Từ trưa hôm nay cho đến hết ngày mai, nhờ ơn rộng Hội Thánh ban, được viếng nhà thờ lĩnh ân xá. Để được ơn đại xá, mỗi tín hữu phải xưng tội, rước lễ, viếng nhà thờ, đọc 1 kinh Lạy Cha, 1 kinh Tin Kính và cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng (Enchiridion Indulgentiarum năm 1999, concessio 33).
Lv 25,1.8-17; Mt 14,1-12.
Thánh Gioan được coi là vị ngôn sứ cao cả nhất trong dân Israen, một Vị ngôn sứ “giao thời” giữa Cựu ước và Tân ước. Gioan Tẩy giả đã có một sức thu hút và sự uy tín rất lớn trong dân chúng mà chưa có vị ngôn sứ nào làm được công việc ấy như Ngài. Dung mạo của Gioan Tẩy giả đã thể hiện dung mạo của Chúa Giêsu một cách rất sống động và rất thực, thực đến nỗi khi Chúa Giêsu xuất hiện, vua Hêrôđê tưởng Ngài là hiện thân của Gioan Tẩy giả sống lại.
Ta thấy khởi đầu trình thuật Tin Mừng này, vua Hêrôđê nghe danh tiếng Chúa Giêsu, thì ông cho đó chính là Gioan Tẩy giả, người mà ông đã cho chém đầu nay sống lại. Ơn gọi của Gioan Tẩy giả như chính miệng ông Zacaria loan báo trong ngày lễ đặt tên cho con mình: “Con là tiên tri của Ðấng tối cao, con sẽ đi trước dọn đường cho Ngài”. Ơn gọi đó Gioan đã chu toàn một cách tốt đẹp. Gioan chuẩn bị cho Chúa Giêsu đến, không những bằng việc rao giảng thống hối, mà còn bằng chính cái chết vì trung thành với sự thật. Dung mạo của Gioan Tẩy giả loan báo dung mạo của Chúa Giêsu một cách tốt đẹp, đến nỗi khi Chúa Giêsu xuất hiện, vua Hêrôđê tưởng Ngài là hiện thân của Gioan Tẩy giả sống lại.
Chuyện ngoại tình của Hêrôđê bị Gioan Tẩy giả kết án là có thể hiểu được. “Ngài không được phép lấy bà ấy” (c. 4). Lấy vợ của người anh em là phạm đến Luật Chúa (Lv 18, 16; 20, 21). Gioan là một ngôn sứ không lùi bước trước sự bất công. Ông đã sẵn sàng bênh vực sự thật, dù ông biết cái giá phải trả. Hêrôđê đã dùng quyền lực để ép Gioan phải im miệng. Ông bắt Gioan, xiềng lại và tống vào ngục. Chỉ vì sợ phản ứng của dân chúng mà Hêrôđê chưa muốn giết Gioan.
Vua Hê-rô-đê bắt trói và tống ngục Gioan chỉ vì ngài đã trách móc và ngăn cản vị vua này về mối quan hệ bất chính của ông với vợ của anh mình. Lời chỉ trích thẳng thắn về hạnh kiểm của Gioan đối với nhân vật đứng đầu trong một miền của đất nước khác nào cuộc chiến đấu đầy can đảm của các ngôn sứ xưa kia. Chỉ vì Gioan được dân chúng hâm mộ và xem ngài như là một ngôn sứ, nên Hê-rô-đê không dám ra tay sát hại. Phần bà Hê-rô-đi-a để tâm hận ghét và chờ đợi có ngày trả thù.
