Trả lời : trước khi trả lời câu hỏi này, tôi thấy cần thiết phải nói qua về Chức Linh Mục (Priesthood) trong Giáo Hôi Công Giáo và Chính Thồng Giáo ( Orthodox Churches) vì chỉ có các Giáo Hội này có Chức Linh Mục của Chúa Kitô mà thôi.
Thật vậy, Chúa Giê su-Kitô được “ Thiên Chúa tôn xưng là Thượng Tế theo phẩm trật Menki-xê-đê…và muônthủa Con là Thượng Tế theo phẩm trật Menki-xê-đê” ( x. Dt 5: 6,10).
Như vậy Chức Linh Mục Thừa Tác ( Ministerial Priesthood) của hàng Linh mục và Giám Mục trong Giáo Hội bắt nguồn từ Chức Linh Mục đời đời của Chúa Kitô. Chính Chúa đã thiết lập Chức Linh Mục thừa tác này trong Bữa Tiệc Ly đêm thứ năm khi Người nói với các Tông Đồ hiện diện : “ anh em hãy làm việc này để tưởng nhớđến Thầy.” ( Lc 22:19; 1 Cor 11: 24-25)
Theo tín lý và giáo lý của Giáo Hội, thì chức Giám mục “ nhận lãnh trọn vẹn Bí tích TruyềnChức Thánh tức là Chức Tư Tế tôi cao” nghĩa là được chia sẻ trọn vẹn Chức Linh Mục đời đời của Chúa Kitô “ Vị Thượng Tế theo phẩm chật Menki-xê-đê”( LG.số 21, SGLGHCG ,số 1557) trong khi Linh mục, phụ tá đắc lực của Giám mục, chỉ chia sẻ một phần Chức Linh Mục tối cao đó , nhưng “ dù không có quyền thượng tế và tùy thuộc giám mục khi thi hành quyền bính, linh mục cùng hiệp nhất với giám mục trong tước vị tư tế” (Sacerdos)( LG. no. 28).
Đó là đại cương về Chức Linh Mục thừa tác của Giám Mục và Linh Mục trong Giáo Hội.
Chức Linh Mục phải được truyền chức ( ordain ) hữu hiệu hay thành sự ( validity) qua việc đặt tay của Giám Mục và lời cầu xin ơn thánh hiến của Chúa Thánh Thần theo đúng nghi thức Truyền chức thánh của Giáo Hội
Do đó nếu không có chức Linh mục hữu hiệu thì không thể có các bí tích sau đây:
1- Bí tích Thánh Thể
2- Bí tích hòa giải
3- Bí tích Thêm sức ( được phép của Giám mục)
4- Bí Tích sức dầu bênh nhân
5- Bí Tích truyền Chức Thánh ( chỉ có giám mục được phong các chức Phó tế, Linh mục và Giám mục, vì Giám được chia sẻ trọn vẹn Bí tích Truyền Chức Thánh, Nhưng trước khi được tấn phong làm Giám mục, nghĩa là được chia sẻ trọn vẹn Chức Linh Mục của Chúa Kitô, thì ứng viên phải là linh mục đã được chịu chức thành sự (validly ordained)
Như vậy , “linh mục giả” nghĩa là không có chức linh mục được truyền chức thành sự, thì không thể cử hành hữu hiệu bất cứ bị tích nào trên đây, trừ hai bí tích Rửa tội và Hôn phối không đòi buộc thừa tác viên phải có chức linh mục. Dầu vậy,” linh mục giả” cũng không có tư cách đại diện Giáo Quyền để chứng hôn hay rửa tội với cương vị là linh mục.
Hơn thế nữa, nếu không phải là tư tế, nghĩa là không có chức linh mục thực thụ mà dám cử hành bí tích Thánh Thể hoặc giải tôi cho ai thì không những bí tích không thánh sự mà người làm những việc này còn tức khắc bị vạ tuyết thông tiền kết nữa. ( Latae sententiae ) ( x.giáo luật số 1378, triệt 2&3).
Điều kiện để bí tích thành sự
Như đã trình bày ở trên, nếu không có chức linh mục hữu hiệu thì không thể cử hành thành sự các bí tích Thánh Thể, Hòa giải , thêm sức và sức dầu bênh nhân được.
