Đức Maria, khuôn mẫu sống động của đời tận hiến

Thánh nhân dùng hình ảnh khuôn sống động của Chúa với ý nói rằng Thiên Chúa làm người nơi Đức Giêsu Kitô là nhờ khuôn đúc trong lòng dạ của Đức Mẹ, một khuôn đúc đặc biệt giúp cho vị Thiên Chúa quyền năng siêu nhiên hình thành con người đầy đủ về mặt tự nhiên mà không thiếu nét nào của bản tính Thiên Chúa. Điều này giúp cho tôi suy nghĩ rằng mục đích cuộc sống của bậc tận hiến là để trở nên giống Chúa. Vậy thì nhờ nơi khuôn đúc Maria, ta cũng có thể được tạo đúc nên giống Thiên Chúa vì do cùng khuôn đúc với Đức Kitô nên chắc chắn chúng ta sẽ được nên giống Ngài. Khi trở nên giống Ngài thì ta cũng được mặc lấy những thần tính của Thiên Chúa mà không phá vỡ đi cấu trúc nhân bản của con người tự nhiên.

Vấn đề đặt ra là khuôn mẫu sống động của Đức Maria có những nét đúc nào để đúc chúng ta nên giống Chúa?

Thứ nhất, đó là đức khiết trinh của Mẹ. Cả bốn Phúc Âm đều cho chúng ta một xác tín về đức trinh khiết của Đức Mẹ. Thánh Mátthêu trình bày sự trinh khiết của Đức Maria như là ứng nghiệm lời tiên tri Isaia “Này đây, trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một người con. Con trẻ sẽ được đặt tên là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23; xc Is 7,14). Chính sự trinh khiết của Đức Mẹ là điều kiện thiết yếu để cho Ngôi Con cao cả ngự trong cung lòng Mẹ như lời Đức Thánh Cha Piô XII đã tuyên bố: “…. Để trở nên xứng đáng là Mẹ Thiên Chúa, Đức Maria đã được ơn vô nhiễm nguyên tội khi đầu thai. Vô Nhiễm là tước hiệu dịu dàng khởi đầu tất cả mọi vinh quang của Mẹ” (Ngày 6-12-1939).


Cũng thế, một người sống đời tận hiến cho Thiên Chúa xứng đáng để được Chúa ngự vào tâm hồn mình thì cần phải có tâm hồn trong sạch. Trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu đã xác quyết: “Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8). Kinh nghiệm thường ngày cho hay: phần đông những người thời nay mất đức tin không phải vì thiếu hiểu biết về Thiên Chúa, nhưng vì đã sống sa đoạ, thiếu trong sạch. Nhận định này càng đúng hơn với những người đang sống trong bậc tận hiến. Công đồng Vaticanô II nói về giá trị của Đức khiết tịnh nơi các người tận hiến như sau: “Đức khiết tịnh giải thoát lòng con người cách đặc biệt (x 1Cor 7,32-35) để ngày càng kính mến Chúa và yêu thương mọi người cách nồng nàn hơn.” (DT 12).


Đường nét thứ hai nơi khuôn đúc Maria mà người sống đời tận hiến phải rập theo là đức khiêm nhường. Về đức khiêm nhường, trong Tổng luận Thần học, thánh Tôma Aquino viết như sau: “Khiêm nhường là một nhân đức đặc biệt. Đức khiêm nhường liên hệ ở sự tuân phục của con người đối với Thiên Chúa, và vì Thiên Chúa, hạ mình vâng phục những người khác.” Sự khiêm nhường của Đức Mẹ được diễn tả vắn tắt nhưng thật đầy đủ trong câu trả lời sứ thần trong biến cố truyền tin: “Xin vâng, này tôi là nữ tỳ của Chúa” (Lc 1,38). Vì khiêm nhường, Đức Maria đã nói lời “xin vâng” tuân phục Thiên Chúa và vì Thiên Chúa hạ mình, chịu từ bỏ những ý định riêng tư để vâng phục nhân loại, hầu nhân loại được hưởng nhờ ơn cứu độ.


Cuộc sống đời tận hiến cũng hết sức cần lòng khiêm nhường như thế. Trải qua một thời gian khá dài trong lịch sử, những người đi tu được trọng vọng, quý mến nên đức khiêm nhường dường như bị khá nhiều người không đặc biệt lưu tâm. Đây là một điều nguy hại cho quá trình thăng tiến trong các bậc sống thánh thiện vì khiêm nhường là nền tảng các nhân đức. Ðức Hồng Y Saldarini trong một bài giảng tuần tĩnh tâm mùa Chay dành cho giáo triều Vatican nói: “Nếu trên thực tế, cho dù bản thân chúng ta nói riêng và các cộng đoàn tôn giáo chúng ta nói chung có quan tâm nhiều đến đức tin, đức cậy, đức mến và đủ mọi nhân đức khác, nhưng lại bỏ quên đức khiêm nhường, thì toà nhà nhân đức của chúng ta sớm muộn sẽ bị sụp đổ“. Quả thế, nếu Đức Trinh nữ Maria không khiêm tốn nói lời “xin vâng” thì chắc chắn kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa sẽ bị sụp đổ không theo như ý định ban đầu mà sứ thần mang tới. Người tín hữu, cách riêng những người sống đời tận hiến không khiêm tốn nói lời “xin vâng” với ý Chúa, không khiêm tốn nhẫn nhịn và hoà mình với thời cuộc thì sẽ trở thành người xa lạ, xa lạ ngay với dân tộc, với anh chị em giáo hữu xung quanh mình. Lý tưởng đời tận hiến sẽ bị sụp đổ với chính cá nhận người tận hiến. Hình ảnh về đời tận hiến sẽ bị sụp đổ trước cái nhìn của người xung quanh.


