Đọc”anh em” hay”chị em” trong Kinh Cáo Mình được không?

confiteor - Đọc''anh em'' hay''chị em'' trong Kinh Cáo Mình được không?

Hỏi 1: Trong Thánh lễ, khi Kinh Cáo Mình (Confiteor) được đọc, tôi nhận thấy là trong các nhà huấn luyện hoặc cộng đoàn tu sĩ, nếu cộng đoàn chỉ toàn là người nam, họ đọc: “Tôi thú nhận…và cùng anh em”; và nếu cộng đoàn chỉ toàn là người nữ, họ đọc: “Tôi thú nhận…và cùng chị em”. Thưa cha, cách đọc như thế là đúng không? – T. P. Shillong, Ấn Độ.

Hỏi 2: Trong Thánh lễ, sau Kinh Cáo Mình, tôi nhận thấy, khi đọc “Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội, và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời”, linh mục giơ tay ra như là ban phép lành hoặc xá giải. Thưa cha, linh mục làm như thế có thích hợp không? – A.P., Margate, Florida, Mỹ.


Đáp: Câu hỏi đầu tiên liên quan đến đặc thù của tiếng Anh. Trong nhiều ngôn ngữ, hình thức giống đực thường có chức năng đôi và có thể chỉ cho các người nam hoặc một nhóm người có nam lẫn nữ. Vì vậy, chẳng hạn trong tiếng Latinh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ý, chỉ cần dùng từ tương đương với “anh em” là chỉ cho cả cộng đoàn có nam lẫn nữ.

Trong tiếng Anh, “brethren, anh em” có thể phục vụ mục đích này, và trong thực tế có thể được sử dụng trong nghi thức sám hối. Tuy nhiên, có lẽ vì lý do văn phong, nó không được đưa vào như một phần của kinh “Cáo Mình”. Vì vậy, trong bản dịch tiếng Anh, chúng ta nói “brothers and sisters, anh chị em”.

Một thích ứng ngữ cảnh được dự kiến trong các chữ đỏ, khi Thánh Lễ được cử hành chỉ với một người giúp lễ. Trong trường hợp này, linh mục và người giúp lễ nói “to you my brother, và cùng anh” ở số ít. Vì vậy, tôi nghĩ rằng về mặt lý thuyết một cộng đồng nam tu sĩ có thể sử dụng “cùng anh em”, khi không có phụ nữ nào có mặt ở đó..

Một vấn đề khác là liệu về mặt mục vụ, có nên để cho các cách diễn tả phụng vụ trở thành tập quán luôn chăng. Nếu không, trong một số dịp, có người nam hoặc người nữ bên ngoài cộng đoàn hiện diện trong thánh lễ nữa, thì sự thay đổi có thể dễ dàng dẫn đến sự nhầm lẫn.

Trường hợp là khác hẳn, cho một cộng đồng nữ, vì trong Thánh Lễ ít nhất có một người anh em luôn luôn có mặt, đó là vị linh mục cử hành thánh lễ. Do đó, công thức tiêu chuẩn cần được sử dụng. Như một quy định chung, linh mục không thay đổi giới tính cho các lời chào phụng vụ, nếu ngài cử hành thánh lễ cho cộng đoàn nữ.

Liên quan đến câu hỏi thứ hai, Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, số 51, nhắc nhở chúng ta: “Tiếp theo, vị tư tế mời mọi người sám hối. Sau một chút thinh lặng, tất cả cộng đoàn đọc công thức thú tội chung, và vị tư tế đọc lời xá giải để kết thúc. Lời xá giải này không có hiệu quả của bí tích thống hối…” (bản dịch của cha Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, giáo phận Nha Trang).

Không cử chỉ nào được quy định trong các chữ đỏ, cho nên nó được coi như là linh mục sẽ vẫn chắp hai tay. Bất kỳ cử chỉ nào, có thể ngụ ý rằng đó là lời xá giải có hiệu quả của bí tích thống hối, thì cần phải tránh, nhằm không tạo sự nhầm lẫn cho các tín hữu.


(Nguyễn Trọng Đa chuyển ngữ / Zenit.org 10-1-2012)

Exit mobile version