Chào bạn,
Hôm nay chúng ta sẽ suy nghĩ về Đức Chúa Trời, xem thử Đức Chúa Trời là ai? Tuy nhiên trước tiên chúng ta cần ôn lại những gì mình đã học.
Lần trước chúng ta nói về Kinh Thánh. Kinh Thánh là cuốn sách giáo khoa của môn học Niềm Tin Căn bản.
Các bạn chắc còn nhớ Kinh Thánh là một bộ sách gồm 66 cuốn, do con người viết ra dưới sự chỉ đạo của Chúa. Chúa chính là tác giả của Kinh Thánh, và Ngài đã tuyển chọn, những người viết hướng dẫn chỉ đạo cho họ từng điều, từng việc để họ viết ra và sau 1600 năm Kinh Thánh được hoàn thành và dịch ra hằng nghìn thứ tiếng như ngày nay.
Chúng ta cũng đã nói đến hai chủ đề của Kinh Thánh:
- Một là, Đức Chúa Trời là Đấng chủ tể, nghĩa là Ngài có toàn uy quyền và sức mạnh trên tất cả muôn loài vạn vật mà Ngài đã sáng tạo.
- Hai là, Đức Chúa Trời giao hảo với con người chúng ta.
Hôm nay chúng ta thử tìm hiểu xem: Làm sao chúng ta biết được Đức Chúa Trời?
Lần trước chúng ta nói rằng nhân vật chính của Kinh Thánh là Đức Chúa Trời, vì thế khi ta học Kinh Thánh ta sẽ biết về Đức Chúa Trời.
Thông thường thì muốn biết rõ về một người nào, ta căn cứ vào lời nói và việc làm của người đó. Đối với Đức Chúa Trời cũng vậy. Chúng ta đọc Kinh Thánh thì biết những gì Chúa đã nói và những việc Ngài đã làm. Qua những lời nói của Chúa chúng ta cũng biết những gì Chúa ưa thích và những gì Chúa ghét bỏ. Qua lịch sử của dân tộc Y-sơ-ra-ên được ghi trong Kinh Thánh chúng ta biết nguyên tắc hành động của Chúa.
Chính vì vậy mà ta phải học Kinh Thánh để biết Chúa, vì Kinh Thánh cũng có ghi lời Chúa dạy rằng: Người khôn chớ khoe về khôn ngoan mình, người mạnh chớ khoe về sức mạnh, người giàu cũng không nên khoe về của cải, nhưng ai khoe, hãy khoe về việc người ấy hiểu ta và biết ta là Đức Chúa Trời. (Giê-rê-mi 9:23,24). Theo câu Kinh Thánh này thì biết Đức Chúa Trời quan trọng hơn cả học thức (khôn ngoan), sức mạnh, giàu sang hay quyền hành.
Kinh Thánh mở đầu với câu: Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất.
“Ban đầu” nghĩa là phải có một khởi đầu, một thời gian mà trái đất chưa có, rồi sau đó trái đất được hình thành. Mọi sự vật đều phải có một bắt đầu trong thời gian. Mọi sự vật trừ ra Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời không có khởi đầu và chấm dứt. Ngài đã có mặt trước khi có bất cứ sự việc nào được tạo ra và Ngài tồn tại mãi mãi.
Đức Chúa Trời có nhu cầu nào hay không?
Đức Chúa Trời không có nhu cầu nào cả. Đức Chúa Trời không cần không khí để thở, lương thực để ăn, không cần phải ngủ vì Đức Chúa Trời toàn năng không mệt mỏi. Vì nếu Đức Chúa Trời tồn tại trước khi có muôn loài vạn vật thì Ngài không cần đến chúng.
Ê-sai 40:28 ghi: “Ngươi không biết sao, không nghe sao? Đức Chúa Trời vĩnh hằng, Đấng tạo thành mọi sự vật trên khắp trái đất. Đức Chúa Trời không mệt, chẳng mỏi, khôn ngoan của Ngài không ai dò thấu được.”
Dò thấu tức là hiểu cho đến tận cùng. Không con người nào có thể biết hết về Chúa, vì Ngài vô cùng vĩ đại, toàn năng, là Đấng hình thành vũ trụ vạn vật và con người chúng ta. Chúa quá vĩ đại nên trí óc hạn hẹp của chúng ta không tài nào hiểu được Chúa. Nhưng Đức Chúa Trời là Đấng toàn tri, nghĩa là biết tất cả mọi sự việc.
Thi Thiên 147:5 trong Kinh Thánh ghi rằng: “Đức Chúa Trời chúng ta vô cùng vĩ đại, tri thức của Ngài không có một giới hạn nào.”
Đức Chúa Trời biết tất cả.
Rô-ma 11:33 có nói đến đặc tính này của Đức Chúa Trời:
“Ôi sâu nhiệm thay là sự giàu có khôn ngoan và thông biết của Đức Chúa Trời. Sự phán xét của Ngài nào ai thấu được, đường nẻo Ngài nào ai hiểu được! Vì ai biết ý tưởng Đức Chúa Trời, ai là kẻ bàn luận với Ngài?”
Có hai điểm về Đức Chúa Trời mà chúng ta vừa nói đến đó là: Đức Chúa Trời không có nhu cầu nào cả và Đức Chúa Trời biết tất cả. Đó là hai điểm bạn cần ghi nhớ.
Một điểm rất quan trọng về Đức Chúa Trời mà ta cần biết, đó là: Đức Chúa Trời là thần linh.
Phúc Âm Giăng 4:24 ghi rằng: “Đức Chúa Trời là Thần, nên ai thờ lạy Ngài phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy.”
Trong toàn bộ Kinh Thánh điểm này trình bày rất rõ:
Chúa là bậc thần linh không có thân xác, nghĩa là không có thịt xương như con người. Chúa không có thân thể. Nhưng không phải vì không có thân thể mà Chúa không phải là một cá thể xác định. Chúa không phải là một tư tưởng do con người nghĩ ra, nhưng Ngài là một Đấng có thật, và xác định.
Khi so sánh một người với Đức Chúa Trời thì ta thấy rõ về Đức Chúa Trời hơn:
Con người được sinh ra, lớn lên, già và chết.
Đức Chúa Trời không có khởi đầu và không bao giờ chấm dứt.
Con người cần không khí, lương thực, nước uống và sự che chở.
Đức Chúa Trời không có một nhu cầu nào cả. Đức Chúa Trời hoàn toàn trong chính Ngài không có một nhu cầu nào từ những gì bên ngoài để mà tồn tại.
Con người bẩm sinh không khôn ngoan, phải học mới biết.
Đức Chúa Trời biết tất cả.
Con người có thân xác và bị giới hạn trong thời gian và không gian.
Đức Chúa Trời là thần linh không có thân xác, vì thế Đức Chúa Trời không bị giới hạn trong thời gian và không gian như con người, Ngài không có một giới hạn nào.
Bài học Niềm Tin Căn Bản tạm chấm dứt ở đây, xin hẹn gặp lại quý độc giả kỳ sau.
Mong rằng bài học Niềm Tin Căn Bản này đã giúp bạn biết thêm về Chúa và về Kinh Thánh.
Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài học Niềm Tin Căn Bản hôm nay và hi vọng các bạn nhớ những gì chúng ta đã học. Lần sau chúng ta sẽ nói thêm về Đức Chúa Trời. Mời các bạn nhớ đón đọc.
Hẹn gặp lại các bạn và cầu xin Chúa ban nhiều ơn lành cho các bạn.
Trích tài liệu Đài Nguồn Sống