Nét đúc thứ ba chúng ta thấy được nơi khuôn đúc sống động của Đức Mẹ là tinh thần phục vụ. Khiêm nhường thường đi liền với phục vụ. Với lòng khiêm nhường chân thành sâu xa, Đức Maria không kiêu hãnh vì danh hiệu cao quý vừa lãnh, dù Mẹ rất vui mừng. Nghe tin bà Êlisabét đã mang thai, với tinh thần rất đơn sơ, Mẹ vội vàng đến để phục vụ bà. Là Mẹ Thiên Chúa, phải từ bỏ biết bao ý định riêng tư, Mẹ đáng được đòi hỏi nhiều thứ nơi Thiên Chúa, đáng đòi hỏi một sự tôn kính, phục vụ. Nhưng không như thế, Mẹ đã ra đi để phục vụ. Ra đi phục vụ là Mẹ tự đặt mình vào địa vị bị người khác đòi hỏi và sai khiến, phải tôn kính và chiều ý người khác.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong một Thông điệp gởi cho Ủy ban Tổ chức Toàn cầu về Ơn gọi đã khẳng định: “Mọi ơn gọi của Thiên Chúa là Ơn gọi phục vụ“. Ngài nhấn mạnh: “Nếu trong nền văn hóa hiện đại xem thường những người phục vụ kẻ khác là thấp kém, thì trong lịch sử thánh, người phục dịch là người được Thiên Chúa kêu gọi để làm công việc cưú rỗi và cưú chuộc, là người nhận được đầy đủ ơn Chúa, và cảm thấy sẵn sàng phục dịch kẻ khác vì những gì mà họ đã nhận được.” Như thế, phục vụ chẳng phải là ơn gọi cao quý mà cũng là bổn phận của người sống đời tận hiến hay sao!?


Chưa phải là cuối cùng, nhưng để cho bài viết này nếu không phong phú về nội dung thì cũng được một phần ngắn gọn, chúng tôi xin dừng lại ở nét đúc thứ tư nơi khuôn mẫu Maria cho đời tận hiến, đó là lòng say mê mang Tin Mừng cho người khác. Sau khi nhận được Tin Mừng cùa sứ thần truyền tin, Đức Maria đã không ích kỷ giữ niềm vui ấy cho riêng mình. Với tình yêu thương, Mẹ đã mong muốn cho niềm vui trọng đại ấy được chia sẻ. Mẹ mau mắn lên đường đến với bà Êlisabét, nhờ đó mà mẹ con bà Êlisabét đã được là người đầu tiên chia sẻ niềm vui cứu độ. Bà Êlisabét rất đỗi vui mừng cất tiếng hoan hỷ: “Này bởi đâu mà Mẹ Thiên Chúa đến viéng thăm tôi. Vì này tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì con trong lòng tôi đã nhảy lên vì vui sướng.” (Lc 1, 43-45).


Công đồng Vatican II đã có một phát biểu rất tuyệt vời: Hoạt động truyền giáo là bản chất của Giáo Hội xuất phát từ tình yêu Ba Ngôi. Đúng thế, truyền giáo phải xuất phát từ tình yêu. Đức Trinh nữ Maria xưa mau mắn mang Tin Mừng Đâng Cứu Thế đến cho gia đình bà Êlisabét cũng không ngoài vig tình yêu. Có tình yêu thì có chia sẻ. Vì yêu thương mà Ba Ngôi muốn chia sẻ hạnh phúc nội tại dư tràn thành công trình sáng tạo. Vì yêu thương mà Thiên Chúa ban Con Một để cứu chuộc nhân loại và đưa vũ trụ trở về với hạnh phúc vĩnh cửu. Người Kitô hữu, nhất những người sống đời tận hiến, được kêu gọi tiếp tục cách đặc biệt sứ vụ chia sẻ tình yêu và hạnh phúc đó. Nhận lãnh sứ vụ từ Thiên Chúa và theo gương mau mắn của Đức Mẹ, thiết tưởng tình yêu sẽ không cho người sống đời tận hiến được phép chậm lại bước chân khi số những anh em đang khao khát được nghe Tin Mừng cứu độ còn nhiều không đếm hết.


Tháng Hoa kính Đức Mẹ, khoảng thời gian để những người trong Giáo Hội là con cái Mẹ tỏ lòng yêu mến Mẹ đã trôi đi được quá nửa. Nhân sự kiện truyền chức 10 tân linh mục của Giáo phận nhằm đúng khởi đầu tháng Hoa, một sự trùng hợp hàm đầy ý nghĩa, trang viết này không dám là một suy tư, nhưng chỉ xin như một lời cầu nguyện dâng lên Mẹ chí yêu cho những người đang sống đời tận hiến. Xin Mẹ gìn giữ những người đã hiến mình cho Chúa. Thánh Augustinô khen ngợi Mẹ là khuôn sống động tạo hình hài cho Đức Kitô người Mục Tử hiền của nhân loại và là Người Con chí ái của Chúa Cha. Xin Mẹ cũng là khuôn sống động tạo hình hài cho những người sống đời tận hiến, đặc biệt cho các Linh mục của Mẹ thành người mục tử nhân lành như lòng Chúa mong muốn và hằng làm hài lòng thánh ý Thiên Chúa như Đức Kitô, Con rất yêu dấu của Mẹ. Amen.


KV

Exit mobile version