Đọc Thánh Kinh

nhatkytruyengiao - Đọc Thánh Kinh

Mình đang đọc cuốn “Đất dữ” của Hoócghê Amađô. Mình dừng lại ở câu chuyện kể về gia đình ông “đại tá” Antoninô đọc Kinh Thánh. “Đại tá” chỉ có nghĩa là một ông chủ đồn điền giàu có. Antoninô có một bà vợ rất đạo đức. Tối nào bà cũng qui tụ mọi người lại để nghe bà đọc Thánh Kinh. Khi bà chết rồi, thói quen đọc Thánh Kinh trong gia đình vẫn được tuân hành như một kỷ niệm đáng kính. Bây giờ người chủ trì buổi đọc Sách Thánh là đứa con gái của bà.

Antoninô cảm thấy đồn điền của mình chưa rộng lớn đủ. Ông ngó sang đồn điền bên cạnh chỉ cách đồn điền của ông bằng một cái thung lũng hẹp. Ông muốn hai thành một. Ông muốn tìm hiểu ý Chúa. Tối hôm ấy ông ngỏ lời với đứa con gái của ông : ”Con đọc Sách Thánh xem có chỗ nào Chúa muốn bố chiếm đồn điền bên kia thung lũng không ?” Con ông mở Sách Thánh và đọc một đoạn. Ông lắc đầu. Con ông lại mở và đọc một đoạn khác. Ông lại lắc đầu. Cuối cùng con ông mở sách Giosuê và đọc ngay đoạn kể ông Giosuê đưa quân lội qua sông Giođan, bao vây và gieo thần tru trên Giêricô. Ông gật đầu lia lịa : “Được rồi, con” .

Sáng hôm sau, khi trời chưa hừng sáng, ông đã xua quân tràn qua thung lũng chiếm đồn điền của bạn. Lương tâm ông tỉnh queo, vì ông bảo : “Đó là Lời Chúa…”

Đọc Sách Thánh ư ? Chưa đủ ! Còn phải đọc Sách Thánh với tinh thần nào nữa chứ. Thời Trung Cổ, người ta đã trích một câu trong Thánh vịnh để làm bài hịch xua Thập Tự quân qua chiếm Đất thánh, mở màn cho một cuộc chiến dài hai thế kỷ (l096 -1270). Exurge, Domine (Lạy Chúa, xin hãy chỗi dậy).

Cuộc chiến này là một trong những sai lầm lớn của Giáo hội.

Như vậy có nghĩa là vẫn có một lối đọc Thánh Kinh sai lầm. Người ta không bỏ mình để theo Chúa, mà lại bắt Chúa phải bỏ mình để đi theo người ta. Bây giờ mình mới hiểu câu nói: “Ai muốn theo Ta thì phải bỏ mình đi” . Phương pháp đọc Thánh Kinh quan trọng hơn việc đọc Thánh kinh. Học cách đọc Thánh Kinh quan trọng hơn việc mua và đọc Thánh Kinh.

Cà Mau, … 1975

Anh Ba Hiến mời mình tham gia lớp “Chia sẻ Lời Chúa” của giáo xứ Quản Long. Một cô gái đưa cho mình một tập sách nhỏ bằng Anh ngữ. Tác giả phản đối việc y khoa hiện đại tiếp máu cho bệnh nhân, nhân danh lời tuyên bố của Thánh Giacôbê trong Cv 15,26 : “Anh em hãy kiêng ăn máu huyết” . Ôi, người ta nhân danh Lời Chúa để làm những chuyện buồn cười. Mình tin rằng tác giả tập sách nhỏ này đã đọc Kinh Thánh nhiều lắm, nhưng lại hiểu Lời Chúa một cách tùy tiện.

Đọc Lời Chúa chưa có nghĩa là đã hiểu Lời Chúa. Hiểu Lời Chúa chưa có nghĩa là đã đồng cảm với Chúa. Muốn đọc, hiểu và cảm được Lời Chúa, mình phải tự hủy ý riêng một cách thật sâu sắc. Mình còn phải khiêm tốn như kẻ đi tìm Chúa mà chưa gặp được Chúa. Mình rất sợ hiện tượng :

– Nhân danh Chúa, tôi trừ diệt chúng.

– Nhân danh Chúa, tôi chống tiếp huyết cho bệnh nhân.

