Đời sau có hay không?

1. Chủ nghĩa duy vật: Không có gì tiếp tục tồn tại; cái chết chấm dứt mọi thứ của tôi. Điều này hiếm được chấp nhận vào khoảng thời gian trước thế kỷ XVIII, tuy nhiên ngày nay chủ nghĩa duy vật là một quan điểm tuy nhỏ mà mạnh mẽ trong các quốc gia đã được công nghiệp hóa. Nó là một sản phẩm đính kèm mang tính tự nhiên của chủ thuyết vô thần.

2. Chủ thuyết ngoại giáo: một nửa con người mờ ảo hay một bóng ma vẫn còn sống và đi đến một nơi chết chóc, Địa ngục tối tăm, ảm đạm.

3. Thuyết đầu thai: Linh hồn của một người vẫn sống sau khi chết và được tái nhập vào trong một thể xác khác.

4. Thuyết phiếm thần: Cái chết chẳng thay đổi gì cả, những gì tồn tại sau khi chết cũng giống như những gì có thực trước khi nó chết: chỉ là một, một Thực Tại không thay đổi, vĩnh hằng, hoàn hảo, tinh thần, thần thiêng, có tính bao hàm, và thỉnh thoảng được gọi với cái tên “Brahman” và thỉnh thoảng không được gọi như thế (như trong Phật giáo).

5. Thuyết linh hồn bất tử: Linh hồn của mỗi người vẫn sống sau khi người ấy chết, nhưng thể xác thì không.


6. Thuyết phục sinh: Khi chết, linh hồn tách lìa khỏi thể xác và được tái hiệp nhất với chính thân xác đã được làm mới, đã được phục sinh, bất tử vào ngày cánh chung nhờ vào quyền năng của Thiên Chúa. Đây là quan điểm của Kitô Giáo. Sự phục sinh siêu nhiên của thể xác hơn là chỉ nói về bản tính bất tử vốn có của chỉ linh hồn, quan điểm là chính quan điểm về đời sống sau khi chết trong Kinh Thánh. Quan điểm này vốn đã được tiên báo và hi vọng một cách mơ hồ trong Cựu Ước, nhưng đã được mặc khải rõ ràng trong Tân Ước. Cả hai quan điểm 5 và 6 đều đề cập đến việc linh hồn vẫn sống sau khi thể xác chết đi. Đây là điểm mà chúng ta sẽ chứng minh.

Luận chứng về tính đơn nhất của linh hồn

Đại tiền đề: Cái gì không được gộp lại thì không thể bị tách rời. Bất cứ thứ gì được gộp lại từ những phần khác nhau thì có thể được tách ra thành những phần khác nhau: một phân tử được tách ra thành những nguyên tử, một tế bào được tách thành những phân tử, một cơ phận có thể được tách ra thành những tế bào, một thân thể có thể được tách ra thành những bộ phận, một con người có thể được tách ra thành linh hồn và thể xác. Điều gì không thể được cấu nên từ các phần thì không thể được tách ra thành những phần khác nhau.

Tiểu tiền đề: Linh hồn thì không phải được cấu nên từ các bộ phận. Không như thể xác, nó không có những bộ phận có thể đếm hay đo lường được. Bạn có thể cắt thể xác ra làm đôi nhưng không thể làm được như thế đối với linh hồn; bạn không thể có một nửa linh hồn. Bạn không thể cắt ra được một tí của linh hồn khi cắt tóc.

Kết luận: Vậy linh hồn thì không thể bị chia tách.

Chỉ có hai cách bị hủy diệt đi: bị chia tách thành từng phần, như trường hợp của thể xác, hoặc bị hủy diệt hoàn toàn nguyên trong một tổng thể. Nhưng chúng ta biết rằng không gì lại bị hủy diệt xét như là một tổng thể. Không gì lại tự dưng đi vào hiện hữu. Nếu linh hồn không chết cả trong các bộ phận (bởi sự chia tách) lẫn trong trường hợp một thể xác nguyên vẹn (bởi sự hủy diệt), thì linh hồn không thể chết.

Luận chứng về việc năng lực linh hồn dẫn dắt thể xác.

Đại tiền đề: Giả sử năng lực của linh hồn không đến từ thân xác, điều này cho thấy rằng linh hồn không là một phần hay là một chức năng của thân xác. Đến lượt nó, điều này cũng chỉ ra rằng linh hồn không phụ thuộc vào những quy luật của thân xác, bao gồm cả cái chết.


