Đoàn Kết

Mc 9, 37-39; Hc 4, 11-19

Là con người, tất cả chúng ta đều có những nét giống nhau, nhưng cũng có nhiều nét khác biệt. Những nét khác biệt này có thể làm cho con người thêm phong phú, nhưng cũng có thể làm cho con người thêm chia rẽ.

Thật vậy, con người dù giống nhau thế nào đi nữa, bao giờ cũng vẫn có nét khác nhau. Người ta chỉ cần lấy dấu tay để nhận ra mỗi người là một nhân vị đặc biệt, không ai giống ai. Và như đã nói ở trên, sự khác biệt nơi mỗi người có thể dẫn đến chia rẽ, hoặc tệ hơn dẫn đến thù địch, chống đối và tiêu diệt lẫn nhau.

Bài Phúc Âm hôm nay cho chúng ta thấy chính các môn đệ của Chúa cũng tỏ ra thiếu thiện chí với những người khác. Chúa Giêsu đã dạy cho các Tông Đồ sống đoàn kết, đừng phân biệt bè phái hay tổ chức. Nhưng trong thực tế, sống đoàn kết, hiệp nhất không bao giờ là chuyện dễ dàng. Các Tông Đồ vẫn muốn tranh dành địa vị. Giáo Hội thời sơ khai vẫn chia thành nhóm của Phaolô, của Phêrô, của Apôlô… Và cho đến ngày nay, cũng vì phân biệt mà thế giới vẫn còn mãi sống trong chiến tranh, hận thù.

Vừa qua trên đài đưa tin những xung đột ở các nước Âu Châu, Mỹ Châu. Tại Mỹ, người da trắng xung đột với người da đen. Ở Liên-xô, xung đột đã dẫn đến đổ máu. Và ở Tiệp Khắc, ở Nam Triều Tiên… xung đột giữa người và người vẫn tiếp diễn. Đây không phải là những tranh chấp giữa nước này với nước kia. Nhưng là những chia rẽ nội bộ, trong cùng một quốc gia, một thành phố, giữa nhóm này với nhóm kia, phe này với phe khác. Ngay trong một địa phận, cũng có nhiều phe nhóm, tông phái chống đối nhau.

Nhìn vào những cộng đồng Việt Nam, chúng ta thấy sự chia rẽ này cũng đang hoành hành khắp nơi. Đặc biệt là sự chia rẽ giữa các đấng có chức thánh. Thật là một gương xấu cho bổn đạo và lương dân. Nhiều nhà thần học khi được hỏi tại sao lại có chuyện chia rẽ trong Giáo Hội, tại sao lại có bè phái chống đối và phá hoại nhau, đã chua xót trả lời: bởi vì các vị đó chưa thông hiểu khoa Kitô Học. Thật vậy, khoa Kitô Học nhằm giúp người Kitô hữu hiểu biết Chúa Kitô cách thâm sâu hơn, để nhờ đó biết thờ kính Chúa Giêsu và yêu thương đồng loại chân thành hơn Vì thế, bao lâu còn chia rẽ, bè phái, tranh chấp, đố kỵ, người Kitô hữu chưa thật sự hiểu Chúa Kitô một cách đúng nghĩa. Và sự sai lầm này đưa đến nhiều khó khăn và tai hại cho Giáo Hội. Nói cách khác, những ai không sống tinh thần của khoa Kitô Học, thì cũng không sống tinh thần của khoa Giáo Hội Học, vì khoa này giúp người Kitô hữu sống đoàn kết trong tình huynh đệ, yêu thương để giúp Giáo Hội tồn tại và phát triển.

Trong thời Thế Chiến Thứ Hai, quân Đức xâm chiếm nhiều nước ở Âu Châu, và cầm tù rất nhiều người, trong đó có nhiều linh mục đủ mọi dòng khác nhau. Những linh mục này được tập trung vào một trại tù riêng. Đến giờ giải lao, tất cả các linh mục được đi bách bộ ngoài sân. Và rất ngạc nhiên, người ta nhận thấy các linh mục mặc áo dòng trắng đi chung với nhau, và các vị mặc áo dòng đen đi với áo dòng đen… Sống trong hoàn cảnh đau thương như thế rồi mà vẫn còn tinh thần chia rẽ. May thay, thời gian tù kéo dài làm cho những chiếc áo dòng “chia rẽ” này bị loại đi từ từ vì rách nát không còn mặc được nữa. Từ đó, những vị linh mục này mới ý thức và sống hiệp nhất với nhau.

Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta cầu xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết mang lấy một bộ đồng phục duy nhất trên mình là bác ái, để qua đó, mọi người chung quanh nhận ra chúng ta là môn đệ đích thực của Chúa Kitô. Amen.

Thách đố cho Giáo Hội

Huấn đức tối 22-05-1991


Lần trước, chúng ta đã nói đến những điểm tích cực đáng lạc quan trong Giáo Hội. Bây giờ chúng ta bàn đến những vấn đề đáng lo âu, những điều làm cho chúng ta phải thao thức và cầu nguyện luôn.

Thứ nhất, trong nhiều năm nay, những khó khăn về vấn đề tự do tôn giáo trên thế giới vẫn còn căng thẳng. Nhiều nước Đông Âu, Phi châu, và Á châu… vẫn còn ở trong tình trạng các nước vô thần. Mặc dầu đã có cởi mở, nhưng nhiều nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tự do tôn giáo. Ở Trung Quốc, kinh tế đang trên đà phát triển mạnh. Nhưng tự do tôn giáo vẫn còn bị giới hạn. Công Giáo bị chia thành hai nhóm: nhóm quốc doanh của Nhà Nước và nhóm hầm trú trung thành với Tòa Thánh. Tất nhiên, những người Công Giáo thuộc nhóm trung thành này, bị Nhà Nước gây khó khăn về mọi mặt. Chúng ta thương những người anh em ở đấy đang chịu biết bao thử thách. Phải đợi đến khi nào đất nước này được hoàn toàn tự do, chúng ta mới có thể biết hết được những thử thách căm go mà những người Công Giáo hầm trú Trung Quốc đã trải qua. Tuy nhiên, người giáo dân Trung Quốc vẫn tiếp tục giữ đạo sốt sắng, trung thành. Hằng năm, họ gởi về Tòa Thánh hàng vạn lá thư chứng tỏ lòng trung thành và cuộc sống đức tin vững mạnh.

Cha không muốn nói dài dòng ở đây, vì chúng ta biết rồi. Đức Thánh Cha cũng đang cầu nguyện cho những nườc ở Châu Phi, Châu Á. Nhiều nước phải khởi sự lại tất cả từ đầu như ở Campuchia. Nước này chỉ có một Đức Cha bản xứ nhưng đã bị giết chết trong thời kỳ Pon Pot. Bây giờ, đa số các linh mục còn hoạt động lại là người Việt Nam. Hiện có 4 linh mục người ngoại quốc, làm lễ bằng tiếng ngoại quốc. Đó là một trong những dấu hiệu đáng cho chúng ta lo lắng và cầu nguyện.

Nhưng trên thế giới hiện nay, chúng ta cũng đã thấy có nhiều biến chuyển ở những nước xã hội chủ nghĩa. Như Cha đã nói: cần phải xây dựng lại Giáo Hội ở những quốc gia này. Chúa đã ban cho nhiều điều mà chính mình không thể tưởng tượng được. Có lần Cha đọc được trong một tờ báo về chuyện một Dòng Kín bị đầy đến Sibêria, một vùng lạnh quanh năm ở Nga. Một đêm mùa đông giá lạnh, bỗng có tiếng gõ cửa. Các chị trong nhà dòng sợ quá. Họ hỏi xem ai rồi mới mở cho vào. Hóa ra là cả một nhóm người đến xin gặp các chị. Họ bảo: chúng tôi muốn nghe các chị nói về Thiên Chúa. Ban ngày chúng tôi sợ không dám đến. Nhưng bây giờ là ban đêm nên chúng tôi yên tâm đến hỏi các chị. Các chị đã nói cho họ về Chúa. Họ là một nhóm người Công Giáo Đức bị lưu đày ở Nga. Bà hướng dẫn cầu nguyện của nhóm này là một người mẹ gia đình. Nhóm được phép có một nhà nguyện nhỏ và hằng tuần cũng được phép đi ra nghĩa địa cầu nguyện một lần. Bà ta kể lại: tôi có nhiệm vụ hàng tháng đi lấy Mình Thánh Chúa để cho giáo dân đến cầu nguyện. Tôi phải đi xa cách đó 4000 km (gấp hai lần từ Hà Nội vào Sài gòn). Và người nào bị ốm liệt thì tôi đem Mình Thánh Chúa cho họ… Và công việc này vẫn được tiếp tục từ đời bà ta cho đến đời của con cháu, và nhờ đó nhóm này vẫn giữ đạo sốt sắng. Nhìn lại hoàn cảnh Việt Nam, chúng ta đã thấy nhiều gia đình đang sống đạo một cách thờ ơ và tình trạng bỏ đạo cũng đã xảy ra nhiều nơi. Đây là một điều đáng quan tâm mà chúng con sẽ phải đương đầu trong tương lai.

