Đức tin của tôi

cau nguyeno1 - Đức tin của tôi

Tôi còn nhớ hồi nghỉ hè năm lớp bảy, anh tôi dạy tôi học đàn Gui- ta.Vì tay còn nhỏ xíu, yếu ớt nên tôi gặp khó khăn trong một số hợp âm như bấm E7, C trong hợp âm Am. Nhiều lúc ngồi ôm đàn tự tập, đau tay quá mà cũng không bấm được, tôi bất chợt nhìn lên bàn thờ như tìm một sự trợ giúp. Bỗng tôi sực nghĩ: “Tại sao ba má tôi thờ Ông (Ông Quan Công) mà không thờ một Đấng nào đó cao siêu hơn?”, “Tại sao khi gặp khó khăn người ta hay kêu Trời?”. Người ta còn nói là mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. “Vậy Trời là ai?”. Trong đầu tôi tự nhiên vang lên những câu như thế. Nhưng vì còn nhỏ và lại tiếp tục tập trung vào việc tập đàn nên tôi đã quên đi không chú ý đến nữa. Có ngờ đâu đó chính là nền tảng đức tin của tôi sau này.

Năm học lớp 12, phòng tôi có một nhánh cây Sầu Chiều vươn ngang tầm cửa sổ để lộ những bông hoa màu hồng phấn trông thật dễ thương. Những bông hoa như mỉm cười chào đón tôi mỗi ngày dẫn tôi đến với những suy nghĩ là: “Tại sao có nhiều loại bông hoa với những màu sắc khác nhau, bông hoa nào cũng đẹp cũng dễ thương?”. “Tại sao cây cỏ, hoa quả có thể cho con người chất dinh dưỡng hay các loại vitamin?”. “Phải chăng có một sự sắp đặt cho con người từ trước và ai đã làm nên điều đó?”. Lúc bấy giờ tôi chỉ biết tin vào thượng đế mà tôi chưa được biết. Theo thuyết ĐăcUyn mà tôi được học thì con người được tiến hóa từ loài vượn nhưng tôi nghĩ dù có tiến hóa từ bao nhiêu loài đi nữa thì cũng phải có nguồn gốc ban đầu của nó. Tôi còn nghĩ Trái đất, mặt trăng cùng các hành tinh khác là những vật vô tri, vô giác mà từ bao đời nay nó vẫn chuyển động nhưng không đụng vào nhau. Chúng vẫn quay theo một quy luật nhất định. Ai đã tạo ra quy luật ấy?

Một ngày kia khi đọc: “Truyện kể về các nhà bác học” tôi như tìm được chân lý khi đọc về nhà bác học Newton. Đó là người đã tìm ra được một định luật quan trọng nhất trong vũ trụ: Định luật vạn vật hấp dẫn. Nhưng về cuối đời Newton đã viết; “ Tôi đã tìm ra quy luật của vũ trụ nhưng nguồn gốc của nó thì tôi chỉ biết tin vào Chúa. Nếu xem vũ trụ như một bộ máy đồng hồ thì Chúa đã ban tặng cho nó cái hích ban đầu”. Đến nay vẫn không ai tìm được gì hơn về nguồn gốc của vũ trụ. Trên mộ Newton ngày nay vẫn còn khắc câu: “Bậc thiên tài vượt lên trên tất cả các thiên tài”. Trước đây người giúp việc cho Newton có kể rằng nhiều lúc ông ở trong phòng nghiên cứu suốt mấy ngày liền không ăn, không ngủ mà vẫn khỏe mạnh như thường. Điều này làm tôi nghĩ rằng có lẽ Chúa đã cho chúng ta những bậc thiên tài để tìm ra những điều Ngài đã tạo cho chúng ta vì Chúa muốn chúng ta cộng tác với Ngài.