Tiểu tiền đề:
Một năng lực như thế của linh hồn hiện hữu thì không đến từ thân xác. Chính nó là năng lực làm cho thể xác hiện diện. Thể xác không thể hiện diện bởi chính nó, không thể là đối tượng nhận thức của chính nó, không thể biết về chính mình. Để cụ thể hóa X, tôi phải hơn X. Tôi có thể biết một hòn đá như là một vật thể chỉ vì tôi không chỉ là một hòn đá xét như là một vật thể. Một cái máy chiếu có thể phóng chiếu các hình ảnh lên màn hình chỉ vì nó không là một hình ảnh. Tôi có thể nhớ quá khứ của mình chỉ vì tôi vượt trên nó; tôi là một con người hiểu biết trong hiện tại. (Hiện tại của tôi thì sống động, quá khứ của tôi đã chết rồi). Tôi có thể biết thể xác của tôi là một vật thể chỉ vì tôi vượt trên thể xác của mình. Chủ thể nhận biết phải vượt trên đối tượng đựợc nhận biết.


Kết luận:
Do thế, linh hồn không tùy thuộc vào tính phải chết của thể xác.

Luận chứng về hai hoạt động phi vật chất.

Đại tiền đề: Nếu tôi thực hiện những hoạt động mà trong đó thân xác không đóng một vai trò quan trọng hay thiết yếu nào, thì đấy không phải là những hoạt động trên thân xác, vì lẽ đó, tôi vượt trên thân xác mình; tôi cũng có một linh hồn phi vật chất (nó không chết khi thân xác chết đi).

Tiểu tiền đề: Hai hoạt động này là (1) suy nghĩ, phân biệt khỏi những cảm giác bên ngoài và những cảm giác bên trong (sự tưởng tượng) và (2) ý chí có suy xét, hữu lý và trách nhiệm, phân biệt khỏi ý thích theo bản năng, khát vọng hay cảm giác.

Kết luận: Tôi có một linh hồn phi vật chất và bất tử.


Chứng minh (1): Nhờ nội quan, ta có thể biết rằng suy nghĩ của chúng ta không bị giới hạn vào những hình ảnh, ví như những hình chóp, nhưng cũng có thể hiểu những nét bản chất và những quy tắc trừu tượng, phi vật chất và phổ quát, ví như tính tam giác và lượng giác học. Chúng ta không thể tưởng tượng ra được sự khác biệt giữa một hình có 103 cạnh và một hình có 104 cạnh như khi chúng ta hình dung sự khác biệt giữa một hình có 3 cạnh và một hình có 4 cạnh; nhưng chúng ta có thể hiểu sự khác biệt giữa một hình có 103 cạnh và một hình có 104 cạnh, cho dù chúng ta không thể tưởng tượng ra nó. Do thế, sự hiểu biết của chúng ta thì trổi vượt trên sự tưởng tượng của chúng ta.

Chứng minh (2): Nếu ý chí chỉ là khát vọng mang tính bản năng, sẽ có hai kết luận ngờ nghêch theo sau: (a) Chẳng ai trong chúng ta tự do và kiểm soát được ý chí của mình, do thế, chẳng ai trong chúng ta sẽ chịu trách nhiệm cho chọn lựa của mình, tất cả lời tán dương, lời khiển trách và trách nhiệm sẽ là viển vông, (b) Nếu trong chúng ta chỉ có bản năng mà không có ý chí, thì bản năng mạnh nhất sẽ luôn luôn thắng. Nhưng điều này không đúng, vì tôi có thể và thỉnh thoảng tôi chọn điều trái ngược với bản năng mạnh nhất của mình (ví dụ khi tôi chọn để theo bản năng yếu hơn là thương cảm thay vì theo bản năng mạnh hơn là sợ và tự bảo toàn trong việc sẵn sàng giúp một nạn nhân đang sắp chết đuối hay đang bị trấn lột.)

Luận chứng tự mâu thuẫn của người chống chủ nghĩa duy vật.

Một máy tính thì không đáng tin nếu nó đã được lập trình một cách tình cờ chứ không theo một thiết kế hữu lý (ví dụ, do bởi một cục mưa đá tình cờ rơi trên bàn phím của nó.)


Bộ não con người và hệ thống thần kinh của nó là một chiếc máy tính. Chúng có thể hơn cả một chiếc máy tính, nhưng cũng có thể không bằng một chiếc máy tính. Do thế, bộ não con người sẽ không đáng tin cậy nếu nó chỉ được lập trình cách tình cớ.


