Thánh tích cấp một của thánh Gioan Phaolô II đã được an vị tại ngôi nhà mới: nhà thờ Ðức Mẹ Ban Ơn ở thành phố Ridgewood, bang New York của Mỹ, theo thetablet.org.
Hàng trăm giáo dân hôm 18.3.2019 đã tập trung tại nhà thờ của thành phố Ridgewood để tham dự thánh lễ mừng đón thánh tích của vị Giáo Hoàng khi còn tại thế từng mang đến cho họ lòng cảm thông, sự kết nối về văn hóa và lòng nhiệt thành của đức tin. Ðức cha Mieczysław Mokrzycki, Tổng Giám mục Lviv (Ukraine), trước đây là trợ lý của Ðức Gioan Phaolô II, đã không quản ngại đường xa đến hạt Queens để tự tay giao phó thánh tích quý giá cho giáo xứ Ðức Mẹ Ban Ơn.
Thánh tích của sự đoàn kết
Giờ đây, thánh tích cấp một dưới dạng một nhúm tóc của Ðức Gioan Phaolô II tôn kính đã được lưu giữ ở nhà mới trong sự hân hoan của cha xứ Anthony J. Sansone. “Tôi vô cùng phấn khích và vui mừng khi nhận được thánh tích. Tôi đặt hy vọng và cầu nguyện vật thiêng liêng này sẽ mang lại nhiều điều tốt lành cho các giáo dân”, cha Sansone chia sẻ. Vị mục tử nhận định đây là cơ hội hoàn hảo để mong đợi sự đoàn kết cho toàn bộ giáo xứ. “Dù các giáo dân của xứ Ðức Mẹ Ban Ơn nói 3 thứ tiếng khác nhau, chúng tôi luôn xem đó là một, thể theo lời dạy của Ðức Gioan Phaolô II”, theo cha. Thánh lễ tại nơi này được dâng bằng tiếng Anh, Ba Lan và Ý, cũng là 3 ngôn ngữ được dùng trong giáo xứ, và chính vì sự đa dạng này mà cha Sansone cho rằng giáo xứ của mình là ứng viên hoàn hảo để đón thánh tích của một con người “luôn tôn trọng lòng nhân đạo và trân quý nhân loại”.
Ðức Tổng Giám mục Mokrzycki sử dụng tiếng Ba Lan trong suốt thánh lễ, nhưng trong bài giảng bằng tiếng Anh, do cha Sansone đại diện đọc, vị khách quý từ Ukraine nhấn mạnh, những sự kiện như việc tiếp đón thánh tích “giúp đức tin của chúng ta lớn mạnh và chia sẻ những quan điểm chung”. “Ký ức về vị thánh yêu quý mang chúng ta đến gần nhau hơn trong cầu nguyện và lòng kính trọng đối với người. Tôi vô cùng vui sướng vì được vinh dự kề cận trong 9 năm cuối đời của ngài, và tất cả chúng ta đều được khuyến khích bởi tính nhân văn và tình hữu nghị của thánh Giáo Hoàng. Ðức Gioan Phaolô II là minh chứng cho lòng nhân đạo chân thành và đức tin vững chắc, một người thầy và nhân chứng của đức tin không thể lay chuyển”, theo Ðức Tổng Giám mục.
Hôn thánh tích Đức Gioan Phaolô II |
Ngài nhớ lại thánh Giáo Hoàng là người luôn đặt cầu nguyện lên hàng đầu, mỗi sáng đều phủ phục trên nền nhà và đọc kinh Mân Côi. Ngài chưa từng trễ nải bất cứ thánh lễ nào vào thứ Năm hoặc các Ðàng thánh giá vào thứ Sáu. “Toàn bộ suy nghĩ của ngài đều hướng đến Chúa và Giáo hội. Cuộc đời ngài luôn thấm đẫm trong những lời cầu nguyện. Ngài dường như sống để dâng lên lời nguyện cầu cho Ðấng Toàn Năng”, Ðức Tổng Giám mục Mokrzycki bổ sung. Khi đề cập đến hoạt động mục vụ, Ðức Gioan Phaolô II “quan tâm đến tất cả con chiên” và “luôn nghiêm túc xem xét mọi vấn đề phát sinh”, “Vì vậy, có thể nói việc tiếp xúc với thánh Giáo Hoàng mang chúng ta đến gần Chúa hơn”. Ðức Tổng Giám mục Mokrzycki nhớ lại, nhiều người đã chia sẻ với Ðức cha rằng sau mỗi lần yết kiến Ðức Gioan Phaolô II, họ đều cảm nhận được năng lượng tuyệt vời từ ngài, giống như thể “cầu nguyện chính là dưỡng khí cho linh hồn của vị thánh”.
Vị thánh Giáo Hoàng được yêu quý
Gần cuối thánh lễ, các giáo dân lần lượt chờ đến phiên mình bày tỏ lòng tôn kính đối với thánh tích, được cất giữ bên trong hộp bằng vàng. Walter Powles, giáo dân đã 35 năm tại giáo xứ này, là một trong số đó. “Ðây là thánh tích của một vị Giáo Hoàng vĩ đại và chúng tôi vô cùng yêu quý ngài. Chúng tôi sẽ cầu nguyện với ngài và hy vọng sẽ phần nào được hồi đáp. Thật sự là niềm vinh dự khi được đón Ðức Tổng Giám mục Mokrzycki ở đây trong một sự kiện trọng đại”, theo ông Powles.
Bà Bozena Wrobel, rời Ba Lan đến New York định cư cách đây 20 năm, ngậm ngùi chia sẻ rằng, sự hiện diện của thánh tích thánh Gioan Phaolô II là niềm an ủi đối với bà sau khi đã mất đi người chồng thân yêu vào tháng 10 năm ngoái. “Thánh tích vô cùng quan trọng đối với Mỹ, đối với gia đình chúng tôi. Tôi sẽ quay lại đây mỗi Chúa nhật để cầu nguyện cho chồng và gia đình mình”, bà nói. Agnieszka Kulikowski, một giáo dân nhiệt thành của xứ Ðức Mẹ Ban Ơn, giải thích thánh tích có ý nghĩa sâu xa đối với cộng đồng giáo dân Ba Lan, đơn giản vì Ðức Gioan Phaolô II cũng là người Ba Lan. Về phần mình, giáo dân Margaret Baclawski hoàn toàn đồng ý “Ðức Gioan Phaolô II được sinh ra để trở thành Giáo Hoàng”.
Thánh tích được lưu trữ tại nhà thờ, bên cạnh bức tượng của Ðức thánh Giáo Hoàng, hình ảnh Lòng Chúa Thương Xót và tượng của thánh Faustina. Ðức Gioan Phaolô II được Ðức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên thánh vào năm 2014, khi còn tại thế luôn được biết đến với tôn chỉ sống và truyền bá thông điệp Lòng Chúa Thương Xót, hình ảnh vốn được thánh Faustina tiết lộ và ghi lại trong nhật ký của mình. Và sự hiện diện của thánh tích được kỳ vọng sẽ mang đến sự bảo vệ cho giáo xứ tập hợp những con người có nguồn gốc khác biệt.
BẠCH LINH