Đáp: Cho đến nay, Giáo Hội hoàn vũ chưa có tuyên bố chính thức nào về việc sử dụng các máy tính bảng điện tử trong phụng vụ. Ít nhất một Đức Hồng Y, khi cử hành thánh lễ trong nhà thờ chính tòa của ngài, đã công khai sử dụng một máy tính bảng thay cho sách lễ, nhưng điều này không tạo ra sự phê chuẩn chính thức. Ngược lại, một tuyên bố gần đây của Hội đồng Giám mục New Zealand nói rằng máy tính bảng không được sử dụng cho Thánh Lễ và các nghi lễ công khai khác.
Do đó những gì tôi nói không có chỗ đứng chính thức nào. Tôi tự giới hạn vào điều tôi xem có liên quan đến các nguyên tắc phụng vụ mà thôi.
Mặc dù tôi sử dụng một máy tính, tôi thừa nhận rằng tôi không ái mộ công nghệ và tự quản lý để tồn tại, mà không bị ràng buộc bởi điện thoại di động hay máy tính bảng.
Liên quan đến việc sử dụng điện thoại hoặc máy tính bảng, tôi không thấy bất kỳ khó khăn lớn nào cho linh mục hay bất cứ ai khác, trong việc sử dụng các thiết bị này để đọc Các Giờ Kinh Phụng Vụ, nhất là khi đi đường xa hoặc du lịch.
Đối với việc sử dụng một máy tính bảng để thay thế cho sách lễ, sách bài đọc và sách Tin Mừng trong Thánh Lễ, tôi sẽ do dự nhiều hơn.
Một mặt, người ta có thể lập luận rằng các sách phụng vụ, giống như bất kỳ cuốn sách nào khác, là một phương tiện lưu giữ và truyền tải thông tin. Trong ý nghĩa này, máy tính bảng thực hiện tốt chức năng tương tự như các trang sách in, nhưng với một số lợi thế gia tăng khác. Ví dụ, máy tính bảng có thể chứa tất cả các sách nghi lễ vào một chỗ, và nó cho phép chủ tế có thể chuyển đổi bản văn từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác khi cần thiết, và điều chỉnh kích cỡ chữ để đọc cách thoải mái nhất.
Mặt khác, có một nguyên tắc, vốn trong khi không cần thiết cho phụng vụ, là nên cân nhắc cẩn thận trước khi sử dụng các công cụ như vậy.
Giáo Hội có truyền thống dành riêng các vật dụng được sử dụng trong phụng vụ cho các chức năng thiêng liêng mà thôi. Do đó, các vật dụng này thường được làm phép, để tách rời chúng ra khỏi tất cả các sự sử dụng khác. Người ta không được dùng chén thánh cho mục đích gia dụng; linh mục cũng không được lái xe xung quanh thị trấn trong bộ áo lễ. Lý do cho điều này là không phải sự phi thực tế của hành động, nhưng bởi vì các vật dụng thánh thiêng được dành riêng cho một thời gian, một địa điểm và một chức năng đặc biệt.
Tương tự như vậy, các cuốn sách được sử dụng trong việc cử hành phụng vụ thường được làm phép và chỉ dành cho việc sử dụng linh thiêng. Chúng cũng được in và bị ràng buộc trong một định dạng, vốn nhấn mạnh mục đích thánh thiêng của chúng.
Tuy nhiên, máy tính bảng, do bản chất của nó, có khả năng đa dụng. Có một cái gì đó phi lý trong việc sử dụng một máy tính bảng như là một sách lễ hoặc sách bài đọc, và ngay sau đó nó được sử dụng nó để trả lời điện thư, lướt web, hoặc tải về máy một bộ phim.
Sách Tin Mừng là một trường hợp, mà trong đó tôi tin rằng các qui tắc hiện hành áp dụng cho vấn đề của chúng ta. “Qui chế Tổng Quát của Sách Lễ Rôma”, số 120D, xác định rằng chỉ có sách Tin Mừng, chứ không phải sách bài đọc, có thể được rước đi trong cuộc rước đầu lễ, đặt trên bàn thờ. Sự phân biệt này chắc chắn có nhắm tới máy tính bảng đa dụng, do đó tôi nghĩ chúng ta có thể nói rằng các qui tắc ấy đã loại trừ việc rước máy tính bảng, đặt nó trên bàn thờ, và xông hương cho nó.
Có thể suy đoán rằng sau này ai đó có thể phát triển một máy tính bảng để sử dụng độc quyền cho phụng vụ, với một thiết kế thích hợp và không có các chương trình khác được cài đặt kèm theo. Lúc ấy, điều đó có thể làm thay đổi cuộc tranh luận về vấn đề này.
Cho đến khi thời gian ấy xảy ra, tôi nghĩ rằng tốt nhất chúng ta nên tránh sử dụng các công cụ này, để duy trì sự nổi biệt thiêng liêng của phụng vụ khỏi sự buồn tẻ của các hoạt động thông thường.
Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như khi một linh mục đi du lịch, tự tìm thấy mình bị bắt buộc và không có sách lễ nào để sử dụng, tôi tin rằng linh mục ấy có thể sử dụng một máy tính bảng để cử hành Thánh Lễ. (Zenit.org 12-6-2012)
Sử dụng iPad như thế nào trong phụng vụ?