Nhưng nếu chủ nghĩa duy vật là đúng, nếu linh hồn chỉ là bộ não, nếu chẳng có tinh thần, chẳng có linh hồn con người và Thiên Chúa, thì bộ não con ngươi đã đơn thuần được lập trình cách tình cờ. Mọi chương trình mà bộ não của chúng ta đã nhận được ngang qua di truyền (di truyền học) và môi trường (xã hội), thì chung cục chỉ là sự tình cờ ngu muội, tuỳ tiện, ngẫu nhiên, những sự kiên thô kệch, những nguyên nhân thuần vật chất , không có những lý do hợp luận lý.

Do thế, chủ nghĩa duy vật không thể đúng. Chủ nghĩa ấy phản bác chính mình. Nó huỷ diệt tính khả tín của mình. Nếu bộ não chẳng có gì ngoại trừ những nguyên tử không nhìn thấy, chúng ta chẳng có lý do gì để tin nó khi nó mách bảo cho chúng ta về bất cứ điều gì, gồm cả chính nó và các nguyên tử. Do thế, nếu ở đây chẳng có gì ngoại trừ những nguyên tử, chúng ta chẳng có lý do gì để tin rằng ở đây chẳng có gì ngoại trừ những phân tử.

Nếu chủ nghĩa duy vật không đúng, điều này nghĩa là có một thực thể phi vật chất hiện hữu. Và thực tại phi vật chất ấy – thường được gọi là tinh thần hay linh hồn – không cần tuỳ thuộc vào những quy luật của thực tại vật chất, gồm cả quy luật phải chết.


Luận chứng từ sự Công bình Tối hậu.


Vì sự công bình thường không được thực hiện trong một hành trình vắn vỏi của đời người trên trái đất, hoặc (1) sự công bình phải được thực hiện trong một hành trình dài – trong trường hợp này phải có một “hành trình dài”, một đời sống sau cái chết – hoặc một cái gì đó khác (2). Đòi hỏi thiết yếu mà này cho chúng ta biết ý nghĩa luân lý và công bình tối hậu thì không được đáp ứng bởi thực tại nhưng chỉ là một sự tránh né mang tính chủ quan của tâm lý con người – trong trường hợp đó, sẽ chẳng có một nền tảng nào trong thực tại thỏa mãn những khuynh chiều luân lý sâu xa nhất của chúng ta, không có môt hiệu lực khách quan hay sự biện minh cho công bình. Mệnh đề “Tôi muốn công bình” chỉ nói vài điều về chúng ta, giống như “Tôi cảm thấy muốn ốm,” không phải về thực tại khách quan, không phải điều thực sự là hay điều thực sự nên là.


Luận chứng này không minh chứng được đời sau một cách đơn giản và hoàn toàn, nhưng nó cho thấy cái giá nào phải trả cho việc từ chối nó: cái giá về tầm quan trọng mang tính luân lý. Một khi chúng ta không còn tin rằng giá trị luân lý có một cơ sở trong thực tại khách quan, một khi chúng ta bắt đầu tin rằng giá trị luân lý không gì hơn là những cảm xúc và ước muốn chủ quan, một khi chúng ta giảm thiểu công bình từ một định luật của vũ trụ xuống một sở thích riêng tư, chúng ta không còn xem nó như một sự bó buộc hay phải sợ hãi, để rồi không tuân theo nó khi nó mang lại bất tiện. Như Dostoyevsky ghi chú, “Nếu không có sự bất tử, mọi thứ đều được cho phép.”

Cuộc đánh cược của Pascal


Đối với Pascal, cuộc đánh cược là một luận chứng về việc tin vào Thiên Chúa. Nó cũng có thể được sử dụng như là một luận chứng cho việc tin vào đời sau.


Đối với những người có khuynh hướng ngờ vực, những luận chứng dựa trên sự kiện chúng ta không biết điều gì – những luận chứng từ sự vô tri – thì thuyết phục hơn những luận chứng dựa trên những kiến thức giả định, điều mà người hoài nghi có thể đặt vấn đề. Ví dụ, đối với một người hoài nghi như thế, thì một luận chứng chống lại việc phá thai khởi đi từ sự kiện bạn không thể đoan chắc rằng bào thai không phải là một con người thì mạnh hơn luận chứng khởi đi từ tiền đề chúng ta biết chắc rằng bào thai là một con người.

Luận chứng “đánh cược” không chứng minh rằng có sự tồn tại của đời sau, nó chỉ chứng minh rằng thật ngu ngốc khi không tin vào đời sau.


Nếu lời tuyên bố của người Kitô giáo là đúng, thì cơ hội duy nhất để đạt được hạnh phúc vĩnh cửu là phải tin. “Bất cứ ai không tin sẽ bị kết án” (Mc 16,16). Có lẽ điều ấy sai – nhưng cũng có thể đúng. Thật ngớ ngẩn nếu lờ đi khả thể thứ hai. “Vì ích lợi gì nếu một người đạt được cả thế gian mà mất linh hồn?” (Mc 8,36).

