Dự tòng, thời kỳ

du tong thoi ky - Dự tòng, thời kỳ

Dự: chuẩn bị; tòng: theo. Dự tòng: chuẩn bị đi theo.

Thời kỳ dự tòng là giai đoạn người dự tòng được hướng dẫn, học hỏi về đời sống đức tin trước khi chịu Phép Rửa và gia nhập Hội Thánh Công giáo.

Ngày nay, thời kỳ dự tòng thông thường gồm ba giai đoạn:

1) Học hiểu giáo lý.

2) Ghi danh chính thức vào sổ dự tòng.

3) Chuẩn bị lãnh nhận các Bí tích Khai Tâm.

Mục đích của thời kỳ này là giúp người dự tòng có thể hối cải và lớn lên trong đức tin. Ðây chính là việc huấn luyện “toàn bộ đời sống Kitô giáo”. Dưới sự hướng dẫn cùa linh mục, giáo lý viên, người đỡ đầu và cộng đoàn Kitô hữu, người dự tòng được tập sống theo Phúc Âm, tham gia các nghi lễ theo từng giai đoạn, được đưa vào đời sống đức tin, Phụng vụ và bác ái của Dân Thiên Chúa (GLHTCG 1248).

Công đồng Vaticanô II đặc biệt nhấn mạnh nên tổ chức giai đoạn dự tòng khớp với năm Phụng vụ và việc cử hành mầu nhiệm Vượt Qua. Do đó, Chúa nhật thứ nhất mùa Chay thường là thời điểm thâu nhận dự tòng. Khi đó, Giám mục giáo phận nhân danh Chúa Kitô và Giáo hội gọi tên các dự tòng sẽ được lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy trong năm Phụng vụ ấy, đặc biệt trong lễ Phục Sinh năm đó.

Ngoài ra, việc ban Phép Thánh Tẩy cho các trẻ sơ sinh cũng đòi hỏi một giai đoạn “dự tòng” sau đó, để các em học hiểu giáo lý và lớn lên trong ân sủng của Bí tích Thánh Tẩy song song với sự tăng trưởng nhân bản ( GLHTCG 1231).

Tiểu ban Từ vựng – UBGLÐT/HÐGMVN

Exit mobile version