1- Bí Tích Thánh Thể ( Eucharist)
Bí tích này chỉ được cử hành trong khuôn khổ Thánh Lễ Tạ Ơn hay còn gọi là Lễ Mísa, và chỉ có Giám mục và Linh mục được phép cử hành mà thôi. Nhưng dù có chức linh mục thực sự mà cử hành không đúng với ý muốn và phương thức qui định của Giáo Hôi ( kỷ luật bí tích) thi bí tích vẫn không thành sự được. Thí dụ, thay vì dùng bánh không men (unleavened Bread) và rượu nho như Giáo Hội qui định, giả sử có linh mục nào tự ý “phăngra” luật riêng của mình để dùng bánh đa (bánh tráng) và rượu đế lấy cớ đó là sản phẩm của người Viêt Nam, nhất là tự chế ra lời truyền phép (consecration) thay vì đọc đúng phần lễ qui này theo chữ đỏ (rubric) thì bí tích sẽ không thành (invalid). Lại nữa, không phải lúc nào đọc lời truyền phép thì cũng có Mình và Máu Chúa Kitô mà chỉ được đọc trong Thánh Lễ Ta Ơn ( Eucharist) mới có Bí tích Thánh Thể mà thôi. Nói rõ hơn, không thể vào tiệm bánh mì hay tiệm rượu rồi đọc lời truyền phép mà có Bí Tích được, dù có chức linh mục. Tóm lại, không thể có bí tích Thánh Thể ngoài Thánh Lễ Tạ Ơn, là “đỉnh cao của đời sống thiêng liêng của Giáo Hội nói chung và của mọi tín hữu nói riêng’’.
2- Bí Tích Truyền Chức Thánh ( Holy Orders) :
Chỉ có Giám mục thực thụ được phép cử hành bí tích này mà thôi. Có điều ngoại lệ ở đây là nếu Giám mục nào của Giáo Hội mà tự ý đặt tay truyền chức giám mục cho linh mục nào thì bí tích vẫn thành sự (validly) nhưng bất hợp pháp ( Illicitly) vì không có phép của Đức Thánh Cha. Trong trường hợp này cả giám mục truyền chức và giám mục được thụ phong đều tức khắc bị vạ tuyệt thông tiền kết ( Latae sententiae) (x. Giáo luật số 1382)
3- Bí Tích rửa tội:
Về bí tích Rửa tội, nếu không dùng nước để đổ trên đầu hay trán của ứng viên ( hoặc dìm đầu xuống nước=immersion ) hay không đọc đúng công thức Chúa Ba Ngôi thì bí tích sẽ không thành sự được trong bất cứ trường hợp nào. Tóm lại, phải có nước lã và đọc đúng công thức “ Tôi ( cha) rửa con (em , anh chị, ông bà)Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Thừa tác viên chính thức của bí tích này là Giám mục và linh mục. Phó tế cũng được phép rửa tội, nhưng thông thường chỉ rửa tội cho trẻ em thôi. Sở dĩ phó tế không được rửa tội cho người lớn vì người lớn ( từ 18 tuổi trở lên) xin rửa tội là những tân tòng (catechumens) phải tham dự lớp giáo lý riêng ( RCIA) trước khi được rửa tội, thêm sức và rước Minh Thánh Chúa trong đêm vọng Phuc Sinh.Vì thế chỉ có linh mục được cử hành ba bí tích này dành cho người tân tòng mà thôi. Nhưng trong trường hợp khẩn cấp, nguy tử thì bất cứ ai – kể cả người chưa được rửa tôi- cũng có thể rửa tội thánh sự nếu làm theo ý Giáo Hội với nước và công thức Chúa Ba Ngôi. ( x. SGLGHCG, số 1256)
4– Bí Tích Sức dầu bệnh nhân:
Chỉ có Giám mục và linh mục được cử hành mà thôi. Và phải dùng dầu đã được làm phép cho mục đích này với công thức sức dầu qui định. Nếu không có dầu thì không thể có bí tích được. Ngoài Giám mục và linh mục ra, không ai được cử hành bí tích này trong bất cứ trường hợp nào. Sở dĩ phải nhấn mạnh điều này ở đây vì có linh mục đã làm phép dầu để bán cho giáo dân với lời dặn là họ có thể sức dầu cho nhau !
5- Bí Tích Hôn Phối :
Riêng bí tích hôn phối, mặc dù thừa tác viên chính của bí tích này là hai người phối ngẫu ( sx, SGLGHCG số 1623) và khi trao đổi lời ưng thuận kết hôn với nhau, họ trao bí tích này cho nhau. Nhưng nếu thiếu một trong những điều kiện cần thiết sau đây thì bí tích sẽ không thành sự được:
a- hai người phối ngẫu phải hoàn toàn tự do muốn kết hôn với nhau , ý thức rõ và thực tâm muốn sống trọn đời mục đích của giao ước này. Hôn phối sẽ vô hiệu lực (không thành sự) nếu bị ép buộc, đe dọa hay lợi dụng kết hôn làm phương tiện để ra nước ngoài, hoặc có ý lừa dối để lấy nhau. Thí dụ : đã có vợ hoặc chồng rồi nhưng khai là chưa từng kết hôn, hoặc không phải là người có danh vọng như bác sĩ, kỹ sư, giám đốc, chủ ngân hàng v.v nhưng mạo nhận để lừa dối người phối ngẫu. ( x. Giáo luật số 1097-98)
b- cả hai đều bình thường (normal) về mặt tâm sinh lý ( không ai có bệnh tâm thần, hoặc bất lực hay khiếm khuyết về cơ năng sinh lý)
c- Phải có hai người làm chứng (witness) trong lễ thành hôn.
