Đức Thánh Cha thay mặt Đức Chúa Giêsu Kitô

Mọi người có mặt trong phòng họp, chờ đợi đã hơn hai tiếng đồng đồ mà vẫn không thấy bóng dáng của Hoàng Đế. Hồi đó, người ta rỉ tai nhau rằng Napoléon I thường bắt khách đợi chờ hàng giờ, vì theo ông, khách sẽ mệt mỏi rồi trở thành đờ đẫn, và như thế, Napoléon có thể lèo lái người khách theo tư tưởng và lập trường của ông ..

Ngày 18 tháng 3 năm ấy cũng vậy. Sau hai giờ chờ đợi, mọi người mới thấy hoàng đế Napoléon I xuất hiện, với dáng vẻ uy phong lẫm liệt. Theo sau ông là các Bộ Trưởng, các Thành Viên của Hội Đồng Quốc Gia, rồi các viên chức chính phủ. Ai nấy đều ăn mặc thật tề chỉnh. Vừa bắt đầu cuộc họp, Napoléon I đã thao thao lên tiếng công kích Đức Giáo Hoàng Pio VII (1800-1823) thậm tệ. Ông vu khống Đức Thánh Cha muốn giảm uy tín của ông khi Ngài không chấp thuận trao cho ông quyền chỉ định các Giám Mục tại Pháp. Napoléon I giận dữ kết thúc bài diễn văn chửi bới Đức Thánh Cha như sau:
– Khi khước từ như thế, Đức Thánh Cha vừa gây hoang mang nơi cộng đồng các tín hữu Công Giáo vừa nhằm tìm kiếm lợi lộc cho tiểu quốc Roma mà thôi!

Toàn cử tọa im lặng như tờ, trước những lời công kích quá đáng của hoàng đế Pháp đối với vị Thủ Lãnh Tinh Thần của Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ..

Đang giận dữ và thao thao chửi bới, bỗng Napoléon I ngừng bặt. Đây cũng là một thói quen thường thấy nơi hoàng đế. Ông đưa mắt hướng về Vị Bề Trên Tổng Quyền Hội Xuân Bích và cất tiếng hỏi:
– Cha Émery, Cha nghĩ sao về tất cả những điều trẫm vừa nói?

Trước mặt Hoàng Đế Napoléon I và trước một cử tọa gồm toàn các bậc Cao Cấp đạo đời, Cha Émery không hề lúng túng sợ hãi. Cha bình tĩnh trả lời:
– Thưa Hoàng Thượng, thần không có tư tưởng và tâm tình nào khác ngoài tư tưởng và tâm tình mà thần thụ giáo nơi các bậc thầy trong vương quốc của Hoàng Thượng. Trong giờ giáo lý, khi hỏi: ”Đức Thánh Cha là ai?” thì thưa: ”Ngài là vị Thủ Lãnh của Giáo Hội, là Người thay mặt Đức Chúa GIÊSU KITÔ và là Đấng mà hết mọi tín hữu phải tuân phục, nghe lời”.

Napoléon I – sau giây phút ngỡ ngàng – điềm nhiên nói tiếp:
– Trẫm không bác bỏ uy quyền thiêng liêng của Đức Giáo Hoàng, bởi vì quyền bính này Ngài nhận lãnh từ THIÊN CHÚA. Nhưng trẫm muốn nói đến uy quyền trần thế của Đức Giáo Hoàng. Uy quyền này do Charlemagne trao ban. Giờ đây trẫm là người kế vị Charlemagne, nên trẫm muốn lấy lại uy quyền trần thế của Đức Giáo Hoàng. Vậy Cha trả lời sao cho trẫm nghe về điểm này?