– Nhân danh Chúa, tôi đưa người lạc giáo lên giàn hỏa thiêu.

Cà Mau , ….

Mình thường xuyên chia sẻ Lời Chúa với Nga, một cô giáo theo đạo Tin Lành. Sau buổi chia sẻ Lời Chúa, cô tham dự thánh lễ rồi mới về. Hôm nay cô ngỏ ý với mình :

– Cha cho con rước Mình Thánh Chúa đi. Đi dự lễ mà không được rước Chúa, con thấy nó thế nào ấy.

– Chị phải hỏi ý kiến mục sư xem sao. Bên Tin Lành không tin có Chúa hiện diện thật trong hình bánh đâu.

Nga có một tâm hồn rất ngay thẳng. Cô tự sám hối về sự chia rẽ của Kitô giáo. Cô rất hăng say rao giảng Đức Giêsu. Chính cô đã khuyên một học sinh Công giáo bỏ thói bê tha mà trở về công tác giúp lễ. Với Nga thì vấn đề quan trọng của công tác truyền giáo không phải là Công giáo hay Tin Lành, mà là Đức Giêsu. Nga đã biết từ bỏ ý riêng để đọc Kinh Thánh.

Cà Mau, …

Mình đang sửa soạn mặc áo lễ, thì có người thò đầu vào qua cửa phòng mặc áo :

– Tôi muốn gặp linh mục Hậu.

– Tôi đây.

– Có thư của Việt Hưng ở Cần Thơ gởi cho linh mục. Việt Hưng giới thiệu tôi đến gặp linh mục. Việt Hưng là học sinh trường Đồng Tâm của linh mục ngày xưa.

– Hẹn anh sau lễ nhé.

Mình đang cởi áo lễ, thì anh ta lại thò đầu vào. Như vậy là anh ta đã ngồi chờ mình từ đầu đến cuối thánh lễ.

– Sau lễ tôi lại bận. Hẹn anh đúng 8 giờ nhé.

– Vâng! Anh ta trao thư của Việt Hưng cho mình rồi lủi thủi ra về.

Đúng 8 giờ anh ta có mặt ở nhà xứ. Mình dẫn anh ta lên lầu.

– Tôi là người không tín ngưỡng. Anh là linh mục. Nhưng chúng ta cứ góp ý thoải mái, không sợ ai.

– Dĩ nhiên.

– Tôi tin rằng đạo của anh có chân lý, vì nó đã tồn tại hai mươi thế kỷ. Nếu nó không có chân lý, thì nó đã bị lịch sử đào thải rồi. Nhưng tôi vẫn chẳng hiểu đạo của anh là cái gì. Tôi đã đọc nhiều sách nói về đạo của anh, nhưng vẫn chưa thấy được đạo. Cụ thể là hai tác phẩm của cùng một tác giả là Victor Hugo, mà lại nói khác hẳn nhau về đạo của anh. Cuốn “Nhà thờ Đức Bà Paris” cho thấy đạo của anh bẩn quá chừng ! Ngược lại cuốn “Những người khốn khổ” lại mô tả đạo của anh đẹp tuyệt vời. Bây giờ anh có cách nào giúp tôi hiểu một cách đúng đắn về đạo của anh không ?

– Đọc Thánh Kinh. Đọc Đức Giêsu. Chân lý của đạo không ở những tác phẩm văn học, mà ở trong Thánh Kinh. Đức Giêsu mới là ĐẠO, còn Giáo Hội chỉ là người đang hành trình tìm về Đức Giêsu mà thôi.

– Tôi không thấy Thánh Kinh trong nhà sách.

– Dĩ nhiên …. Chắc anh cũng hiểu tại sao rồi. Vả lại, chính bản thân tôi bây giờ, muốn mua một cuốn Thánh Kinh, thì cũng chẳng biết mua ở đâu !…

Hai người nói chuyện mãi cho tới mười giờ đêm. Trước khi

Nhắm mắt ngủ, mình liên tưởng đến một buổi tối nọ, Thầy Chí Thánh ngồi nói chuyện rỉ rả thật lâu với ông Rắp-bi Nicôđêmô. Mình gởi ông bạn này cho Ngài….

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu


Nhật Ký Truyền Giáo

Exit mobile version