Hỏi: Tôi thấy có sự gia tăng các chương trình cho Thánh lễ an táng với tiêu đề “Một cử hành Sự Sống”, hoặc một cái gì đó tương tự, thay cho tiêu đề nghi lễ là “Thánh lễ an táng”. Đặc biệt, tôi đã biết nhiều gia đình xin bỏ chữ “an táng” trong chương trình, thường vì dường như đối với họ là quá khắc khổ. Thưa cha, liệu có thể cho phép để đưa cho các nghi thức tang lễ (cho dù là trong thời gian quàn, một thánh lễ hoặc nghi thức làm phép xác) một tiêu đề thay thế khác, nhằm duy trì các sự nhạy cảm của gia đình không? Và cha có thể bình luận gì về đặc điểm của sự này chăng?. – J.W., Washington, D.C., Mỹ.
Đáp: Các tang lễ luôn đòi hỏi sự tiếp xúc mục vụ, và các mong muốn của gia đình có thể được xem xét. Tuy nhiên, các yêu cầu riêng tư không được làm suy yếu tính chất của tang lễ Công Giáo, vốn là nhằm cầu nguyện cho linh hồn người đã qua đời, và an ủi thân nhân còn sống trong ánh sáng và sức mạnh của đức tin.
Nếu một yêu cầu của gia đình là không hợp lý, một linh mục nên cố gắng để nhẹ nhàng giải thích các lý do và, nếu có thể được, sử dụng chúng như một phương tiện để cho thấy làm thế nào các chân lý, vốn nằm ở trung tâm của nghi thức Giáo Hội, đem lại niềm an ủi, vốn là khách quan hơn và bền vững hơn bất kỳ sự tưởng nhớ chóng qua nào.
Một lựa chọn phổ biến cho Thánh lễ an táng là “Thánh lễ an táng Kitô giáo” (Mass of Christian Burial), vốn mô tả đơn thuần những gì đang diễn ra. Trong thực tế, điều này về cơ bản là nói lễ an táng là gì, vì từ ngữ funeral phái sinh từ từ ngữ latinh funis, cái dây, vì nhờ cái dây quan tài được hạ xuống huyệt.
Có lẽ một số người không muốn nhắc đến thực tế này, nhưng các kinh nguyện của Giáo Hội không chùn bước trước việc ấy. Di sản tinh thần của Giáo Hội cũng khuyến khích người Công Giáo hãy xem thực tại cái chết một cách trong sáng, như là một phần của sự phát triển thiêng liêng lành mạnh.
Tôi có thể hiểu rằng, trong một xã hội đa văn hóa, mà trong đó một người Công Giáo đã qua đời có thể có bạn bè từ nhiều tín ngưỡng hoặc vô tín ngưỡng, một gia đình có thể mong muốn đưa một cái gì đó như là “Một cử hành Sự Sống” vào trong chương trình. Điều này có thể được chấp nhận trong một số trường hợp không phụng vụ, chẳng hạn trong thời gian quàn, hoặc cuộc tiếp đón, mà ở đó người qua đời được tưởng nhớ và ca ngợi bởi bạn bè và người thân. Nhưng nó sẽ là không đúng trong bối cảnh của Thánh lễ an táng.
Một Thánh lễ Công Giáo không phải là một việc phong thánh trước, nhưng trên hết là lời cầu nguyện để cầu bầu cho linh hồn người đã qua đời. Khi thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được an táng, Giáo Hoàng tương lai Biển Đức XVI đã gợi ý trong bài giảng rằng Giáo Hoàng băng hà đang từ cửa thiên đàng nhìn xuống chúng ta. Tuy nhiên trong thánh lễ an táng, cũng Hồng Y Joseph Ratzinger cầu nguyện xin cho Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thoát khỏi mọi quyền lực của bóng tối, xin Thiên Chúa nhân lành tha thứ tội lỗi cho Ngài, chấp nhận các việc lành của Ngài, và đón nhận Ngài vào nơi đầy an bình và ánh sáng, và ban cho Ngài phúc lành của hàng ngũ các thánh.
Nhiều giáo phận đã công bố các qui định để giải quyết vấn đề trên. Như một thí dụ, chúng tôi xin đưa vài trích đoạn từ những gì đã ban hành cho Tổng giáo phận Cashel và Emly ở Ireland năm 2004.
Trong phần trình bày chúng, Tổng giáo phận nói:
“Các hướng dẫn này sẽ giúp chúng ta duy trì bản chất tôn giáo thiết yếu của phụng vụ tang lễ của chúng ta, và khuyến khích mọi người tập trung vào việc trao phó người qua đời cho lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa, và vào việc tạ ơn Chúa về các phúc lành mà người qua đời đã đón nhận khi còn sống.
“[Chúng] sẽ đảm bảo rằng việc cử hành phụng vụ tang lễ là một cảm nghiệm trang trọng, cầu nguyện và ủi an, cho những người đang thương khóc, và mọi người đang tham dự trong lễ tang. Chúng đã được sắp xếp để hỗ trợ các người có phận vụ trong lễ tang thực hiện những điều cần thiết cho việc an táng Kitô giáo của một tín hữu… Cái chết của một thành viên gia đình là một kinh nghiệm đặc biệt buồn và đau đớn. Ngay cả khi dự kiến, cái chết của một người thân luôn để lại một cảm giác sốc và mất mát. Tuy nhiên, phụng vụ an táng của Giáo Hội là một nguồn phong phú của sự ủi an và niềm hy vọng vào thời gian khó khăn ấy.
