Điều thứ nhất cần ghi nhận là các tác phẩm Tân ước không để lại một dấu vết gì về dung nhan tướng mạo của đức Giêsu. Thiết tưởng chuyện này không có gì khó hiểu, bởi vì trọng tâm của các sách Tân ước không nhằm kể lại cho chúng ta tiểu sử của Đức Giêsu theo thể văn ký sự, cho bằng tuyên xưng sự nghiệp mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi Người, nghĩa là: Thiên Chúa đã trao ban Con Một của Ngài để cứu chuộc chúng ta, để cho chúng ta được trở nên con cái của Chúa.
Một điểm thứ hai không kém phần quan trọng mà chúng ta không nên quên là trong Cựu ước, có luật cấm tạc tượng hay hình ảnh, có lẽ vì sợ rơi vào tục thờ ngẫu tượng.
Các nhà sử học đã trưng ra hai lý do đó để giải thích vì sao các thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo không để lại một bức chân dung nào của Đức Giêsu hết, nhất là nơi những cộng đoàn Kitô hữu gốc Do thái. Tuy nhiên, vì sống chung đụng giữa các tôn giáo và các nền văn hóa khác, với nhu cầu cần phải có một dấu hiệu làm căn cước của tôn giáo, người ta đã thấy xuất hiện vài biểu tượng hình dung đức Kitô. Nói cách khác, trong những thế kỷ đầu tiên, các tín hữu không vẽ chân dung của đức Giêsu nhưng chỉ phác hoạ vài biểu tượng (dấu hiệu) về Người mà thôi.
Những biểu tượng nào vậy?
Trong các hang toại đạo tại Rôma, hoặc trên các bia mộ, người ta thấy nhiều hình vẽ người mục tử. Một bức hoạ như vậy (cuối thế kỷ III) được in lại trên bìa Sách Giáo lý Hội thánh công giáo. Hình ảnh người mục tử nhân lành dựa trên các đoạn Phúc âm (Ga 10,11-16, hoặc Mt 18,12-14). Đức Giêsu là người mục tử được Thiên Chúa sai đến để tìm những chiên lạc, mang về đoàn chiên. Hình ảnh này nói lên vai trò cứu độ của Đức Giêsu: Người dẫn nhân loại lạc lối về nhà Cha, mang lại cho con người ơn tha thứ tội lỗi. Người mục tử được vẽ như một thanh niên trẻ (không có râu). Nên biết là cuối thế kỷ III, đề tài mục tử (và cứu độ) không những chỉ dựa trên Kinh thánh nhưng mà còn bị pha trộn với vài huyền thoại của các tôn giáo. Vì thế đôi khi người mục tử được trình bày trong tư thế giao tranh với ác thần hay thú dữ nữa.
Một biểu tượng thứ hai thường gặp thấy trong các ngôi mộ và các hang toại đạo là ngư phủ (nghĩa là người đánh cá). Đây cũng là một chủ đề nói lên vai trò cứu độ của Người. Chúa Giêsu đã cứu vớt chúng ta ra khỏi vực thẳm của sự chết. Tuy nhiên, biểu tượng về ngư phủ không được phổ biến rộng rãi, và hầu như biến mất sau thế kỷ IV. Mặt khác, một biểu tượng có liên hệ với ngư phủ thì lại tồn tại lâu dài, đó là biểu tượng con cá.
Con cá có ý nghĩa gì?
Các sử gia đưa ra hai ý nghĩa chính. Thứ nhất, con cá tượng trưng cho chính Chúa Giêsu đã hiến mình làm lương thực nuôi dưỡng chúng ta. Ý tưởng này được giải thích trong khung cảnh bí tích Thánh thể, và dựa trên trình thuật Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ, mời họ đến dự bữa tiệc cá mà Người đã dọn, được kể lại ở chương 21 Tin mừng thánh Gioan. Ý nghĩa thứ hai sâu sắc hơn, được coi như một mật hiệu. Trong tiếng Hy-lạp, con cá là ikhthus. Các mẫu tự của danh từ đó được tán giải như là viết tắt của các từ “Giêsu Kitô Con Thiên Chúa, Đấng cứu tinh”.
