Đức Mẹ có đồng trinh không? Đức Mẹ có đồng trinh trọn đời không?

Đáp:

Câu trả lời có 2 phần: 1- Đức Mẹ đồng trinh không, 2- Đức Mẹ có nhiều con, nên không đồng trinh trọn đời.

Phần 1- Đức Mẹ đồng trinh trước khi sinh, đang khi sinh, và sau khi sinh.

Thông thường, theo luật tự nhiên: đã làm mẹ sinh con thì không còn đồng trinh. Nhưng tại sao người Công giáo chúng ta lại tin và tuyên xưng Đức Mẹ Đồng trinh. Phải hiểu thế nào?

– Thưa, ta không thể hiểu cách tự nhiên, thông thường, nhưng phải dựa vào đức tin, dựa vào phép lạ của Quyền phép Chúa như Giáo lí Công giáo dạy: Tín điều này không thể dựa vào lý luận tự nhiên của đầu óc con người, nhưng “chỉ tin nhận được qua đức tin Công giáo mà thôi” (GlCg số 498).

Giáo hội đã cho biết:

a/Có những khó khăn của vấn đề đồng trinh (Glcg số 498:

Đôi khi người ta bị rối trí vì sự im lặng của Phúc Âm thánh Marcô và của các thánh thư trong bộ Tân Ước về việc thụ thai trinh khiết của Đức Maria. Người ta cũng đã tự hỏi phải chăng đây chỉ là những câu truyện truyền kỳ, hoặc những xây dựng thần học không có tính lịch sử.

Về vấn đề này, chúng ta phải trả lời rằng: niềm tin vào sự thụ thai trinh khiết của Chúa Giêsu đã gặp những chống đối dữ dội, những sự chế nhạo hoặc những sự không hiểu từ phía những người vô tín ngưỡng, những người Do Thái và những người ngoại giáo( xem Th. Justinô, Dial. 99,7; Origênê, Cels. 1,32.69; e.a): đây không phải là điều chịu ảnh hưởng của thần thoại ngoại giáo, cũng không phải là một thích ứng với các ý tưởng của thời đó.

Ý nghĩa của biến cố này chỉ đạt được nhờ đức tin để thấy “đây là mối liên lạc nối liền các mầu nhiệm với nhau”( DS 3016), toàn bộ các mầu nhiệm của Chúa Kitô, từ sự Nhập thể của Ngài cho tới sự Phục sinh của Ngài”.

b/Đức Mẹ đồng trinh trước, đang và sau khi sinh Chúa Giêsu:

*Đồng trinh trước khi sinh con,
dựa vào Phúc âm theo thánh Luca viết: (Lc 1,26-37):

(Thiên Chúa sai sứ thần Gabrien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Vui lên, Đấng đầy ân sủng, Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.


Sứ thần liền nói: “Thưa Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Bà sẽ thụ thai, sinh một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao…


Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng! “

Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ phủ bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được…”

– Giáo hội Công giáo tuyên xưng: Do quyền năng Chúa Thánh Thần tác động, Đức Trinh nữ đã cưu mang Con một Cha mà vẫn còn trinh khiết vẹn tuyền” (kinh Tiền tụng lễ Đức Mẹ ).


*Đồng trinh đang khi sinh con,

dựa vào Công đồng và Sách Giáo lý: “Rồi ngày Sinh nhật Chúa , Mẹ Thiên Chúa đã vui mừng giới thiệu với các mục đồng và các nhà bác học Con đầu lòng của mình, mà KHI SINH RA đã không làm giảm bớt, nhưng còn thánh hiến sự trinh khiết vẹn tuyền của Mẹ(Hiến chế GH 57 và GlCg92 499).

Một ví dụ giúp dễ hiểu về sự đồng trinh của Đức Mẹ đang khi sinh con: như ánh sáng mặt trời chiếu qua cửa kính lọt vào nhà, mà không làm vỡ kính.


*Đồng trinh sau khi sinh,

dựa vào Sách Giáo lí Công giáo: “Việc đào sâu thêm niềm tin vào sự làm mẹ mà vẫn đồng trinh của Mẹ Maria đã dẫn đưa GH tới chỗ tuyên xưng sự trinh khiết thực sự và TRỌN ĐỜI của Mẹ Maria” (GlCg92 số 499).Phụng vụ của Giáo Hội tôn xưng Mẹ Maria là “Đấng trọn đời đồng trinh” (Aeiparthenos)( xem LG 52).


Nếu trước khi thụ thai con, Đức Mẹ đã coi trọng đức đồng trinh thì sau khi sinh con, Đức Mẹ coi nhẹ đức đồng trinh sao?