Luận chứng từ Seknsucht (Ước muốn mãnh liệt)


Đại tiền đề:
Mọi ước muốn tự nhiên bẩm sinh ở trong chúng ta – khác biệt với ước muốn có điều kiện hay tự tạo – tương ứng với một đối tượng thực sự có thể đáp ứng mong muốn đó. Nếu đói, thì có thực phẩm; nếu khát, thì uống; nếu ham muốn tình dục, thì có giới tính; nếu tò mò muốn biết, thì có kiến thức, nếu cô đơn, thì có xã hội. Thật là điều hết sức lạ lùng nếu chúng ta thấy những sinh vật đang yêu trong một thế giới không có giới tính.

Tiểu tiền đề: Trong chúng ta có một ước muốn mà không có gì trong cuộc sống này có thể đáp ứng được, một ước muốn mãnh liệt (Sehnsucht) khác với tất cả những ước muốn khác trong đó đối tượng của nó là không thể định nghĩa được và không thể đạt trong cuộc đời này.

Mặc dù chúng ta không hiểu rõ chính xác điều chúng ta muốn là gì, trong thực tế tự bản chất mọi người chúng ta đều mong muốn một cõi cực lạc, một thiên đường, vĩnh cửu, một đời sống thần thiêng. Thánh Âu Tinh nói, “Trái tim của chúng ta bồn chồn khắc khoải cho đến khi tìm nghỉ ngơi trong Ngài” – ngay cả khi chúng ta không biết “Ngài” đây là ai hoặc cái gì”. Một cái gì đó sâu thẳm trong linh hồn của chúng ta không được thỏa mãn trong cả thế giới thời gian và phải chết này.

Kết luận: Vì thế, đời sống vĩnh cửu tồn tại.

Nại một điều gì cho thấy rằng phải có một sự thay thế, một điều gì đó nhiều hơn và tốt hơn. Chúng ta không phàn nàn về sự hiện hữu, hoặc về 2 + 2 = 4. Nhưng chúng ta phàn nàn về đau khổ, sự thiếu hiểu biết và nghèo đói. Chúng ta cũng phàn nàn về thời gian, bao giờ đủ thời gian, ngay cả bây giờ, và chắc chắn khi chúng ta hấp hối. Chúng ta muốn nhiều thời gian hơn; chúng ta muốn sự vĩnh hằng. Vì vậy phải có sự vĩnh hằng. Chúng ta phàn nàn về thế giới này. Nó không bao giờ là đủ tốt. Vì vậy phải có một thế giới khác đủ tốt. Chúng ta không thể đạt được nó, cũng giống như chúng ta có thể chết vì đói. Nhưng sự khát mong bẩm sinh về thế giới đó chứng minh rằng nó tồn tại, giống như sự đói khát bẩm sinh về thực phẩm chứng minh rằng thực phẩm tồn tại.

Luận chứng từ Tình Yêu

Luận chứng từ tình yêu, được khởi hứng bởi Gabriel Marcel, thì ít “chặt chẽ”, nhưng sâu xa hơn so với hầu hết những luận chứng khác, nó phụ thuộc nhiều vào một “cuộc gặp gỡ” hơn về sự bó buộc luận lý nghiêm ngặt. Tuy nhiên, nó có thể được thiết lập một cách logic như sau.

1. Tình yêu ở đây có nghĩa là agape, không là eros; tình yêu trao ban, chứ không phải tình yêu đòi hỏi, tình yêu vì người khác nhau, chứ không phải tình yêu vì lạc thú.


2. Tình yêu này thì không mù quáng. Nó có đôi mắt. “Con tim có lý lẽ của nó.” Tất cả chúng ta đều biết điều này theo bản năng, vì nếu chúng ta được hỏi rằng ai là người hiểu biết chúng ta nhất, một người kém thông minh yêu thương chúng ta nhiều hơn hay một người thông minh yêu thương chúng ta ít hơn, chúng ta đều biết rằng người yêu thương chúng ta nhất thì biết chúng ta nhất. Eros có thể mù quáng, nhưng agape thì đối nghịch lại sự mù quáng. Làm thế nào tình yêu có thể mù quáng nếu Thiên Chúa là tình yêu? Thiên Chúa thì không mù quáng!


