Đừng sát hại

LoiChua - Đừng sát hại

Thiên Chúa muốn khẳng định rằng: Mỗi một người sinh ra trên cõi đời này dù nghèo hèn dốt nát tàn tật đến đâu cũng đều có một phẩm giá bất khả di nhượng và bất khả xâm phạm. Thiên Chúa đã chiến thắng trong một thơ nhi. Mỗi một thơ nhi và mỗi một người nghèo hèn luôn là một lời mời gọi và nhắc nhở con người về tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã thể hiện tình yêu của Ngài trong những gì là trơ trụi nghèo hèn nhất của con người.

Trong những ngày sau lễ Giáng Sinh, Giáo Hội tưởng niệm các Thánh Anh Hài tức là những thơ nhi bị sát hại sau khi Chúa Giêsu sinh ra, các em bé bị sát hại này là đại biểu của không biết bao nhiêu người trong xã hội ngày nay, những kẻ thấp cổ bé miệng, những người mà cách này hay cách khác bị người đời khai trừ, phẩm giá bị chà đạp.

Hêrôđê “Ðại Ðế”, là vua xứ Giuđêa nhưng không được dân chúng mến chuộng vì ông làm việc cho đế quốc La Mã và ông rất dửng dưng đối với tôn giáo. Vì lý do đó ông luôn cảm thấy bất an và lo sợ bất cứ đe dọa nào đối với ngai vàng của ông. Ông là một chính trị gia giỏi và là một bạo chúa dám thi hành những việc tàn bạo. Ông giết chính vợ ông, anh của ông và hai người chồng của cô em, đó chỉ là sơ khởi.

Có thể nói nơi con người của bạo chúa Hêrôđê đã bị quyền lực bóng đêm, quyền lực sự dữ sẽ lấn áp, từ đó đưa đến việc ông ta không tin có Thiên Chúa, không cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa, ông ta sợ sự xuất hiện của Hài Nhi Giêsu như lời tiên báo của các ngôn sứ trong Kinh Thánh sẽ ảnh hưởng đến chiếc ghế danh vọng mà ông đang sở hữu, hơn nữa, sau khi ba nhà Đạo Sỹ tìm đến bái thờ và dâng quà tặng cho Hài Nhi Giêsu đã không trở lại với ông vì được Thiên Chúa mách bảo qua giấc mộng.

Từ đó, Hêrôđê lồng lộn như “sói dữ tham mồi”, để rồi sau đó, ông ta nhúng tay vào tội ác qua việc tìm giết Hài Nhi Giêsu, tiếp theo đó là việc giết hại các trẻ em vô tội, đem đến cho các bà mẹ và khắp kinh thành Belem sự hoảng loạn và mất bình an.

Qua người đàn ông trong câu chuyện trên và qua cách hành xử của Hêrôđê cho ta thấy quyền lực sự dữ đang ẩn nơi con người, từ con người qua sự xúi bẩy của chúng đã đem đến cho nhau những mất bình an, những chết chóc và khổ đau. Chính vì những điều đó đang thống trị con người nhân loại mà Ngôi Hai Thiên Chúa đã bước xuống cõi trần để cứu và dẫn đưa con người nhân loại về với ánh sáng, về với tình thương của Thiên Chúa như lời của ông Giacaria, khi được tràn đầy ơn Thánh Thần, ông nói tiên tri về Ngôi Hai Thiên Chúa rằng: “Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối, và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an ” (Lc 1, 78-79).

Đối lại với tiếng hát của các thiên thần trong đêm Chúa Giáng Sinh là tiếng khóc than của những bà mẹ mất con trong cuộc sát hại của Hêrôđê ở Bêlem. Phải chăng sự ra đời của Đức Giêsu lại là nguyên nhân gây ra cái chết của những trẻ thơ vô tội? Các sử gia đã chứng thực rằng vua Hêrôđê không từ một thủ đoạn nào để tiêu diệt bất cứ ai có thể đe doạ đến ngai vàng của ông. Như thế, cái chết của Các Thánh Anh Hài là lời tố cáo tham vọng ích kỷ, sự tàn bạo của bạo chúa Hêrôđê nhưng đồng thời cũng là lời chứng cho vinh quang của Thiên Chúa là sự sống của con người.

