Tổng Giám mục giáo phận Manila, Phi Luật Tân từ năm 2011, hồng y Tagle có một nhân cách đáng kinh ngạc. Dù được thăng chức nhanh trong Giáo hội nhưng hồng y không đánh mất tính đơn sơ của mình. Trong quyển sách-phỏng vấn xuất bản tháng 3 vừa qua, ngài kể về những gì ngài được nung nấu trong lòng và cuộc chiến cho những người khiêm hèn nhất.
Người tin cậy của Đức Phanxicô, hồng y Luis Antonio Tagle, 61 tuổi, Tổng Giám mục giáo phận Manila, Phi Luật Tân đã từng biết Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI. Hiện nay ngài là một trong các nhân vật mạnh nhất của Giáo hội. Ngài đứng đầu một giáo phận có hơn 3 triệu giáo dân nhưng vẫn giữ thái độ khiêm tốn mà nhiều người đã biết đến ngài. Tu sĩ Enzo Bianchi, nhà sáng lập cộng đoàn Bose nói về ngài: “Hồng y Tagle là người rao giảng Tin Mừng, ngài thật sự biết kể về Chúa Giêsu Kitô”. Trong quyển sách “Chúa không quên người nghèo”, một quyển sách-phỏng vấn xuất bản tháng 3 năm 2019, Chito – biệt dang quen thuộc của ngài và chính ngài cũng tự giới thiệu mình trên tài khoản Twitter như thế – kể quá trình của mình, từ tuổi thơ ấu trong một gia đình đơn sơ đến cuộc chiến cho những người sống bên lề.
Tông đồ của “lòng mộ đạo bình dân”
Vị “hoàng tử của Giáo hội này không thích hào hoa của giáo hội”, ngài kể trong lời mở đầu quyển sách, ngài đã gặp Chúa từ khi còn nhỏ. Ngài viết: “Trước hết, tôi được sống đức tin trong gia đình. Gia đình tôi là một gia đình bình thường gồm những người làm việc cực nhọc và đã dạy cho tôi các giá trị đơn giản: đức tin, gia đình, tình yêu cho Giáo hội, giáo dục, các nguyên tắc lành mạnh”. Là người Phi Luật Tân, ngài thấm đậm văn hóa gốc của mình và là tông đồ của cái được gọi là “lòng mộ đạo bình dân”. Một lòng mộ đạo mà mà theo ngài nói lên đức tính liên kết các tầng lớp xã hội khác nhau. “Theo tôi, hình thức tham dự lớn nhất của giáo dân vào đời sống đức tin được thể hiện qua lòng mộ đạo bình dân này. Hơn nữa, được thể hiện qua lòng mộ đạo bình dân này, chúng ta chứng kiến một sự pha trộn xã hội giữa người nghèo và người giàu. […] Dưới nhiều hình thức khác nhau, lòng mộ đạo bình dân trở nên nơi biểu tượng cho đức tin và văn hóa gặp nhau”
Một hành trình đầy trắc trở
Xuyên suốt quyển sách, hồng y kể các hình ảnh khác nhau đã cảm hứng cho ngài qua năm tháng. Trong số các hình ảnh này có linh mục Redentor Corpuz ở giáo xứ của ngài khi ngài còn nhỏ. Việc bổ nhiệm ngài về một giáo xứ nghèo của giáo phận đã làm cho linh mục trẻ Chito đặt câu hỏi về tinh thần phục vụ cho người khốn cùng nhất, ngạc nhiên thấy mình đứng trước “một cuộc sống hy sinh, với chọn lựa hết lòng cho người nghèo, cho giáo xứ mà mình đang sống”. Con đường đi đến chức thánh của ngài không phải là con đường thẳng.
Tin chắc mình sẽ thành bác sĩ, từ tuổi vị thành niên, linh mục tương lai đã chú ý đến ngành y trước khi trượt kỳ thi tuyển vào chủng viện, nhưng cuối cùng nhờ vào sự chấp thuận giờ cuối, ngài được nhận vào chủng viện. Tất cả các bạn đồng khóa với ngài, chỉ có ngài là người duy nhất được chịu chức. Chúa đã ghé mắt đến! Và dấu hiệu này kéo theo dấu hiệu kia, hồng y Tagle người không thiếu tính hài hước, ngài vui vẻ kể ngày chịu chức của mình vào một ngày giông bão rất mạnh: “Với tất cả các điều kiện thời tiết khó khăn này, suy nghĩ đầu tiên của tôi là: hoặc gió này là gió của sự hiện diện Chúa Thánh Thần hay gió này là gió của quỷ muốn ngăn không cho tôi chịu chức”.
Giáo dục và sứ vụ
Là linh mục trẻ trong một đất nước suy yếu bởi chế độ độc tài của tổng thống Marcos, ngài được giao nhiệm vụ đào tạo chủng sinh. Mang tâm hồn nhà giáo trong lòng, ngài tận tâm lo cho các chủng sinh và tháp tùng họ rất hiệu quả. Đối với ngài, nhà đào tạo giỏi là người “có kiến thức và kiên quyết nhưng cũng là người có lòng nhân” và “cũng vừa là người đồng hành, người cha, người anh” với chủng sinh, nhưng phải tránh cạm bẫy của việc khép lòng, vì đây là “một trong các nguy hiểm lớn nhất, ngăn không hướng dẫn được người trẻ đến sự trưởng thành trọn vẹn và đầy đủ”. Và rồi người có tinh thần mục tử trong lòng này là giám đốc Caritas Quốc tế, ngài kể cuộc chiến đấu của mình cho những người khốn cùng nhất. Một trận chiến ngài nắm được ý nghĩa khi ngài còn học thần học ở Mỹ. Kinh nghiệm làm thiện nguyện viên ở các nữ tu Dòng Mẹ Têrêxa bên cạnh những người vô gia cư, những người bị bệnh sida đã giúp cho ngài thấy điều cốt tủy: “Nhờ vào kinh nghiệm này, tôi không những chạm đến vết thương của những người bệnh mà còn chạm đến vết thương của gia đình họ. […] Với tôi, việc ngồi bên cạnh giường bệnh của họ, thường là những người sống cô độc là một kinh nghiệm tôn giáo thực sự”. Một nhân chứng vững mạnh cho Tin Mừng.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch