“Đừng làm tù nhân của quá khứ” *

Cô giáo mĩm cười hài lòng . Bất chợt ánh mắt cô dừng lại ở một cậu học trò ngồi phía cuối lớp. Trái với vẻ sôi nổi của cả lớp, cậu ta chỉ ngồi im lặng . Cánh tay cậu ngập ngừng nửa muốn đưa lên như muốn nói , nửa ngại ngùng muốn thôi. Cô giáo đến bên cậu học trò ấy và hỏi : “ Con muốn hỏi gì ? Con thắc mắc vì sao một nửa của 8 là 4 phải không ?”.

Vẻ bối rối hiện rõ trên gương mặt của cậu. Cậu đáp nhỏ: “ Con không hiểu . Làm sao một nửa của 8 lại là 4 ạ ?”. Có vài tiếng cười khúc khích nhưng cô giáo ra hiệu im lặng và nhẹ nhàng khuyến khích cậu bé : “ Thế câu trả lời của con là gì nào ? Con cho cô và cả lớp biết được không ?”.

Cậu bé đứng dậy, đi về phía bục giảng. Cậu viết một con số 8 thật lớn trên bảng. Sau đó , cậu lấy tay che bớt phần vòng tròn phía trên của số 8 rồi bước sang bên cạnh để cả lớp đều nhìn thấy. Cậu nói nhỏ : “ Một nửa của 8 là 0”. Rồi cậu dùng xoè bàn tay che một nửa bên trái của số 8 , giải thích: “ Và bây giờ, một nửa của 8 là 3”.

Cả lớp im lặng. Đây rõ ràng là một đáp án tuy không đúng với ý câu hỏi nhưng lại hoàn toàn có lý. Cậu bé đứng yên hồi hộp chờ đợi sự phán quyết của cô giáo. Cô giáo cười thật tươi và nói với giọng thán phục: “ Hôm nay em đã giúp cô và cả lớp khám phá một câu trả lời thật tuyệt vời. Nhưng bây giờ để cô chỉ cho con thấy một điều khác nữa nhé”.

Cô đưa lên 8 ngón tay ở 2 bàn tay , sau đó giấu đi một bàn tay và nói : “ Nếu cô giấu đi một bàn tay , tức là lấy đi một nửa của 8 , thì cô còn lại bao nhiêu ?”. Cậu học trò chợt mĩm cười, khuôn mặt bừng sáng: “ Thưa cô, còn lại 4. Con hiểu rồi, một nửa của 8 cũng là 4 ạ”. ( Trích Hạt Giống Tâm Hồn )

Vâng ! Nếu chúng ta mở lòng và chấp nhận những đáp án khác nhau của cuộc đời, thì chúng ta sẽ nhận thấy cuộc sống sẽ trở nên phong phú và đáng yêu biết bao. Đôi khi cuộc sống trở nên bế tắc cũng chỉ vì chúng ta cứ mãi khư khư ôm lấy những lập trường, những quan điểm mà chúng ta cho là đúng. Hãy nhìn cuộc đời với nhiều lối thoát, cách giải quyết khác nhau và đó cũng là cách để đem lại niềm lạc quan trong cuộc sống của mình. Vì đôi khi, chính những định kiến của chúng ta là những áng mây mù che lấp, khiến chúng ta không còn nhìn thấy ánh sáng mở ra trong các phương cách giải quyết những vấn đề của cuộc sống.

Với tha nhân cũng thế, đôi khi chúng ta cũng đóng khung tính cách, con người của họ trong những nhận định và đánh giá rất chủ quan của mình. Đáp án cuộc đời của một con người không giống như một bài toán. Trong một bài toán, kết quả sai của lời giải thứ nhất là nguyên nhân cho những kết quả sai tiếp theo của cả bài toán. Nhưng với đáp án cuộc đời của một con người thì không phải thế. Chúng ta không thể phủ nhận đáp án sau cùng trong cuộc đời của người anh em, chỉ vì họ đã mắc sự sai lầm trong một giai đoạn nhất định nào đó trong cuộc đời của họ.

