Theo lịch sử Phụng vụ thì vào năm 650, khi quân Ba-tư xâm chiếm Trung Đông, các đan sĩ chạy sang Rô-ma đem theo “Lễ Mẹ Ly Trần”, đổi thành “Lễ Mẹ Lên Trời” và mừng kính trọng thể vào ngày 15/8 hàng năm. Tới năm 1950 (vào đúng ngày lễ Các Thánh Nam Nữ – 01/11), khi ban hành tông hiến “Munificentissimus Deus” (Thiên Chúa vô cùng vinh hiển), Đức Thánh Cha Pi-ô XII đã long trọng tuyên bố tín điều “Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời” như sau: “Ta tuyên xưng, công bố và xác nhận tín điều được Thiên Chúa mạc khải là Mẹ Thiên Chúa Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Maria trinh nguyên, khi thời gian sống tại thế hoàn tất, cả hồn lẫn xác của Người đã được đưa về trời trong vinh quang thiên quốc.” (TCF:207).
Ngày Đức Maria được ân thưởng lên trời cả hồn lẫn xác, là một cái mốc quan trọng đánh dấu “thời gian sống tại thế hoàn tất”, mở ra một giai đoạn mới mang tính chất vĩnh cửu: “Thật vậy, sau khi về trời, vai trò của Ngài trong việc cứu độ không chấm dứt, nhưng Ngài vẫn tiếp tục liên lỉ cầu bầu để đem lại cho chúng ta những ân huệ giúp chúng ta được phần rỗi đời đời. Với tình từ mẫu, Ngài chăm sóc những anh em của Con Ngài đang lữ hành trên dương thế và đang gặp bao nguy hiểm, thử thách, cho đến khi họ đạt tới hạnh phúc quê trời. Vì thế, trong Giáo Hội, Ðức Nữ Trinh được kêu cầu qua các tước hiệu: Trạng Sư, vị Bảo Trợ, Ðấng Phù Hộ và Ðấng Trung Gian. Tuy nhiên phải hiểu các tước hiệu ấy thế nào để không thêm bớt gì vào vinh dự và quyền năng của Ðấng Trung Gian duy nhất.” (Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội “Lumen Gentium”, số 62).
Xin cùng tìm hiểu những danh xưng và tước hiệu của Đức Mẹ theo chiều dài lịch sử Giáo Hội (xc. “Các Tín Điều về Mẹ Maria” – nguồn: Thanhlinh.net):
I. Danh xưng và tước hiệu:Nói về danh xưng và tước hiệu của Đức Mẹ thì nhiều khôn xiết: Ngoài những tước hiệu “Trạng Sư, vị Bảo Trợ, Ðấng Phù Hộ và Ðấng Trung Gian” như hiến chế “Lumen Gentium” (số 62) đề cập, còn rất nhiều danh xưng tôn kính Đức Mẹ (xc. Kinh cầu Đức Bà). Nguyên ủy từ tên gọi Maria đã mang một giàn ý nghĩa: Tiếng Do-thái, Maria là Miryam. Rồi Miryam được cải biến thành Mariam, có nghĩa là “cay đắng”. “biển đắng cay”. Maria là “Người Soi Sáng”, là “Sao Biển”, là “Lệnh Bà”, là “Người Nữ đạp nát đầu con rắn” (St 3, 15), là “Người Đẹp” (Dc 6, 10), là “Trinh Nương” (Is 7, 14), “Trinh nữ” (Lc 1, 27). Trước Danh Thánh Maria huyền diệu, toàn Giáo Hội đã tin tưởng kêu lên cùng Đức Mẹ: Ave Maria (Kính mừng Maria), Salve Regina (Kính chào Nữ Vương), Ave Maris Stella (Kính chào Sao Biển), Ave Regina Cælorum (Kính chào Nữ Vương Thiên Đàng)… Và cũng từ đó, Giáo hội đã tuyên tín:
1- Tín điều Mẹ Maria Là Mẹ Thiên Chúa: Vào năm 431, Công Đồng Chung Ê-phê-sô đã tuyên tín: “Tuyệt thông cho những ai không tuyên xưng rằng Đấng Emmanuel thực sự là Thiên Chúa, và bởi thế, Đức Trinh Nữ là Mẹ của Thiên Chúa (theotokos) vì Mẹ đã hạ sinh Ngôi Lời Thiên Chúa hóa thành nhục thể theo xác thịt.”