Cha Émery vẫn không lúng túng. Lần này Cha trưng dẫn lời giải thích của Đức ChaJacques Bénigne Bossuet (1627-1704), vị Giám Mục lỗi lạc và là nhà hùng biện đại tài của dân tộc Pháp. Cha ung dung đáp:
– Khi bàn về quyền bính trần thế của Đức Giáo Hoàng, Đức Cha Bossuet không chỉ giới hạn quyền bính này nơi Giáo Hội Roma, nhưng nới rộng sang Giáo Hội Hoàn Vũ nữa. Bởi vì, khi không bị lệ thuộc hoặc ràng buộc bởi một vương quốc hay hoàng đế nào, Đức Giáo Hoàng sẽ được thong dong tự do thi hành nhiệm vụ chủ chăn, trong tư cách là Vị Cha Chung của tất cả mọi tín hữu trên khắp hoàn cầu.

Napoléon I không dễ đầu hàng trước một lý luận, cho dù vững chắc. Ông biện minh:
– Những gì Bossuet giải thích, chỉ đúng cho thời đại của Bossuet. Ngày nay sự việc đã đổi khác.

Vẫn can đảm trung thành với sự thật, Cha Émery lịch sự trình bày:
– Tâu Hoàng Thượng, rất có thể những điểm bất lợi mà Đức Cha Bossuet thấy trước, sẽ không xảy ra dưới triều đại của Hoàng Thượng. Nhưng Hoàng Thượng cũng như trẫm đều biết rõ lịch sử các cuộc Cách Mạng. Điều gì xảy ra, hiện diện nơi ngày hôm nay, có thể sẽ không tồn tại được trong tương lai.

Toàn thể cử tọa nín thở, lo lắng cho số phận của Cha Émery. Trong khi đó Napoléon I vẫn tiếp tục cuộc đối thoại, xem như không có gì xảy ra. Ông trở lại mục đích của cuộc họp, đó là đặt điều kiện, nếu Đức Thánh Cha Pio VII không chỉ định xong các Giám Mục cho các Giáo Phận tại Pháp trong vòng 6 tháng sắp tới, ông sẽ tự ý chỉ định các Giám Mục hoặc thuyên chuyển các ngài theo ý muốn của ông. Và một lần nữa, Napoléon I quay sang hỏi Cha Émery:
– Theo ý Cha, Đức Giáo Hoàng có nhượng bộ không?

Vẫn luôn giữ thái độ điềm tĩnh, Cha Émery trả lời:
– Thưa Hoàng Thượng, thần nghĩ là không, bởi vì nếu nhượng bộ, tức là Đức Thánh Cha bị tước đoạt quyền chỉ định các Giám Mục của ngài.

Lại một lần nữa toàn thể cử tọa nín thở chờ đợi cơn thịnh nộ của Napoléon I giáng xuống trên vị Linh Mục Công Giáo ”bé người nhưng to gan” dám đối chất ngay cả với Napoléon Đại Đế! Một vài Bộ Trưởng tìm cách làm dịu tình hình, xin Hoàng Đế tha lỗi vì tuổi cao của vị Linh Mục, làm ngài mất bình tĩnh khi đối diện với Hoàng Đế.

Thế nhưng, phản ứng của Napoléon I thật bất ngờ. Và đây cũng là một trong những nét đẹp nơi ”người hùng Napoléon”. Thay vì nổi giận trước những lời nói cương trực của Cha Émery, Hoàng Đế lại trách cứ thái độ hèn nhát, thiếu ngay thẳng của các quan đại thần:
– Quý vị đã lầm! Trẫm không hề giận dữ đối với Cha Émery. Cha đã trình bày điều mà Cha thấy cần phải trình bày cho trẫm rõ. Đó cũng là thái độ trẫm muốn quý vị phải có, khi trình bày bất cứ vấn đề nào cho trẫm. Quý vị đã xúi giục trẫm xin Đức Giáo Hoàng một điều mà Ngài không thể nào ban cho trẫm được!

… ”Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Thầy, Thầy sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Các con hãy mang lấy ách của Thầy, và hãy học với Thầy, vì Thầy có lòng hiền hậu và khiêm tốn. Tâm hồn các con sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách Thầy êm ái và gánh Thầy nhẹ nhàng”(Matthêu 11,28-30).

(”Amitiés Catholiques Françaises”, revue trimestrielle, N.155/1990, trang 7-23)


Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
Exit mobile version