Trong thư ngỏ gởi người Việt Nam và các bạn Mỹ của bà Tôn Nữ Thị Ninh vào ngày 06-06 vừa qua, bà Ninh đã bày tỏ thái độ không đồng tình với việc ông Bob Kerrey giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Tín Thác (Board of Trustees – BOT) Đại học Fulbright Việt Nam (FUV). Theo quan điểm của bà Ninh thì ông Bob Kerrey là một “biểu tượng của quá khứ đen tối”, là người có một “quá khứ nặng nề đối với nhân dân Việt Nam”, bởi lẽônglà người đã trực tiếp tham gia vào cuộc thảm sát thường dân vô tội, phụ nữ, trẻ em, người già tại thôn Thạnh Phong vào tháng 2/1969. Trong bài phỏng vấn với chương trình “60 Minutes II” của CBS, Kerrey nhận trách nhiệm về toàn bộ vụ việc dù nói rằng không trực tiếp giết người nào **

Lỗi lầm đã gây ra thì không thể thay đổi vì chẳng ai có thể “ đi lại từ đầu ” , nhưng hiện tạiông Bob Kerrey đã xin lỗi và “cố gắng giúp người Việt mỗi khi có thể” với một hành động cụ thể là mạnh dạn đến Việt Nam để đối diện và làm việc. Và dĩ nhiên muốn được người dân Việt ghi nhận thiện chí sửa đổi, ông sẽ phải cố gắng rất nhiều. Điều này cũng cho thấy ông ấy đang quyết tâm mang lại những lợi ích thiết thực và cụ thể cho nhân dân hai nước, để chuộc lại lỗi lầm trong quá khứ. Thiết nghĩ việc ông Bob Kerrey giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Tín Thác Đại học Fulbright Việt Nam là việc làm của người đang cố gắng làm một điều gì đó để xóa bớt hận thù, hay cắm thêm dao vào vết thương chiến tranh của dân tộc Việt Nam, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào chúng ta nhận hay không nhận những đáp án khác nhau trong cuộc đời của một con người .

Người xưa có câu “ sông có khúc, người có lúc”, vì thế, sẽ là rất sai lầm nếu chúng ta áp đặt những cái nhìn đầy những định kiến xấu của bản thân vào một ai đó, chỉ vì ta biết họ từng có một quá khứ lầm lỗi, cho dù hiện tại họ đã có nhiều cố gắng, nhiều sửa đổi. Cậu bé đã nhìn thấy nhiều đáp án khác nhau về một nửa của con số 8. Hãy tin “ rằng trái tim có thể thay đổi, khi ta từ chối làm tù nhân của quá khứ” *. Hãy mở lòng với cái nhìn đơn sơ như thế thì nhiều mảnh đời, nhiều phận người sẽ đổi khác nhờ chúng ta biết đón nhận những đáp án khác nhau trong cuộc đời của họ.

Lạy Chúa, mặc dù suốt đời là một tên trộm cướp, nhưng khi tên trộm lành nhận ra tội lỗi của mình cất tiếng cầu xin :“ Lạy Ngài, khi nào Ngài về Nước Trời, xin nhớ đến tôi” . Lập tức , Chúa đã nhận ngay đáp án tốt đẹp cuối cùng của cuộc đời anh ta và ban ơn tha thứ : “ Ngay hôm nay ngươi sẽ ở trên Thiên Đàng với ta”. Ngài công nhận anh vẫn tốt đẹp như giá trị ban đầu vốn có của mình. Xin cho chúng con biết cởi mở tấm lòng của mình để chấp nhận những đáp án khác nhau trong đời sống của những anh em, như chính Ngài cũng đang yêu thương và chấp nhận những đáp án trong cuộc đời của mỗi người trong chúng con . Amen.

Đào Nam Phương

**http://news.zing.vn/lanh-dao-dh-fulbright-xin-loi-viec-gay-ra-trong-chien-tranh-post653446.html

* Phát biểu của Tổng thống Obama trong chuyến thăm Việt Nam.

Exit mobile version