Trong Phúc âm Thánh Mathêô kể lại việc Chúa Jesu đã làm xưa kia là Chúa có thể hóa phép ra nhiều bánh và cá nhưng Chúa không làm thế mà lại cần đến 5 chiếc bánh, 2 con cá có sẵn. Đó cũng là điều mà Chúa Jesu đã mạc khải cho chúng ta là chúng ta phải biết vận dụng đến khối óc và con tim đặc biệt mà Chúa đã ban cho con người. Tôi tin Thiên Chúa ba ngôi vì khi đã tin Chúa quyền năng thì điều đó trở thành đơn giản và dễ hiểu.Tôi tin Chúa vì quá yêu thương loài người nên đã muốn chính thân mình xuống thế làm người để cứu chuộc con người. Ngài xuống thế không phải ngồi trên ngai dùng quyền năng để đi vào lịch sử nhân loại mà là trong máng cỏ Bê lem và trên thập giá ở Giêrusalem vì Ngài cho rằng cách thế duy nhất để giải phóng nô lệ là nhân danh nô lệ cho người khác. Có lẽ vì thế Ngài đã làm con của bác thợ mộc Juse. Tôi tin Đức mẹ đồng trinh vì Chúa quyền năng. Tôi biết tình yêu của Chúa cao vời hơn cả tình mẹ yêu con mà ta thường thấy trên đời. Liên hệ với câu chuyện sau tôi càng thấy rõ tình yêu đó hơn: Có một em bé ba tuổi chơi bóng ở bên vệ đường. Mẹ em ở gần đó. Trái bóng lăn ra lòng đường và em bé liền chạy theo. Bỗng một chiếc xe tải chạy với tốc độ cao xuất hiện. Người mẹ thét lên xin con mình chạy thoát thân nhưng em bé vẫn ở giữa lòng đường. Rồi không kịp suy nghĩ gì nữa người mẹ bèn hiến dâng mạng sống mình để cứu con nhỏ. Bà lao ra trước bánh xe tải đẩy kịp đứa con ra lề đường trước khi bánh xe cán lên bà. Quyền hành cuối cùng của bà là hiến dâng hy tế đời mình để con mình được sống.


Để đáp lại tình yêu “cao vời khôn ví” của Chúa tôi nghĩ chúng ta hãy vác thập giá mà theo Ngài như Đức Ki- tô đã dạy: “ Anh em hãy bước vào cửa hẹp vì cửa rộng thênh thang sẽ dẫn đến hư hỏng”. Chúng ta hãy phấn đấu bằng sự bỏ ý riêng của mình để tuân phục thánh ý Chúa. Hãy phấn đấu bỏ cái tôi hẹp hòi, ích kỷ và cứng cỏi của mình để nhận lấy những cái tốt mà Chúa đã trao tặng. Có một thầy giáo dạy trường Trung cấp xây dựng. Vào thời bao cấp lương bổng còn thấp nên nghỉ hè thầy phải đi làm phụ hồ. Một hôm gặp học trò cũ đi kiểm tra công trình. Gặp thầy, học trò hỏi: “Thầy có buồn không?”. Thầy trả lời: “Tôi không buồn mà trái lại thấy vui. Chúa đã ban cho mỗi người một cây thập giá để vác đén gặp Ngài. Nếu ta cảm thấy nặng mà cưa bớt đi coi chừng không tới được. Nhờ cảm nhận tình yêu của Chúa người thầy giáo ấy không than thân trách phận mà còn cảm thấy vui như đang được bước đến với Chúa.

Tôi sống và làm việc giữa những người “dân ngoại”. Đôi khi người ta xầm xì bàn tán, bạn bè cũng bất bình về việc tôi theo đạo. Mặc dù ba má tôi tôn trọng việc tự do tín ngưỡng của con cái nhưng có người lại nói rằng tôi đã bỏ đạo của cha mẹ mà theo Chúa. Tôi còn mất một số quyền lợi ở đời nhưng tôi tin “Đức tin của tôi” luôn bền vững vì nhờ ơn Chúa nó được hình thành trên cơ sở khoa học. Tôi không nao núng vì luôn nhớ đến mấy câu hát trong bài “Niềm phó thác”:

“ … Con không cô đơn khi người đời xa tránh cười chê con.
Con không bơ vơ giữa trần gian mây mù phủ ngập hồn.
Con luôn an tâm vì biết rằng Cha sẽ ở bên con………..”
..

Têrêxa Lê Quy
nguồn: gpphanthiet.com

Exit mobile version