Vị Linh mục này còn nói: “Cái chết của Ngài là cái chết rất đẹp”.
Đức Tổng giám mục Bùi Văn Đọc đặc biệt quan tâm cho những người nghèo. Đầu tháng 11 vừa qua, Đức cha tổ chức bữa cơm cho 600 người nghèo và tặng quà cho họ. Ngài còn chăm lo đến tất cả các giới trong Tổng giáo phận, từ trẻ em, người lớn đến các tổ chức đoàn thể.
Vị Tổng giám mục này còn mở những giáo điểm trong giáo phận xây dựng nhà thờ theo 4 hướng, giúp anh chị em nhập cư có thể sống với niềm tin của mình.
“Việc Ngài làm âm thầm, ít ai biết. Đến cuối đời ngài vẫn lo lắng, bận tâm về hoạt động của giáo phận. Tôi sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành tâm nguyện gửi gắm của Ngài”, Linh mục Xuân nói.
Đức Tổng giám mục Phaolo đã được nhiều người nhận ra ngài là “Con người của yêu thương”, chính vì vậy, mà đã có những vành khăn tang và những giọt lệ của tình yêu dành đặc biệt cho ngài trên những người hiện diện khi nghe biết tinngài ra đi về bên Chúa.
Đặc biệt, khi thi hài ngài từ Rôma trở về với giáo phận vào tối ngày 15/03 thì hơn 18h, chẳng ai bảo ai dọc hai bên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Văn Trỗi (trục đường chính từ sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm TP HCM), nhiều người tín hữu đã mang theo nến sáng, ảnh Tổng giám mục Phaolô… chờ đón đoàn xe tang chở linh cữu Đức Tổng từ sân bay đi qua.
Cùng với thời khắc muôn đời ghi nhớ này, 203 nhà thờ trong Tổng giáo phận TP HCM đã đổ chuông báo tử để báo tin cho mọi người biết, đồng thời cùng dâng lời cầu nguyện cho cố Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc.
Khi di quan Đức Tổng giám mục Phaolô từ Vương cung thánh đường Đức Bà về trung tâm mục vụ đã có hàng nghìn giáo dân đi theo trong trật tự hơn một km với đầy tràn niềm tin và hy vọng.
Và từ rất sớm hay có thể nói là từ cả đêm hôm qua, 16 tháng 3 năm 2017, nhiều người đã canh thức với Đức Tổng trong đêm cuối trước khi cùng Ngài dâng Thánh Lễ tạ ơn.
Với một con số người hiện diện chẳng ai ngờ, vào lúc 8h sang ngày 17/3, thánh lễ an táng đồng tế được cử hành cách trọng thể tại Trung tâm Mục Vụ. Sau đó, thi hài đức Tổng giám mục Phaolô được an táng bên cạnh mộ của cố Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình – trong cung thánh nhà nguyện (cũ) của Tiểu Chủng viện Sài Gòn.
Sống đối thoại – cứu độ cho đến giây phút chót. Đó là tâm tình hết sức tâm tình mà Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã nhấn mạnh qua bài chia sẻ trong Thánh Lễ an táng
Quả là một phần thưởng lớn lao dành cho người tôi trung của Thiên Chúa cũng như dành cho một vị mục tử đã sống hết lòng về sứ mạng và đoàn chiên được trao phó.
Bởi vậy, theo thời gian thân xác của ngài rồi sẽ hòa tan vào lòng đất mẹ, nhưng những danh thơm tiếng tốt sẽ còn lưu truyền mai mãi, đúng như câu ca mà ông bà hằng đề cập đến “ hùm chết để da, người chết để tiếng”.
Qua sự kiện kể trên để rồi chúng ta nhận ra điều còn lại của Đức Giêsu khi Ngài rời bỏ trần gian này mà về cùng Thiên Chúa, được diễn tả cách đặc biệt là trong hành trình mùa chay mà chúng ta đang bước đi mỗi lúc một bước gần tới đỉnh cao, khi Ngài sắp kết thúc của hành trình ở trần gian.
Đỉnh cao mà Đức Giêsu đối diện là cái chết nhục nhã trên thập giá giữa hai tên trộm cướp, nhưng ngay sau đó là sự sống lại vinh quang giữa sự ngỡ ngàng của các thượng tế, luật sĩ, kỳ lão đang vui mừng khi thấy Ngài tắt hơi thở!
Vinh quang này được nhấn mạnh rõ ràng qua việc Chúa nói với tên trộm lành “ ngay hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”.
Vinh quang này được xác nhận một cách công khai qua việc người sĩ quan ngoại giáo tuyên bố “ Quả thật, Ông này là người công chính ”.
Ngoài ra, vinh quang này còn bao trùm trên dân Do Thái, những người mà trước đó đã vào hùa với các thượng tế đòi đóng đinh Chúa vào thập giá một cách mãnh liệt chẳng ngờ.., khi họ “ đấm ngực, cúi đầu ăn năn khóc lóc ra về…”
Theo gương Đức Giêsu, cũng như gương của Đức Tổng Giám Mục Phaolô, cùng biết bao gương sáng khác…mỗi người chúng ta là kitô hữu, chúng ta cũng phải để lại một điều gì đó trong cuộc sống này với Chúa, chứ không phải là sống cho qua ngày đoạn tháng, cho hết kiếp người gian nan, nhục nhằn…
Do đó, đừng ai nghĩ hay cho mình chỉ là kẻ vô danh tiểu tốt, hay là kẻ bất tài, trắng tay, lại đang bị nhiều gian nan, thử thách… đè nặng trên đôi vai gầy,…cho nên, chẳng còn hy vọng gì để có thể vươn lên, hay để mạnh dạn bước tới!
Mỗi sự vật trong trần gian này cho dù có nhỏ bé đến đâu cũng có ý nghĩa và giá trị của chúng, điều quan trọng là sự vật đó có dám sống trọn vẹn điều mình đang có hay không?
Một khi đã nhận biết và dám sống cho đến cùng tức là ta đã chu toàn bổn phận và nhiệm vụ được trao phó. Chính vì vậy, trong mọi hoàn cảnh thuận lợi hay không thuận lợi ta luôn nhận ra “lửa thử vàng, gian nan thử đức”.
Như Đức Giám Mục Gb Bùi Tuần chia sẻ “Cái chết của Đức cố TGM. Phaolô là một bức tâm thư Chúa gởi cho tôi”.
Như Người Giồng Trôm nhận định “Thánh Lễ an táng Đức Tổng Phaolô khép lại nhưng hình ảnh, nhân cách sống và đặc biệt đời sống mẫu mực trong cầu nguyện vẫn còn đâu đó giữa mỗi người.”…
Thiên Quang sss