Sáng 23/9, nhân khóa họp khoáng đại của Bộ Truyền thông, ĐTC đã tiếp các thành viên của Bộ truyền thông và khoảng 500 nhân viên của Bộ. Trong số các thành viên của Bộ, có Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, giáo phận Mỹ Tho.
ĐTC đã trao cho ông Bộ trưởng bài diễn văn dọn trước và thay vào đó ngài chia sẻ những điều “tâm đắc về truyền thông”.
Truyền thông xuất phát từ Thiên Chúa
Nguồn gốc của truyền thông là chính Thiên Chúa. Người muốn thông tin, và thông tin cho chúng ta. Các nhà truyền thông phải học cách của Thiên Chúa, thông tin vời toàn thể con người mình.
Truyền thông bằng chứng tá
Trước hết, truyền thông không phải là quảng cáo, không chiêu dụ tín đồ. Truyền thông của chúng ta, như ĐGH Biển đức XVI nói: Giáo hội không phát triển nhờ chiêu dụ, nhưng bởi sự lôi cuốn, nghĩa là bởi chứng tá. Truyền thông của chúng ta phải là chứng tá. ĐTC nói: “Nếu anh chị em chỉ muốn truyền đạt một sự thật mà không có lòng tốt và vẻ đẹp, hãy dừng lại, đừng làm điều đó. Nếu anh chị em muốn truyền đạt một sự thật, nhưng không liên quan đến bản thân anh chị em, mà không làm chứng bằng cuộc sống của mình, hãy dừng lại, đừng làm điều đó .”
Truyền thông không cam chịu
Điểm thứ hai ĐTC nói đến là một thứ cam chịu có trong tâm hồn các Kitô hữu. Đó là thái độ của thế gian, không phản chiếu tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta đừng sợ thế gian, sợ tục hóa và thế là co cụm, phòng thủ. Nếu chúng ta ít ỏi, đừng sợ và đừng khép kín. Chúng ta ít nhưng như men, như muối, với mong muốn truyền giáo, tỏ cho người khác thấy chúng ta là ai.
Truyền thông loan truyền sự thật, không cần tô điểm
Điểm thứ ba, nhắc các nhân viên của Bộ Truyền thông nguy cơ rơi vào nền văn hoá của các tính từ mà quên đi sức mạnh của chính các danh từ. ĐTC nhắc lại ví dụ: Kitô hữu là danh từ tự nó có sức mạnh, không cần phải thêm tính từ “đich thực”. Truyền thông là thông truyền sự thật của chính sự việc, dùng các danh từ nói lên chính thực tại của con người. (REI 23/09/2019).
Hồng Thủy – Vatican