Đức Phật Mến Yêu

Nhật Ký Truyền Giáo

Cần Thơ, … 1965

Legio Mariae mời mình đi kẻ liệt. Kẻ liệt là một bà già trên tám mươi tuổi. Bà xin được rửa tội. Mình hỏi bà về một số điểm giáo lý gọi là “những điều cần kíp”.

Rửa tội xong, bà ngước mắt nhìn lên một cách thành khẩn.

–   Cha ơi, tôi theo đạo Phật từ nhỏ. Tôi thương Đức Phật quá. Bây giờ tôi theo Chúa, cha cho tôi giữ bàn thờ Đức Phật nha!

Mới 29 tuổi đời và một tuổi mục tử, mình thấy bối rối trước một yêu cầu như thế. Bỗng mình nhớ đến thầy Luca Huy. Thầy Luca Huy dạy mình rằng: “Phải tôn trọng đạo Phật, phải kính trọng Đức Phật”. Chính thầy Huy cũng có một tượng Phật để trên bàn viết. Bà cụ năn nỉ:

–   Đức Phật tốt lắm cha ạ. Tôi thương Ngài lắm.
–   Tôi đề nghị với bà thế nầy: Chúa thì để trong lòng kiếng, còn Đức Phật là hiền nhân thì để ở kế bên Chúa. Bà chịu không?
–   Tôi chịu vậy đó.
–   Bà cứ thương Đức Phật đi. Tôi cũng thương Ngài nữa.

Cần Thơ, … 1965

Hôm nay mình lên Toà Giám mục.

Thưa Đức cha, hôm qua con rửa tội cho một bà cụ đạo Phật. Bà này xin giữ bàn thờ Phật. Con biểu bà để tượng Chúa trong lồng kiếng ở chỗ quan trọng nhất trong nhà, còn tượng Phật thì để ở kế bên. Bà tin Chúa là Đấng cao cả, nhưng bà thương Đức Phật quá.

–   Được lắm! Cha có sáng kiến hay.

Mình ra về, tâm hồn nhẹ phơi phới.

Núi Sam, … 1969

Mình cùng với lớp đệ tứ lên cắm trại ở Núi Sam. Núi Sam vừa hùng vĩ vừa huyền bí. Thầy trò leo trèo thỏa thích. Chụp hình lia lịa, và viếng Chùa. Ni sư thì hiền như cây cỏ, học trò mình thì nghịch như ma. Chùa chiền đang yên tĩnh bỗng rộn lên như hội chợ. Các ni sư không giận hờn, không xua đuổi. Dường như các ngài thương mến học trò của mình hơn cả chính mình. Các ngài mỉm cười độ lượng trước những trò chơi quỷ quái của chúng. Chùa chiền là thế :  thiên nhiên yên tĩnh; tâm hồn yên tĩnh. Đăng sơn chán thì hạ sơn. Hạ sơn để dâng thánh lễ. Dâng thánh lễ ở đâu?  Mình vô chính điện.

–   Thưa Đại đức, trong chùa có chỗ nào thuận tiện, Đại đức cho tôi mượn chừng nửa giờ để tôi dâng thánh lễ được không?

–   Ở đây thì không tiện. Ở ngoài cổng có một phòng khách rộng lắm, linh mục có thể ở đó và dâng lễ tự nhiên. Chùa cho mượn bàn để làm bàn thờ. Đèn của chùa, hoa của chùa, chuồn của chùa, chỉ có mình là của Chúa.

Lần đầu tiên trong đời, mình dâng thánh lễ trong khuôn viên nhà chùa. Chúa ngự ở đây và chắc chắn Chúa yêu thương nơi này. từ phòng khách mình giang tay cầu nguyện, mắt nhìn lên cao nhưng vẫn lo ra nhìn về chính diện. Ở đó tượng Phật to lớn ngồi thiền giữa rừng hương nhang, yên tĩnh, thân thương.

Cần Thơ, …

Mình đang bước vội trên lề đường Nguyễn Trãi. Một chiếc Jeep ôm sát lề, thắng két một cái.

–   Linh mục đi đâu đây?
–   Tôi về Cầu Xéo.
–   Lên đây, tôi đưa về đó cho.

Đại đức Thích T.N., một ông sư trẻ trung và ồn ào. Như tụi mình, cũng cắm trại, cũng nhảy cò cò, cũng thụt đầu… Ông mời mình một điếu Salem. Cay cay, the the. Mình hỏi cùng với khói Salem.