Mời đọc truyện này để biết thêm:


Ông Surius kể: Một thần học gia bị cám dỗ nặng nề về Đức Mẹ đã thụ thai, sinh con mà còn đồng trinh. Và ông cho là không có thể. Mặc dầu xua đuổi tư tưởng hắc ám đó, ông vẫn không sao bỏ được. Ông liền đến nhờ thầy Egidio là người đạo đức thánh thiện có tiếng nhất trong vùng đó để giải đáp thắc mắc cho ông.

Khi ông gần tới nơi, dù chẳng ai báo trước, thầy Egidio đã cầm sẵn cây gậy ra đón ông và kêu lên:

– Hỡi bạn, Mẹ Maria đồng trinh trước khi sinh con. Nói xong, thầy giơ gậy đập xuống đất, tức thì một bông huệ trắng từ dưới đất mọc lên. Thầy lại giơ gậy đập xuống đất lần thứ hai và nói:

– Hỡi bạn, Mẹ Maria đồng trinh đang khi sinh con. Một bông huệ khác lại mọc lên.

Lần thứ ba thầy đập cây gậy xuống đất mà kêu lên:

– Hỡi bạn, Mẹ Maria đồng trinh sau khi sinh con. Lần này bông huệ trắng tốt từ đất mọc lên.

Nói xong thầy Egidio im lặng trở về rừng. Còn nhà thần học được giải tỏa thoải mái, không còn thắc mắc như trước.

Phần 2- Đức Mẹ có nhiều con, nên không đồng trinh trọn đời?

Tin mừng theo thánh Máccô 6,3 viết: “Ông ta (Chúa Giêsu) không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Gioxê, Giuđa và Simon sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?”. Và họ vấp phạm vì Người”.(Bản dịch của Nhóm Các Giờ kinh Phụng vụ)


Người ta suy danh từ “adelphos” trong bản Kinh thánh tiếng Hi lạp là “anh em ruột”. Chúa Giêsu là “anh em ruột” của bốn ông vừa kể, như thế Chúa Giêsu và 4 ông đều cùng do Đức Maria và thánh Giuse sinh ra. Từ đó, người ta để kết luận rằng “Làm sao Giáo Hội có thể nói là Đức Mẹ đồng trinh?”.


-Thật ra theo bản văn gốc (bằng tiếng Hy-lạp), danh từ “anh em” dịch từ adelphos, vừa có nghĩa là “anh em ruột” cùng cha cùng mẹ, mà cũng có nghĩa “anh em họ, con chú con bác con cô con cậu con bá con dì” như kiểu người Việt nam ta vẫn nói.

-Ngày trước, một văn sĩ công giáo là ông Tertulianô thuộc thời Hội Thánh sơ khai đã hiểu adelphos là “anh em ruột”.

-Nhưng ý kiến chung của giới nghiên cứu Kinh Thánh và của chính Calvin, một người Thệ phản, thì cho rằng danh từ này phải được hiểu theo cách dùng của người Dothái, có nghĩa là “bà con họ hàng” mà thôi.

GLCG số
500 cho biết: “Về vấn đề này, đôi khi người ta vấn nạn rằng tại sao Thánh Kinh lại nói đến những anh chị em của Chúa Giêsu( xem Mc 3,31-35; 6,3; 1 Cr 9, 5; Gl 1,19). Nhưng Giáo Hội Công giáo luôn hiểu các đoạn sách này không nói đến những người con khác nữa của Mẹ Maria:đúng thế, Giacôbê và Giuse “những anh em của Chúa Giêsu” (Mt 13,55) là con của một bà Maria khác, môn đệ của Chúa Kitô( xem Mt 27,56), Thánh Kinh nói rõ đó là “một Maria khác (Mt 28,1). Đó là những anh em họ gần của Chúa Giêsu, theo kiểu nói quen thuộc của Cựu Ước( xem St 13,8; 14,16;29,15.v.v).

số 501 còn thêm:
“Chúa Giêsu là Con duy nhất của Mẹ Maria. Nhưng “tình mẫu tử thiêng liêng của Mẹ Maria( xem Ga 19,2627; Kh 12,17) trải rộng tới tất cả mọi người mà Con của Mẹ đã đến để cứu chuộc: “Bà đã sinh hạ Con bà, được Thiên Chúa đặt làm trưởng tử của một số nhiều anh em” (Rm 8,29), nghĩa là của các tín hữu mà Mẹ đem tình mẹ của mình để hạ sinh và nuôi dưỡng giáo dục (LG 63), trong đó chúng ta được hân hạnh làm “con Đức Mẹ “. Tạ ơn Chúa. Alleluia.

Hi vọng bạn đã hiểu rõ hơn trước khi đặt câu hỏi này, và tin thật Đức Mẹ Thiên Chúa Đồng trinh trọn đời.


Linh mục. Đoàn Quang, CMC

Exit mobile version