Khó khăn thứ hai là Hồi Giáo. Các nước Tây Phương giờ đây không sợ cộng sản cho bằng sợ Hồi Giáo, vì có rất nhiều người Hồi Giáo cuồng tín, muốn biến tất cả thế giới này thành thế giới của Hồi Giáo. Không những họ chống đối Đạo, không bao giờ trở lại Đạo, nhưng còn không chấp nhận chuyện người Hồi Giáo chuyển qua Đạo khác. Ai trở lại Đạo, họ sẵn sàng thủ tiêu ngay. Hiện nay số người Hồi Giáo trên thế giới đang sấp sỉ bằng người Công Giáo. Có thể trong tương lai họ sẽ tăng vượt hơn số người Công Giáo, vì luật pháp của họ cho phép người đàn ông được có nhiều vợ và họ không hạn chế sinh sản. Đi đến đâu, họ giữ Đạo Hồi đến đó. Và đối với họ, tôn giáo với xã hội là một, vì cùng theo một luật chung lấy từ luật Đạo Hồi.

Họ giữ đạo rất nghiêm nhặt, nhất là giữ giờ cầu nguyện 5 lần một ngày. Đến giờ cầu nguyện tất cả mọi người Hồi Giáo, từ Tổng Thống đến thứ dân, đều cùng quỳ xuống cầu nguyện. Vì thế, họ thường mang sẵn trong người tấm khăn để trải xuống đất khi cầu nguyện. Hiện nay, số người Hồi Giáo ở Châu Âu tăng rất nhanh, vì người Tây Phương hạn chế sinh con, thiếu người lao động, nên phải cho người Hồi Giáo nhập cảnh qua ngã Thổ Nhĩ Kỳ, Albani, Maroc, Ai cập… để có người làm việc. Họ nhập tịch và sinh sản đông đúc; đến đâu họ xây đền thờ đến đó. Châu Âu đang lo sợ nếu cứ theo tình trạng này, có ngày cả Âu Châu sẽ biến thành Hồi Giáo.

Do đó, trong cuộc chiến vùng Vịnh vừa qua, ngoài lý do bảo về nguồn dầu lửa cho kỹ nghệ, các nước Âu Châu đã liên hiệp với Mỹ đánh Irak, vì sợ nguy cơ Hồi Giáo có thể chiếm cả Châu Âu như hồi Thập Tự Quân. Ngày xưa, các nước như Albani, Ai cập, Maroc… đầy đẫy người Công Giáo. Nhưng khi người Hồi Giáo đến, họ tiêu diệt Đạo thẳng tay, khiến cho số người Công Giáo còn lại thật ít ỏi. Hiện nay, họ định xây lên 5 đền thờ thật lớn ở Âu Châu. Và ngay tại Roma, thủ đô của Giáo Hội Công Giáo, họ đang quyên góp tiền bạc để xây cất một đền thờ Hồi Giáo (Mosque) lớn hơn cả Đền Thờ Thánh Phêrô nữa. Họ có đủ khả năng để làm chuyện này, vì các nước Hồi Giáo giàu có nhờ dầu hỏa, sẵn sàng cung ứng tiền bạc cho họ.