–   Đại đức ơi, hỏi chơi nhé, bên chùa còn cấm sát sanh không?
–   Còn chớ, giáo lý căn bản đấy.
–   Đùa thêm tí nữa nhé. Nếu Đại đức làm Bộ Trưởng Bộ Y tế thì Đại đức có ra lệnh cấm sát trùng không ?  Nếu Đại đức làm Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp thì có cấm xịt thuốc rầy nâu không?  Tất cả đều là sát sanh đấy.
–   Hì… hì… cái đó mới kẹt đấy.

Tương quan giữa mình và Thích T.N. là thế: chân tình cởi mở và đôi khi cũng tếu ra trò. Ông mặc áo nâu, mình mặc áo đen. Nhưng cả hai phục vụ giới trẻ trong môi trường học đường. Mình thích đi bộ, còn ông thì thích lái xe Jeep. Hễ cứ gặp nhau thì mình lại lên ngồi xe Jeep với ông, lại phì phà Salem với ông. Khác linh đạo nhưng cùng là người.

Đầm Dơi, …  1974

Lần đầu tiên mình đi Đầm Dơi để từ đó tìm đường đi Bàu Sen. Trời đã xế mà Đầm Dơi thì chưa thấy đâu. Đường mòn cỏ mọc lấp cả lối đi. Mình bắt đầu cảm thấy ớn lạnh. Không biết đêm nay mình sẽ ngủ ở phương nào ?

Phía bên phải ẩn hiện một ngôi chùa, chùa Phật giáo Tịnh Độ. Thấy ngôi chùa thấp thoáng sau vườn cây, lòng mình ấm hẳn lại. Mình vẫn đi, đi về Đầm Dơi nhưng vẫn tự nhủ: nếu không tìm thấy Đầm Dơi, mình sẽ trở lại ngôi chùa này xin cơm ăn và xin chỗ ngủ. Chùa nào cũng thế: chan chứa tình người.

Có một người nào đó nói nhỏ bên tai mình: “Đêm hôm lỡ đường, vô nhà thờ thì chưa biết thế nào, chứ vô chùa thì chắc chắn có cơm chay và cả một bộ ván để ngủ”. Câu nói làm mình nghẹt thở, nhưng dường như cũng có thế thật. Còn tại sao, thì phải lý giải lâu dài.

Cà Mau, 20-7-1975

Sau buổi thuyết trình của ông Chủ tịch Mặt trận Tỉnh, mình ra hành lang đứng hóng mát. Ở đó đã có một bóng áo nâu : Đại đức Thích T.M. Lưng dài vai rộng, Đại đức T.M. giống như bố mình ngày xưa. Bởi thế dù mới sơ ngộ, mà mình đã cảm thấy gần gũi và thân thương. Mình đứng sát bên Đại đức, trao đổi và tâm tình.

… Từ buổi nói chuyện ấy mình khẳng định rằng Lời Chúa không bao giờ bị xiềng xích. Mình ghi ơn Đại đức Thích T.M. như một bậc thầy.

Cái Rắn, 14-1-1995

Sáng nay mình ghé thăm bà Hai Chiếu. Bà đã 88 tuổi rồi, mà trí khôn vẫn còn minh mẫn, vẫn còn nói chuyện khôi hài. Mình hỏi bà đủ chuyện, kể cả chuyện thời con gái của Bà. Bà kể: “Hồi ông tôi cưới tôi, ba ghe đi đón dâu lận. Má tôi cho tôi một con gà mái. Nó đẻ 12 trứng, nở 11 con. Thấy mà ham”.

–   Ủa tại sao 12 trứng mà nở có 11, bà Hai?
–   Cái trứng đó không có trống mà.
–   Vậy thì vứt bỏ phải không?
–   Chừng nào? Luộc ăn chớ.

Thấy bà Hai vui tính quá, mình tấn công thêm:

–   Ban đêm bà Hai ngủ được nhiều không?
–   Niệm kinh cho con cháu, cho bá tánh. Niệm một trăm, niệm hai trăm, niệm ba trăm.
–   Thế bà Hai có niệm cho cha sở Cái Rắn không?
–   Niệm chung cho bá tánh là được rồi.
–   Không được đâu, bà Hai phải niệm riêng cho tôi một chục hoặc năm chục gì cũng được.
–   Mô Phật một, mô Phật hai… mô Phật năm mươi.
–   Cám ơn bà Hai nhá.
–   Thêm cho cháu năm chục nữa. Mô Phật một, mô Phật hai… mô Phật năm mươi.

Bà Hai còn muốn niệm thêm nữa cho mình. Mình vội cắt ngang.

–   Bà Hai sợ chết không?
–   Không!
–   Chết rồi bà Hai đi đâu?
–   Biết đâu à.
–   Bà Hai về với Chúa. Bà Hai nhớ cầu nguyện cho tôi với.
–   Mô Phật một, mô Phật hai…

Lm. Ngô Phúc Hậu

Exit mobile version