2- Tín điều Mẹ Maria Trọn Đời Đồng Trinh: Năm 649, Công Đồng La-tê-ra-nô tuyên tín: “Khốn cho những ai không theo các vị Nghị Phụ thánh đức tuyên xưng một cách chân thực và xác đáng rằng Đức Maria, trinh nguyên và vô nhiễm, là Mẹ Thiên Chúa, vì Mẹ đã thực sự thụ thai chính Thiên Chúa Ngôi Lời, Đấng được Thiên Chúa Ngôi Cha hạ sinh trước các kỳ thời, bởi Chúa Thánh Thần mà không cần đến hạt giống loài người, và đã sinh ra Người hoàn toàn không bị hư hại gì, tình trạng đồng trinh của Mẹ sau khi sinh con cũng không hề bị sứt mẻ.” (xc. DS:252 hay “The Christian Faith” trang 149).
3- Tín điều Đức Maria Đầu Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội: Vào ngày 8/12/1854, bằng sắc lệnh “Ineffabilis Deus” (Thiên Chúa bất khả ngộ), Đức Pi-ô IX long trọng công bố: “Với uy quyền của Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô, của hai thánh tông đồ Phê-rô và Phao-lô, cũng như của riêng Ta, Ta công bố, tuyên ngôn và xác nhận tín điều được mạc khải bởi Thiên Chúa buộc mọi tín hữu phải tin vững vàng và trung kiên là “Rất Thánh Trinh Nữ Maria, ngay từ giây phút đầu thai, nhờ đặc ân của Thiên Chúa toàn năng và công nghiệp của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Thế, đã được gìn giữ vô nhiễm khỏi mọi tì vết của nguyên tội.” (TCF:204). Sau đó hơn 3 năm, ngày 25-3-1858, khi hiện ra với chị thánh Bernadette, chính Đức Mẹ đã công nhận tín điều này bằng cách tự xưng mình là “Đấng Đầu Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội”.
4- Tín điều Đức Maria Mông Triệu (Hồn Xác lên Trời): Với tông hiến “Munificentissimus Deus” (Thiên Chúa vô cùng vinh hiển), vào ngày Lễ Các Thánh (01/11/1950), Đức Pi-ô XII long trọng công bố: “Ta tuyên xưng, công bố và xác nhận tín điều được Thiên Chúa mạc khải là Mẹ Thiên Chúa Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Maria trinh nguyên, khi thời gian sống tại thế hoàn tất, cả hồn lẫn xác của Người đã được đưa về trời trong vinh quang thiên quốc.” (TCF:207). Cũng như ở Lộ Đức, Đức Mẹ đã hiện ra với chị thánh Bernadette để xác nhận tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội được Đức Pi-ô IX công bố; Đức Mẹ cũng tỏ ra xác nhận tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, khi cho Đức Pi-ô XII được thị kiến “hiện tượng mặt trời nhẩy múa như ở Fatima ngày 13-10-1917”, tổng cộng 4 lần vào những ngày 30/10, 31/10, 01/8 và ngày 8/11 năm 1950 (TWTAF3:284-287).
Ngoài ra , tước hiệu “Mẹ Maria Là Mẹ Giáo Hội” được Đức Thánh Cha Phao-lô VI long trọng công bố ngay trong buổi họp Công Đồng Chung Va-ti-ca-nô II (ngày 21/11/1964) để ban hành Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội “Lumen Gentium” (Ánh Sáng Muôn Dân): “Ta mong muốn Mẹ Thiên Chúa phải được cả thế giới Ki-tô hữu tôn vinh và khẩn cầu hơn nữa bằng tước hiệu (Mẹ Giáo Hội) tuyệt dịu ngọt này.” (CTFY:88). Do đó, “Rất Thánh Maria là Mẹ Giáo Hội”, theo cách thức và ngôn từ công bố của Đức Phao-lô VI, cũng có thể mang một tính chất quan trọng và thiết yếu như các Tín Điều Thánh Mẫu chính thức khác. Như vậy thì việc Đức Phao-lô VI công bố tước hiệu Mẹ Maria Là Mẹ Giáo Hội – một tước hiệu nói lên chính thực tại của vai trò Mẹ Maria thực sự là Mẹ của Giáo Hội – cũng là một đối tượng của Đức Tin, như các Tín Điều Thánh Mẫu khác.