Sau cùng, một biểu tượng khác (được gặp thấy nơi vài ngôi mộ của các triết gia vào thế kỷ III) hình dung đức Giêsu như một vị thầy đang giảng dạy. Người quả thật là thầy dạy chúng ta đường đi đến sự sống.
Thế kỷ IV đánh dấu một khúc quặt trong lịch sử Kitô giáo. Như chị đã biết, hoàng đế Constantinô không những cho phép các Kitô hữu được tự do hành đạo, mà ông còn yểm trợ cho họ xây dựng các thánh đường nguy nga tại Rôma và Giêrusalem. Điều này có ảnh hưởng khá lớn đối với nghệ thuật Kitô giáo. Họ có thể phát biểu lòng tin không những tại tư gia hay trên các bia mộ, nhưng cách công khai trong các thánh đường. Các biểu tượng được phát triển thành những bức hoạ nhiều màu sắc rực rỡ. Và dĩ nhiên là không thiếu chủ đề mới.
Cha có thể cho vài thí dụ được không?
Thực ra các chủ đề đều dựa theo Tân ước, những được áp dụng vào một bối cảnh văn hóa mới. Thí dụ như chủ đề Chúa Giêsu là Vua, nghĩa là với dung nhan của Hoàng đế. Phần nào chủ đề này đã có trong Kinh thánh, đặc biệt là trong sách Khải huyền. Đức Giêsu đã thiết lập vương quyền của Thiên Chúa, khi đánh đổ vương quyền của ma quỷ, tội lỗi, sự chết. Thế nhưng vào thế kỷ IV, Đức Giêsu được vẽ với dung nhan của vị Vua khi mà Đế quốc Rôma nhìn nhận Kitô giáo là Quốc giáo: Đức Kitô thực sự đã nắm vương quyền trên trời dưới đất: Ngài đội vương miện, nắm vương trượng, và một chi tiết không nhỏ, Ngài mang râu giống như các vua chúa đương thời.
Tuy nhiên, ngoài bối cảnh chính trị đó, chúng ta không nên quên bối cảnh tín ngưỡng. Công đồng Nixêa năm 325 đã tuyên xưng Đức Giêsu đồng bản thể với Chúa Cha (chống lại ông Ariô). Đức Kitô không phải chỉ nắm giữ vương quyền như một hoàng đế nhưng Ngài là Chúa tể vạn vật giống như Chúa Cha. Đó là lý do của những bức hoạ mô tả vẻ uy nghi của Ngài.
Ngoài chủ đề tương đối mới lạ đó, các hoạ sĩ không bỏ quên các chủ đề cổ điển, tuy cập nhật chúng, chẳng hạn như mục tử. Chúa Giêsu không còn là một mục tử trẻ tuổi đơn độc vác một con chiên trên vai, nhưng Ngài dẫn đầu một đoàn chiên đông đảo. Chúa Giêsu không còn là một triết gia truyền dạy đạo lý, nhưng là một giáo chủ ban truyền luật Chúa với bài giảng trên núi, có các môn đệ quây quần lắng nghe.
Dù sao, người ta nhận thấy là từ thế kỷ VI trong các bức hoạ vẽ Chúa Giêsu, có hai khuynh hướng chính: bên Đông phương, các icôn vẽ Đức Giêsu có râu; bên Tây phương, thì Đức Giêsu được vẽ khi có râu khi không có râu. Chị cũng đừng nên quên rằng ngày nay các linh mục bên Đông phương đều phải để râu cho giống Chúa Giêsu. Nhưng sang thời Trung cổ, thì hầu như tất cả các bức hoạ bên Đông cũng như bên Tây đều vẽ Chúa Giêsu có râu. Ngoài ra, thiết tưởng không nên bỏ qua một chi tiết khác đã trở thành đề tài thuyết giảng của vài giáo phụ liên quan tới ngoại hình của Chúa Giêsu.
