Đừng như tá điền sát nhân

LoiChua - Đừng như tá điền sát nhân

Trang Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu kể cho những người nghe Ngài về dụ ngôn “Những tá điền sát nhân” (Mt 21, 33-43). Trong dụ ngôn này Ngài ví ông chủ như là Chúa Cha. Vườn nho là tất cả những tâm hồn khao khát theo Chúa, là Giáo Hội. Những tá điền canh tác là các tư tế, thủ lãnh trong dân. Các đầy tớ đi thu hoa lợi là các tổ phụ, các ngôn sứ. Còn con trai yêu dấu của chủ là chính Ngài

Chúa Giêsu muốn cho các thính giả đang nghe Ngài cũng như các đọc giả hôm nay, những người đang tìm kiếm Ngài, bước theo Ngài thấy được tình yêu Thiên Chúa đối với con người, Thiên Chúa luôn yêu thương con người và yêu thương đến cùng.

Thiên Chúa đã yêu thương tuyển chọn và chăm sóc dân Người thật chu đáo (x.Mt 21,33), sai các Ngôn sứ đến để nâng đỡ, dẫn dắt họ. Nhưng tất cả đều bị dân Người bội phản, bất trung, đối xử tàn bạo khủng khiếp (Mt 21,35-36). Nhưng Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn yêu thương đợi chờ và cuối cùng sai chính Con Một yêu dấu của Người (Mt 21,37), là Ngôi lời Nhập thể đến, Ngài đã dùng chính cái chết và sự phục sinh của Ngài để bảo vệ, cứu chuộc dân Ngài, tái tạo dân mới, một dân biết làm cho nước Thiên Chúa sinh hoa lợi ( Mt 21,43).

Trong thực tế, ta thấy Thiên Chúa đã yêu thương con người đến tột cùng. Một tình yêu mà xét trên bình diện con người tự nhiên có thể nói là tình yêu mù quáng “Người đã yêu thương chúng ta và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (I Ga 4, 10). Nhưng xét trên bình diện siêu nhiên chúng ta mới thấy được tình yêu vô biên, nhiêm mầu của Thiên Chúa.Vì không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của Người hiến mạng sống vì người mình yêu. Hơn nữa Ngài đành mất tất cả miễn là để cứu chúng ta, để chúng ta được sống (1Ga 4, 9). và sống dồi dào, sung mãn, hạnh phúc.

Và rồi ta thấy được lòng dạ con người độc ác và lộng quyền, hay con người không thấu hiểu nổi ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa trong chương trình cứu độ, nên đã “ngộ sát” hàng loạt? khởi đi từ cái chết của các ngôn sứ là những đầy tớ của Thiên Chúa được sai đến với dân Itraen, rồi đến chính Con một của Thiên Chúa là Chúa Giesu, và hàng loạt những người khác nữa sau cái chết của Con Thiên Chúa…

Thế nhưng, tất cả cái chết của những người tôi tớ của Thiên Chúa không phải là dấu chấm hết, mà là nền tảng “đá gốc” đểThiên Chúa sử dụng mở ra những chương trình cứu độ con người. Cũng giống như câu chuyện của Giuse bị anh em ruột của mình bán sang Ai Cập với giá 20 đồng, chỉ vì sự ghen tức và họ đã lộng quyền tự do một cách thiếu trách nhiệm. Chúa Giesu, người con duy nhất của ông chủ vườn nho đã bị những tá điền thuê vườn giết chết (Mt 21,38-39). Chúa Giêsu cũng bị bán bởi sự ghen ghét của các quan chức muốn loại trừ Chúa ra khỏi lòng người.

Chính viên đá bị loại bỏ bởi con người, Thiên Chúa với uy quyền của Ngài đã biến nó trở nên nên viên đá nền tảng của góc tường. Viên đá bị lạo trừ này là cánh cửa mở ra một trang mới của lịch sử, không phải chỉ là lịch sử của dân tộc Ítraen, mà còn của cả nhân loại.“Viên đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên viên đá đầu góc.

Thế giới vẫn luôn tồn tại những bạo động và loại trừ bởi những cách thế sử dụng quyền lực, nhất là đối với những người nắm giữ quyền. Nhưng Thiên Chúa vẫn luôn là niềm hy vọng, Thiên Chúa vẽ đường thẳng trên những đường cong. Nhiều điều thế gian cho là khờ khạo, điên rồ và mất giá trị…thì là điều khôn ngoan trước mắt Thiên Chúa (1Cr 1, 22-23).

Lời của Chúa Giêsu dành cho những người nghe Ngài: “Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi”. Nhưng thực ra đó lại là một phần của bản án mà chính họ tự ra cho mình (c. 41), hay nói cách khác, họ tự biến mình thành bất xứng, họ lựa chọn bạo lực và sự dữ thì họ sẽ thuộc về bạo lực và sự dữ; mà bạo lực và sự dữ là hủy diệt, là sự chết, là hư vô.

Thiên Chúa ban cho mỗi người chúng ta một hoàn cảnh khác nhau với thời giờ, tài năng, sức khỏe, nghị lực, ý chí, trí hiểu khác nhau để chúng ta sống hạnh phúc và tiếp tục công trình dựng xây nước Chúa. làm cho nước Thiên Chúa sinh hoa lợi (x.Mt 21,43). Vậy nếu hôm nay Thiên Chúa đến thu hoach mùa màng và đòi tính sổ với ta. Chúng ta sẽ tiếp đón Ngài với tâm tình nào? Và trả lời với Ngai thế nào về cách sống của chúng ta hiện nay?

Giáo Hội mời gọi chúng ta sống trong Mùa Chay và Mùa Chay là mùa hông ân và là thời gian thuận tiện để chúng ta nhìn lại những hồng ân mà Thiên Chúa yêu thương đã ban tăng cho chúng ta mà dâng lời tri ân cảm tạ. Đồng thời là thời gian chúng ta dừng lai để suy nghĩ và xét lại bản thân chúng ta đã sử dụng hồng ân ấy thế nào để ăn năn sám hối, xin lỗi về những thiếu sót của mình với Chúa với Giáo Hội, Giáo xứ và anh chị em xung quanh.

Huệ Minh

Exit mobile version