Nhiều độc giả viết thư góp ý thêm về bài của tôi ngày 12-6 về việc dùng iPad như một Sách lễ hoặc Sách bài đọc. Thực tế, tất cả đều đồng ý với lập luận rằng truyền thống gìn giữ các đồ vật thánh cho việc phụng vụ mà thôi có thể loại trừ các công cụ như là iPad trong cung thánh. Một độc giả nhận xét: “Tất cả là vì sự thánh thiện, hoặc bây giờ, là thiếu sự thánh thiện. Vì lý do tốt lành, Giáo Hội đã trao cho chúng ta các công cụ thích hợp (trong trường hợp này, là Sách lễ, Sách bài đọc) để sử dụng, và thật buồn để nói rằng có những người muốn làm theo ý riêng họ, bất kể là gì”.
Một số độc giả hỏi về việc sử dụng các công cụ này (chẳng hạn iPad) trong các lĩnh vực khác của phụng vụ. Một ca trưởng ở Mỹ nhận xét: “Con muốn nói với cha rằng con có cả một thư viện âm nhạc trong iPad, và con chỉ sử dụng nó độc quyền trong việc cử hành Thánh Lễ, như là một phần của thừa tác âm nhạc. Ngoài ra con không sử dụng iPad này vào việc gì khác. Tuy nhiên, nếu ai đó nói với con rằng nó có thể được linh mục dùng thay sách lễ, con thực sự phải suy nghĩ về điều đó. Nếu nó là một sự lựa chọn duy nhất, Thiên Chúa chắc là muốn Lời Ngài được tuyên bố như thế”.
Tôi thấy không có trở ngại nào trong việc các nhạc sĩ và những người khác sử dụng các thiết bị này, chẳng hạn iPad, thay vì phải dùng nhiều sách, tập nhạc và các bản sao.
Mặc dù độc giả trên không nói rõ về điểm này, cần nhắc lại rằng trong khi chức năng phát lại (playback) của các thiết bị này có thể được sử dụng để giúp học các bài thánh ca mới trong khi tập hát, từ lâu Giáo Hội đã cấm sử dụng bất kỳ hình thức âm nhạc nào được thu sẵn trong phụng vụ, và việc cấm này không cho phép sử dụng âm nhạc như thế trong thánh lễ.
Cuối cùng, một độc giả ở bang California, Mỹ, đưa ra vài nhận xét thú vị: “Mặc dù iPad và các phương tiện truyền thông điện tử khác đang ngày càng trở nên đáng tin cậy hơn và thân thiện với người sử dụng, khả năng xảy ra sự cố hoặc lỗi của người sử dụng thiết bị là có thực (tôi nghĩ về các vấn đề micro hú tại một số giáo xứ). Mặc dù các trường hợp này là các vấn đề có thể giải quyết được (pin không được sạc, nhấn sai phím điều khiển, giảm âm lượng), các vấn đề đòi hỏi sự chú ý và một sự đáp trả am hiểu và lanh lẹ. Tôi nghĩ rằng việc sử dụng các phương tiện truyền thông điện tử trong phụng vụ công cộng sẽ có một sự xao lãng và rối trí, có lẽ là một sự xao lãng không phù hợp. Các ca trưởng sử dụng công nghệ chủ yếu là không có vấn đề, nhưng họ không cừ hành Thánh Lễ. Tôi là người mắt kém, nên may mắn sử dụng một iPad khi đi xa. Việc sử dụng một iPad sẽ giúp việc hát các bài thánh ca chưa quen thuộc, nhưng tôi cử hành Thánh lễ thuộc lòng. Tôi đọc trước các bài đọc ở nhà trước Thánh Lễ, trên màn hình máy tính chữ lớn. Do đó, khi tôi nghe các bài đọc trong Thánh Lễ, tôi có thể hiểu hoàn toàn. Xin lỗi cha vì tôi viết dài dóng, nhưng tôi muốn cha biết tôi đánh giá cao công nghệ biết bao trong việc phụng tự của tôi, nhưng tôi thấy nó có thể gây xao lãng”.
Tôi cũng nghĩ vậy. Một linh mục mắt kém có thể sử dụng các thiết bị ấy để cử hành Thánh lễ, mặc dầu giáo luật có các giải pháp khác có sẵn (chẳng hạn như cho phép linh mục học thuộc lòng nghi thức một Thánh lễ, và cử hành Thánh lễ mỗi ngày với nghi thức ấy).
Một sự cho phép tổng quát về việc sử dụng thiết bị điện tử (chẳng hạn iPad) trong mọi trường hợp như vậy phải được cân nhắc cẩn thận. Như câu ngạn ngữ pháp lý nói “Trường hợp khó làm luật thành xấu”, luật phụng vụ có nhiều sự cho phép trong các trường hợp đặc biệt, vốn được dần dần mở rộng vào sự áp dụng rộng rãi, hoặc thậm chí sự lạm dụng nữa.
(Nguyễn Trọng Đa, Zenit.org 26-6-2012)