“4. Tiếp nhận quan tài tại nhà thờ. Nghi thức này có nghĩa là sự chuyển từ lối diễn tả riêng tư của sự đau buồn của tang quyến tại nhà, đến sự diễn tả phụng vụ công khai hơn của cộng đồng giáo xứ địa phương, trong việc hỗ trợ bằng lời cầu nguyện cho người quá cố và tang quyến…
“5. Thánh lễ An táng. Thánh lễ An táng là sự cử hành phụng vụ trung tâm cho người quá cố. Thân nhân và bạn bè được mời đón tích cực tham gia vào việc cử hành thánh lễ. Sự tham gia tích cực vào Thánh lễ gồm có việc đọc sách Thánh, đọc các lời cầu nguyện giáo dân và dâng lễ vật. Tuy nhiên, các người thân đau buồn không buộc phải tham gia vào thực thi các việc này trong một dịp đau buồn như thế.
“Lời Chúa…Bài giảng. Bài giảng, do linh mục hoặc phó tế giảng, tập trung vào niềm tin của Kitô hữu vào sự sống lại, do đó đưa ra niềm hy vọng và ủi an cho thân nhân, bạn hữu và các tín hữu nói chung. Trong khi người giảng lễ có thể nhắc đến các nỗ lực của người quá cố trong việc sống đời Kitô giáo của mình, bài giảng không phải là một điếu văn ca tụng.
“Lời nguyện giáo dân. Trong lời nguyện giáo dân, cộng đồng Kitô hữu kêu cầu Chúa an ủi người quá cố và tỏ lòng thương xót người ấy. Các thành viên gia đình và bạn hữu muốn dâng lời nguyện riêng, xin hãy hỏi ý kiến của vị chủ lễ, để bảo đảm rằng các lời nguyện này là phù hợp với qui định phụng vụ.
“6. Dâng lễ vật. Phụng vụ mong muốn rằng thân nhân hoặc bạn hữu của người quá cố dâng bánh và rượu cho việc cử hành Thánh Thể. Thật là không thích hợp vào lúc này để mang lên các huy hiệu khác của cuộc đời và quyền lợi của người quá cố. Như đã nói trước (xem số 4 ở trên), các biểu tượng này, nếu cần, có thề được mang theo vào lúc “tiếp nhận quan tài trong nhà thờ”, hoặc trước khi bắt đầu Thánh lễ.
“7. Âm nhạc và thánh ca. Âm nhạc và thánh ca thích hợp nâng cao phụng vụ tang lễ và được khuyến khích. Nhiều giáo xứ có ca đoàn và nhạc công sẵn sàng tham gia vào Thánh Lễ an táng. Khi lựa chọn bài thánh ca và âm nhạc thích hợp cho phụng vụ tang lễ, người thân của người quá cố nên tham khảo với vị chủ lễ và/hoặc với ca đoàn hay nhạc công. Điều này là đặc biệt quan trọng, khi các người hát hoặc nhạc công bên ngoài muốn thực hiện phần hát trong phụng vụ tang lễ. Các bài hát đời không có chỗ trong phụng vụ thánh của Giáo Hội. Thỉnh thoảng, âm nhạc thế tục thích hợp, đặc biệt là khí nhạc, có thể nâng cao phụng vụ tang lễ. Các phán đoán liên quan đến sự thích hợp của âm nhạc cần dành cho vị chủ lễ và/hoặc nhạc công đàn organ.
“10. Diễn từ. Nếu một thân nhân hoặc bạn bè của người quá cố muốn đọc bài diễn từ vào dịp lễ an táng, có nhiều sự chọn lựa: diễn từ, vốn tóm lược và ca ngợi cuộc đòi và thành quả của người quá cố, là thích hợp nhất để đọc tại huyệt mộ sau khi quan tài đã được chôn cất. Các sự sắp xếp sau đây cung cấp địa điểm cho thân nhân muốn có diễn từ trong nhà thờ: i. diễn từ ngắn, có thể đọc vào cuối nghi thức “tiếp nhận quan tài trong nhà thờ”, hoặc trước thánh lễ, hoặc ở phần kết thúc việc làm phép xác cuối lễ; ii. Các tình cảm, thể hiện trong diễn từ đọc trong nhà thờ, phải là hòa hợp với môi trường thánh thiêng của nhà Chúa và phụng vụ tang lễ; iii. Vì thế, người đọc diễn từ phải thảo luận vấn đề với vị chủ lễ trước; iv. Thật là không thích hợp chút nào khi đọc diễn từ trong cử hành Thánh lễ”.
Các hướng dẫn trên là đại diện của các nguyên tắc phụng vụ đúng đắn. Tuy nhiên, mỗi giáo phận sẽ thường có các qui định riêng để thích nghi với tập tục đặc biệt của địa phương mình.
(Nguyễn Trọng Đa, Zenit.org 30-9-2014)