3. Điều mà tình yêu thấy chính là giá trị nội tại của người yêu. Nếu tôi không yêu bạn, tôi thấy bạn như là một trong nhiều đối tượng trong thế giới của tôi – một điều gì đó có thể thay thế, như một cầu thủ bóng chày hay một diễn viên. Giá trị của bạn là khả năng của bạn thực hiện những chức năng nào đó, mà những người khác cũng có thể thực hiện, vì vậy bạn không phải là không thể thiếu. Nhưng một điều mà không ai có thể làm được là trở nên bạn. Tôi biết sự tất yếu của bạn chỉ khi tôi yêu bạn vì lợi ích của riêng bạn, không vì lợi ích của tôi hoặc vì lợi ích mục đích của bạn.

4. Trên cơ sở này, bây giờ tôi có thể lập luận rằng điều không thể chấp nhận được về mặt luân lý là: điều không thể thiếu lại thiếu, điều không thay thế lại bị thay thế.


5. Tại sao tình trạng không thể chấp nhận được về mặt luân lý này lại không có thể là thật được ? Bởi vì nếu nó là thật, thì thực tại – tối hậu, thực tại phổ quát và mang tính hoàn vũ – rốt cục sẽ làm cho tất cả mọi người những gì là không thể chấp nhận được về mặt luân lý, những gì chúng ta không bao giờ nên làm, trong trường hợp đó, giá trị của chúng ta sẽ không có mặt trong thực tại.


6. Vì vậy, hoặc là giá trị luân lý là không có căn cứ, hoặc con người không phải bị loại trừ nhưng sống mãi mãi. Con mắt của cái chết có vẻ như để nhìn thấy phần khuất của tình yêu, nhưng con mắt của tình yêu nhìn thấy phần khuất của cái chết. Do đó CS Lewis có thể viết những lời đáng lưu tâm trên mộ chí của người bạn Charles Wiliams mình như sau: “Không có sự kiện nào chứng thực niềm tin của tôi về đời sau như Charles Williams đã làm đơn giản chỉ bằng chết. Vì khi ý tưởng về cái chết và ý tưởng của Williams gặp nhau trong tâm trí của tôi, đó là ý tưởng của cái chết đã được thay đổi. “


Điểm yếu của luận chứng này là sự yếu đuối của chính tình yêu: nó tự do, không phải là một sự ép buộc. Nếu bạn không chọn để yêu, thì bạn sẽ không gặp gỡ. Nhưng nếu bạn thực sự muốn biết, bạn có thể thực hiện các thử nghiệm thích hợp. Con đường đến sự chắc chắn về sự bất tử có thể là một thử nghiệm tích cực, không chỉ là một suy nghĩ, và điều này có thể là nhiều hơn, chứ không ít hơn, thuyết phục hơn bất kỳ luận chứng lý thuyết nào. Như nhân vật Cha Zossima của tác giả Dostoyevsky nói trong tác phẩm Anh em nhà Karamazov với “người phụ nữ kém đức tin” là người thắc mắc làm thế nào để lấy lại niềm tin của cô bị mất về sự bất tử, “Theo mức độ bạn tiến tới trong tình yêu, bạn sẽ chắc chắn hơn về sự hiện hữu của Thiên Chúa và về sự bất tử của linh hồn. Điều này đã được kiểm nghiệm. Điều này là chắc chắn.” Con đường này được dành cho mọi người tìm kiếm chân thành với lời hứa rằng nếu họ thực sự tìm kiếm nó họ chắc chắn sẽ thấy.

Luận chứng từ Phục sinh của Chúa Kitô


Điều gì sẽ là bằng chứng thuyết phục nhất cho sự sống đời sau? Những người hoài nghi có lẽ sẽ trả lời: Chỉ khi chúng ta có thể nhìn thấy và đụng chạm một người chết, người đã sống lại và tỏ mình ra cho chúng ta, chúng ta mới có thể hoàn toàn chắc chắn.


Một người chết đã sống lại và hiện ra cho nhiều người trên trái đất này. Chúa Kitô phục sinh đã được nhìn thấy và được đụng chạm (1 Ga 1:1-3). Người Kitô hữu được đảm bảo cuộc sống đời sau trước hết không phải thông qua các luận chứng, nhưng thông qua các nhân chứng. Giáo Hội là chuỗi của các nhân chứng, bắt đầu với các tông đồ.


Vì thế câu trả lời của người Kitô hữu cho câu hỏi đáng nghi ngờ nhất, “Bạn thực sự biết điều gì về cuộc sống sau khi chết? Bạn có bao giờ ở đó chưa? Bạn trở lại để nói cho chúng tôi hay chứ?” là “Không, nhưng tôi có một người bạn rất tốt, người đã làm như thế.”

Nguyên tác: Pocket Handbook of Christian Apologetics

Tác giả: Peter Kreeft, Ronald K. Tacelli

Exit mobile version