Ngày ấy đã đến. Cơ hội trong tầm tay khi nhà vua yêu thích điệu vũ của một cô gái nhảy – con gái bà Hê-rô-đi-a. Vì hứng khởi quá đà, vua đã thề sẵn sàng ban cho cô gái bất cứ điều gì cô xin, dù một nửa vương quốc ông đang cai trị. Thỉnh ý mẹ, cô gái đã xin cái đầu của người công chính, một người dám nói sự thật. Nhà vua đã chiều theo sự dữ khi thực hiện đòi hỏi của cô gái. Như thế, chỉ vì một lời thề nông nổi, chỉ vì muốn giữ thể diện cho lời nói của mình, chỉ một điệu vũ của cô gái nhảy mà máu người công chính đã đổ ra. Có người cho rằng: đây chỉ là cái chết lãng xẹt, nhưng thật ra đó là một lời chứng hùng hồn nhất – lời sự thật – nhân chứng đã lấy chính mạng sống và cái chết để bảo vệ sự thật. Đó là cuộc đời của một ngôn sứ chính danh đã đương đầu với sự dữ, dám chiến đấu với quyền lực ác thần để gióng lên tiếng nói chân lý đang bị vùi dập, quên lãng.
Ngày nay cũng không ít chứng nhân cho Tin Mừng Đức Ki-tô. Nhưng những nhân chứng dám sống
Ta thấy các môn đệ Gioan Tẩy giả, sau khi chôn cất ông xong, thì đến báo tin cho Chúa Giêsu. Chi tiết này nói lên mối liên hệ thân tình giữa Gioan Tẩy giả và Chúa Giêsu, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Gioan Tẩy giả là hướng về Chúa Giêsu. Gioan Tẩy giả không phải là Chúa Giêsu, nhưng là người giúp anh em mình đến với Chúa. Chính Gioan Tẩy giả đã tuyên bố: “Tôi không phải là ánh sáng, nhưng tôi đến để làm chứng cho ánh sáng”.
Thánh Gioan Tẩy Giả từ một con người đầy danh tiếng uy tín đã để cho con người mình từ từ nhỏ lại, mất hút trong kiếp tù đầy, trong cái chết đau thương. Một cái chết quá ê chề, thất bại và kinh hoàng bởi cái chết mua vui cho những kẻ có quyền lực. Cái chết của Gioan xem ra là sự thất bại trước quyền lực của Hêrôđê, một sự thất bại nhục nhã bởi một âm mưu nhỏ nhoi đê hèn của một mụ đàn bà. Trước mắt con người, đó là thực là một sự thất bại! và có thể nói là một sự chọn lựa “ngu xuẩn”…nhưng thực ra, trong cái nhìn của đức tin, đó là sự thành công, vì Gioan đã dùng cái chết của mình để loan báo về cái chết của Chúa Giêsu Kitô, một cái chết đem lại ơn cứu chuộc cho nhân loại.
Qua cái chết, Gioan chứng thực ông là vị tiền hô của Chúa Giêsu, vì đã chia sẻ với Chúa vai trò và sứ mạng của người tôi tớ đau khổ của Giavê. Vì thế, Đức Giêsu khi nói về Gioan, Ngài đã đề cao Gioan vượt lên trên tất cả, đến nỗi: “Trong các con cái do người nữ sinh ra, chưa từng một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy giả” (Lc 7, 28). Cái chết của vị ngôn sứ vĩ đại nhất Gioan Tẩy giả cũng đồng số phận với những ngôn sứ khác trong Cựu ước là bị bách hại bởi dám đối diện với sự thật, dám đối đầu với những thế lực bóng tối và dù có chết cũng không sợ dám làm chứng cho sự thật và chân lý.
Người Kitô hữu được mời gọi sống hướng về Chúa, kết hợp với Chúa, trở thành một Chúa Kitô thứ hai cho anh em. Nhưng đó là để giúp anh em đến với Chúa, chứ không dừng lại nơi mình. Người Kitô hữu không được chiếm chỗ của Chúa trong tâm hồn anh em: Chúa Kitô phải lớn lên trong tâm hồn anh em, còn tôi chỉ là phương thế, tôi không được cản trở anh em đến với Chúa.
“Các con sẽ làm chứng về Thầy”, đó là mệnh lệnh của Chúa Giêsu cho các Tông đồ, cho mỗi môn đệ của Chúa. Chúng ta cần trở nên một Chúa Kitô cho anh em mình, vận mệnh của Chúa sẽ là vận mệnh của chúng ta.