Riêng tước hiệu “Mẹ Maria Đồng Công Cứu Chuộc”, tuy chưa được Giáo hội chính thức tuyên tín, nhưng cũng đã được Thánh Gio-an Phao-lô II xác tín trong Hiến chế “Lumen Gentium” (Ch. VIII – “Đức Nữ Trinh Maria trong mầu nhiệm Chúa Ki-tô và Giáo Hội”, các số 60, 61, 62). Đó là chưa kể trong một loạt 70 bài Giáo lý ngày Thứ Tư (giảng dạy trong khoảng thời gian từ 6/9/1995-12/11/1997), thì bài giảng ngày Thứ Tư 9/4/1997 với đề tài về Đức Mẹ, Thánh Gio-an Phao-lô II đã giải thích: “Từ ngữ ‘cộng tác viên’ áp dụng cho Mẹ Maria đòi có một ý nghĩa đặc biệt. Việc các tín hữu cộng tác trong ơn cứu chuộc xẩy ra sau biến cố Can-vê, một biến cố sinh hoa kết trái do nỗ lực nguyện cầu và hy sinh của họ. Còn Mẹ Maria đã cộng tác trong chính biến cố này và với vai trò làm mẹ; bởi thế, việc cộng tác của Mẹ bao hàm toàn thể công cuộc cứu độ của Chúa Ki-tô. Chỉ có một mình Mẹ đã được liên kết vào hiến tế cứu chuộc bằng cách này, một hiến tế mang ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại.”
II. Tước hiệu Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc: Về tước hiệu Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc, cũng đã có không ít những phản biện cho rằng nếu coi Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc như thế là đánh đồng Đức Giê-su Thiên Chúa với người phàm. Công trình cứu độ nhân loại không thể xếp ngang hàng Đức Mẹ với Đức Ki-tô được. Thực ra từ “đồng công” ở đây không dùng với nghĩa “đánh đồng” (cho mọi thứ đều ngang nhau, như nhau, đồng hóa mọi giá trị nên như một mẫu số chung). Thực ra, từ “đồng” ở đây phải được hiểu là cùng chung lòng góp công góp sức vào một công việc (đồng lòng, đồng công); cùng chung một hướng đi (đồng hành); cùng chung chịu mọi gian nan, thử thách (đồng cam cộng khổ).
Nói cách khác, “đồng công” chỉ có nghĩa là “cộng tác” (Cộng tác là “Cùng góp sức làm chung một công việc, nhưng có thể không cùng chung một trách nhiệm. Vd: Cộng tác với nhiều tờ báo. Hai người cộng tác với nhau.” – Từ nguyên). Thánh Au-gus-ti-nô đã thật chí lý khi khẳng định: “Để dựng nên ta, Thiên Chúa không cần đến ta, nhưng để cứu rỗi ta, Thiên Chúa không làm được nếu ta không cộng tác với Người.” Sự cộng tác ấy không phải là “làm thay”, mà là “ưng thuận góp sức làm chung công trình cứu độ của Thiên Chúa” với lòng tin tuyệt đối. Nền tảng căn bản của sự cộng tác chỉ có thể là “đức tin”. Vì thế, khi chữa bệnh cho con người, chính Thiên Chúa Ngôi Hai đã nói thẳng: “Lòng tin của con đã chữa lành con” (Mt 9, 22). Câu chuyện Đức Giê-su về thăm Na-da-ret là một minh họa cụ thể: “Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. Người lấy làm lạ vì họ không tin.” (Mc 6, 5-6). Quả thật “Nếu mạc khải là con đường Thiên Chúa đến với con người thì đức tin là con đường con người đến với Thiên Chúa, là sự đáp trả của con người trước tiếng nói của Thiên Chúa.” (Thánh Au-gus-ti-nô).
Đức Maria đã tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa nên mới xưng mình là nữ tì và “xin vâng” theo chương trình của Chúa Quan Phòng, như Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội “Lumen Gentium” (số 61) lý giải: “Từ muôn đời, Ðức Nữ Trinh đã được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa cùng một lúc với việc nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa. Và theo chương trình của Chúa Quan Phòng, trên trần gian Ngài đã trở nên Mẹ cao trọng của Ðấng Cứu Chuộc thần linh, và cách đặc biệt hơn mọi người khác, Ngài là cộng sự viên quảng đại và tôi tá khiêm hạ của Chúa. Vì đã cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa Ki-tô, đã dâng Chúa Ki-tô lên Chúa Cha trong đền thánh và cùng đau khổ với Con mình chết trên thập giá, Ðức Maria đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Ðấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diện ân sủng, Ngài thật là Mẹ chúng ta.”