Có phải là câu hỏi liên quan tới sắc đẹp của Ngài không?
Đúng thế. Tuy nhiên, tiếc rằng câu trả lời không đồng nhất, bởi vì có hai ý kiến hoàn toàn trái ngược nhau.
1/ Một ý kiến cho rằng dung nhan của Người xấu xí. Tư tưởng này dựa trên đoạn văn của Isaia (53,2) nói về người đầy tớ đau khổ: “Chúng tôi thấy Người chẳng đẹp đẽ xinh xắn gì”. Ông Giustinô, Clêmentê Alêxanđria, Tertullianô (tất cả sống vào thế kỷ III-IV) không những áp dụng đoạn văn này vào hồi tử nạn của Đức Giêsu, sau khi bị đánh đập tra tấn, nhưng còn mở rộng đến toàn thể cuộc đời của Người.
2/ Ý kiến đối nghịch lại dựa trên đoạn thánh vịnh 44,3: “Người tuyệt mỹ trong hết các con cái loài người”. Ta gặp thấy chủ trương này nơi các giáo phụ Hiêrônymô, Basiliô, Ephrem. Theo họ, Đức Giêsu là phản ánh của vinh quang Thiên Chúa; ánh sáng của thiên tính không những chỉ chiếu rạng trên khuôn mặt của Người vào lúc hiển dung trên núi nhưng còn kéo dài ra suốt cuộc đời của Người. Ngoài lý do thần học đó, nhận xét tâm lý thường gắn liền khuôn mặt với tính tình tư cách: người hiền đức thì lộ đức độ ra khuôn mặt nữa. (Corpus est gloriosum ex totali subiectione eius ad animam, cuius redundat in ipsum: S.T I-II,4,5 ad 4m; q.54, 2 c).
3/ Thiết tưởng để cho công minh, cần thêm một ý kiến thứ ba của ông Origène, theo đó Chúa Giêsu xấu hay đẹp là tùy cái nhìn của chúng ta. Ai nhìn Người với con mắt phàm trần thì chỉ nhìn thấy bộ mặt thiểu não tan nát của một tên tử tội. Còn ai đã được thanh luyện bởi đức tin, thì sẽ chiêm ngưỡng dung nhan rực rỡ của Đức Kitô phản ánh vinh quang Thiên Chúa.
Có hy vọng gì tìm được dung nhan đích thức của Đức Giêsu không?
Trong lịch sử Kitô giáo, không thiếu người đã chủ trương rằng có thể tìm được dung nhan của Đức Giêsu tuy dù chính Tân ước không nói đến. Chẳng hạn bên Đông phương, có những bức icôn của Chúa Giêsu được coi như từ trời ban xuống, gọi là icone “akhêrôpita” (không do bàn tay loài người vẽ ra). Bên Tây phương cũng có lưu truyền về dung nhan của Chúa Giêsu được in trên tấm khăn lau mặt của bà Vêrônica (mà theo vài sử gia, Veronica có nghĩa là vera icona). Gần đây, người ta muốn dùng kỹ thuật khoa học để tìm dung nhan Chúa Giêsu dựa theo vết tích còn để lại trên tấm khăn liệm được lưu trữ tại Tôrinô. Thiết tưởng, nói theo ngôn ngữ của ông Origène, đó là những cố gắng đi tìm dung nhan “vật lý” của Đức Giêsu. Còn một phương thức khác cam go hơn, phải có nhân đức cao mới thực hiện được, đó là cố gắng tìm dung nhan Chúa Giêsu trên các khuôn mặt của các người anh chị em đồng loại, nhất là trên khuôn mặt của những người nghèo khổ, những người bị xã hội hất hủi, như Mẹ Têrêsa Calcutta đã nói. Ngoài ra, mỗi người Kitô hữu cũng phải cố gắng làm sao để cho Chúa Giêsu phát lộ ra trên khuôn mặt và cuộc sống của mình. Chứng tá là như thế đó.
Lm. Giuse Phan Tấn Thành