mình cho Chúa thì khi nằm xuống cũng có chiếc quan tài sao cho tươm tất. Thế là từ đó về sau, như lời Cha hứa, chị em khi nằm xuống được « hưởng » một chút tấm lòng từ Cha Cố và giáo xứ Thủ Thiêm.
Lòng của Cha là như vậy đó. Cứ đến lễ gì của Dòng, Cha lại gửi chút gì đó để chia sẻ với chị em. Đặc biệt, với hơn 50 cuộc đời già yếu bệnh tật nằm ở Nhà Hưu và nhà Bệnh là những người mà Cha yêu thương hơn hết. Cha chỉ nghĩ rằng một ngày nào đó Cha cũng già nua tuổi tác để rồi còn sống lại cứ mãi chung chia.
Quả thế, lời Cha nói với nữ tu nọ rằng « con không thua ai về tấm lòng nhé » không chỉ là lời nói của Cha mà nó trở thành hiện thực trong cung cách sống của Cha.
Cha làm như vậy, Cha sống như vậy chắc có lẽ Cha đã cảm, đã nếm được tình thương mà Thiên Chúa trao cho Cha bởi vì chỉ những ai cảm và nếm thật sự tình của Chúa thì sẽ trao tình cho người khác như vậy. Ngược lại, nếu như Cha khép kín, Cha vun vén cho mình chính là lúc Cha chưa gặp được thầy Chí Thánh Giêsu.
Giờ đây, Cha lặng lẽ trong hủ tro cốt trong góc phòng Hài Cốt Thủ Thiêm như bao nhiêu Kitô hữu khác nhưng cung cách sống và gương của Cha vẫn còn âm ĩ đâu đó nơi những người thân cận của Cha, nơi 2 nữ tu lo bệnh luôn kề cận bên Cha và đâu đó ai nghe và học được Cha câu nói « không thua ai về tấm lòng ».
« Sống trên đời sống, cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không ? Để gió cuốn đi…». Vâng ! Chỉ là để gió cuốn đi thôi và cũng chả cần ai thấy vì gió có đó nhưng không ai thấy gió nhưng cần và cần lắm một tấm lòng. Và, « ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau » để rồi là người, hơn ai hết hãy sống yêu thương nhau và « cần »nhau bởi lẽ khi nằm xuống ta cũng chả mang theo được điều gì khác ngoài tấm lòng ta đã sống.
Cha cố G. B. đã nằm xuống và quả thật Cha không mang theo được điều gì khác ngoài tấm lòng.
« Con đừng thua ai về tấm lòng nha con » ! Như một di sản mà Cha Cố để lại cho những ai quen biết để rồi mỗi người cũng hãy sống như Cha đã sống là hết lòng, hết sức với mọi người. Có như thế, sống như thế, chắc chắn ta cũng như Cha Cố cũng sẽ có một chỗ trong cung lòng của Thiên Chúa. An tâm mà sống ! Đừng manh động ! Đừng hơn thua tranh chấp. Hãy yêu và hãy yêu nhau thật nhiều nhé bạn !
Người Giồng Trôm