Ngoài ra, thiết tưởng cũng cần minh định lại vị thế của Đức Mẹ khi “đồng công cứu chuộc” hoàn toàn không phải là “đánh đồng” (xếp ngang hàng) Đức Mẹ với Đức Giê-su Ki-tô. Vâng, “Vai trò làm mẹ của Ðức Maria đối với loài người không làm lu mờ hay giảm bớt vai trò trung gian duy nhất của Chúa Ki-tô chút nào, trái lại còn làm sáng tỏ mãnh lực của sự trung gian ấy. Vì mọi ảnh hưởng có sức cứu rỗi của Ðức Nữ Trinh trên nhân loại không phát sinh từ một sự cần thiết khách thể nào, nhưng từ ý định nhân lành của Thiên Chúa, và bắt nguồn từ công nghiệp dư tràn của Chúa Ki-tô. Ảnh hưởng ấy nương tựa và hoàn toàn tùy thuộc vào sự trung gian của Chúa Ki-tô, nguồn mạch mọi quyền lực của ảnh hưởng đó. Nhưng ảnh hưởng này không làm cản trở gì, trái lại còn giúp đỡ các tín hữu kết hiệp trực tiếp với Chúa Ki-tô.” (Hc “Lumen Gentium”, số 60).
Đức Maria là “cộng sự viên quảng đại” đã “cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Ðấng Cứu Thế”; như vậy thì chẳng phải Đức Mẹ đã “đồng công” với Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ trong chương trình cứu chuộc nhân loại đó sao? Để vấn đề thêm sáng tỏ, xin cùng tìm hiểu sự “đồng công cứu chuộc” của Đức Mẹ trong lich sử Thiên Chúa cứu đô loài người,
III. Đức Mẹ đã Đồng Công Cứu Chuộc nhân loại như thế nào? Hiến chế “Lumen Gentium” (số 62) giải thích: “Nhưng trong nhiệm cuộc ân sủng, Ðức Maria luôn tiếp tục thiên chức làm mẹ, từ khi Ngài tin tưởng ưng thuận trong ngày Truyền Tin – sự ưng thuận mà Ngài đã không ngần ngại giữ vững bên thập giá – cho tới lúc vĩnh viễn hoàn tất việc cứu rỗi mọi người được tuyển chọn. Thật vậy, sau khi về trời, vai trò của Ngài trong việc cứu độ không chấm dứt, nhưng Ngài vẫn tiếp tục liên lỉ cầu bầu để đem lại cho chúng ta những ân huệ giúp chúng ta được phần rỗi đời đời.”
Đức Mẹ đã “tin tưởng ưng thuận trong ngày Truyền Tin (Lc 1, 26-38)”, nên dù “không biết đến người nam”, nhưng vẫn “thụ thai bởi phép Thánh Thần” (Lc 1, 34-35). Tới ngày sinh Con thì sinh trong hoàn cành khó nghèo, không nhà cửa, không quán trọ, mà phải nương tựa vào hang bò lừa. Đã cực khổ như vậy, còn bị thế lực thù địch (Hê-rô-đê) âm mưu hãm hại, phải đem Con trốn sang Ai Cập. Không chỉ vâng phục thánh ý Thiên Chúa Cha, Đức Maria còn vâng phục cả Người Con trong suốt hành trình thực hiện công trình cứu thế (“hằng ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng” – Lc 2, 19.51; “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” – Ga 2, 5; ưng thuận làm Mẹ Giáo Hội tiên khởi ngay dưới chân thập tự – Ga 19, 26-27).
Sự “tin tưởng ưng thuận” của Đức Maria thể hiện rõ nét nhất qua “Bảy sự đau đớn” mà Đức Mẹ gánh chịu suốt 33 năm trong vai trò làm Mẹ dưỡng nuôi Đức Giê-su Con-Thiên-Chúa-làm-người: *1/- Ông Si-mê-ôn nói tiên tri – Lc 2, 33-35; *2/- Đức Giê-su trốn sang Ai-cập và các anh hài bị giết – Mt 2, 13-15; *3/- Lạc mất Con – Lc 2, 41-46; *4/- Đức Giê-su vác thập giá – Ga 19, 16-18; *5/- Bảy lời trăng trối – “Thưa Bà, đây là con của Bà.” – Ga 19, 26; *6/- Liệm xác Đức Giê-su – Ga 19, 38-40; *7/- Mai táng Đức Giê-su – Mt 27, 57-61). Chỉ bao nhiêu đó cũng quá đủ để nói lên sự “đồng công” của Đức Mẹ trong nhiệm cuộc cứu rỗi nhân loại của Thiên Chúa. Đó là chưa kể cho đến sau khi được hưởng vinh phúc “Hồn Xác Lên Trời”, Đức Mẹ vẫn tiếp tục thiên chức làm Mẹ liên lỉ phù hộ, cầu bầu để đem lại những ân huệ giúp đàn con nơi trần thế được phần rỗi đời đời (Hc “Lumen Gentium”, số 62).