d- Hôn lễ phải được cử hành theo đúng nghi thức của Giáo Hội với sự chứng hôn của vị đại diện Giáo Quyền là linh mục hay phó tế. (x. giáo luật số 1108). Đai diện Giáo Quyền sẽ nhận lời bảy tỏ ưng thuận kết hôn của đôi hôn phối và chúc lành cho họ. ( x. SGLGHCG, số 1630)
Bí tích là phương thế hữu hiệu nhất để được nhận lãnh ơn sủng đồi dào của Chùa ban cho chúng ta qua Giáo Hội là Thân Thể Nhiệm Mầu của Chúa Kitô trong trần gian. Nhưng muốn lãnh nhận ơn thánh Chúa qua qua các bí tích Thánh Thể, Hòa giải, Thêm sức Sức dầu và Truyền chức thánh, thì tiên quyết đòi hỏi thừa tác viên các bí tích này phải có chức linh mục thực thụ ( chức giám mục cho bí tích Truyền Chức thánh) như đã nói ở trên.
Đó là về phía Thừa tác viên (Ministers). Về phần người muốn lãnh nhận ơn thánh qua các bí tích nói chung, thì điều kiện tiên quyết và tối cần là phải được chuẩn bị kỹ về mặt giáo lý để hiểu rõ những lợi ích thiêng liêng của bí tích muốn lãnh nhận cũng như có lòng ao ước được hưởng những lợi ích đó. Nếu không có sự chuẩn bị và ước ao này thì ơn thánh sẽ không thể tác động hữu ích trong tâm hồn của người lãnh nhận được. Cụ thể, nếu không được chuẩn bị kỹ để tin rằng bí tích Thánh Tẩy ( Rửa tội) không những tha tội nguyên tổ (trẻ em và người lớn ) và mọi tôi cá nhân (người lớn) cùng với mọi hình phạt hữu hạn của các tội này ( x SGLGHCG số 1263) và có lòng ao ước như vậy thì Ơn thánh Chúa ban qua bí tích này không thể hoạt động hữu hiệu nơi người được rửa tội. Nghĩa là không thể lấy nướcđổ đại trên đầu bất cứ ai rồi đọc công thức rửa tội là người đó được ơn tái sinh của phép rửa.
Trong trường hợp này , việc đổ nước trên đầu cũng ví như đổ trên sỏi đá hay trên bụi gai và nước sẽ trôi đi mà thôi. Ngược lại , nếu được chuẩn bị chu đáo để có lòng tin và ước muôn lãnh nhận, thì tâm hồn sẽ ví như lớp đất xốp và nước tượng trưng cho ơn thánh sẽ thâm sâu vào tâm hồn để sinh ơn ích thiêng liêng trong tâm hồn ấy… Cùng vậy, nếu không tin Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong hình bánh và rượu nho, và không có lòng khao khát muốn rước Chúa vào linh hồn mình đang sạch tội trọng, thì rước Lễ chỉ là ăn chút bánh mì và uống tí rượu trong bữa ăn thường ngày ở nhà mà thôi. Nghĩa là chẳng có lợi ích gì về mặt thiêng liêng cả. Cũng vì lý do này mà Giáo Hội không cho phép trao Minh Thánh Chúa cho người ngoài Công Giáo, dù họ tham dự Thánh lễ chung với tín hữu Công giáo, vì họ không hiểu mục đích và điều kiện của sự hiệp thông trọn vẹn này.
Tóm lại, Ơn Thánh Chúa thì lúc nào cũng dồi dào và hữu hiệu qua các bí tích. Nhưng hiệu quả này không thể được ví như liều thuốc chích vào cơ thể ai thì dù muốn hay không, thuốc vẫn tự tác động trong cơ thể của người ấy. Nếu chích lầm thuốc độc thì bệnh nhân sẽ chết dù không hề mong muốn tai nạn này. Ngược lại, Ơn Thánh Chúa ban qua các bí tích không tự tác động như vậy trong tâm hồn người lãnh nhận nếu không có sự chuẩn bị chu đáo về mặt thiêng liêng để gịục lòng tin, lòng muốn và sạch tội trọng. ( nếu muốn rước Mình, Máu Thánh Chúa qua bí tích Thánh Thể)
Lm. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn