Hôm nay mình đi thăm Cha T., một linh mục cao niên nghỉ hưu. Hưu rồi, nhưng vẫn còn thèm công tác mục vụ, vẫn còn ham đọc và viết, vẫn thông minh và khả kính.
– Cha ở đâu vậy ?
– Con ở Cần Thơ.
– Ở Cần Thơ, Đức cha cho phép rước lễ trên tay ?
– Vâng. Ở Cái Rắn của con thì rước lễ trên tay 100%.
– Từ ngày Tòa Thánh cho phép rước lễ trên tay, lòng đạo đức và lòng tôn kính Thánh Thể sa sút nhiều lắm. Hậu quả của nó thật là khôn lường. Rước lễ trên tay là một cách phá đạo rất tinh vi…
Mình tìm cách đánh trống lảng để chuyển đề tài. Nhưng đi vòng vòng một lát, ngài lại quay trở về đề tài cũ. Khi bắt tay giã từ, ngài ân cần dặn dò lần chót :
– Cha đừng cho rước lễ trên tay.
– Thưa ông cố, con về.
Ngồi trên xe Honda ôm trở về trung tâm thành phố, mình hỏi mình : “Tại sao lại có chuyện kỳ vậy nhỉ ?”
Sàigòn, ngày 3-3-1999
Hôm nay mình có hẹn với Đức cha Mẫn. 11 giờ mình đã có mặt ở Tòa Tổng. Mình quyết tâm đem chuyện “Rước lễ trên tay” ra méc…
Ăn cơm trưa xong, mình bắt tay giã từ Đức cha. Khi ngồi vững vàng trên xe Honda ôm, mình mới sực nhớ là chưa méc chuyện ấy.
Tức thế ! Thôi không thèm méc nữa. Cứ ghi khắc trong lòng để suy gẫm.
Sàigòn, ngày 4 -3-1999
Đêm hôm qua mình chỉ ngủ 5 tiếng đồng hồ, còn 2 tiếng nữa thì nằm chỏng gọng suy nghĩ sự đời. Sự đời nằm trong sự đạo. Mình gẫm lại chuyện xưa để lý giải chuyện rước lễ hôm nay.
1- Cha Lý Thành Truyền kể chuyện :
“Ở Hòa Thành có một cụ già cần cù làm ăn. Ông dành dụm cắc củm mấy chục năm mới dựng được một căn nhà khang trang. Ông lựa được một bộ cột tràm thẳng băng, bào láng coóng. Đó là mồ hôi nước mắt. Đó là danh dự của một thằng đàn ông chân lấm tay bùn. Đó là sự nghiệp của một người cha xứng đáng truyền lại cho con cháu. Bây giờ nhắm mắt cũng được rồi.
Bỗng dưng thằng con đui mù của ông không nhìn thấy giá trị của bộ cột tràm bóng lưỡng như sơn dầu. Nó mua vật liệu về để một đống ở trước sân. Nó sẽ đúc nhà tường. Căn nhà có bộ cột tràm thẳng băng sẽ chỉ còn là nhà bếp của nó. Nó coi cha nó không ra gì. Từ đó ông tỏ vẻ không vui. Ông không nói năng gì hết. Cứ lặng lẽ như con sò. Con sò ngậm trái bom nổ chậm.
Thợ xây cứ làm việc ì xèo, nhậu nhẹt cứ lao xao. Ông cụ già cứ đi ra đi vô, nhếch mép cười mỉa. Tới giai đoạn lót gạch bông thì trái bom nổ. Con sò mở miệng :
– Lót gạch tàu cho ấm giò !
– Nhà xây như vậy thì phải lót gạch bông mới tương xứng ba ạ.
– Mày lót gạch bông cho chó nó ỉa. Tao dứt khoát không cho lót gạch bông.
Công trình tạm ngưng. Thằng con chạy vào nhà xứ, gãi tai:
– Ông cố cứu con với. Gạch bông mua đủ hết rồi mà cha con không cho lót. Nhà như vậy mà lót gạch tàu coi sao được, ông cố.
– Để tao nói giùm. Người già hay bảo thủ lắm.
Bây giờ thì thợ đã lót gạch bông. Những buổi trưa nóng nực, ông cụ già cởi trần nằm ngủ khò trên nền gạch bông. Chẳng có con chó nào dám đến ỉa…”
2- Lúc ấy còn làm lễ quay lên
Mình làm phó cha Trần Văn Long sáu năm ở nhà thờ Chánh Tòa Cần Thơ. Lúc ấy còn làm lễ quay lên. Bàn thờ có tam cấp. Hai vị thiên thần quỳ một gối, mỗi vị ôm một chùm đèn, hầu hai bên. Thấy không vừa mắt, cha Long cho khiêng hai tượng thiên thần cất vào kho. Chưa hết, trên phông cung thánh có hai tượng thiên thần đắp phù điêu. Thấy không đẹp mắt, cha Long cho đục bỏ. Sẵn trớn cha Long cho quét sơn lại toàn bộ.
Quả thật, nhà thờ đẹp hơn trước nhiều. Sáng sủa. Trang nhã. Nhưng có một nỗi phẫn nộ âm ỉ và lây lan trong họ đạo. Giáo dân Cần Thơ hiền lành như dòng sông Hậu. Họ không phản đối, nhưng vẫn cứ xầm xì sau lưng. Mình chỉ phát giác được cơn phẫn nộ hiền lành ấy trong một buổi nói chuyện riêng tư.
– Bệnh của cha sở rắc rối lắm : Vừa tiểu đường, vừa huyết áp cao. Uống thuốc trị tiểu đường thì nối giáo cho anh huyết áp cao. Trị bệnh tăng-xông thì vỗ béo anh đái đường.
– Chúa phạt ổng. Ai biểu dẹp thiên thần làm chi ?
3- Một cha già đọc báo rồi kể chuyện.
Ở bên Pêru gì đó có một nhà thờ nhận thánh Rôcô làm bổn mạng. Thánh Rôcô cưỡi ngựa. Tượng sơn màu loè loẹt. Với thời gian chồng chất, màu lòe loẹt trở thành màu nhôm nham, loang lổ. Nghệ thuật không còn nói được sự thánh thiêng nữa. Vả lại trong ngành điêu khắc thì đường nét và thể khối mới quan trọng, màu sắc là thứ yếu.
Nhân dịp trùng tu nhà thờ, cha xứ cho sơn lại tượng thánh Rôcô. Người ngựa, râu tóc, quần áo đều được sơn bằng một màu duy nhất : màu kem. Cha xứ tấm tắc khen ngợi : màu này nhã lắm. Thế mới là nghệ thuật.
Ai ngờ … chiều hôm ấy, giáo dân nổi loạn, bao qnanh nhà xứ, la hét om sòm.
– Treo cổ cha xứ lên.
– Sơn Thánh Rôcô lại như trước cho chúng tôi.
Sau đó cha xứ nhận được lệnh Tòa Giám mục :“Rời nhiệm sở trong vòng 24 giờ”
4- Tượng Đức Mẹ đẹp tuyệt vời
Năm 1971 mình đến Năm Căn. Năm 1972 dựng tượng Đức Mẹ. Tượng Đức Mẹ làm bằng xi măng trắng, cao 1m50. Chân đế làm tạm bằng thùng đạn róckét. Gặp con nước ròng, sân nhà thờ ngập lai láng. Bầu trời xanh biếc. Mặt nước mênh mông như biển cả. Tượng Đức Mẹ đẹp tuyệt vời. Đức Mẹ giống như cánh buồm trắng đang vượt khơi. Mẹ là Nữ Vương trời đất, là Nữ Vương biển khơi. Giáo điểm Năm Căn sẽ theo Mẹ ra khơi. Mình cứ âm thầm hưởng thụ cái hạnh phúc tuyệt vời ấy cho tới một ngày kia…
Một bà già bĩu mỏ, nói toáng lên ở trước giáo điểm :
– Cái ông cha này bất nhân thiệt, bắt Đức Mẹ đứng dang nắng suốt ngày. Tội nghiệp bả !
Năm 1980 mình xây đài và dựng tượng Đức Mẹ ở nhà thờ Bảo Lộc, Cà Mau. Đức Mẹ lại đứng giữa khoảng không, dãi dầu mưa nắng. Lại bị mắng vốn. Bà Chín Khòm kéo áo mình :
– Ông cố ơi, con chịu tiền sắm cho Đức Mẹ cái dù. Tội nghiệp quá à!
– Đừng tội nghiệp Đức Mẹ. Đức Mẹ phải đứng giữa trời như thế mới làm Nữ Vương trời đất được chứ.
– Vậy hả ?
Bà Tám Mến từ Hòa Thành về khoe với mình :
– Đức Mẹ trong Hòa Thành bảnh hết biết, đứng trong lồng kính đàng hoàng. Đức Mẹ Bảo Lộc cực quá à !
– Không sao đâu. Làm lồng kính thì cũng dễ thôi, nhưng tôi sợ rằng ở trong ấy thiếu ốcxy làm Đức Mẹ ngộp thở.
– Ông cố này nói kỳ quá à !
5- Một bà phước nói với mình :
– Người lớn thì rước lễ trên tay, còn con nít thì rước lễ bằng miệng.
– Tại sao vậy ?
– Tay con nít dơ quá à. Vọc cát cho đã rồi vô cầm Mình Chúa tỉnh bơ.
– Tay không dơ bằng miệng. Miệng không dơ bằng bao tử. Chúa hổng chê cái nào hết. Làm sao cho trang trọng là được.
Lm. Piô Ngô Phúc Hậu
Nhật Ký Truyền Giáo