Đó là đôi nét bao quát về tước hiệu Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc. Thấm nhiễm được ý nghĩa cao vời đó, Linh mục Đa Minh Maria Trần Đình Thủ đã sáng lập và được Đức Giám mục Phê-rô Maria Phạm Ngọc Chi (Giáo phận Bùi Chu – Phát Diệm) ban bố sắc lệnh thành lập Dòng Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc vào ngày 02/02/1953. Hội Dòng chủ trương huấn luyện các thành viên theo Linh Đạo Đồng Công thể hiện qua việc tận hiến cho Chúa Giê-su, nhờ Mẹ Maria (“Ad Jesum per Mariam”). Sau đó hơn một năm, tức là vào tháng 8/1954, vì tình hình đất nước chia đôi, Dòng Đồng Công đã di cư vào miền Nam Việt Nam. Trụ sở hiện nay của Dòng đóng tại số 521, Tỉnh lộ 43, phường Tam Phú, quận Thủ Đức, Saigon. Tới năm 1975, gần một nửa thành viên của Dòng sang định cư tại Hoa Kỳ và được Tòa Thánh châu phê, cho thành lập Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ (“Congregation of the Mother Co-Redemptrix”), đặt trụ sở tại 1900 Grand Avenue. Carthage, MO 64836, – Phone: (417) 358-7787.
Kết luận:
Tóm lại, chẳng những Đức Trinh nữ Maria Vô Nhiễm đã đồng ý trở thành Mẹ Thiên Chúa, mà Mẹ còn tự nguyện chấp nhận với những vất vả, khổ cực và nhất là đau buồn tột đỉnh vì cái chết của Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ để cứu độ nhân loại. Dù là Đấng đồng công cứu chuộc nhưng Đức Mẹ vẫn không thể có vai trò ngang bằng với Đức Ki-tô trong nhiệm cuộc cứu độ ấy; bởi chính Đức Maria cũng cần được cứu độ và quả thật Mẹ đã được Con của mình cứu. Đức Mẹ chỉ đồng công góp sức trong vai trò “cộng sự viên quảng đại và tôi tá khiêm hạ của Chúa Cha…, đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Ðấng Cứu Thế.” (Hc “Lumen Gentium”, số 61); và nhờ vậy Thiên Chúa mới hoàn tất công trình cứu độ nhân loại của Người.
Hiểu được vấn đề như vậy, “Tất cả mọi Ki-tô hữu hãy thiết tha khẩn nguyện Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ loài người, để như Ngài đã trợ giúp Giáo Hội sơ khai bằng lời cầu nguyện của mình, thì ngày nay được tôn vinh vượt trên các Thần Thánh trên trời, Ngài cũng cầu bầu cùng Con Ngài trong sự hiệp thông toàn thể các Thánh cho tới khi mọi gia đình dân tộc hoặc đã mang danh hiệu Ki-tô hữu, hoặc chưa biết Ðấng Cứu Chuộc mình, đều hân hoan đoàn tụ trong an bình và hòa thuận, hợp thành một dân Thiên Chúa duy nhất, hầu vinh danh Ba Ngôi Thiên Chúa rất thánh và không phân chia.” (Hc “Lumen Gentium”, số 69).
Năm nay là năm “Đời Sống Thánh Hiến”, xin toàn thể cộng đồng Ki-tô hữu (đã được thánh hiến qua bí tích Rửa Tội và Thêm Sức) cùng hướng về Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc, như lời ký thác của ĐTC Phan-xi-cô trong Tông thư gửi tất cả các người tận hiến nhân dịp năm Đời Sống Thánh Hiến: “Tôi ký thác Năm đời sống thánh hiến cho Đức Maria, Trinh nữ của lắng nghe và chiêm niệm, môn sinh tiên khởi của người Con yêu dấu của mình. Chúng ta hãy nhìn ngắm Người, là nữ tử quý mến của Chúa Cha và được trang điểm bởi mọi hồng ân, như mẫu gương tuyệt vời của việc đi theo Chúa Ki-tô trên đường yêu mến Thiên Chúa và phục vụ tha nhân.” Ước được như vậy. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.