|
Trong tất cả những nhóm này, sẽ có một số người được cho là có khả năng giao tiếp với thần linh, phụ trách những vấn đề tế tự. Họ đóng vai trò như trung gian giữa thần và người. Một cách tự nhiên, nhóm người này trở thành một phần trong bộ máy lãnh đạo, chăm lo đời sống tâm linh cho người dân. Những người khác trong cộng đoàn phải dành cho họ một chỗ đứng quan trọng và một sự tôn kính đặc biệt, bởi nếu không, sẽ chẳng có ai cầu khẩn thần linh cho mình. Các tư tế được xem là “người của thần”. Xúc phạm họ là xúc phạm đến thần. Người ta có thể làm mọi thứ, nhưng chẳng ai dám làm điều gì có lỗi với thần linh. Sự phân cực càng trở nên rõ ràng khi học thuyết nhị nguyên ra đời: phân chia giữa thân xác với linh hồn, giữa điều thiêng liêng với điều phàm tục.
Khi người ta đề cao đời tu thì cũng đồng thời có một thái độ “hạ thấp” dành cho đời thế tục, những người bị gán cho cái tên “sống ngoài đời”. Trong nhiều nền văn hoá, một cái nhìn phân cực dành cho ơn gọi dâng hiến và ơn gọi thế tục vẫn còn tồn tại. Khi lược lại lịch sử đời tu, chúng ta đã biết rằng sở dĩ thời xưa có nhiều người vào sa mạc để tu là vì họ muốn trốn tránh cuộc sống đời thường với nhiều bon chen phức tạp. Đối với họ, đời sống gia đình là một cái gì đó khiến cho tâm hồn họ không được thanh tịnh, không thể chuyên tâm để chiêm niệm Thiên Chúa. Cũng không quá khó để ta có thể hiểu được điều này. Người đi tu thì chỉ chăm lo chuyện thiêng liêng; họ đọc kinh, dự lễ, suốt ngày chỉ hướng đến những điều thánh thiêng, chăm lo nhà thờ nhà thánh. Trong khi những người sống cuộc sống thế tục phải làm việc, và trong khi làm việc, họ không sao tránh khỏi những lúc phải dối gian, phải lượn lẹo để kiếm đồng tiền. Bản thân người đi tu tự đề cao chính mình, và người sống đời thế tục cũng tự hạ thấp mình.
Thái độ này không phải là chuyện bây giờ mới có, hay chỉ tồn tại nơi những người “phàm phu tục tử” như chúng ta. Ngay từ lúc bình minh của đời dâng hiến, nhiều vị thánh cũng đã có những tư tưởng kiểu nhị nguyên này. Tác phẩm Quy luật của Tôn Sư (The Ruler of Master) cho rằng cần phải có sự phân biệt giữa người đi tu và người đời trong cách ăn mặc và nói năng: đi tu thì quý giá hơn, sống tiết độ hơn, thánh thiện hơn, tốt lành hơn và là mối lo sợ của ma quỷ; người đi tu thì làm những việc thiêng liêng còn người không đi tu thì làm những chuyện thấp hèn. Thánh Biển Đức gọi người đi tu là những người sống trung tín với Tin Mừng. Thánh Basiliô mời gọi những ai muốn đi tu thì phải từ bỏ những gì cản trở và phải xa tránh luôn cả người đời vì họ không sống gắn kết với Tin Mừng. Với thánh Giêrônimô, hôn nhân là rào cản, khiến ngài không thể toàn tâm toàn ý cho Chúa. Đức Urbano II cũng có ý tương tự khi nói rằng trong Giáo Hội có hai lối sống: một dành cho người yếu kém, một dành cho người mạnh mẽ. Cũng có một số người cho rằng hôn nhân là xấu, là hậu quả của tội. Họ chú giải Mt 19,16-22 theo hướng rằng Đức Giêsu nói đến hai bậc sống: người đi tu được xếp ở bậc hoàn thiện, còn người không đi tu (người thanh niên giàu có chỉ giữ luật mà không chịu bỏ tất cả để theo Chúa) thì chỉ được ơn cứu độ chứ không hoàn thiện.