Sự bành trướng của Hồi Giáo là một mối lo âu của Giáo Hội. Vừa rồi, trong cuộc chiến vùng Vịnh, Đức Thánh Cha luôn kêu gọi hòa bình, một phần cũng vì lo sợ những người Hồi Giáo ở đó tiêu diệt người Công Giáo Irak. Một thí dụ khác là nước Liban. Trước kia, một nửa dân số của nước Liban là người Công Giáo. Nhưng sau khi bị Hội Giáo xâm chiếm, người Công Giáo ở Liban chỉ còn là một thiểu số nhỏ bé. Đến bây giờ, vì lý do tôn giáo, người Công Giáo Liban vẫn tiếp tục bỏ nước ra đi để tìm nơi an toàn khác.

Thứ ba là nạn các giáo phái. Kitô Giáo bây giờ không những chỉ bị chia năm xẻ bảy, nhưng chia thành trăm, thành ngàn giáo phái khác nhau. Nhiều người tự động lập giáo phái riêng cho mình và rao giảng về Chúa Kitô theo cách riêng của mình. Họ không những không tuân phục Đức Thánh Cha, mà còn chống đối Đức Thánh Cha một cách thậm tệ nữa. Mỗi năm, công việc truyền giáo của Giáo Hội đem được một số người trở lại đạo, nhưng lại mất đi hạng vạn người bởi những giáo phái tự do này. Vừa rồi, tại Roma các Hồng Y đã phải họp lại với nhau để bàn bạc về vấn đề đáng quan tâm này.

Sự kiện nhiều người Công Giáo bỏ đi theo những giáo phái khác là một điều đáng cho Giáo Hội phải quan tâm. Tất nhiên, mỗi người phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Nhưng Giáo Hội cũng phải nhìn nhận những thiếu sót của mình trong công việc mục vụ. Một trong những thiếu sót đó là tinh thần dấn thân phục vụ của những người lãnh đạo trong Giáo Hội. Trong khi nhưng cha xứ của mình đóng khung trong nhà thờ, giáo xứ, chờ bổn đạo đến, những người thuộc các giáo phái này lăn xả đến thăm viếng từng gia đình, nhất là khi những gia đình này gặp hoàn cảnh khó khăn, và tận tình giúp đỡ về vật chất. Chính tinh thần thông cảm, phục vụ này đã lôi kéo nhiều người Công Giáo theo họ. Nhiều địa phận mất đi 9, 10 xứ… Càng loạn lạc lại càng có bè rối. Và bè rối này cũng từ chính giáo dân của mình phát sinh ra. Một số nước đông dân như Argentina, Philippines… có nhiều xứ 1, 2, 3 năm mới có bóng linh mục một lần. Vì thế mà cuộc sống đạo ngày càng nguội lạnh. Ngay ở thành phố Manila cũng vậy. Cha quen một Đức Cha ở thành phố ấy. Ngài bảo: mỗi Chúa Nhật phải làm 24 lễ liên tục vì người Công Giáo đến dự lễ đông quá. Dù có mười nhà thờ trong thành phố cũng không đủ cho họ. Như vậy, nếu không có linh mục, không có thánh lễ, người giáo dân sẽ từ từ đi theo các giáo phái khác.

Đứng trước những mối lo này, Đức Thánh Cha kêu gọi tất cả chúng ta cầu nguyện xin Chúa giúp sức và soi sáng để đối phó một cách phù hợp. Đàng khác, Tòa Thánh cũng thiết lập nhưng cơ quan chuyên biệt nghiên cứu về Đạo Islam (Hồi Giáo) để thích ứng việc truyền giáo cho người Hồi Giáo một cách kết quả hơn. Ở Việt Nam, con số người Hồi Giáo không đáng kể. Đa số thuộc dân tộc Chàm và là những người nghèo trong xã hội. Nhưng điều làm chúng ta ngạc nhiên là sự sùng đạo của họ. Nhiều người Hồi Việt Nam đã dành dụm tiền bạc để có thể hành hương Thánh Địa Mecca của Hồi Giáo ở Ả Rập Sa-u-Đít.

Cha dừng lại ở đây. Lần sau, Cha sẽ nói đến cuộc sống của chủng sinh trong mùa nghỉ hè để chúng con có thời gian chuẩn bị và sống mùa hè một cách hữu ích và ý nghĩa.


ĐHY. F.X Nguyễn Văn Thuận

Exit mobile version