Ngày xưa có một nhà hiền triết treo biển trước nhà nói rằng: “Ai chịu lễ một trăm lạng vàng thì sẽ dạy cho một bài học rất hay”. Một vị quốc vương lúc ấy đi dạo chơi, thấy vậy động lòng hiếu kỳ liền đem một trăm lạng vàng cho nhà hiền triết để xin bài học. Nhà hiền triết dạy rằng bài học đó chỉ có một câu: “Phàm làm việc gì, trước phải nghĩ đến hậu quả của nó”.
Câu ấy giản dị đến nỗi phần đông cận thần của vua đều bĩu miệng trề môi cho giá một trăm lạng vàng là quá đáng. Nhưng sau khi nghĩ kỹ, vua nhận thấy lời ấy rất hay và truyền khắc câu ấy trên các tấm cửa cung điện và các vật dụng của vua, để hàng ngày nhớ mãi không quên. Nhờ câu ấy mà vua xóa bỏ được nhiều điều tệ hại, phát huy được nhiều điều hay, làm cho nước nhà mỗi ngày mỗi thêm thịnh vượng.
Lúc ấy có những hoàng thân muốn ngấm nghé ngôi báu nên âm mưu làm phản, họ thông đồng với quan ngự y để đầu độc nhân khi vua đau ốm.
Rồi một hôm long thể bất an, vua đòi quan ngự y đến làm thuốc, quan ngự y chế thuốc độc rót vào chén ngự để dâng vua. Nhưng may thay, trong lúc rót thuốc, quan ngự y thấy nơi chén có câu: “Phàm làm việc gì, trước phải nghĩ đến hậu quả của nó”. Quan ngự y giật mình, nghĩ đến hậu quả, thấy sự phản nghịch chẳng những làm cho mình phải bị tru di tam tộc mà còn gây biết bao tai họa cho dân, cho nước. Quan ngự y tỉnh ngộ, liền đem tất cả việc đầu độc tâu cho vua rõ.
Nhờ sự thú nhận mà cả bọn gian thần đều bị trừng trị và ngai vàng càng thêm bền vững.
(Theo Truyện cổ Phật giáo)
Từ câu chuyện cổ này nhìn đến sự kiện đang xảy ra tại thủ đô Hà Nội, đó là việc xét xử đại án hai ông Đinh La Thăng, ông Trịnh Xuân Thanh và những người có liên quan trong chuyện cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).
Qua những ngày xét xử, trong phần trình bầy của hai ông, nhiều người đã động lòng trắc ẩn, thông cảm, ngậm ngùi, tội nghiệp cho những người đó. Biết được điều này, tôi thầm nghĩ nếu các ông biết câu chuyện kể trên và sống, thì đỡ biết bao câu chuyện thương tâm xảy ra cho người khác, mà bây giờ các ông mới cảm nghiệm được:
Một bài báo diễn tả: Anh kể rằng phòng giam chỉ có chỗ cho hai phạm nhân nằm, một người phạm tội buôn bán ma túy đang đối mặt với án tử hình, một người khác phạm tội chiếm đoạt tài sản. Anh tuy vào sau nhưng phạm nhân buôn ma túy đã nhường cho anh chỗ nằm, còn mình thì nằm giữa lối đi. Phòng giam chật chội và tối khiến anh không thể đọc được Kết luận điều tra hay Cáo trạng, nhưng anh không oán trách hay đòi hỏi gì, chấp nhận trong nỗi buồn sâu thẳm!
Khi bị cáo Trịnh Xuân Thanh nghe bị cáo Đinh La Thăng trình bày mà không thể cầm được nước mắt!
Hay là: Nhạt phai tình cảm giữa Trịnh Xuân Thanh và Nguyễn Anh Minh, một thời coi như là anh em ruột thịt.
Đinh La Thăng cho rằng nhiều vấn đề mà đại diện Viện Kiểm Sát đưa ra bị cáo rất bất ngờ, đến nỗi khi nghe bản luận tội đó về không thể ngủ được mấy, thấy rất buồn, rất băn khoăn..
Sau khi nhắc đến những thành tựu to lớn đã đạt được, ông Đinh La Thăng ân hận, xin lỗi và hứa…
Sau đó, ông Đinh La Thăng đề cập đến việc bố bị cáo cao tuổi, bị bệnh hiểm nghèo, con thứ hai của bị cáo không bình thường, ông lo sẽ không có ai chăm sóc, gần gũi, yêu thương và bù đắp những mất mát, thiệt thòi cho con gái. ông Thăng không nén được xúc động, khóc nghẹn ngào không nói thành lời. Và bản thân cũng rất nhiều bệnh…
Ông Trịnh Xuân Thanh và Đinh La Thăng tha thiết cầu xin, trước khi chết được mong ra ngoài, trong vòng tay của người thân, của gia đình, của bạn bè. Hai ông cũng biết: mong được làm ma tự do, chứ không muốn làm ma trong tù!
Và hơn hết, các ông cũng mong được xét xử công tâm, khách quan, công bằng theo đúng tinh thần hiến pháp…
Ngoài ra, khi nói lời sau cùng ai cũng tỏ ra ăn năn hối hận, và mong có cơ hội làm lại cuộc đời.
……
Từ sự việc này, chúng ta đang bước vào mùa chay, kết thúc năm âm lịch hãy suy nghĩ và cân nhắc cuộc sống của mình sống sao cho đúng là một con người, một con người có niềm tin. Để ngày về cùng ông bà tổ tiên mà không phải mắc cở, cũng như khi bước đi theo tiếng Chúa gọi vào hưởng hạnh phúc Nước Trời không bị trễ tầu!
Một câu nói làm cho nhiều người chắc phải suy nghĩ về chính mình trong cuộc sống này với mọi người “ Bị cáo Lương Văn Hòa, nguyên Giám đốc Ban Điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch thuộc PVC, xin cho mình nói một lời với bị cáo Trịnh Xuân Thanh. “Trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa này, anh có bao giờ chất vấn lương tâm vì ai mà bao nhiêu người phải đến dự phiên tòa ngày hôm nay không?”.
Vì vậy, đừng để quá trễ, ăn năn chẳng kịp như trường hợp kể trên, làm uổng phí cả một cuộc đời sống nơi trần gian này. Để có được những điều tốt đẹp đó thì chắc chắn mỗi người chúng ta phải sống như câu chuyện cổ kể trên: “Phàm làm việc gì, trước phải nghĩ đến hậu quả của nó”.
Thiên Quang sss