Hêrôđê vô cùng tức giận và “ra lệnh tàn sát tất cả các con trai từ hai tuổi trở xuống ở Bêlem và vùng phụ cận.” Vì Bêlem là một thành phố nhỏ, số trẻ bị giết có lẽ khoảng 20 hay 25. Sự kinh hoàng của việc thảm sát và sự tuyệt vọng của các cha mẹ đã khiến Thánh Mátthêu trích dẫn lời tiên tri Giêrêmia: “Ở Rama, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Raken khóc thương con mình…” (Mt 2, 18). Bà Raken là vợ của ông Giacóp. Bà than khóc ở Rama là nơi người Do Thái bị tập trung lại sau khi bị người Assyria bắt làm tù binh.

Hêrôđê là một ông vua độc ác, vô tài, bất tướng. Nhưng, Hêrôđê lúc nào cũng tham quyền cố vị. Ông luôn luôn sợ bị lật đổ, sợ mất quyền, mất chức. Chính vì thế, khi nghe bất cứ một tin nào mà ông cho rằng sẽ nguy hại cho ngai vàng của Ông. Hêrôđê đều kiếm cách để phá đổ, để tiêu diệt hầu có thể bảo vệ ngai vua của mình.

Ðiều này, quả thực rất phù hợp với biến cố các Thánh Anh Hài bị tàn sát. Biến cố ấy xẩy ra thế này: “Khi Ðức Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Ðông đến Giêrusalem, và hỏi: “Ðức Vua dân Do thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Ðông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”.

Nghe tin ấy, vua Hêrôđê bối rối, và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao” (Mt 2,1-3). Tin Mừng thánh Matthêu chương 2 trong các đoạn kế tiếp thuật lại rằng vua Hêrôđê ác độc tìm cách biết nơi rõ ràng để thủ tiêu Giêsu. Nhưng, được mộng báo các nhà chiêm tinh sau khi đã gặp Hài Ðồng Giêsu tại Bêlem thì họ đã không trở lại gặp Hêrôđê nữa, mà đã đi lối khác mà về lại xứ của họ (Mt 2, 7-12).

Tin Mừng thánh Matthêu chương hai viết tiếp: “Thánh Giuse được sứ thần Chúa hiện ra báo tin, nên Ông đang đêm đã đưa Mẹ Maria và Chúa Giêsu trốn qua Ai Cập cho đến khi Hêrôđê băng hà” (Mt 2,13-15). Hêrôđê thấy mình bị đánh lừa, nên đùng đùng nổi giận, sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bêlem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cận kẽ các nhà chiêm tinh (Mt 2, 16-17).

Hành vi “thảm sát hài nhi” ngày nay vẫn còn xảy ra. Trên nhiều trang báo, ta thấy lại có thêm những trường hợp trẻ sơ sinh bị vất bỏ trong thùng rác. Trên đất nước chúng ta cũng như trên khắp thế giới, mỗi ngày có hàng triệu thai nhi bị giết hại. Việc con người sử dụng tự do để thoả mãn những tham vọng thấp hèn ích kỷ là một trong những nguyên nhân chính của thảm hoạ tội ác đó. Chúng ta đều có tự do. Tự do của chúng ta đã được sử dụng để vun đắp sự sống hay để huỷ diệt?

Mừng kính các thánh Anh Hài Tử Đạo trong tuần bát nhật Giáng Sinh gợi mở cho ta một chân lý. Chân lý đó là: Sự Sống mới, sự bình an của Thiên Chúa đã và đang phủ tràn cõi địa cầu ngang qua Hài Nhi Giêsu, dẫu cho quyền lực sự dữ cố ngăn cản, phá hỏng bằng nhiều cách và nhiều phương thức khác nhau, câu chuyện bạo chúa Hêrôđê tìm giết Hài Nhi Giêsu và ra tay hạ sát các trẻ em với chiêu bài “giết lầm còn hơn bỏ xót” là một điển hình. Thế nhưng, “Quyền lực tử thần không thắng nổi” (Mt 16, 18), Thiên Chúa có cách của Ngài trong việc thực hiện chương trình cứu độ nhân loại.

Các Hài Nhi bị giết chết, đã được phúc nhận ngành thiên tuế dành cho người chiến thắng vinh quang, khi vì Hài Nhi Giêsu mà bị tiêu diệt; thì hôm nay nhiều trẻ em, nhiều thai nhi hẳn cũng đã nhận triều thiên nước trời khi chưa nhiễm tội lụy của riêng mình, vì bị giết chết ngay khi còn là bào thai vì tội lỗi của cha mẹ và của xã hội.

Xin các thánh Anh Hài phù trợ, giúp cho mọi người ý thức hồng ân sự sống là hồng ân xuất phát tự Thiên Chúa tối cao. Không ai được phép giết chết con người, ngay cả khi chúng còn là bào thai vì bất cứ lý do gì.

Huệ Minh

Exit mobile version