Đừng câu nệ luật!

Chúa Giêsu luôn dành ưu ái cho những người nghèo khổ, những kẻ bé mọn, những người bị xã hội đẩy ra bên lề. Chuyện tôn trọng và yêu thương những người anh chị em khuyết tật là chủ đích mà Tin Mừng hôm nay có thể gợi lên cho chúng ta để cùng đào sâu và sống.

Trang Tin Mừng hôm nay thuật lại, để chữa bệnh cho một người phụ nữ bị còng lưng, Chúa Giêsu đã vượt qua một trong những thứ rào cản gai góc nhất đối với người Do Thái là những cấm kỵ của ngày hưu lễ. Ðể đến với những người này, Chúa Giêsu sẵn sàng vượt qua mọi thứ rào cản. Nhiều người Do Thái mà ông trưởng hội đường là điển hình nại đến những cấm kỵ của ngày hưu lễ để bắt bẻ Chúa Giêsu, nhưng Ngài đã vạch mặt chỉ tên những kẻ đạo đức giả. Ðạo đức giả là bởi vì họ vẫn lén lút làm việc xấu trong ngày hưu lễ nhưng lại ngăn cản không cho người khác được làm việc thiện trong ngày này.

Với danh phận là người đứng đầu của Hội đường, đáng lẽ ông phải là người đầu tiên cảm thương cho số phận khốn khổ của người chị em mình, vì suốt 18 năm dài lưng chị bị còng không ngẩng đầu lên nổi.

Hơn ai hết ông phải là người vui nhất khi nhìn thấy người chị em mình được cứu chữa. Ấy vậy mà khi chứng kiến người chị em này được Chúa Giêsu chữa lành, ông lại tỏ ra khó chịu. Như”giận cá chém thớt”, ông quay về phía dân chúng trút xuống cơn mưa giận dữ khi tuyên bố: “Có sáu ngày người ta phải làm việc: vậy thì các người hãy đến xin chữa bệnh trong những ngày đó, chứ đừng đến trong ngày Sabat.”.

Ông trưởng hội đường tức tối vì Chúa Giêsu đã chữa bệnh vào ngày Sabát. Ông lên tiếng nói với đám đông rằng : “Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày Sabát !” Chúa đáp : “Những kẻ đạo đức giả kia ! Thế ngày Sabát, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước ? Còn bà này, là con cháu ông Abraham, bị Satan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày Sabát sao ?” (Lc 13, 14-16)

Ông trưởng hội đường tức tối vì Chúa Giêsu đã vi phạm luật Môsê: chữa bệnh trong ngày Sabát. Chúa Giêsu không vi phạm luật Môsê. Chính Chúa đã khẳng định: Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn lề luật (x. Mt 5,17). Chúa kiện toàn bằng cách thổi vào lề luật một tinh thần yêu thương. Thánh Phaolô khẳng định: “yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13,10).

Nói cách khác: cùng đích của lề luật là phải giúp người ta sống trọn tình yêu. Lề luật ra đời vì lợi ích của cộng đồng và để thăng tiến cá nhân. Cộng đồng và cá nhân thăng tiến đúng đắn khi hướng đến cuộc sống đầy yêu thương. Như vậy, bản chất và cùng đích của luật là tình yêu. Luật tồn tại vì tình yêu. Đó là lý do khiến Chúa Giêsu không ngần ngại chữa bệnh trong ngày Sabát. Giữ luật kiêng việc ngày Sabát còn ý nghĩa gì, khi nó cản trở ta làm một việc yêu thương? Tình yêu phải vượt trên lề luật.

Trong xã hội, luật lệ là điều cần thiết để duy trì một trật tự ổn định. Đôi khi luật đem lại sự công bằng cho kẻ yếu thế, nhưng đôi lúc nếu chỉ giữ luật theo nghĩa đen, thì vô tình luật lại đánh mất tinh thần bác ái đối với đồng loại, khi chỉ biết đối xử với nhau theo đúng luật. Với Chúa Giêsu, Lề Luật được làm ra vì và cho con người, chính vì thế mà Ngài đã khẳng định Lề Luật và sách các ngôn sứ đều qui về một mối duy nhất là yêu người. Vì yêu thương con người, Chúa Giêsu đã sẵn sàng vượt qua mọi thứ rào cản để đến với con người.

Ngày nay, Ngài cũng mời gọi chúng ta bước theo Ngài, sẵn sàng vượt qua mọi chướng ngại và đạp rào cản trong cuộc sống để tìm đến với tha nhân, nhất là những kẻ bé mọn, những người bị đẩy ra bên lề cuộc sống do luật pháp và truyền thống của con người dựng lên nhưng cũng có vô số những rào cản do chính chúng ta dựng lên ngay trong tâm hồn và trong ánh mắt của chúng ta. Những rào cản đó là lòng hận thù, sự ích kỷ và nhất là thái độ dửng dưng của chúng ta trước nỗi khổ đau của người khác.

Ngày nay trong chúng ta, vẫn có khối kẻ sống nệ luật như ông Trưởng Hội Đường này. Chúng ta đã dùng luật Chúa và luật Giáo Hội để lên án tố cáo người khác, không đúng nơi, đúng lúc. Một cách không nhân nhượng. Chúng ta dễ dàng thoải mái xét đoán khi không có thẩm quyền ấy và nhiều khi những lời tố cáo đó chỉ theo nhãn quan tình cảm của ta mà thôi. Như người Do Thái xưa đã dùng luật mà lên án Chúa Giêsu, ngày nay chúng ta cũng dùng chính Lời Chúa để kết tội người khác một cách vô tình hay hữu ý.

Trong cuộc sống thường ngày, lắm khi chúng ta cũng như ông trưởng hội đường: giữ luật một cách máy móc. Vì chưa hiểu tinh thần của luật, nên ta dễ dàng vi phạm, hoặc không tùng phục triệt để những quy định chung. Chúa mời gọi ta hãy nhìn lại giá trị đáng quý và đầy yêu thương của lề luật. Hãy xem việc giữ những quy định chung là cơ hội cho ta sống vì tha nhân. Việc uốn mình trong một khuôn phép kỷ luật cũng thể hiện một nhân cách vững vàng, một tâm hồn khiêm hạ, và một nội tâm đầy tự do với điều thiện. Vì “tự do là khả năng làm điều thiện”, mà ta chỉ thực sự tự do khi ta biết “tự trói mình”.

Ta xin Chúa cho ta biết soi mình vào tấm gương Lời Chúa để sửa mình, xin cho ta đừng tố cáo anh em cách vô tội. Nếu phải buộc nói ra vì trách nhiệm, vì bổn phận… xin cho ta biết nói trong tinh thần bác ái, để lời nói của ta bây giờ sẽ không là lời kết án ta trước tòa Chúa sau này.

Huệ Minh

Exit mobile version