Thật ra, ơn gọi dâng hiến và ơn gọi thế tục tuy khác nhau về lối sống nhưng không nên bị xếp bậc theo kiểu cái này hơn cái kia. Không có sự phân biệt gì về mức độ hoàn thiện giữa người đi tu và người đời, vì cả giáo dân và giáo sĩ đều có nghĩa vụ phải sống hoàn thiện. Luật của Tin Mừng dành cho tất cả mọi người, không trừ ai. Mọi đặc sủng trong Giáo Hội đều từ Thiên Chúa mà ra. Các ơn gọi khác nhau trong Giáo Hội thể hiện sự phong phú của Thánh Thần. Thánh Tôma Aquinô cho rằng mọi người đều phải hướng đến sự hoàn thiện, mà sự hoàn thiện hệ ở đức ái, Lời Chúa và bí tích, chứ không phải ở bậc sống. Công đồng Vatican II, trong văn kiện Lumen Gentium, cũng mời gọi các tín hữu nên hoàn thiện trong ơn gọi của mình. Tất cả đều phải cố gắng cộng tác với ơn Chúa, sống theo ý Chúa và phục vụ anh em như Đức Kitô đã làm. Bậc sống chỉ là phương tiện giúp con người hướng về Chúa. Tự bản thân nó không phải cùng đích.
Có thể nói, thế tục và dâng hiến là hai cách thức khác nhau thi hành ơn gọi Kitô hữu. Những người sống đời thế tục thì làm việc trong tương quan với những người khác một cách mạnh mẽ qua mối dây gia đình mà mình tạo lập hay trong môi trường lao động, nghề nghiệp. Họ cùng cộng tác với công trình tạo dựng của Thiên Chúa qua việc sinh sản và giáo dục con cái. Họ đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa qua niềm tin, cậy, mến, chu toàn bổn phận hàng ngày, phục vụ Chúa qua những hy sinh cho gia đình, đóng góp tài năng và sức lực để xây dựng xã hội cách trực tiếp nơi môi trường mình sống. Còn người sống đời dâng hiến thì xây dựng tương quan với Chúa như tiêu chí độc nhất kiến tạo đời mình. Họ chọn sống độc thân để chỉ lo việc của Chúa và say mê yêu mến Chúa bằng một con tim không chia sẻ. Họ biểu lộ giá trị Thiên Đường đang hiện diện trong thế giới này. Bằng lối sống của mình, họ là chứng nhân cho sự sống mới, tiên báo sự phục sinh trong tương lai và vinh quang Nước Thiên Chúa.
Trong tương quan với thế giới bên ngoài, những người sống đời thế tục có nhiệm vụ làm sinh ra những mầm sống mới, tiếp nối công cuộc tạo dựng của Đấng Tạo Hoá. Còn người sống đời dâng hiến thì biểu lộ một sự tự do, cho thấy con người không bị trói buộc bởi cấu trúc gia đình. Họ cũng đóng góp cho sự phong phú của Tạo Hoá qua việc hướng con người đến những giá trị nhân văn, và mở con người mình ra, hướng đến sự hiệp thông của đức ái Tin Mừng.
Bởi vậy, đừng bao giờ cho rằng tôi không đi tu nên không cần phải sống tốt, hay tôi đi tu nên tôi thánh thiện hơn người khác. Tu đi hay không đi tu, không phải chỉ là chọn lựa xuất phát từ ý muốn cá nhân mình, nhưng trên hết và trước hết, nó là một tiếng gọi từ trên cao. Tự bản thân nó không làm cho người ta tốt hơn hay xấu đi. Cả ơn gọi thế tục và ơn gọi dâng hiến đều cao quý. Sống trọn vẹn ơn gọi của mình chính là phương thức để nên thánh. Ta vẫn thấy có rất nhiều vị thánh trong Giáo Hội là những người bình dân, giản dị, những người cha, người mẹ, giáo lý viên, thanh niên thiếu nữ, trẻ em. Trên bình diện thiêng liêng, ta có thể nói thế này: chính bí tích Rửa Tội là cửa ngõ và cũng là nền tảng cho đời sống đức tin và sự nên thánh của chúng ta. Lãnh nhận bí tích Rửa Tội cũng là nhận lãnh lời mời gọi đi vào trong sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa. Nên một với Thiên Chúa là cùng đích của mọi loài thụ tạo, đời tu hay đời thế tục chỉ là phương tiện (con đường) giúp ta đạt đến cùng đích này.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